10/01/2025 lúc 18:57 (GMT+7)
Breaking News

“Trải thảm đầu tư” - Thanh Hóa trở thành tỉnh đầu tiên khởi động với tổng mức đầu tư gần 15 tỉ USD

VNHN - Chiều ngày 12/6/2020, UBND tỉnh Thanh Hóa đã long trọng tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2020. Tại hội nghị có 34 dự án được được trao quyết định đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư và ký ghi nhớ đầu tư, với tổng mức đầu tư tương đương 15 tỉ USD.

Chiều ngày 12/6/2020, UBND tỉnh Thanh Hóa đã long trọng tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2020. Tại hội nghị có 34 dự án được được trao quyết định đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư và ký ghi nhớ đầu tư, với tổng mức đầu tư tương đương 15 tỉ USD.

Trong những năm vừa qua mặc dù còn gặp nhiều khó khăn và thách thức nhưng với định hướng phát triển đúng đắn của các cấp lãnh đạo cùng sự nhất trí đồng lòng của mọi người dân xứ Thanh, tỉnh Thanh Hóa đã có những bước tiến dài trên mọi lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế – GRDP giai đoạn 2016 – 2019 đạt 12,6%, gấp 1,6 lần bình quân cả nước, thu ngân sách nhà nước tăng bình quân hàng năm 12,3%. Đặc biệt năm 2019 nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thanh Hóa có bước đột phá mới, tăng trưởng GRDP đạt 17,15%, cao nhất từ trước đến nay, trong đó tăng trưởng ngành công nghiệp, xây dựng đạt 21.87%, GRDP bình quân đầu người đạt 2.325 USD. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có gần 16.000 doanh nghiệp hoạt động, hơn 2.200 dự án đầu tư trực tiếp, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 650 nghìn tỷ đồng; trong đó, có 129 dự án đầu tư trực tiếp FDI đến từ 20 nước trên thế giới (như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Singapore, Canada, Đức, Anh, Bỉ, Cô-Oét, Hungary, Australia…), với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 14,2 tỷ USD, Thanh Hóa là tỉnh xếp thứ 8 của Việt Nam về thu hút vốn FDI và là điểm đến của nhiều nhà đầu tư quốc tế lớn và các tập đoàn hàng đầu trong nước...

Sự phát triển của hạ tầng khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng đang tạo ra cơ hội mới trong thu hút đầu tư. Trong đó, Khu kinh tế Nghi Sơn với diện tích 106.000 ha, là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, được Chính phủ Việt Nam lựa chọn là một trong 8 khu kinh tế ven biển trọng điểm được ưu tiên đầu tư và được phê duyệt cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn nhất trong cả nước. Khu kinh tế Nghi Sơn có cảng nước sâu lớn nhất khu vực Bắc Trung bộ và có tiềm năng phát triển trở thành một trong những cảng biển lớn nhất Việt Nam. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá hiện tại có 8 khu công nghiệp, trong đó có 5 KCN đã được đầu tư cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh. Cùng với việc xây dựng và phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá đang tập trung xây dựng khu công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng thành Khu liên hợp công - nông nghiệp công nghệ cao, có tổng diện tích khoảng 6.000 ha và khu đô thị sân bay, với diện tích khoảng 3.000 ha, nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của Cảng hàng không Thọ Xuân...

Đ/c Nguyễn Đình Xứng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2020 đồng chí Nguyễn Đình Xứng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã khẳng định: Thanh Hóa là tỉnh có nhiều lợi thế để trở thành cực tăng trưởng mới của đất nước với tiềm năng đất đai đa dạng, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp, du lịch và kinh tế biển. Thanh Hóa cũng đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, nguồn nhân lực dồi dào, với trên 2,4 triệu lao động, chất lượng tương đối cao so với mặt bằng chung của cả nước. Cùng với đó là hệ thống giao thông đồng bộ và thuận lợi là cả đường bộ, đường sắt, đường thủy và hàng không.

Cũng tại hội nghị, các đồng chí lãnh đạo Chính phủ và tỉnh Thanh Hóa đã trao Giấy chứng nhận đầu tư, Quyết định chủ trương đầu tư cho chủ đầu tư của 19 dự án, với tổng số vốn đăng ký đầu tư 56.758 tỷ đồng; trong đó, có 10 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, 2 dự án thuộc lĩnh vực đô thị và cơ sở hạ tầng, 3 dự án thuộc lĩnh vực du lịch, 3 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp và 1 dự án thuộc lĩnh vực y tế. Đại diện chủ đầu tư của 15 dự án khác đang xúc tiến đầu tư vào Thanh Hóa cũng ký kết Biên bản ghi nhớ đầu tư với đại diện lãnh đạo tỉnh, dự kiến tổng vốn đầu tư 285.177 tỷ đồng. Tổng vốn của 34 dự án nói trên, với tổng mức đầu tư hơn 341.900 tỷ đồng (tương đương 14,8 tỷ USD).

Đại diện Ngân hàng CP Ngoại thương Việt Nam đã trao cam kết tài trợ vốn tín dụng cho một số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Đại diện lãnh đạo tỉnh đã ký Biên bản Thỏa thuận hợp tác với đại diện Tập đoàn FLC để mở thêm 2 đường bay mới: Thanh Hóa – Quy Nhơn và Thanh Hóa – Phú Quốc.

Các đồng chí lãnh đạo Bộ, ngành Trung ương và tỉnh trao giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp

Cùng với những thành công bước đầu đã đạt được tổng mức đầu tư dự kiến rất lớn, đồng thời cũng sẽ có những “siêu” dự án đổ bộ vào Thanh Hóa. Đi đôi với cơ hội là những thách thức đặt ra đối với tỉnh Thanh Hóa. Thanh Hóa cần có những chính sách, chủ trương, thay đổi như thế nào để giải ngân gần 15 tỷ USD?

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng khẳng định, khi các nhà đầu tư đến tìm hiểu, nghiên cứu cơ hội đầu tư, tỉnh luôn thực hiện “2 đồng hành” và “3 cam kết”, đó là: Đồng hành cùng nhà đầu tư khảo sát, lựa chọn địa điểm đầu tư, khi nhà đầu tư lựa chọn được địa điểm và tiếp tục đồng hành với nhà đầu tư trong việc giải quyết thủ tục hành chính, kể cả những thủ tục thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương”. Khi nhà đầu tư đã quyết định đầu tư, tỉnh chủ động thực hiện, “Ba cam kết”, đó là: Cam kết tiến độ giải phóng mặt bằng theo yêu cầu của nhà đầu tư; Cam kết đầu tư hạ tầng đường giao thông, cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc đến chân hàng rào dự án; Cam kết đồng hành với nhà đầu tư, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong suốt quá trình đầu tư và vận hành thương mại của dự án”. Vào ngày 20 hàng tháng, Chủ tịch UBND tỉnh cùng với các ngành duy trì lịch tiếp giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp; đồng thời, chỉ đạo Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố bố trí thời gian ít nhất 1 ngày trong tháng để tiếp và giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đang phấn đấu trong năm 2020, việc xử lý văn bản, hồ sơ công việc, thủ tục hành chính của hệ thống chính quyền từ tỉnh đến xã được thực hiện trong môi trường điện tử, nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, giảm thời gian và chi phí cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đaọ tại hội nghị

Phát biểu chỉ đạo hội nghị Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh, đây là sự kiện quan trọng trong việc thu hút đầu tư nhất là trong bối cảnh hiện nay dịch bệnh COVID-19 đang hoành hoành trên khắp thế giới. Thanh Hóa được ví như một “Việt Nam thu nhỏ”, nơi hội tụ đầy đủ các tiềm năng lợi thế phát triển kinh tế xã hội. Trong những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn và thách thức, Thanh Hóa đã đạt được những thành tựu vô cùng quan trọng...

Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương hoàn thành quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Luật Quy hoạch và Đề án xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2045 để trình Bộ Chính trị, có căn cứ khoa học và cơ sở thực tiễn, đảm bảo chất lượng, tư duy đổi mới, có tầm nhìn chiến lược, dài hạn, liên kết với các tỉnh, thành phố trong cả nước và quốc tế; phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở tập trung phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực, 5 trụ cột tăng trưởng, 6 hành lang kinh tế và 6 vùng liên huyện. Phó Thủ tướng cũng đề nghị Thanh Hoá cần huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hợp pháp để tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, đảm bảo đồng bộ, hiện đại, trong đó ưu tiên đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông có ý nghĩa chiến lược, kết nối tỉnh Thanh Hóa với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế… trên tinh thần chung đưa Thanh Hóa phát triển mạnh mẽ hơn nữa và trở thành điểm sáng thực sự trong thu hút đầu tư của cả nước./.