19/01/2025 lúc 16:09 (GMT+7)
Breaking News

Trao đổi kinh nghiệm về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Việt Nam và Nhật Bản

Bộ Tư pháp Việt Nam vừa phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA) tổ chức Hội thảo “Trao đổi kinh nghiệm về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Việt Nam và Nhật Bản”.

Bộ Tư pháp Việt Nam vừa phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA) tổ chức Hội thảo “Trao đổi kinh nghiệm về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Việt Nam và Nhật Bản”. Hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến có điểm cầu chính tại Hà Nội kết hợp với các điểm cầu tại Bộ Tư pháp Nhật Bản (Tokyo), Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Namcác bộ, ngành, địa phương của Việt Nam. PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện Chính sách, pháp luật và quản lý dự và trình bày tham luận.

Quang cảnh Hội thảo

Đồng chủ trì Hội thảo có TS. Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) Bộ Tư pháp và ông Watanabe Yoshitaka, chuyên gia pháp lý Bộ Tư pháp Nhật Bản, chuyên gia dài hạn của Dự án JICA. Tham dự Hội thảo có TS. Trần Văn Đạt, Q. Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Đại tá Phạm Đức Hoài, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Quốc phòng; ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Dai Murakami và Bà Eriko Kikuchi, Luật sư của Chính phủ Nhật Bản (trực tuyến từ từ Tokyo) và nhiều đại diện từ các cơ quan trung ương và địa phương của Việt Nam.

Theo báo cáo tại Hội thảo,sau 09 năm thực hiện Luật PBGDPL có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013, công tác PBGDPL trên toàn quốc đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hoạt động PBGDPL cũng đã được thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, sáng tạo, phù hợp với từng vùng, miền, từng nhóm đối tượng, quan tâm hơn đến nhóm đối tượng đặc thù. Ngoài các hình thức truyền thống, các cơ quan, tổ chức chú trọng hơn đến ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL. Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như nội dung PBGDPL đôi lúc còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm, chưa bám sát yêu cầu thực tiễn; cơ sở vật chất, kinh phí dành cho công tác PBGDPL chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL còn chưa đồng đều ở các bộ, ngành, địa phương.

Các chuyên gia từ Bộ Tư pháp Nhật Bản đã giới thiệu những kinh nghiệm về phổ biến, giáo dục pháp luật ở Nhật Bản thông qua hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ pháp lý, cung cấp thông tin, hướng dẫn về chính sách, pháp luật cho người dân nhằm tạo ra một xã hội mà mọi người dân  có thể dễ dàng nhận được các thông tin và dịch vụ cần thiết để làm cơ sở cho giải quyết các tình huống pháp lý cụ thể phát sinh trong đời sống. Trong hệ thống đó có cả dịch vụ cung cấp thông tin đa ngôn ngữ (Tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Việt, tiếng Tây Ban Nha…). Đã đề xuất thiết lập “nền tảng quốc dân”- thu hút sự tham gia tư pháp của người dân. Thành lập Hội đồng thúc đẩy giáo dục pháp luật, mở rộng giáo dục pháp luật trong trường học, xây dựng “ văn hóa tuân thủ pháp luật” cho học sinh, sinh viên.

Trình bày tham luận về chuyển đổi số trong PBGDPL ở Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Tất Viễn cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ đến không gian truyền thống của pháp luật và hoạt động PBGDPL. Khi internet trở nên phổ biến, hoạt động PBGDPL đã sử dụng các hình thức mới như thông qua các trang thông tin điện tử, các hội nghị trực tuyến, giải đáp pháp luật qua hộp thư điện tử... Tới đây khi công nghệ số được ứng dụng phổ biến, bất kỳ khi nào người có nhu cầu tìm hiểu pháp luật cần, các cơ quan, cá nhân làm công tác PBGDPL có thể đáp ứng kịp thời do hiểu được nhu cầu đích thực của người muốn tìm hiểu pháp luật. Chuyển đổi số mở ra cơ hội cho việc nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL, giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận thông tin pháp luật, thu hẹp khoảng cách văn hóa pháp lý và ý thức chấp hành pháp luật. PGS.TS Nguyễn Tất Viễn đề xuất sớm xây dựng Đề án chuyển đổi số trong PBGDPL, phát triển nền tảng số để cán bộ, nhân dân có thể tra cứu pháp luật dưới dạng hỏi - đáp các tình huống pháp lý, tư vấn pháp luật từ xa.

Chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong triển khai công tác giáo dục pháp luật trong hệ thống giáo dục quốc dân, TS.Trần Văn Đạt, Q.Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, 10 năm thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đã tạo chuyển biến căn bản, bền vững về hiệu quả của hoạt động PBGDPL. Tuy nhiên, việc triển khai trong hệ thống giáo dục quốc dân còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, bất cập, chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của cơ sở; hoạt động PBGDPL đôi khi vẫn mang tính thời vụ, thiếu tính xuyên suốt, tính hệ thống, nhất là trong bối cảnh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. TS. Trần Văn Đạt đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện quy định trong Luật PBGDPL góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập trong triển khai công tác giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu mối liên hệ giữa văn hóa và pháp luật, tắc động của PBGDPL đến văn hóa pháp luật, tác động của hương ước, luật tục đến đời sống pháp luật của cộng đồng…, đó là những  điểm cần chú ý trong PBGDPL.

Những ý kiến của các chuyên gia Nhật Bản và việt Nam được Hội thảo chia sẻ và đánh giá cao, thể hiện sự quan tâm rất lớn của hai Bộ Tư pháp Việt Nam và Nhật Bản đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. /.