31/10/2024 lúc 23:13 (GMT+7)
Breaking News

Học Quản lý năng lượng, SV được doanh nghiệp "đặt hàng" từ khi chưa ra trường

Là cơ sở đầu tiên trên cả nước đào tạo ngành Quản lý năng lượng, Trường ĐH Điện lực có nhiều giảng viên tham gia tư vấn chính sách tiết kiệm, quản lý năng lượng.

Ngành Quản lý năng lượng (tên tiếng Anh là Energy Management) cung cấp cho người học các kiến thức chuyên môn về quản lý nguồn cung năng lượng và hoạt động tiêu thụ năng lượng; từ đó có thể đạt được mục tiêu cung cấp, sử dụng năng lượng kinh tế, tiết kiệm, hợp lý và bền vững.

Trường Đại học Điện lực là cơ sở đầu tiên đào tạo ngành Quản lý năng lượng trên cả nước từ năm 2006 và cũng là trường duy nhất đào tạo ngành học này ở cả ba trình độ kỹ sư, thạc sĩ và tiến sĩ. Với nhiều thế mạnh trong công tác giáo dục, sinh viên Trường Đại học Điện lực có nhiều cơ hội “thực chiến” tại các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Bài toán năng lượng ngày nay mở ra ngành học giàu tiềm năng

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Thị Lê Na, phụ trách Bộ môn Quản lý năng lượng, Khoa Quản lý Công nghiệp và Năng lượng, Trường Đại học Điện lực cho biết: Tại Hội nghị Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Việt Nam đã đưa ra tuyên bố đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển điện than sang năng lượng sạch, không xây dựng nhà máy điện than mới sau 2030 tiến tới giảm dần điện than từ 2045; giảm 30% phát thải khí mê-tan vào năm 2030 so với 2020; tăng cường bảo vệ rừng và quản lý sử dụng đất nhằm giảm phát thải khí nhà kính; tham gia liên minh thích ứng toàn cầu;…

Tại Hội nghị COP27, Việt Nam đã tích cực đàm phán xây dựng Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với các nước trong và ngoài G7.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Lê Na phụ trách Bộ môn Quản lý năng lượng, Khoa Quản lý Công nghiệp và Năng lượng, Trường Đại học Điện lực. 

Như vậy, Việt Nam đã có nhiều cam kết thể hiện mong muốn chuyển đổi xanh một cách mạnh mẽ của một quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và từng bước hiện thực hóa các cam kết này. Vấn đề thiếu hụt năng lượng, phát triển xanh và bền vững, giảm tác hại từ biến đổi khí hậu hiện là một trong những bài toán lớn cho Chính phủ, doanh nghiệp và người dân trên toàn thế giới nói chung, và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó.

Điều này cho thấy các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước đang rất cần nguồn nhân lực có trình độ cao về quản lý năng lượng để nghiên cứu, tìm kiếm những giải pháp công nghệ mới, tham gia đề xuất các chính sách về sử dụng năng lượng sao cho hiệu quả hơn.

Quản lý năng lượng bao gồm lập kế hoạch và vận hành hoạt động sản xuất, tiêu thụ năng lượng. Mục tiêu của ngành Quản lý năng lượng là bảo tồn nguồn năng lượng, bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí, mà vẫn đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ năng lượng ở cả hiện tại và tương lai.

Sinh viên ngành Quản lý năng lượng sau khi tốt nghiệp ra trường có thể về làm quản lý dự án, lập kế hoạch, triển khai dự án tiết kiệm năng lượng tại các nhà máy sản xuất công nghiệp; làm người quản lý năng lượng trong doanh nghiệp công nghiệp theo quy định của luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; làm tư vấn về xây dựng mô hình quản lý, kiểm toán, tiết kiệm năng lượng cho doanh nghiệp.

Người học cũng có thể tham gia vào các tập đoàn và tổng công ty hoạt động trong lĩnh vực năng lượng như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Than, Tập đoàn Dầu Khí,…; các nhà máy sản xuất điện với vai trò tham gia công tác quản lý vận hành, chào giá trong thị trường điện; thực hiện công tác vận hành thị trường điện, kinh doanh điện năng tại công ty điện lực, công ty mua bán điện, trung tâm điều độ hệ thống điện,...

Ngoài ra, nhiều sinh viên trở thành nghiên cứu viên, chuyên viên trong lĩnh vực năng lượng tại các Cục, Viện, cơ quan quản lý nhà nước như: Cục Điều tiết điện lực, Viện Năng lượng, Sở Công Thương các tỉnh/thành phố,...; làm việc tại các tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực về năng lượng mới, tiết kiệm năng lượng, phát triển bền vững; hoặc là giảng viên giảng dạy các môn học chuyên ngành về quản lý năng lượng tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề.

Trường Đại học Điện lực xây dựng chương trình đào tạo với nhiều hoạt động thực hành, thực tập giúp sinh viên làm quen kỹ năng "thực chiến" công việc.

Theo kết quả khảo sát, mức thu nhập trung bình của sinh viên tốt nghiệp ra trường sau một năm làm việc khoảng 10 triệu đồng/năm, tùy thuộc vào vị trí công việc, năng lực của bản thân và chế độ đãi ngộ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Thạc sĩ Phùng Văn Tuệ - Chủ tịch Hội Cựu sinh viên ngành Quản lý năng lượng, Khoa Quản lý Công nghiệp và Năng lượng, Trường Đại học Điện lực, hiện đang công tác tại Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội thuộc Sở Công thương Thành phố Hà Nội chia sẻ: “Có thể nói, ngành Cơ khí, Công nghiệp, Năng lượng, Tự động hóa là những ngành chủ đạo và đi đầu đối với nhiều quốc gia.

Vì vậy, nhu cầu nhân lực đối với ngành Quản lý năng lượng vô cùng lớn với nhiều vị trí việc làm như quản lý nhu cầu thị trường điện, tư vấn, thiết kế, kiểm toán về kỹ thuật năng lượng trong các cơ quan nhà nước, công ty, tổ chức doanh nghiệp.

Hiện tại, tôi đang làm ở tổ chức cơ quan nhà nước về lĩnh vực kiểm toán năng lượng và xây dựng hệ thống quản lý năng lượng cho các doanh nghiệp. Tôi là sinh viên khóa đầu tiên của ngành Quản lý năng lượng, Trường Đại học Điện lực.

Là năm đầu tiên đào tạo ngành học mới, nhà trường đã cung cấp đầy đủ khối kiến thức cơ bản về kỹ thuật điện, nhiệt, về quản trị phục vụ cho nghề nghiệp sau này. Tôi đánh giá đội ngũ giảng viên hướng dẫn rất nhiệt tình, tâm huyết; nội dung chương trình học tập cũng được đẩy mạnh nhiều kỹ năng thực tiễn đáp ứng mục tiêu chuẩn đầu ra”.

Thạc sĩ Phùng Văn Tuệ hiện đang công tác tại Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội thuộc Sở Công thương Thành phố Hà Nội.

Cơ sở giáo dục đại học đầu tiên đào tạo ngành Quản lý năng lượng

Thạc sĩ Nguyễn Thị Lê Na cho hay: Ngành Quản lý năng lượng, Trường Đại học Điện lực bắt đầu mở ra và tuyển sinh từ năm 2006. Đến năm 2011 là năm đầu tiên trên cả nước có khóa sinh viên đầu tiên ngành Quản lý năng lượng tốt nghiệp ra trường.

Ngay ở Khoa Quản lý Công nghiệp và năng lượng đã có nhiều sinh viên ở các khóa như khóa 1, khóa 2, khóa 8 sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Điện lực, các bạn quyết định học tiến sĩ ở nước ngoài và quay trở về làm giảng viên tại Trường Đại học Điện lực.

Về chương trình đào tạo, ngành Quản lý Năng lượng cung cấp cho người học các kiến thức chuyên môn để quản lý nguồn cung năng lượng và hoạt động tiêu thụ năng lượng.

Sinh viên được tìm hiểu và vận dụng tốt các kiến thức, kỹ năng và công cụ tiên tiến để giải quyết bài toán trong lĩnh vực quản lý năng lượng; có khả năng thực hiện các thí nghiệm, đo lường; phân tích diễn giải các kết quả và ứng dụng vào cải tiến các quy trình công nghệ. Kỹ sư Quản lý năng lượng còn có khả năng phân tích, đánh giá tác động của việc khai thác và sử dụng năng lượng tới môi trường; phân tích và quản lý dự án trong lĩnh vực năng lượng và các lĩnh vực khác.

Mục tiêu của chuẩn đầu ra kỹ sư ngành Quản lý năng lượng là đào tạo toàn diện về nội dung kiến thức nguyên lý và kỹ năng thực hành kỹ thuật trong việc hỗ trợ các dự án liên quan đến năng lượng; có khả năng học tập suốt đời, có năng lực sáng tạo và khởi nghiệp.

Chương trình đào tạo ngành Quản lý năng lượng của Trường Đại học Điện lực được xây dựng từ những học phần cơ sở ngành như Kỹ thuật nhiệt, Kỹ thuật điện, Thực hành điện,... cho đến những học phần chuyên ngành đặc thù về Kiểm toán năng lượng, Xây dựng mô hình quản lý năng lượng, Quản lý kinh tế, Quản lý nguồn nhân lực, Cơ sở kinh tế năng lượng, Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, Thị trường điện, Năng lượng và môi trường,...

Sinh viên ngành Quản lý năng lượng tham gia thực tập tại Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại. 

Đặc biệt, về kỹ năng thực hành, sinh viên ngành Quản lý năng lượng được đi thực tế và tham gia 2 đợt thực tập tại nhiều đơn vị cơ quan, tổ chức như: Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại, Sở Công thương Hà Nội, Sở Công thương Hải Phòng, Sở Công thương Vĩnh Phúc, Công ty Điện lực Đống Đa, Công ty Điện lực Cầu Giấy, Công ty Điện lực Hà Đông, Công ty Điện lực Thạch Thất, Công ty Cổ phần Tư vấn Giải pháp công nghệ Việt Nam VEST Energy,...

Qua các đợt thực tập với tổng thời gian khoảng 4 tháng, sinh viên nhà trường được Khoa hỗ trợ kết nối, giới thiệu đến với các đơn vị thực tập có uy tín trong lĩnh vực năng lượng. Do vậy, sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc ngay trong những đơn vị đó mà tổ chức không cần phải đào tạo lại nhiều.

Nhiều doanh nghiệp gửi lời mời tuyển dụng sinh viên trong kỳ nghỉ hè hoặc đặt hàng sinh viên năm cuối sau khi tốt nghiệp ra trường có thể đến làm việc luôn.

Về đội ngũ giảng viên, hầu hết các thầy cô của Khoa đều tham gia tư vấn về tiết kiệm, quản lý năng lượng, xây dựng các giáo trình đào tạo kiểm toán viên năng lượng cho Bộ Công thương, tham gia tư vấn xây dựng các chính sách trong lĩnh vực quản lý năng lượng. Vì vậy, đội ngũ giảng viên có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng chương trình đào tạo ngành Quản lý năng lượng tại trường.

Một thế mạnh của nhà trường là chương trình đào tạo được hiệu chỉnh định kỳ hai năm một lần, nhằm đáp ứng nhu cầu giữa các bên liên quan. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo ngành Quản lý năng lượng của Khoa đã đạt được kiểm định chất lượng do Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội cấp giấy chứng nhận vào tháng 4/2024 vừa qua.

Sinh viên ngành Quản lý năng lượng thực hành tại phòng thí nghiệm Kiểm toán năng lượng. 

Ngoài ra, một thuận lợi khác khi theo học ngành Quản lý năng lượng tại trường là có mạng lưới cựu sinh viên hiện đang công tác tại các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực năng lượng trên khắp cả nước sẽ về hỗ trợ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với người học.

Thứ ba, nhà trường rất quan tâm việc quảng bá chương trình tuyển sinh đến phụ huynh cũng như học sinh biết nhiều hơn về thông tin ngành học trên các kênh truyền thông.

Song, theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Lê Na, một thách thức còn tồn tại là nhiều em học sinh và phụ huynh chưa thực sự tìm hiểu kỹ về chương trình đào tạo, các học phần cũng như chuẩn đầu ra, vị trí việc làm của ngành học mà chỉ sắp xếp đặt các nguyện vọng theo cảm tính, gây ra khó khăn trong công tác tuyển sinh.

3 yếu tố để học tốt ngành Quản lý năng lượng

Trưởng Bộ môn Quản lý năng lượng, Trường Đại học Điện lực chia sẻ: Về cơ bản, để học tốt ngành này không phải là một điều quá thách thức.

Trước hết, các bạn sinh viên cần tìm hiểu kỹ về ngành học, bởi đó là công việc mà mình sẽ gắn bó sau này lâu dài. Người học phải biết đam mê, sở thích, sở trường của bản thân khi theo đuổi những vị trí công việc đó thì mới nên đăng ký.

“Từ đó, các bạn sinh viên cần chăm chỉ tích lũy kiến thức, rèn luyện kỹ năng và ý thức làm nghề. Chỉ cần có đủ 3 yếu tố sức khỏe, chăm chỉ và đam mê thì chắc chắn chúng ta sẽ thành công”, cô Na chia sẻ.

Phạm Thị Khánh Hiền - sinh viên lớp D15 chuyên ngành Kiểm toán năng lượng, Phó Bí thư Liên chi đoàn Khoa Quản lý Công nghiệp và Năng lượng thông tin, ngành học tương đương với 4,5 năm đào tạo chính quy.

Phạm Thị Khánh Hiền - sinh viên lớp D15 chuyên ngành Kiểm toán năng lượng, Phó Bí thư Liên chi đoàn Khoa Quản lý Công nghiệp và Năng lượng.

Những môn học chuyên ngành cùng với chuyến đi thực tập tại các nhà máy thuỷ điện, nhiệt điện đã giúp Hiền được thu nhận những kiến thức lý thuyết và thực tiễn. Ngoài ra, sinh viên còn được khảo sát, đánh giá thực tế để phục vụ cho các bài báo cáo môn học. Từ đó, người học làm cơ sở để làm quen, học hỏi từng bước với công việc và dần hình thành kỹ năng nghề nghiệp.

“Trong quá trình học tập, em cảm thấy may mắn vì được trau dồi, rèn luyện trong môi trường giáo dục tốt, cơ sở vật chất tiên tiến, các thầy cô tận tâm giúp đỡ, định hướng sinh viên trên con đường học tập cũng như việc làm tương lai.

Với học sinh, sinh viên đang mong muốn theo đuổi ngành Quản lý năng lượng, các bạn nên vạch ra mục đích và định hướng cho tương lai, rồi tự tin và tin tưởng vào bản thân, đồng thời nên tham gia nhiều hoạt động của Khoa để mở mang kiến thức, làm quen với người tài, học hỏi thêm kỹ năng sống”, Khánh Hiền chia sẻ.

Theo GDVN

Bảo Anh