09/01/2025 lúc 11:06 (GMT+7)
Breaking News

Trường Sơn nơi tôi trở lại (Phóng sự dài kỳ của Anh Bình) - Kỳ 1

Khác với thời mưa bom, bão đạn, đêm Trường Sơn hôm nay chúng tôi thỏa thê cùng nhau quây quần dưới gốc cây rừng, trên chiếc võng đung đưa ở độ cao gần 2 nghìn mét so với mực nước biển, không gian vô cùng tĩnh lặng.

 

Đoàn các nhà khoa học bên cột mốc biên giới Việt Lào

Trường Sơn đông nhớ Trường Sơn Tây

Đối với nghề báo của tôi thật may mắn khi được đi cùng các nhà khoa học lên với Trường Sơn để nghiên cứu, tìm hiểu về Bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) của dãy Trường Sơn. Tôi cũng như các nhà khoa học, ai nấy tay xách, nách mang lỉnh kỉnh, nào là thức ăn, nước uống, máy móc thiết bị; nào là bản đồ, sa bàn định hướng... Bởi dự tính cả đoàn phải lội bộ vượt rừng ba ngày đêm mới có thể lên tới điểm tập kết trên đỉnh Rào Àn một vùng sinh quyển đa dạng trên dãy Trường Sơn Bắc, như mái nhà chung thuộc biên giới Việt- Lào anh em.

Để đến được đỉnh Rào Àn, nơi nhìn xuống ngã ba Đông Dương, chúng tôi phải qua rất nhiều khe suối và những mái núi khổng lồ chặn đứng trước mặt. Đến với Trường Sơn, con người trở nên quá nhỏ bé. Thế nhưng, sau gần 2 ngày đêm bám cây rừng, bám vách đá để vượt dốc, cuối cùng chúng tôi cũng chinh phục được đỉnh Rào Àn thuộc xã biên giới của huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh.

Nhớ lại mỗi lần vượt dốc, ai nấy ngồi nghỉ chân thở phào nhẹ nhõm. Các giáo sư, tiến sỹ trong đoàn kể cho tôi nghe về lịch sử Bắc Trường Sơn: Dãy Trường Sơn Việt Nam là một trong những dãy núi lớn trên thế giới với chiều dài 1.100 km, tính từ sông Cả giáp đến miền Đông Nam bộ. Khoảng 550 triệu năm trước, với sự hình thành tầng đá trầm tích vụn lục địa màu đỏ còn thấy rất rõ trên Tây Nguyên và ở TP Quy Nhơn (Núi 1).

Vào cuối thế kỷ Devon (khoảng 350 triệu năm trước), các hóa thạch thực vật cây vạy, nhóm thực vật cạn nguyên thủy được phát hiện nhiều nơi trong các tầng đá cát kết ở Quảng Bình. Những thảm rừng rộng lớn đã góp phần tạo ra bể than đá Nông Sơn, Quảng Nam; những khu rừng lá kim đã xuất hiện mà ngày nay các hóa thạch cây đã được phát hiện rất nhiều ở Khánh Hòa. Đồng thời, phát hiện ra nhiều loài đặc hữu trong thế giới sinh vật hiện đại ở quần sơn này như: ếch gai hàm Ngọc Linh; sâm Ngọc Linh, mang Trường Sơn, sao la Vũ Quang, nhiều loài bò sát, côn trùng và thực vật đặc hữu... Có thể đây là minh chứng cho sự tiếp nối liên tục của sự sống như cuộc sống hiện tại bây giờ đang được lưu giữ ở Trường Sơn.

Đoàn công tác tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra rừng Hương Sơn

Dấu ấn trầm tích đa dạng, phong phú

Một giáo sư kỳ cựu về lâm học chỉ tay về hướng Bắc, Nam, nói: Dãy Trường Sơn được phân chia thành 2 vùng: Trường Sơn Bắc và Trường Sơn Nam, cả 2 đều có chung đường biên giới với cả 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Nam Trường Sơn chỉ tính trong phạm vi Quảng Nam, Đà Nẵng. Khí hậu ở vùng Trường Sơn Nam, mùa đông lạnh, có gió phơn giống ở Trường Sơn Bắc. Khu vực này bão lũ mưa nhiều, nhưng được phân dị 2 mùa khô và mùa mưa rõ rệt.

Vì thế, giới động thực vật mang tính chuyển tiếp giữa 2 phần Nam - Bắc nên các loài muông thú như voi, gà lôi đặc hữu, sao la, mang lớn, bò rừng, thỏ vằn Trường Sơn, chà vá chân xám, trĩ sao... chủ yếu định cư theo từng vùng, từng mùa như ở Trường Sơn Bắc. Thời tiết, khí hậu phân định ở mỗi vùng trên dãy Trường Sơn đều được biểu hiện rõ trên các loài cây cỏ, động vật và phát triển theo sự biến đổi của khí hậu từng vùng.

Chuyện kể của các nhà khoa học như tiếp thêm sức mạnh để mọi người tiếp tục cuộc hành trình lội suối, trèo non chinh phục đỉnh Trường Sơn kỳ thú này. Ông Hoàng Quốc Huấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh vừa đi vừa kể, nơi đoàn đang hành quân là khu vực biên gới Việt - Lào, thuộc Trường Sơn Đông. Đoạn từ sông Cả (Nghệ An) vào Thừa Thiên - Huế, nếu tính theo chiều ngang của Trường Sơn Đông (Bắc) chỗ hẹp nhất là Đồng Hới (Quảng Bình), từ bờ biển đến chân Trường Sơn là 37 km; độ cao trung bình của Trường Sơn Bắc khoảng 2.000m so với mặt nước biển; thỉnh thoảng có những đỉnh cao trên 2.500m như đỉnh Phu/Pu Xai Lai Leng (biên giới Lào - Nghệ An); đỉnh Phu/Pu Ma 2.194m; Rào Cò (biên giới Bô ly Khăm xay - Hà Tĩnh) 2.235m; Động Ngài (Thừa Thiên Huế) 1.774m; Bạch Mã (ranh giới Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng) 1.444m. Khối núi Phong Nha Kẻ Bàng ở tỉnh Quảng Bình cũng cao tới 1.178m, nơi có động Phong Nha được công nhận là di sản văn hóa thế giới. Nơi đây cũng là vương quốc của núi đá vôi bởi Kẻ Bàng là khối đá vôi lớn nhất Đông Dương với diện tích 2.000 km2 .

Những cánh rừng nguyên sinh thượng nguồn

Trường Sơn bao la - kỳ vĩ

Đứng trên đỉnh Trường Sơn, phóng tầm mắt nhìn về phía biển Đông trông thật gần gũi, thân thương đến nhường nào, bởi đất nước Việt Nam hình chữ S, xa xa cực Nam biển Đông là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Tổ quốc. Quả đúng, có lên non mới biết non cao. Theo phân tích trước đây của cố GS.TSKH Võ Qúy, khi ông đặt chân lên đây từ những năm cuối Thế kỷ XX thì tài nguyên động, thực vật ở khu vực này rất đa dạng, phong phú. Cả khu vực sinh cảnh rừng kín, thường xanh mưa mùa như ở Khe Si, Khe Dẽ, Khe Nước lạnh, Khe Đá liếp... các loài khỉ, voọc, chà vá, gấu, lợn rừng, sơn dương, sao la, mang lớn, mang thường sọc đen... đã được ông và các nhà ghi nhận ở trong các khu vực.

Thác nước Xay Phố nơi du lịch sinh thái ở Hương Sơn

Bắc Trường Sơn bao gồm 6 tỉnh Bắc Trung bộ, từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế. Đây là vùng được đánh giá cao về tính đa dạng sinh học nhất cả nước, kể cả một số vùng trên thế giới. Theo tổ chức Hiệp hội bảo vệ động vật Thế giới (WSPA) thì khu vực rừng Bắc Trường Sơn này có 132 loài thú, 28 họ và 11 bộ, thuộc 4 Vườn quốc gia đó là Vườn quốc gia Bến Em, Vũ Quang, Phong Nha - Kẽ Bàng, Bạch Mã và 3 khu bảo tồn thiên nhiên Pù Mát, Kẻ Gỗ, Pù Huống. Đây là những mái nhà xanh lý tưởng chống biến đổi khí hậu, chống bão tố và sóng biển dâng cao, nới sẵn sàng đón nhận hàng triệu cư dân ven biển khi thủy triều dâng ngập lên sống với Trường Sơn.

Anh Bình