21/11/2024 lúc 15:55 (GMT+7)
Breaking News

Trong âm vang tiếng chày trên sóc Bom Bo

Chúng tôi trở lại Bom Bo vào dịp huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) tổ chức chào mừng 50 năm Ngày giải phóng huyện Bù Đăng (14/12/1974- 14/12/ 2024) và Lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo” diễn ra trong 3 ngày, từ 8 đến 10-11. Có thể nói, chưa bao giờ sóc Bom Bo lại rộn rã đến thế, từ bom đạn, khổ đau trong chiến tranh, giờ đang vươn mình trở thành vùng quê giàu đẹp, xứng đáng với quá khứ hào hùng trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm.

Tiết mục biểu diễn cồng chiêng của đồng bào dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo trong một lễ hội truyền thống

Tiếng vọng từ đại ngàn

Từ TP Đồng Xoài, theo quốc lộ 14, chúng tôi chạy xe máy chừng 40km đến ngã ba Minh Hưng (xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng). Sau đó tiếp tục đi trên con đường thảm nhựa phẳng lì, uốn lượn qua những ngọn đồi xanh mướt cà phê, điều. Hai bên đường có những ngôi nhà cao tầng mới xây, thay dần nhà dài đơn sơ của người S’tiêng thuở trước. Phải mất gần một giờ đồng hồ chạy xe gắn máy, chúng tôi mới tìm được nhà ông Điểu M’Riêng (sinh năm 1953, đồng bào S’tiêng, ngụ xã Đường 10) – con người rõ chuyện sóc Bom Bo. Sau lời chào hỏi thân tình, ông M’Riêng chia sẻ, căn cứ Nửa Lon (nay thuộc thôn 4, xã Đường 10), ghi dấu việc mở hành lang nối liền hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa với tiền tuyến lớn miền Nam. Hồi đó khó khăn, thiếu thốn, mỗi người chỉ được nửa lon gạo trong một ngày nên cái tên Nửa Lon ra đời.

Tái hiện hoạt động giã gạo nuôi quân của người đồng bào dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo

Năm 1965, để chuẩn bị cho chiến dịch Đồng Xoài - Phước Long, đồng bào S’tiêng ở sóc Bom Bo vào căn cứ huy động cối, chày giã gạo nuôi quân. Chỉ trong 3 ngày đêm người dân Bom Bo giã 5 tấn gạo, giúp bộ đội ăn no, đánh khỏe. Cảm động trước tấm lòng yêu nước, thủy chung với cách mạng của bà con nơi đây, cố Nhạc sĩ Xuân Hồng viết nên ca khúc bất hủ “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” đã đi vào lòng bao thế hệ người dân Việt. Ông Điểu M’Riêng hồi ức: “Khi ấy, đồng bào S’tiêng trồng lúa trên nương rẫy và giã gạo bằng chày, sẵn sàng bỏ lại nhà cửa đi theo cách mạng. Ngày thì trồng lúa mì, tối thức trắng đêm giã gạo nuôi quân, “bao nhiêu gạo là bao nhiêu tình”, không đong đếm được”. Sóc Bom Bo đi vào huyền thoại và bất diệt với thời gian, khi tên đất, tên người, từng con sông, ngọn núi đã in đậm ký ức hào hùng của một thời bão đạn của cuộc chiến vệ quốc.

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người đồng bào dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo

Trở ra thôn Bom Bo (nay thuộc xã Bình Minh, huyện Bù Đăng), chúng tôi tìm gặp già làng Điểu Lên (sinh năm 1945), người đồng bào S’tiêng. Già Điểu Lên lưu giữ những ký ức một thời hào hùng của buôn làng và cũng là đại diện ưu tú cho người S’tiêng trong những năm tháng khốc liệt của chiến tranh. Sinh ra trong một gia đình S’tiêng giàu truyền thống cách mạng, lớn lên trên mảnh đất Bom Bo. Cũng như bao người con của buôn làng, già Điểu Lên không biết “cái chữ nó như thế nào” nhưng tinh thần cách mạng được hun đúc từ rất sớm. Lên 15 tuổi, già Điểu Lên đã là cậu bé giao liên, làm nhiệm vụ đưa thư cho cán bộ trong căn cứ, chưa tròn tuổi đôi mươi, ông nhập ngũ. Trong kháng chiến chống Mỹ, già Lên tham gia hơn 40 trận, nhiều lần lập công, được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt ác phá kìm”, “Dũng sĩ diệt Mỹ - Ngụy”.

Hòa bình lập lại, bỏ cây súng về với đời thường, già Điểu Lên còn sưu tầm những hiện vật gắn liền với Bom Bo, những câu chuyện về tấm gương con người làm rạng danh Bom Bo. Nó giống như hồn thiêng sông núi, tiếng vọng về từ phía đại ngàn đến hôm nay để giáo dục truyền thống cách mạng cho bao thế hệ người dân Bom Bo.

Nghề nấu cơm lam truyền thống của người đồng bào dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo

Giữ hồn văn hoá S’tiêng

Đối diện nhà già Điểu Lên bên kia đường là Khu Bảo tồn Văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo với hơn 113ha, do UBND huyện Bù Đăng quản lý. Nơi đây có nhà dài truyền thống của người S’tiêng nhánh Bù Lơ ở Bình Phước, mái lợp cỏ tranh, vách làm bằng thanh tre và cột tận dụng gỗ rừng. Gần đó có bộ cồng, chiêng lớn nhất Việt Nam được đúc tại làng đồng Nam Định, mỗi chiếc nặng từ 130kg đến 750kg. Ngay khu vực lễ hội là bộ đàn đá 20 tấn đạt kỷ lục nặng nhất Việt Nam, được khai thác từ vùng núi Bình Phước và Tây Nguyên, mỗi thanh đàn từ 400kg đến 600kg, tương ứng với một nốt nhạc.

Du khách tham qua Trảng cỏ Bù Lạch – một trong những danh lam nổi tiếng ở huyện Bù Đăng

Anh Điểu Cóc, người đồng bào S’tiêng, tâm sự: “Bà con Bom Bo hôm nay vẫn giữ y bản sắc văn hóa truyền thống, với làn điệu dân ca, múa truyền thống và đánh cồng chiêng trong những đêm hội. Việc khôi phục, xây dựng sóc Bom Bo trở thành điểm di tích lịch sử văn hóa, có ý nghĩa không chỉ đối với bà con dân tộc S’tiêng mà còn là niềm tự hào vùng đất Bù Đăng, góp phần giữ gìn truyền thống cách mạng, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, du lịch của địa phương”.

Phụ nữ đồng bào dân tộc S’tiêng trên nương lúa

Sau khi tham quan một vòng, chúng tôi dự buổi biểu diễn văn hóa, nghệ thuật của già trẻ, trai gái người đồng bào dân tộc S’tiêng ngay tại khu vực sân lễ hội. Chính giữa là nơi để đốt lửa, khi một bó củi lớn được đốt lên, hình dung như ánh lửa lồ ô bập bùng, là lúc các nghệ nhân cồng, chiêng và nghệ nhân say sưa theo nhạc điệu đêm rừng. Các nghệ nhân cũng tái hiện lại hình ảnh bà con Bom Bo đốt đuốc lồ ô, giã gạo thâu đêm để phục vụ chiến trường. Và cũng thêm một lần, chúng tôi được cảm nhận sâu sắc hơn lời hát: “Đuốc gần tàn nhịp chày thêm rắn rỏi, bóng trăng lên vừa khỏi đỉnh đồi cây. Người chưa ngơi đã sẵn có người thay, cối gạo vơi đi rồi cối gạo lại đầy…”. Trời dần về khuya, mọi người mới chia tay ra về trong bịn rịn.

Theo lãnh đạo Khu bảo tồn Văn hóa S’tiêng sóc Bom Bo, địa phương có 13 đội cồng chiêng với khoảng 70 nghệ nhân biết nghệ thuật trình diễn cồng chiêng, mang ý nghĩa nghi lễ và tâm linh. Huyện cũng chú trọng xây dựng nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng thành sản phẩm du lịch đặc trưng để trình diễn tại Khu bảo tồn Văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, phục vụ bà con và du khách.

Vui cùng tiếng chày ngày hội

Rời Khu bảo tồn văn hoá S’tiêng sóc Bom Bo, chúng tôi đến tham quan hàng loạt con thác hùng vĩ như: Thác Voi, Thác Bù Xa, Trảng cỏ Bù Lạch, Thác Đứng, Thác Pan Toong cùng nhiều cảnh đẹp nên thơ do thiên nhiên ban tặng trải khắp vùng đất. Bù Đăng còn có lễ hội của người S’tiêng, M‘Nông, người Tày, Nùng hay Ê Đê, Châu Mạ. Tiềm năng du lịch dồi dào của Bù Đăng đang mời gọi du khách “Về đường này thăm sóc Bom Bo”. Đặc biệt, Bù Đăng tổ chức Lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo” từ ngày 8 đến ngày 10-11-2024 với hội nghị “Khởi nghiệp du lịch” – công bố kết nối tour du lịch, lễ hội “Kết bạn cộng đồng” của người S’tiêng, trình diễn hòa tấu 50 bộ đàn đá, chạy việt dã xung quanh đồi Xuân Hồng, chủ đề “Đường về sóc Bom Bo”; “Đêm hội Bom Bo”.

Du khách đến vui chơi tại Lễ hội “ Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo”

Và một trong những sự kiện quan trọng được dư luận quan tâm là Hội nghị khởi nghiệp du lịch năm 2024 do UBND huyện Bù Đăng tổ chức với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư, chuyên gia ngành du lịch. Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH tổ chức sự kiện truyền thông du lịch Newstar Media (tỉnh Bình Dương) cho biết, Bù Đăng có truyền thống giã gạo nuôi quân của người dân sóc Bom Bo và Khu bảo tồn Văn hóa dân tộc S’tiêng lưu giữ giá trị văn hóa - lịch sử của dân tộc S’tiêng nên công ty đã xây dựng tour du lịch kết nối Bù Đăng với chủ đề “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo”. Ông Tuấn “hiến kế”, để phát triển du lịch, địa phương cần quan tâm đầu tư nhà hàng, khách sạn, các điểm tham quan, nghỉ dưỡng phục vụ du khách khi đến Bù Đăng.

Còn ông Nguyễn Đức Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Việt Phước (tỉnh Bình Phước) cho rằng, địa phương cần nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa gắn với bảo tồn và phát huy đa dạng, phong phú, nhất là trong các chương trình lễ hội văn hóa trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Già làng Điểu Lên vui vầy bên con cháu

Trở lại Bù Đăng, chúng tôi mừng vì bà con đồng bào S'tiêng vẫn giữ gìn văn hoá đặc trưng vốn có, nhưng còn đó trăn trở vì địa phương đang gặp khó khăn trong thu hút dự án đầu tư phát triển các loại hình du lịch. Hy vọng rằng với những kế hoạch dài hơi cùng những dự án đầu tư tầm cỡ vào du lịch sẽ góp phần đưa kinh tế - xã hội, đời sống người dân huyện Bù Đăng phát triển và cũng để nhịp chày giã gạo ngân vang trên sóc Bom Bo huyền thoại.

Ông Vũ Văn Mười, Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng cho biết, sóc Bom Bo không chỉ giàu truyền thống cách mạng mà còn đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, có những nét văn hóa độc đáo, khác biệt như nghệ thuật trình diễn cồng chiêng, lễ kết bạn cộng đồng và nhiều di sản văn hóa phi vật thể đã và đang làm phong phú thêm kho tàng di sản của Việt Nam. 2024 là năm đầu tiên huyện Bù Đăng tổ chức Lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo”. Lễ hội được đông đảo người dân, du khách trong và ngoài huyện mong đợi không chỉ bởi không khí vui tươi rộn ràng mang thương hiệu riêng của Bom Bo, Bù Đăng mà còn bởi sự cuốn hút của cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và những nét văn hóa tiêu biểu”.

Sóc Bom Bo nhìn từ trên cao

Bà Trần Tuyết Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, Lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo” là cơ hội để mọi người gặp gỡ, giao lưu, cùng nhau trải nghiệm trong không gian văn hóa đặc sắc. Và là dịp để cùng nhau cam kết bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử này. Tỉnh Bình Phước sẽ nỗ lực hết mình để cùng cộng đồng bảo vệ, phát triển các giá trị văn hóa nói chung và lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo” trên địa bàn huyện Bù Đăng nói riêng. Từ đó góp phần xây dựng, phát triển hệ giá trị văn hóa, con người Bình Phước toàn diện; bảo tồn tính đa dạng trong thống nhất của văn hóa các dân tộc, tôn giáo trong tỉnh; bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, nghệ thuật truyền thống, thuần phong, mỹ tục trong nhân dân; sẵn sàng tiếp thu những yếu tố khoa học, tiến bộ, tinh hoa văn hóa nhân loại.

Bùi Thanh Liêm – Hoàng Bắc

...