15/01/2025 lúc 12:09 (GMT+7)
Breaking News

Tọa đàm chia sẻ về “Nghề Sale du lịch”

Ngày 30/3, tại Hà Nội, Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội đã tổ chức chương trình Tọa đàm “Nghề Sale du lịch” nhằm chia sẻ tới các học sinh, sinh viên và những người quan tâm hiểu hơn và có thêm góc nhìn về ngành du lịch hiện nay của nước ta. Ông Nguyễn Hiếu, Phó Hiệu trưởng Nhà trường tham dự và chỉ đạo.

Về phía Nhà trường có bà Nguyễn Thị Hồng Ngọc, Trưởng khoa Khoa Khách sạn Du lịch; đại diện trưởng, phó các đơn vị thuộc và trực thuộc trường tham dự; cùng hơn 200 sinh viên của khoa Khách sạn du lịch tham dự chương trình.
Diễn giả chia sẻ tại Tọa đàm có ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Công ty Handspan travel; bà Trần Thu Hằng, Giám đốc kinh doanh Fusion Hotel Group; bà Nguyễn Hà Ly, Trưởng phòng Kinh doanh Nội địa và Outbound.

Bà Nguyễn Thị Hồng Ngọc, Trưởng khoa Khách sạn du lịch phát biểu khai mạc Tọa đàm.
Bà Nguyễn Thị Hồng Ngọc, Trưởng khoa Khoa Khách sạn du lịch phát biểu khai mạc Tọa đàm.

Phát biểu khai mạc tại Tọa đàm, Trưởng khoa Khoa Khách sạn du lịch Nguyễn Thị Hồng Ngọc cho biết: “Việc đào tạo gắn kết thực tiễn, tăng cường trải nghiệm tối đa” là phương châm đào tạo được Khoa Khách sạn Du lịch, Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội đặc biệt chú trọng. Việc gắn đào tạo lý thuyết trên giảng đường với các chương trình thực hành, trải nghiệm thực tế giúp sinh viên tiếp cận, làm quen với nghề và môi trường làm việc sau này đảm bảo ra trường có thể thích ứng ngay với công việc.
“Thông qua tọa đàm, Khoa và Nhà trường mong muốn các em sinh viên được nghe các diễn giả chia sẻ những thực tế về nghề, có cơ hội được tiếp xúc, trao đổi và giải đáp những băn khoăn từ những chuyên gia, những người am hiểu sâu về lĩnh vực du lịch để từ đó giúp các em xác định được trách nhiệm và định hướng học tập trong thời gian tới”, Trưởng khoa Nguyễn Thị Hồng Ngọc nhấn mạnh.

Các diễn giả chia sẻ
Các diễn giả tại chương trình.

Sau 2 năm đại dịch Covid-19 khiến cho các hoạt động du lịch bị ngừng trệ, đến giữa năm 2022 và đầu năm 2023 Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc. Theo Tổng cục Thống kê công bố mới nhất vào ngày 29/3/2023, thì riêng doanh thu du lịch lữ hành quý I năm 2023 ước đạt 6,8 nghìn tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước do các hoạt động văn hóa, du lịch những tháng đầu năm diễn ra sôi nổi tại nhiều địa phương trong khi cùng kỳ năm trước không tổ chức do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong đó có một số địa phương có bước tăng vượt bậc như: Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng, Kiên Giang, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Cần Thơ.
Tọa đàm đã đi vào các vấn đề tưởng chừng như cũ nhưng sau đại dịch Covid-19 đã thay đổi tâm lý du lịch và phương thức kinh doanh của nhiều doanh nghệp vì thế an toàn là điều mà cộng đồng cần phải quan tâm, yên tâm với điểm đến sẽ là yếu tố quan trọng đưa khách quay lại. Tuy nhiên việc làm sao để tư vấn cho khách hàng, người quan tâm đến hoạt động du lịch thì công ty du lịch nói chung và các nhân sự đang làm trong lĩnh vực này cần có thêm trang bị về tư vấn sale, bán sản phẩm dịch vụ nhưng đặc biệt quan trọng cần bán “thương hiệu cá nhân”. Việc phân định rõ giữa sale du lịch và các sale mảng khác bởi trong du lịch sẽ hiểu rõ việc: sale tour outbound, sale tour inbound, sale khách sạn… để mô hình hóa quy trình sale tới khách hàng.

Sinh viên chia sẻ
Sinh viên chia sẻ góc nhìn tại Tọa đàm.

Đặc biệt, trong tọa đàm đã chia sẻ câu chuyện về Trí tuệ nhân tạo AI đang làm xu hướng hiện nay và phổ cập đó là công cụ ChatBot AI tự động gọi điện giới thiệu sản phẩm trực tiếp tới khách hàng và liệu đó tác động như thế nào tới các nhân viên sale của các công ty du lịch.
Hoạt động Tọa đàm nằm trong kế hoạch năm học 2022 – 2023 của Khoa Khách sạn du lịch, ngoài việc mục tiêu cung cấp tới sinh viên kỹ năng nghề thì thông qua những buổi tọa đàm như vậy giúp sinh viên hiểu rõ hơn, yêu hơn về nghề với các diễn giả là những người làm trong lĩnh vực du lịch lữ hành.
Phần lớn nguồn nhân lực du lịch đã chuyển đổi sang nghề khác, nay mở cửa có những lao động tự nguyện quay lại, nhưng cũng nhiều lao động ổn định công việc mới, nguồn thu nhập cao hơn nên nên không muốn quay lại ngành. Do đó, vấn đề thiếu hụt nhân lực du lịch là vấn đề cấp bách. Việc tính toán, bổ sung kịp thời về số lượng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch đang trở thành vấn đề được ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn phục hồi và phát triển du lịch. Trong đó vai trò và vị thế của các trường đại học - cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp được xác định là yếu tố then chốt để có nguồn nhân lực đạt chuẩn yêu cầu. Khoa Khách sạn du lịch là đơn vị luôn chủ động liên kết với các doanh nghiệp, khách sạn để đưa sinh viên ra thực tập nâng cao năng lực.

Chụp ảnh lưu niệm
Chụp ảnh lưu niệm tại Tọa đàm.

Trong bối cảnh hiện nay, vấn đề cốt lõi để du lịch phát triển là yếu tố con người, nên cần chú trọng đào tạo nhân lực phục vụ du lịch trong đó, không thể thiếu vai trò của quảng bá. Trên tinh thần đó, trong quá trình phối hợp, Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội, Khoa Khách sạn du lịch luôn cùng với các cơ quan, doanh nghiệp tiếp tục trao đổi để đề xuất cơ chế, cách làm, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả quảng bá du lịch cả nước./.

Phương Nam