26/04/2024 lúc 08:28 (GMT+7)
Breaking News

Trong cuộc đời có thể bỏ đi nhiều thứ, nhưng lòng biết ơn xin hãy giữ lại

Khác với các buổi chào cờ ở những tuần trước, buổi chào cờ sáng thứ 2 hôm nay (ngày 19/9), thầy và trò Trường THPT Nguyễn Văn Tố (quận 10) đã được tham gia Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp với chủ đề: Giá trị của lòng biết ơn. Đặc biệt hơn hết buổi diễn thuyết lần này do thầy Nguyễn Thành Nhân – Cố vấn cấp cao Hệ Thống Giáo Dục ATY chủ trì. Trong bài giảng của thầy Nhân có các nhân vật thật, nhân chứng sống đã làm lay động trái tim, lấy đi nước mắt của nhiều người ngay tại sân trường.

 

Thầy Nguyễn Thành Nhân đã có buổi diễn thuyết cảm động, lấy đi nước mắt của bao người ngay tại sân Trường THPT Nguyễn Văn Tố (quận 10)

Đến tham dự buổi diễn thuyết của thầy Nguyễn Thành Nhân có cô Trần Thị Tuyết Lan - Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận 10, thầy Nguyễn Vi Tường Thụy - Bí thư chi bộ Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Tố, Cô Phạm Thị Thanh Bình - Phó hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Tố, cô Đoàn Thị Nụ - Phó hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Tố, ban đại diện cha mẹ học sinh và học sinh của Trường THCS Nguyễn Văn Tố, Quận 10 cùng quý thầy cô ở các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn quận 10.

Trong cuộc đời có thể bỏ đi nhiều thứ, nhưng cần giữ lại một thứ, đó là lòng biết ơn. Lòng biết ơn có thể thay đổi cuộc sống của bạn một cách vô cùng kỳ diệu và không thể ngờ tới. Lòng biết ơn không phải chỉ là biết ơn thầy cô, biết ơn bạn bè, biết ơn những người đã giúp đỡ mình trong cuộc sống – mà trước hết hãy biết ơn cha mẹ - đấng sinh thành nuôi dưỡng ta thành người.

Trong bài giảng của mình trước hàng trăm con người dưới sân Trường THPT Nguyễn Văn Tố, thầy Nguyễn Thành Nhân đã kể nhiều câu chuyện có thật về công lao thầm lặng, sự hi sinh lớn lao của đấng sinh thành; khiến những người nghe, đặc biệt là các em học sinh nhận ra rằng dường như cuộc sống vội vã đang khiến các bạn trẻ ít để ý đến lời cảm ơn đến cha mẹ của mình. Đó là câu chuyện của bạn học trò tốt nghiệp ở trường Đại học Harvard danh giá đã xấu hổ khi cha mình đến dự lễ tốt nghiệp bằng chiếc xe hơi cũ kỹ, để rồi sau này cậu học trò ấy hối hận khi biết được cha đã để lại cho mình số tiền lớn. Nhưng tất cả đã không còn kịp nữa vì ông đã mất mà không nhìn được mặt đứa con trai yêu quý của mình. Sự ăn năn, hối hận khi không được kề cận cùng cha mẹ ở tuổi xế chiều chắc có lẽ sẽ theo cậu học trò ấy mãi về sau. Hay là hình ảnh người mẹ nghèo tảo tần sớm hôm đi xin từng đồng tiền lẻ, từng nắm gạo nhân đạo của người đời để gom góp mỗi tháng đủ 30kg gạo đem lên trường cho con được đi học...

Trong cuộc sống còn rất nhiều câu chuyện cảm động khiến người đời day dứt mãi không thôi. Và sự thổn thức ấy càng thể hiện rõ nét khi thầy giáo trẻ Nguyễn Thành Nhân đặt câu hỏi: Ở nơi đây, ai đã từng ít nhất một lần vô tình hay cố ý khiến cha mẹ phiền lòng? Tất cả đều đồng loạt đưa tay. Lúc này, cả sân trường dường như không một tiếng nói mà chỉ còn lại tiếng khóc, tiếng nức nở của học sinh, của phụ huynh và giáo viên. Có lẽ, từng lời nói của thầy đã chạm đến trái tim của biết bao người.

Chỉ vỏn vẹn hơn 1 tiếng đồng hồ, nhưng bài giảng của thầy Nguyễn Thành Nhân đã giúp các bạn và mọi người nhận ra đâu là giá trị đích thực của cuộc sống, chính là trân quý và không ngại bày tỏ lòng biết ơn với những người xung quanh, đặc biệt là cha mẹ mình. Bởi người ta thường nói, trong cuộc đời có thể bỏ đi nhiều thứ, nhưng lòng biết ơn xin hãy giữ lại. Lòng biết ơn sẽ giúp xây dựng nên nhân cách của con người, giúp họ nhìn nhận cuộc sống bằng đôi mắt màu hồng. Lòng biết ơn còn là một giá trị sống, đồng thời là một phương châm ứng xử nhân văn, tinh tế để góp phần làm nên vẻ đẹp nhân cách của con người. Nhờ có lòng biết ơn của thế hệ sau đối với thế hệ trước, của hậu duệ đối với tiền nhân, của con cháu đối với ông bà, cha mẹ mà các thế hệ người Việt Nam đã bồi đắp nên truyền thống văn hóa tri ân “Ăn quả nhớ người trồng cây”. Và chắc chắn những người có lòng biết ơn sẽ thành công trong cuộc sống cũng như sự nghiệp.

Lòng biết ơn không tự nhiên sinh ra mà có, mà cần được giáo dục, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và giữ gìn, nâng niu, bảo toàn như một “báu vật”. Vì đó là giá trị đạo đức, văn hóa của mỗi con người. Lòng biết ơn bao gồm cả những điều nhỏ nhất như biết ơn một miếng bánh khi đói, tấm áo ấm khi lạnh, đôi dép lành lặn để đi... cho đến những điều lớn lao hơn như cha mẹ cho ta hạnh phúc đủ đầy, lớn lên trong sự sung túc, cơ thể lành lặn và khỏe mạnh. Hãy sống biết ơn để thấy cuộc đời tươi đẹp, để dẫn lối ta đến ánh sáng le lói nơi cuối con đường. Đứa trẻ học và thấu cảm được lòng biết ơn chân thành sẽ biết cho đi để nhận lại niềm vui và sự thư thái trong tâm hồn.

Hơn lúc nào hết, ngay lúc này, thầm cảm ơn khi ta ở đây, ngay tại sân Trường THPT Nguyễn Văn Tố này để lắng nghe những lời hay ý đẹp, để được nhìn lại mình, nhìn lại cuộc đời./.

Trí Đức - Hoàng Châu