27/04/2024 lúc 19:06 (GMT+7)
Breaking News

Cần bổ sung, hoàn thiện cơ chế hỗ trợ thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn

Nghị quyết số 18 - NQ/TW ngày 16/6/2022 của Trung ương về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" đã và đang đi vào cuộc sống.

Nghị quyết 18 được hy vọng sẽ tháo gỡ nhiều khó khăn cho các địa phương về lĩnh vực quản lý đất đai, đặc biệt là về tích tụ ruộng đất, mở ra cơ hội cho người dân, doanh nghiệp phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tích tụ, tập trung đất đai là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện tái cơ cấu sản xuất, phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ, từng bước chuyển dần từ hình thức lao động thủ công bán cơ giới sang sản xuất công nghệ cao, nhằm tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa đạt yêu cầu cao cả về chất lượng lẫn số lượng. Đây là hướng đi phù hợp trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Cơ sở pháp lý cần thiết

Thực tế thời gian qua, sau khi Nghị quyết số 18 của Trung ương được ban hành, nhiều địa phương đã đưa ra các cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân tích tụ ruộng đất, tập trung sự chỉ đạo của cấp uỷ và chính quyền các cấp trong việc thực hiện thống kê đất đai hàng năm theo quy định của Luật Đất đai. Nhất là tại các địa phương đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, đã ban hành một số chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, minh bạch trong công tác giao đất, thu hồi đất để thực hiện các dự án; cũng như tăng cường công tác kiểm tra đối với đất đã giao, đã cho các tổ chức, doanh nghiệp thuê; kiên quyết thu hồi diện tích đất không sử dụng, sử dụng không đúng mục đích, không hiệu quả… Hơn nữa, Nghị quyết 18 có sự mở rộng đối tượng cũng như hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng, địa phương, với việc chuyển đổi nghề, việc làm, lao động ở nông thôn, nên có thể giúp tạo ra thay đổi theo hướng sản xuất lớn, tháo gỡ khó khăn cho người dân và các địa phương.

Để mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn được thực hiện và đưa nông nghiệp lên sản xuất lớn theo đúng nghĩa, phải có được 3 yếu tố đồng thời, đó là: Sản xuất nông nghiệp phải được thực hiện trên quy mô diện tích lớn (thông qua tích tụ, tập trung đất đai); có đội ngũ nông dân đủ năng lực quản lý các nông trại, trang trại gia đình sản xuất hàng hóa quy mô lớn, biết ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; Có những doanh nghiệp đủ năng lực quản trị, tiềm lực vốn, quy mô đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hiện đại. Trong đó, yếu tố tích tụ ruộng đất với quy mô đủ lớn có vai trò dẫn dắt đầu tiên.

Bên cạnh đó, quá trình tích tụ ruộng đất phải bảo đảm các nguyên tắc cơ bản, bao gồm: Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, người sử dụng đất và của các tổ chức, cá nhân có liên quan; không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh; Tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về dân sự và pháp luật có liên quan; sử dụng đúng mục đích, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; Phù hợp với đặc điểm về đất đai, địa hình, khí hậu, văn hóa, quá trình chuyển dịch lao động, chuyển đổi nghề, việc làm ở nông thôn của từng vùng, từng khu vực, từng địa phương và phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Cần thêm những giải pháp cụ thể  

Thực tiễn những năm qua cho thấy, việc tích tụ, tập trung đất đai đưa vào sản xuất lớn tuy có thực hiện, nhưng còn nhiều hạn chế cả về quy mô tích tụ và về tiến độ thực hiện. Vì vậy, rất cần phải có những giải pháp cụ thể và hữu hiệu cho vấn đề lớn này.

Một trong những giải pháp quan trọng để chính sách tích tục ruộng đất có tính khả thi, bền vững và có hiệu quả thực chất là Nhà nước cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý thông thoáng, ổn định và minh bạch, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của người nông dân, lợi ích của nhà đầu tư, lợi ích chung của toàn bộ nền kinh tế và sự ổn định, trật tự của các quan hệ xã hội có liên quan. Bên cạnh đó, nông dân cũng cần được đào tạo, tập huấn để có đủ kiến thức, trình độ theo kịp yêu cầu phát triển mới của nền sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Mặt khác, tích tụ, tập trung ruộng đất phải đặt trong tổng thể công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và hộ nông dân. Trong quá trình đó, vẫn phải phát triển cả kinh tế hộ, kinh tế trang trại, kinh tế doanh nghiệp và kinh tế hợp tác. Quan tâm đến việc bảo vệ an ninh lương thực, quyền chủ quyền đất đai, quyền tài sản của người nông dân và hạn chế tối đa việc lợi dụng chính sách tích tụ, tập trung đất đai nhằm đầu cơ, tích trữ đất. Tạo hành lang pháp lý cho thị trường chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng phải dựa trên quy luật thị trường, được xây dựng công khai, minh bạch, khách quan, thủ tục hành chính đơn giản, các chính sách về thuế được ưu tiên.

Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn cũng rất quan trọng, vì có như vậy mới đi lên sản xuất lớn thông qua các mô hình tích tụ hoặc tập trung đất đai. Trong thực tế, doanh nghiệp vẫn có những cái khó khi muốn đầu tư vào nông nghiệp sản xuất lớn. Doanh nghiệp cho rằng, ngay cả việc thực hiện tập trung đất đai bằng hình thức hợp đồng thuê đất cũng tiềm ẩn nhiều khó khăn, thậm chí rủi ro, như: Để có được diện tích lớn cho sản xuất nông nghiệp, doanh nghiệp phải đi đàm phán với rất nhiều nông dân, trong khi nhận thức và cả kiến thức pháp luật về đất đai của nông dân cũng còn có mặt hạn chế, nguy cơ phá vỡ hợp đồng từ phía nông dân nếu họ cảm thấy không có lợi (theo nhận thức của họ) là điều dễ xảy ra. Cho nên, các doanh nghiệp có tiềm lực về vốn và công tác quản trị đã chọn cách tích tụ đất đai thông qua thực hiện nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật... Để làm tốt những vấn đề trên, cần tích cực triển khai thực hiện tốt Nghị định số 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn, chú ý các ưu đãi cần hết sức cụ thể, chi tiết và kịp thời giải quyết ngay khi có "đối tượng" phù hợp nhằm tạo khí thế đầu tư và thu hút đầu tư. Và, trong vấn đề này cũng rất cần đến vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông nhằm quán triệt đến cán bộ, đảng viên, các doanh nghiệp và nhân dân về chủ trương tích tụ ruộng đất, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn để tăng khả năng cạnh tranh, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững./.

Ths. Nguyễn Duy Toan

Trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Bạc Liêu

 

 

 

 

...