25/12/2024 lúc 14:04 (GMT+7)
Breaking News

Trung tâm Đào tạo, Nghiên cứu Độc học và Phóng xạ, Học viện Quân Y: 65 năm một chặng đường lịch sử và vinh quang

Phát biểu tại Lễ đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba và kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống Học viện Quân y (10/3/1949 - 10/3/2024), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang khẳng định, Học viện đã đạt được những bước tiến vượt bậc trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, điều trị, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng. Góp sức vào thành công ấy có dấu ấn đóng góp quan trọng của tập thể cán bộ Trung tâm Đào tạo,Nghiên cứu Độc học và Phóng xạ với chiều dài hơn 65 năm xây dựng và trưởng thành.

Năm 1957, Trường Quân y sĩ được chuyển thành Trường Sĩ quan Quân y, nằm trong hệ thống các nhà trường chính quy trong Quân đội. Các chuyên ngành y học quân sự được Quân đội và Nhà trường chú ý phát triển. Trong bối cảnh đó ngày 13/01/1959, Bộ môn Hóa học Nguyên tử (tiền thân của Trung tâm Đào tạo, nghiên cứu độc học và phóng xạ ngày nay) với phiên hiệu K20 được thành lập, làm nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học về các biện pháp y học trong phòng, chống vũ khí hoá học và vũ khí hạt nhân.

Trải qua 65 năm với nhiều lần tách, nhập, đổi tên theo yêu cầu nhiệm vụ cũng như sự phát triển của chuyên ngành, Trung tâm Đào tạo, nghiên cứu độc học và phóng xạ đã có nhiều đóng góp cho thành tích chung của Học viện Quân y, ngành Quân y và nền Y học Việt Nam, như: Giúp ngành Quân y chỉ đạo và tiến hành công tác phòng, chống vũ khí hóa học do đế quốc Mỹ sử dụng trong chiến tranh; biên soạn tài liệu, huấn luyện cán bộ quân y các biện pháp phòng, chống vũ khí hóa học, nghiên cứu các thuốc và biện pháp cứu chữa thương binh nhiễm chất độc hóa học; hướng dẫn bộ đội sử dụng các phương tiện phòng hóa... Trong những năm gần đây, Trung tâm thực hiện các nhiệm vụ: Chỉ đạo, hướng dẫn, tư vấn công tác phòng, chống nhiễm độc cho các tuyến quân y; nghiên cứu khoa học và đào tạo cán bộ chuyên ngành; xác định độc chất trên bệnh nhân nhiễm độc; điều trị bệnh nhân nhiễm độc. Đặc biệt, trong hơn 20 năm qua (2003 - 2024), Trung tâm đã và đang thực hiện gần 25 đề tài thuộc chuyên ngành độc học và phóng xạ; hầu hết thuộc lĩnh vực y học quân sự phòng, chống nhiễm độc trong thời chiến (chất độc quân sự) và thời bình (độc tố tự nhiên), ứng phó với các sự cố phóng xạ… Thông qua hoạt động phòng, chống nhiễm độc, Trung tâm đã góp phần tạo nên điểm sáng trong chuỗi các hoạt động kết hợp quân - dân y; đồng thời sát cánh cùng với mạng lưới chống độc và an toàn vệ sinh thực phẩm của quốc gia trong hầu hết các vụ ngộ độc lớn hay ngộ độc tác nhân mới hoặc chưa rõ nguyên nhân.

“Nhà trường gắn liền với chiến trường, đào tạo và nghiên cứu gắn liền với thực tiễn là phương châm hành động của chúng tôi” - Đại tá, TS Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Đào tạo, Nghiên cứu Độc học và Phóng xạ, Học viện Quân y khẳng định.

Trung tâm Đào tạo, Nghiên cứu Độc học và Phóng xạ thuộc Học viện Quân y chỉ là một cơ quan nhỏ nếu xét về số lượng nhà khoa học, nhà giáo cơ hữu. Thế nhưng giá trị những đề tài khoa học và “sản phẩm” đào tạo, nghiên cứu của trung tâm lại mang tầm vóc quốc gia và góp phần rất lớn vào nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của Quân đội ta hiện nay. Đi dọc các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc, nhất là các tỉnh Tây Bắc, ở đâu chúng ta cũng thấy các sản phẩm truyền thông như phim, ảnh, tờ rơi, tài liệu tuyên truyền về thực vật độc, nấm độc. Các trung tâm y tế cơ sở được cung cấp tài liệu nhận dạng, chẩn đoán, xử trí cấp cứu và điều trị ngộ độc thực vật. Những sản phẩm đó là thành quả nghiên cứu miệt mài của các nhà khoa học thuộc trung tâm do Đại tá, TS Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm chủ trì, được Bộ Y tế nghiệm thu và cho phát hành trong cộng đồng cũng như hướng dẫn mạng lưới y tế cơ sở triển khai, áp dụng. Hoạt động này đã giúp giảm đáng kể số vụ, số người tử vong do ngộ độc nấm, thực vật độc nhiều năm qua.Thông qua hoạt động phòng, chống nhiễm độc, Đại tá, TS. Hoàng Anh Tuấn và đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học của Trung tâm đã góp phần tạo nên điểm sáng trong chuỗi các hoạt động kết hợp quân-dân y. Đồng thời, Trung tâm luôn sát cánh cùng mạng lưới chống độc và an toàn vệ sinh thực phẩm của quốc gia trong hầu hết các vụ ngộ độc lớn hay ngộ độc tác nhân mới hoặc chưa rõ nguyên nhân.

Được biết, công tác phòng, chống nhiễm độc cho cộng đồng mới chỉ là một trong nhiều công việc quan trọng mà Trung tâm Đào tạo, Nghiên cứu độc học và Phóng xạ đảm nhiệm. Với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học về phòng, chống vũ khí hóa học và vũ khí hạt nhân, trong 65 năm qua, trung tâm đã lập được những chiến công xuất sắc, có tiếng vang tầm quốc tế. Trong sự cố Nhà máy điện nguyên tử Chernobyl năm 1986 (Liên Xô trước đây), thuốc bảo vệ phóng xạ do Việt Nam sản xuất để ủng hộ các nạn nhân của sự cố được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Đó chính là sản phẩm của loạt công trình nghiên cứu điều kiện phóng xạ tự nhiên (trên mặt đất và trong vũ trụ) do Đại tá, GS, TSKH Nguyễn Xuân Phách chủ trì. Nghiên cứu phòng, chống chiến tranh hạt nhân được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quan tâm từ rất sớm với việc thành lập Bộ môn Hóa học-Nguyên tử (tiền thân của Trung tâm) ngày 13-1-1959. Chặng đường hơn 65 năm qua, việc tách-nhập bộ môn, cũng như trung tâm có nhiều lần tách-nhập, nhưng nhiệm vụ nghiên cứu về phóng xạ liên tục phát triển với rất nhiều đề tài phù hợp thực tiễn Việt Nam.Cùng với nghiên cứu phòng, chống chiến tranh hạt nhân; nghiên cứu khoa học về độc học và biện pháp phòng, chống vũ khí hóa học trong chiến tranh hiện đại cũng là một nhiệm vụ trọng tâm của trung tâm. Các nhà khoa học của Trung tâm đã tham gia nhiều đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước và cấp bộ. Tiêu biểu như loạt đề tài do GS, TSKH Nguyễn Hưng Phúc chủ trì về đặc điểm tổn thương do vũ khí hủy diệt hàng loạt và biện pháp phòng, chống; loạt đề tài do PGS, TS Nguyễn Bằng Quyền chủ trì về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho bộ đội trong điều kiện địch sử dụng vũ khí hóa học và sinh học, được giới chuyên gia trong ngành đánh giá rất cao.

Trung tâm Đào tạo, nghiên cứu độc học và phóng xạ vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2019.

Đặc biệt, Trung tâm Đào tạo, Nghiên cứu Độc học và Phóng xạ, Học viện Quân y cũng là cơ quan đã cử cán bộ tham gia khảo sát, nghiên cứu tác hại và biện pháp khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng ở Việt Nam ngay sau ngày thống nhất nước nhà. Trước đó, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đề tài xử trí nhiễm độc CS được các nhà khoa học của trung tâm dốc sức nghiên cứu. Tủ thông gió lọc độc là sản phẩm do chính cán bộ trung tâm thiết kế dùng để tiến hành thí nghiệm về tác dụng của chất độc. Một số cán bộ, nhân viên của Trung tâm đã tình nguyện ở trong tủ lọc độc một thời gian dài để nghiên cứu tác dụng của chất độc kích thích CS và tác dụng bảo vệ của ống chống khói. Từ những nghiên cứu này, các biện pháp và phương tiện phòng, chống chất độc CS do đế quốc Mỹ sử dụng đã được phổ biến và trang bị cho bộ đội ở chiến trường. “Nhà trường gắn liền với chiến trường, đào tạo và nghiên cứu gắn liền với thực tiễn là phương châm hành động của chúng tôi” - Đại tá, TS Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm khẳng định. Những sản phẩm, đề tài như: Hộp thuốc phòng hóa cá nhân, phương pháp xử lý bỏng do phốt-pho trắng, xử lý nhiễm độc CS... của trung tâm trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước là kết quả trực tiếp từ những lần đi thực tế chiến trường của đội ngũ cán bộ trung tâm. Một số bác sĩ, kỹ thuật viên của trung tâm đã anh dũng hy sinh khi đi nghiên cứu và phục vụ chiến trường. Đó là những tấm gương hy sinh vì Tổ quốc và vì tính nhân văn của hoạt động nghiên cứu độc học và phóng xạ.

Với những thành tích xuất sắc trong công tác chuyên môn, đào tạo và nghiên cứu khoa học, nhiều năm liền Trung tâm Đào tạo, Nghiên cứu Độc học và Phóng xạ, Học viện Quân y đều hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đơn vị và đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng. Từ đây, Trung tâm đã vinh dự được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước,Bộ Quốc phòng như Huân chương Chiến công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2019 nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống (13/1/1959 - 13/1/2019).

Tiến Đức