22/12/2024 lúc 20:44 (GMT+7)
Breaking News

“Ông lớn” ngành hàng hải VIMC tham vọng doanh thu vận tải biển vượt 12.500 tỷ đồng

Sau năm đầu của giai đoạn phát triển mới (2021-2025), mặc dù chịu tác động không nhỏ của đại dịch Covid-19, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) vẫn tăng trưởng và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu năm 2021. Sang năm 2022, VIMC tiếp tục đặt mục tiêu sản lượng hàng thông qua cảng đạt hơn 132,6 triệu tấn, tăng 5,3% so với năm 2021; vận tải biển đạt hơn 19,3 triệu tấn, doanh thu đạt hơn 12.500 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất đạt 2.518 tỷ đồng.
Ngày 20/4/2022 tại Hà Nội, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2022

Vượt sóng Covid-19

Đây là thông tin được Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đưa ra tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 tổ chức sáng 20/4.

Theo đó, năm 2021 là năm đầu của giai đoạn phát triển mới (2021-2025) của VIMC với nhiều mục tiêu lớn như phát triển mạnh mẽ cơ sở hạ tầng cảng biển, đội tàu vận tải biển hiện đại, trọng tải lớn cùng với hệ thống quản trị hiện đại gắn với chuyển đổi số. Tuy nhiên đây cũng là năm đầy khó khăn, thách thức bởi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh, ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế thế giới cũng như tình hình kinh tế trong nước. Ngành hàng hải Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề do sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu. Các doanh nghiệp cảng biển, vận tải biển của VIMC phải thay đổi phương thức hoạt động, kinh doanh để ứng phó với đại dịch.

Trong bối cảnh khó khăn chung, VIMC đã hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh của năm 2021 được Đại hội đồng cổ đông giao. Việc làm của người lao động trong toàn VIMC luôn ổn định và có sự cải thiện về thu nhập.

Với việc đẩy mạnh phát triển thị trường, quyết liệt ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản trị hướng đến xây dựng hệ thống cảng thông minh, hiện đại; nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, tiết giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động; triển khai phương thức giao dịch không tiếp xúc, khối cảng biển của VIMC vẫn tăng trưởng và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu năm 2021.

"Tổng sản lượng của khối cảng biển đạt 125,9 triệu tấn, tăng 13,7% so với thực hiện năm 2020. Lợi nhuận đạt 2.588 tỷ đồng (chiếm 71% tổng lợi nhuận hợp nhất toàn VIMC), trong đó một số cảng có kết quả nổi bật như: Cảng Sài Gòn, Cảng Quy Nhơn, … Trong năm 2021, hệ thống cảng của VIMC phát triển thêm được 13 tuyến dịch vụ container mới về các cảng: Hải Phòng, Đà Nẵng, Quy Nhơn, SSIT, CMIT", đại diện VIMC thông tin.

Bên cạnh đó, vấn đề thuyền viên đang là vấn đề khủng hoảng và chịu nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, gây ra nhiều hệ lụy nặng nề đối với lực lượng thuyền viên và gia đình. Việc thay thuyền viên gặp nhiều khó khăn, thậm chí là không thực hiện được. Ngoài ra, việc áp dụng công ước mới của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) về sử dụng nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp cũng dẫn đến tăng thêm chi phí cho các công ty vận tải biển.

Trước sự chỉ đạo của VIMC, các doanh nghiệp vận tải biển đã nỗ lực thực hiện các giải pháp kiểm soát chi phí, kiểm soát thời gian tàu sửa chữa, chủ động nghiên cứu tìm hiểu nhu cầu hàng hóa để mở rộng hoạt động tới các thị trường khai thác mới; duy trì giao dịch kết nối với khách hàng, đối tác hàng hóa, nhà môi giới; theo sát diễn biến thị trường, nắm bắt cơ hội và linh hoạt trong điều chỉnh phương án khai thác cũng như trong đàm phán hợp đồng nhằm tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh…

Lợi nhuận khối vận tải biển năm 2021 đạt 869 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với kết quả thực hiện năm 2020. Một số đơn vị đạt kết quả nổi trội như Công ty Vosco, Công ty Vinaship, Công ty Biển Đông,…

Đại dịch Covid-19 đã khiến cho các doanh nghiệp dịch vụ logistics của VIMC có những suy giảm rõ rệt trong tất cả các hoạt động như dịch vụ đại lý tàu, hoạt động vận tải, kho bãi, tạm nhập tái xuất và hoạt động của các ICD. Trước các khó khăn, VIMC đã thực hiện tái cơ cấu quản trị, triệt để tiết giảm chi phí; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng phương án bố trí, sắp xếp lao động hợp lý trong bối cảnh dịch bệnh; phát huy vai trò kết nối, điều phối của Công ty mẹ.

Kết quả, năm 2021, khối dịch vụ hàng hải đã vượt kế hoạch được giao, doanh thu đạt 2.628 tỷ đồng, tăng 58% so với kế hoạch; lợi nhuận đạt 57,5 tỷ đồng, tăng 14,4% so với kế hoạch. Một số doanh nghiệp đã hoàn thành và vượt kế hoạch được giao cả về doanh thu và lợi nhuận như Vosa, VIMC Logistics, CPI, CMB, Vijaco,…

Nắm 25% tổng số m cầu bến quốc gia

VIMC hiện nắm giữ cổ phần chi phối tại 19 công ty con và có vốn góp tại 15 công ty liên kết. Với việc sở hữu cổ phần chi phối tại 16 doanh nghiệp cảng biển, quản lý khai thác hơn 13.000 m cầu bến (chiếm gần 25% tổng số m cầu bến quốc gia), khả năng thông qua hơn 150 triệu tấn hàng hóa (chiếm hơn 20% cả nước), trong số đó có các cảng trọng điểm của cả nước như Cảng Hải Phòng, Sài Gòn, Đà Nẵng, Quy Nhơn và cụm cảng container hiện đại tại khu vực Cái Mép - Thị Vải.

Cùng với đó, đội tàu vận tải biển có tổng trọng tải lên tới gần 1,5 triệu tấn, thỏa mãn được các công ước quốc tế, hoạt động trên phạm vi toàn cầu; các công ty dịch vụ logistics có hệ thống kho bãi quy mô lớn, VIMC đang giữ vị trí hàng đầu của ngành hàng hải Việt Nam. Phấn đấu đến năm 2030, VIMC trở thành doanh nghiệp có thương hiệu trong khu vực; có năng lực cạnh tranh cấp độ quốc tế và tham gia chia sẻ thị trường khu vực.

“Ông lớn” ngành hàng hải VIMC tham vọng doanh thu vận tải biển vượt 12.500 tỷ đồng

Kỳ vọng doanh thu vận tải biển vượt mốc 12.500 tỷ đồng trong năm 2022

Năm 2022, bức tranh của ngành hàng hải thế giới nói chung sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức. Ngành hàng hải Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Cả ba lĩnh vực kinh doanh chính của VIMC vẫn sẽ tiếp tục đối mặt với thách thức.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần đã giúp VIMC có thêm cơ hội tăng thêm nguồn lực để tiến hành đổi mới hệ thống quản trị, quyết liệt thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong kinh doanh, không ngừng đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng sức cạnh tranh bảo đảm cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Theo kế hoạch VIMC đặt ra, năm 2022, sản lượng hàng thông qua cảng đạt hơn 132,6 triệu tấn, tăng 5,3% so với năm 2021; vận tải biển đạt hơn 19,3 triệu tấn, doanh thu đạt hơn 12.500 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất đạt 2.518 tỷ đồng.

Cùng với đó, VIMC sẽ triển khai thực hiện các dự án phát triển hạ tầng lớn như: Dự án Bến số 3, 4 Cảng cửa ngõ Lạch Huyện; Nâng cấp và mở rộng cảng Quy Nhơn; các dự án đầu tư của Cảng Tiên Sa giai đoạn 2 và nghiên cứu đầu tư cảng Liên Chiểu, cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ; tiếp tục tái cơ cấu đội tàu theo hướng phát triển đội tàu vận tải container tải trọng lớn, hiện đại cùng các container đồng bộ; thanh lý các tàu biển thế hệ cũ (15 tàu với tổng trọng tải 372.293 tấn); Đầu tư hệ thống công nghệ thông tin có tính xương sống, kết nối toàn bộ các doanh nghiệp thành viên nhằm chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực kinh doanh của VIMC và phát triển chuỗi dịch vụ logistics “door to door”…

Phấn đấu đến năm 2030, VIMC trở thành doanh nghiệp có thương hiệu trong khu vực; có năng lực cạnh tranh cấp độ quốc tế và tham gia chia sẻ thị trường khu vực.

Với sự thay đổi tư duy và cách làm, lấy khách hàng làm trung tâm, lấy hiệu quả là thước đo giá trị doanh nghiệp, VIMC sẽ là “Biểu tượng của sự thay đổi”, thể hiện khát vọng vươn ra biển lớn của ngành hàng hải Việt Nam.

Vân Anh