22/11/2024 lúc 15:17 (GMT+7)
Breaking News

Tổng Giám đốc VIMC Nguyễn Cảnh Tĩnh: Đây là thời điểm vàng để chiếm lĩnh lại thị phần cảng biển

Theo ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty hàng hải Việt Nam (VIMC), trong năm 2022, Tổng Công ty sẽ tái cấu trúc mạnh đội tàu và các doanh nghiệp dịch vụ, đồng thời đẩy mạnh đầu tư, tất cả nhằm mục tiêu chiếm lĩnh lại thị phần.
 Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty hàng hải Việt Nam (VIMC)

Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 của Tổng Công ty hàng hải Việt Nam (VIMC) tổ chức sáng 20/4, Tổng Giám đốc VIMC Nguyễn Cảnh Tĩnh cho biết, dựa trên năng lực và quy mô của VIMC sau giai đoạn tái cấu trúc và phát triển kinh doanh thời gian qua, ban lãnh đạo đã xây dựng chiến lược hoạt động và kế hoạch kinh doanh phù hợp cho năm 2022.

Theo đó, về hoạt động vận tải biển, VIMC định hướng phát triển mạnh đội tàu container và phát triển những hoạt động mang lại giá trị dịch vụ xung quanh đội tàu này.

Về lĩnh vực dịch vụ, lãnh đạo VIMC đặt kế hoạch đẩy mạnh tái cấu trúc các doanh nghiệp dịch vụ hàng hải theo hướng hợp nhất sáp nhập và tạo giá trị chuỗi dịch vụ.

Để đạt được những mục tiêu trên, ông Tĩnh cho biết, ban lãnh đạo Tổng Công ty đã đặt ra kế hoạch với những con số cụ thể.

Theo đó, về sản lượng vận tải biển, VIMC đặt mục tiêu đạt 219,36 triệu tấn. Đáng chú ý, con số này chỉ đạt 85% so với năm 2021.

Lý giải về điều này, ông Tĩnh cho biết, hiện nay, tuổi tàu của VIMC đã lên đến con số 19. Do đó, trong năm 2022 sẽ tái cấu trúc mạnh đội tàu biển, thanh lý những tàu đó, dẫn đến giảm doanh thu đi kèm theo giảm lợi nhuận. Tuy nhiên, việc tái cấu trúc sẽ có lợi cho lâu dài.

"Đáng lẽ tàu này có kế hoạch bán từ năm 2021, nhưng do đến quý II/2021, giá cước vận tải biển tăng cao nên Tổng Công ty quyết định giữ lại để gia tăng doanh thu, gia tăng dòng tiền cho các doanh nghiệp vận tải biển. Kết quả lợi nhuận năm 2021 đã chứng minh quyết định này là hoàn toàn đúng đắn”, ông Tĩnh chia sẻ.

Về sản lượng hàng thông qua cảng, đối với khối cảng biển, VIMC xác định đây là hoạt động trọng tâm, mang lại hiệu quả cốt lõi cho Tổng công ty. Do đó, VIMC kỳ vọng đạt 132,68 triệu tấn, tăng 5,3% so với năm 2021.

Đối với những hoạt động có doanh thu cao nhưng biên lợi nhuận thấp, bên cạnh đó lại mang rủi ro, ông Tĩnh cho biết Tổng Công ty đang có kế hoạch thu hẹp lại những hoạt động này. Thay vào đó, đẩy mạnh những hoạt động tuy có doanh thu thấp nhưng lợi nhuận ổn định và có hướng tăng trưởng.

Toàn cảnh Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 của Tổng Công ty hàng hải Việt Nam (VIMC) tổ chức sáng 20/4

Đây là thời điểm để chiếm lĩnh lại thị phần

Người đứng đầu VIMC cho biết, sau khoảng thời gian dài tái cơ cấu đội tàu làm giảm sản lượng công suất, ban lãnh đạo Tổng Công ty xác định đây là thời điểm để VIMC chiếm lĩnh lại sản lượng và thị trường.

Do đó, phát triển đội tàu được coi là nhiệm vụ trọng tâm của VIMC trong năm 2022. Tuy nhiên, không phải phát triển theo hướng tràn làn, mà phải dựa trên chiến lược phát triển đội tàu container, thông qua phương án thành lập Công ty chuyên hoạt động container vào thời điểm thích hợp, phù hợp với thị trường.

"Nhìn lại năm 2021, cảng biển có bước tăng trưởng cao hơn hẳn năm 2020 và những năm trước. Thì yêu cầu của năm 2022 lại cần cao hơn nữa. Đặc biệt, chúng tôi coi trọng các cảng hoạt động bốc xếp container, đặt mục tiêu năm 2022 phải đạt 6 triệu TEU. Thị phần phải chiếm được 35%”, ông Tĩnh thể hiện khát vọng trong việc thúc đẩy phát triển thị phần và thị trường kinh doanh.

Về hoạt động đầu tư, VIMC sẽ vừa đầu tư trực tiếp, vừa đầu tư thông qua các doanh nghiệp. Trong đó, VIMC sẽ tập trung đầu tư thông qua doanh nghiệp, thậm chí có thể thành lập doanh nghiệp đầu tư.

Trong năm 2022, thông qua các công ty, Tổng công ty hàng hải Việt Nam sẽ tiếp tục đầu tư vào các cảng nước sâu, như cảng Lạch Huyện (Hải Phòng), dự án cảng nước sâu Liên Chiểu (Đà Nẵng), cảng Quy Nhơn,...Đồng thời, VIMC sẽ hợp tác với các đối tác vận tải biển lớn trên thế giới để quyết tâm thúc đẩy phát triển các cảng trung chuyển.

Bên cạnh đó, VIMC đẩy mạnh phát triển hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho công tác quản trị chuyên nghiệp và chuyển đổi số mạnh mẽ, theo hướng “1 hệ thống”.

VIMC coi đây là thời điểm để chiếm lĩnh lại thị phần 

Về dịch vụ hàng hải, VIMC sẽ rà soát để hoàn thiện sáp nhập và phân lại các lĩnh vực hoạt động trong thị trường của các doanh nghiệp dịch vụ hàng hải, nhằm nâng cao tính kết nối với các doanh nghiệp cảng biển và vận tải biển.

Ông Tĩnh cũng cho hay, thời gian tới, VIMC đầu tư các trung tâm phân phối, nghiên cứu triển khai cơ sở hạ tầng kho bãi. Trên cơ sở đó củng cố, hình thành và phát triển hệ sinh thái kết nối hoạt động quản lý hoạt động vận tải biển và dịch vụ.

Ngoài ra, VIMC còn có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 12.000 tỷ đồng lên 14.000 đồng để tương xứng với quy mô đầu tư của Tổng Công ty.

Vân Anh