28/04/2024 lúc 08:11 (GMT+7)
Breaking News

TP.HCM: Phát triển mô hình kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới

Hiện nay, các huyện ngoại thành Thành phố Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Trong đó, nhiều địa phương đã triển khai những cách làm mới, mô hình mới giúp gia tăng giá trị kinh tế nông nghiệp, nông thôn tại địa phương, qua đó góp phần giúp địa phương hướng đến nền nông nghiệp đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội chung của thành phố.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhằm nâng cao giá trị kinh tế. Điển hình, tại huyện Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh), thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đã có nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả ra đời. Trong đó, điển hình phải kể đến việc áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao nghề làm muối truyền thống.

 Huyện Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh) áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao nghề làm muối truyền thống.

Trước đây, nhiều người dân làm muối thường làm theo phương pháp thủ công khi chỉ đắp nền đất cứng, dẫn nước biển vào ruộng, phơi qua vài con nắng. Nước biển sẽ tự kết tinh thành muối thô. Do đó, năng suất và chất lượng thấp hơn các địa phương khác, bình quân từ 40 - 60 tấn/ha. Giá bán muối cũng thấp do muối chất lượng không cao.

Nhờ sự đồng hành hỗ trợ của chính quyền địa phương và biết áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị kinh tế cho hạt muối Cần Giờ, hiện nay, người dân huyện Cần Giờ đã chuyển sản xuất muối bằng phương thức muối kết tinh trên nền bạt. Qua đó, việc sản xuất muối trên ruộng trải bạt sẽ tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, dễ tiêu thụ và có giá trị cao. Năng suất bình quân đạt 70 - 80 tấn/ha; chất lượng hạt muối sạch, đều và đẹp.

Cùng định hướng phát triển chung của huyện Cần Giờ, chủ trương giảm diện tích muối xuống, tập trung nâng cao chất lượng và giá trị của nghề muối, đặc biệt là những sản phẩm chế biến từ muối. Ngoài ra, phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất tại địa phương. Nông dân đã chuyển đổi nhanh các loại giống, cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả kinh tế sang những mô hình có hiệu quả hơn, phù hợp với đặc trưng của vùng miền, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

UBND huyện Cần Giờ đánh giá, việc chuyển từ sản xuất muối truyền thống sang sản xuất muối theo phương pháp kết tinh trên bạt cho hiệu quả kinh tế vượt trội. Đây là cách làm giúp người dân ổn định kinh tế, có điều kiện sản xuất và bảo tồn nghề truyền thống.

Thời gian qua, không chỉ huyện Cần Giờ, huyện Củ Chi có khoảng 2.000ha cũng là một đơn vị thực hiện có hiệu quả việc nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp trong xây dựng nông thôn mới. Trong quá trình phát triển nông nghiệp, phục vụ sản xuất, trồng trọt hoa màu, Huyện tập trung trồng và chăn nuôi những cây - con chủ lực, theo chỉ đạo của Thành phố định hướng phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, kêu gọi người dân chú trọng thực hiện vệ sinh môi trường thật tốt, đảm bảo tính bền vững.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn mới với đô thị hóa trên địa bàn, huyện Củ Chi đã ban hành kế hoạch chuyển đổi 43,6ha đất trồng lúa sang cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn. Huyện đã thành lập được 2 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp mới trong 6 tháng đầu năm, gồm: HTX sản xuất - thương mại Tâm An Củ Chi và HTX Nông nghiệp công nghệ cao hữu cơ Tam Tân. Qua đó, nâng tổng lượng HTX nông nghiệp đang hoạt động trên địa bàn lên 39 HTX.

Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển chung của ngành Nông nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, huyện Củ Chi đã đa dạng hóa các sản phẩm từ nông nghiệp, nhằm nâng cao giá trị của nông sản. Tận dụng những vườn trái cây tại xã Trung An, huyện Củ Chi đã triển khai mô hình du lịch sinh thái, du lịch về vườn.

Huyện Củ Chi đang nỗ lực trong việc phát triển hài hòa ngành Nông nghiệp địa phương, gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Chủ trương của huyện Củ Chi là phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường; đem đến môi trường sinh thái xanh sạch, đáp ứng yêu cầu phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh.

Thời gian tới huyện Củ Chi sẽ triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản; chính sách xây dựng nông thôn mới; chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị của thành phố. Những chính sách này tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa nông sản Củ Chi.

Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa trên địa bàn vùng nông thôn giai đoạn 2021-2025. Trong đó, về lĩnh vực kinh tế nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh đặt ra nhiệm vụ tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn. Triển khai mạnh mẽ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phát triển mạnh ngành nghề nông thôn, phát triển du lịch nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn... góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững.