08/11/2024 lúc 17:10 (GMT+7)
Breaking News

Hương Sơn núi non trùng điệp (Phóng sự dài kỳ của Anh Bình) - Kỳ 2

Nhắc tới Hương Sơn là nhắc tới tiềm năng rừng. Rừng Hương Sơn không chỉ là kho báu vàng xanh mà còn là địa chỉ xanh về du lịch sinh thái cho những ai đam mê khám phá sự kỳ ngộ của miền sơn cước nơi Bắc Trường Sơn.

Rừng và người Hương Sơn

Sau khi rời đỉnh Trường Sơn, chúng tôi được Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Hương Sơn Nguyến Văn Thành cho đi thực tế, chiêm ngưỡng màu xanh của núi rừng Hương Sơn. Con đường 8A Việt-Lào như sợi chỉ vắt ngang giữa đại ngàn xanh bao la hùng vĩ, với hơn 100 cây số tính theo chiều ngang của dãy Bắc Trường Sơn tiếp giáp mái núi đất nước Chăm Pa tươi đẹp.

Ngồi trên “con ngựa chiến” chiếc xe thùng bán tải của những người gác rừng Hương Sơn, phóng tầm mắt về 4 phía một màu xanh trùng điệp. Lướt trên những cánh rừng xanh ấy, Thành khoe với chúng tôi, Hương Sơn là vùng đất có rừng rậm đại ngàn, núi non hùng vĩ, cùng với hệ thống khe, suối, hồ đập đã tạo nên những vẻ đẹp khác thường so với những miền quê khác. Địa hình nơi đây giống như cái lòng chảo lọt giữa vòng cánh cung, nơi có nhiều ngọn núi nhô lên tròn như những chiếc nhẫn. Thiên nhiên, địa lý, phong thổ nơi đây đã tích tụ vào các loài cây, cỏ, hoa, trái có giá trị như: chè, cam, quýt, bưởi, mít, dứa... mà nhân dân Hương Sơn vẫn luôn tự hào: "Nhất mẫu trạch bằng bách mầu điền". Đặc biệt, hương đất, khí trời nơi đây đã hội tụ thành "Nguyên khí" mà không nơi nào có được. Nằm trong dải Trường Sơn Bắc chạy dọc với biên giới Việt- Lào, Hương sơn có nhiều dẫy núi cao như núi Bà Mụ, với độ cao 1367m. Cùng với núi Bà Mụ là dẫy Giăng Màn cao 931m, rú Bành 646m ở Sơn Kim 2. Vùng miền hạ Hương Sơn có dãy núi Thiên Nhẫn và dãy Đại Hàm với ngọn núi Mồng Gà nhô lên cao chót vót án ngự nơi địa phận xã Sơn Bình bán sơn địa. Càng xuôi về phía Đông thì núi càng thấp, nhưng ngọn thấp nhất cũng là 400m. Khu vực này hầu hết rừng còn nguyên sinh bao đời được giữ nguyên, cộng với hơn 10 năm nay thực hiện chủ trương đóng cửa rừng nên rừng đầu nguồn Hương Sơn như một kho gỗ quý hiếm ngày một đầy ắp, bởi những quy định khắt khe của chính quyền địa phương: “Nội bất xuất ngoại bất nhập”. Nghề lâm tặc một thủa nay gác kiếm, đổi nghề làm kinh tế bằng cách trồng rừng, bảo vệ rừng bền vững theo chương trình quốc tế FSC.

Cũng theo Hạt trưởng Nguyễn Văn Thành, Hương Sơn có tổng diện tích 77.669 ha, trong đó rừng tự nhiên chiếm đến 65.500 ha, rừng trồng đạt trên 12.000 ha, vì thế độ che phủ rừng Hương Sơn lúc nào cũng đạt từ 75% trở lên.

Người Hương Sơn từ miền thượng xuống miền xuôi họ luôn tự hào về con sông Ngàn Phố trong xanh hiền hòa, đẹp như trong truyện cổ tích. Một dòng sông xanh chảy mãi tới vô cùng ấy cũng đã từng gây ra biết bao trận cuồng phong, bão tố, lũ quét nhưng cũng bồi trúc cho đôi bờ phù sa màu mỡ, cây cối bốn mùa sum suê. Mùa hạ đến, mít, chè, trám, bưởi đầy vườn, mùa đông cam bù vàng đỏ đầy ắp khắp các phiên chợ.

Ông Nguyễn Đệ nguyên Chủ tịch UBND xã Sơn Tây cho biết, sông Ngàn Phố bắt nguồn từ dãy Trường Sơn nơi biên giới Việt - Lào, nước từ nhiều khe suối, chảy về các nhánh sông Nước Sốt, Rào Mắc, Rào Bống, Rào Qua đi qua nhiều làng mạc với chiều dài hơn 69 km đổ về hội tụ thành sông Ngàn Phố về hội nhập tại ngã ba bến Tam Soa, xuôi về sông La.

Sông Ngàn Phố qua biết bao thăng trầm biến cố của lịch sử, sông vẫn thủy chung và ân nghĩa che chở, cưu mang người và đất Hương Sơn, cho mỗi số phận, mỗi cuộc đời trong mưu sinh. Với dân vạn đò, sông Ngàn Phố thường xuyên cung cấp nguồn tôm, cá cho dân cư sông đôi bờ bằng nghề tung chài thả lưới, với người quen giao thương buôn bán từ Hương Sơn ra tận TP. Vinh (Nghệ An) thì sông Ngàn Phố chính là “hệ thống đường thủy quan trọng” kết nối, tiêu thụ sản vật.

Lên với Trường Sơn

Vùng đất du lịch sinh thái

Nhắc tới Hương Sơn là nhắc tới tiềm năng rừng. Rừng Hương Sơn không chỉ là kho báu vàng xanh mà còn là địa chỉ xanh về du lịch sinh thái cho những ai đam mê khám phá sự kỳ ngộ của miền sơn cước. Hương Sơn được trời đất kiến tạo cho những thảm thực vật và động vật vô cùng giá trị, đa dạng, phong phú.

Từ hàng triệu năm đến nay, những cánh rừng nguyên sinh đã sinh tồn và phát triển, có nhiều loài gỗ quý như trắc, sến, pơ-mu, lim, dỗi, vàng tâm... cùng các loài chim, muông thú như công, trĩ, voi, hổ, trăn hoa. Đặc biệt nghề nuôi hươu ở Hương Sơn rất phát triển, đưa lại hiệu quả kinh tế cao.

Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Sơn Phan Xuân Đức cho biết, Hương Sơn có tổng đàn hươu đạt trên 35.000 con trong đó chủ yếu là hươu đực lấy nhung. Phong trào phát triển đàn hươu đã nâng cao thu nhập cho hàng ngàn hộ gia đình, góp phần duy trì, phát triển bảo tồn đàn hươu loài động vật quý hiếm của đất nước. Năm 2021, thu nhập từ nhung hươu đạt gần 160 tỷ đồng, thu nhập từ hươu giống khoảng 100 tỷ.

 Khu rừng gỗ pơ mu hàng 100 tuổi ở Vườn quốc gia Vũ Quang khi chúng tôi có mặt chứng kiến nhiều cây 5 người ôm không xuể

Hương Sơn ngày càng được nhiều du khách biết đến với hệ sinh thái rừng - nông nghiệp. Sơn Kim 2 có diện tích đất tự nhiên hơn 20.000 ha với nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế vườn đồi, trồng rừng. Đặc biệt, thế mạnh của địa phương là vùng sản xuất chè công nghiệp có diện tích lớn nhất tỉnh với hơn 400 ha. Sản phẩm chè của Sơn Kim 2 đã được xây dựng đạt tiêu chuẩn VietGAP, hiện đang tiếp tục xây dựng theo tiêu chuẩn RA. Đây là địa chỉ thu hút du khách tham quan, trải nghiệm trồng, thu hái chè, chụp ảnh lưu niệm, ảnh cưới... Tiếp đó, du khách sẽ trải nghiệm câu cá tại một số hồ đập, khe suối tự nhiên lớn nhỏ nằm ven các sườn đồi như: hồ Khe Rồng, hồ Cây Choại, hồ Đá Bấn, khe Rào Mắc...

Nói về du lịch văn hóa sinh thái cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, nơi hội tụ những cánh rừng già tạo thành chuổi du lịch sinh thái đầy ắp gỗ quý, suối nước nóng Sơn Kim, Núi Nầm…Nói về du lịch tâm linh, Hương Sơn có nhiều đền thờ, địa danh lịch sử, danh nhân nổi tiếng minh chứng hùng hồn cho vùng đất tụ nghĩa, luôn được nhân dân ngưỡng vọng để tri ân như Khu mộ Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, chùa Cao, chùa Tượng Sơn..

Lực lượng gác rừng nghỉ ngơi dưới gốc cây rừng

“Hương Sơn có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế, cơ hội thuận lợi cho các nhà đầu tư. Nhiệm kỳ 2020-2025, Hương Sơn tiếp tục thu hút đầu tư và huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ là một trong những giải pháp mà địa phương đang tích cực thực hiện để tạo đột phá. Đồng thời, huyện cũng ban hành các chính sách ưu đãi, thu hút doanh nghiệp, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh lớn, có thương hiệu đến đầu tư phát triển.

Tập trung phát triển đa dạng các loại hình du lịch trên cơ sở khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế đặc thù của địa phương như: du lịch văn hóa - lịch sử; du lịch sinh thái, trải nghiệm nghỉ dưỡng - chữa bệnh; du lịch tâm linh, tín ngưỡng...” - Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn Nguyễn Quang Thọ tự hào khoe với chúng tôi.

Anh Bình