04/10/2024 lúc 00:55 (GMT+7)
Breaking News

Ngoại giao văn hóa nâng tầm vị thế Việt Nam trên trường quốc tế

Ngoại giao văn hóa là một trong ba trụ cột của nền ngoại giao toàn diện Việt Nam thời kỳ hội nhập toàn cầu; là một cấu phần quan trọng của đường lối “Ngoại giao Cây tre Việt Nam” trong bảo vệ lợi ích quốc gia, nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế…

Trong thời gian qua, ngoại giao văn hóa đã phát huy vai trò tích cực của mình đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp quốc gia, phục vụ tích cực trong triển khai các mục tiêu đối ngoại của đất nước.

Việt Nam ta là đất nước có nền văn hóa, văn hiến lâu đời, có bề dày lịch sử hàng nghìn năm. Nền văn hóa đó có hệ giá trị và bản sắc riêng, tạo nên “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam. Trong suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước, ông cha ta đã vận dụng ngoại giao văn hóa một cách sáng tạo, linh hoạt thông qua các chiến lược ngoại giao phù hợp với từng thời kỳ lịch sử… Ngày nay, ngoại giao văn hóa đã và đang chứng tỏ sức lan tỏa, tính hiệu quả, thiết thực; vừa góp phần thắt chặt quan hệ đối ngoại của nước ta ở tầm quốc gia với quốc gia, vừa tạo quan hệ tốt giữa người dân Việt Nam với các nước. Đó là các hoạt động ngoại giao gắn liền với văn hóa và ở đây văn hóa được sử dụng như một đối tượng và phương tiện nhằm thiết lập, duy trì và phát triển quan hệ đối ngoại, trên cơ sở các mục tiêu, lợi ích cơ bản của quốc gia liên quan đến an ninh, phát triển và mở rộng ảnh hưởng, đồng thời xây dựng bản sắc ngoại giao của quốc gia.

Đại hội XIII của Đảng đã đề ra chủ trương: “Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân”… “tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại» trong việc thực hiện 3 mục tiêu: «tạo lập và giữ vững môi trường, hoà bình, ổn định,» «huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước» và «nâng cao vị thế và uy tín của đất nước».  Đây là chủ trương lớn, phản ánh sự phát triển lớn mạnh của nền ngoại giao Việt Nam, đồng thời cũng là yêu cầu vừa cấp bách, vừa mang tính chiến lược, lâu dài đối với công tác đối ngoại nói chung, trong đó có ngoại giao văn hóa. Bám sát các mục tiêu và nhiệm vụ đã đặt ra, đồng thời linh hoạt, sáng tạo trong ý tưởng và biện pháp triển khai, NGVH sẽ tiếp tục phát huy vai trò là một trụ cột đối ngoại quan trọng và có những đóng góp lớn, góp phần nâng tầm và lan tỏa các giá trị Việt Nam đến cộng đồng quốc tế.

Với tinh thần ấy, chiến lược ngoại giao văn hóa (NGVH) đến năm 2030 của nước ta đã xác định, thông qua các công cụ văn hóa trong ngoại giao, NGVH góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa và con người Việt Nam với cộng đồng quốc tế, tôn vinh trí tuệ, phẩm chất, cốt cách, lý tưởng cao đẹp của người Việt Nam và nâng tầm giá trị văn hóa Việt; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, qua đó khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tăng cường sức mạnh mềm, nâng cao vị thế đất nước.

Thực  hiện chủ trương của Đảng, trong những năm gần đây, đặc biệt là năm 2023, NGVH nước ta đã được triển khai mạnh mẽ, với nhiều hình thức hoạt động đa dạng, phong phú, linh hoạt, sáng tạo, trên cơ sở bám sát các mục tiêu và nhiệm vụ đã đề ra, góp phần nâng tầm và lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam đến cộng đồng quốc tế; phát huy tốt vai trò là một trụ cột đối ngoại quan trọng và có những đóng góp lớn đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh đổi mới và hội nhập. Thông qua các hoạt động NGVH, tinh thần, bản sắc văn hóa Việt Nam được truyền tải một cách tinh tế, khẳng định đường lối đối ngoại nhất quán là độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện; đồng thời, làm nổi bật nét đẹp của truyền thống nhân nghĩa, thủy chung, hòa bình, hòa hiếu, hữu nghị của Việt Nam.

Ngoại giao văn hóa của nước ta trong những năm qua còn được thể hiện hết sức sinh động trong việc chú trọng đưa nội hàm văn hóa vào các hoạt động của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm các nước và trong việc đón tiếp lãnh đạo các nước tới Việt Nam; đăng cai tổ chức các hội nghị, sự kiện khu vực, quốc tế lớn ở trong nước, tiêu biểu như SEA Games 31 hay ở nước ngoài, tiêu biểu như Chương trình Ngày Việt Nam tại Hàn Quốc, Áo , Ấn Độ… Hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp đón, làm việc và cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc thưởng trà trong chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam trung tuần tháng 12-2023 gây ấn tượng sâu sắc. Hay như Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio bức thư pháp; rồi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về chủ nghĩa xã hội cho Chủ tịch Quốc hội Cuba; Hoặc như hình ảnh các nhà lãnh đạo nước ta cùng người đồng cấp nước ngoài đi dạo, đạp xe trên phố cổ Thủ đô Hà Nội, hay thưởng thức bánh mì, bia hơi… thực sự là nét đặc trưng của ngoại giao văn hóa Việt Nam, được truyền thông quốc tế truyền tải rộng khắp, được bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Thông qua NGVH, Việt Nam còn có đóng góp quan trọng vào việc định hình những vấn đề chiến lược, chính sách tầm toàn cầu, tiêu biểu như tổ chức thành công Hội nghị quốc tế đầu tiên của UNESCO về phát huy vai trò các danh hiệu UNESCO vì phát triển bền vững diễn ra tại tỉnh Ninh Bình vào tháng 7-2023; Lãnh đạo UNESCO đề cao ý nghĩa quan trọng và kết quả rất thực chất của hội nghị, trúng với mối quan tâm của các thành viên và xu thế UNESCO gắn kết các danh hiệu vì phát triển bền vững, cho đây là điển hình rất tốt mà UNESCO nên nhân rộng, Việt Nam có thể chia sẻ. Trước đó, năm 2022 Việt Nam đã trúng cử với số phiếu cao nhất vào Uỷ ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về di sản văn hóa phi vật thể, lần đầu tiên cùng một lúc đảm nhiệm vai trò thành viên 3 cơ chế quan trọng của UNESCO.

Những kết quả có được trong công tác đối ngoại nói chung và đối ngoại văn hóa nói riêng trong những năm qua, đặc biệt là trong năm 2023 là nhờ sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, chặt chẽ, thường xuyên của Trung ương Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự điều hành chủ động, linh hoạt của Nhà nước, sự vào cuộc và triển khai tích cực của các cấp, các địa phương, các ngành, nhất là ngành Ngoại giao. Đặc biệt, những kết quả đó có sự đóng góp rất quan trọng của đội ngũ cán bộ đối ngoại nói chung và cán bộ ngoại giao nói riêng, với tâm huyết, trách nhiệm, luôn đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên hàng đầu…

Ngày nay, vai trò của NGVH được xác định rõ trong “Chiến lược NGVH đến năm 2030”, đó là đưa quan hệ Việt Nam với các đối tác đi vào chiều sâu, ổn định; bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc, tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; huy động nguồn lực bên ngoài, biến điều kiện thuận lợi, vị thế đất nước thành nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời tôn vinh các giá trị, vẻ đẹp của văn hóa Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, qua đó khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tăng cường sức mạnh mềm, nâng cao vị thế quốc gia.

Đoàn Mạnh Phương 

...