18/12/2024 lúc 23:11 (GMT+7)
Breaking News

KDang: Tạo việc làm cho đồng bào trên chính quê hương mình

Những năm qua, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai đặc biệt quan tâm đến công tác hỗ trợ chuyển đổi nghề, tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nhằm giúp cho người lao động vùng khó khăn tăng thêm thu nhập, thay đổi tư duy. Đồng bào từ chỗ đi làm thuê xa quê, giờ đây đã có công việc với thu nhập ổn định ngay trên chính quê hương mình.

Các học viên sau đào tạo nghề được cấp chứng chỉ( lớp nghề Nề - làng K tăng, xã KDang)

Xã KDang cách trung tâm huyện Đak Đoa 9km về phía Đông cách thành phố Pleiku 20km về phía Tây Nam. Dân số toàn xã hiện nay có 2.815 hộ/11.280 khẩu, trong đó DTTS có 1317 hộ/5.277 khẩu, chiếm 46,8% dân số. Có 10 thôn nằm rải rác không tập trung, trong đó 06 thôn người đồng bào DTTS, chủ yếu là người dân tộc Bana. Diện tích tự nhiên: 7.562,24 ha. Đảng bộ xã có 289 đảng viên sinh hoạt tại 16 chi bộ trực thuộc. Phát huy truyền thống Anh hùng cách mạng, trong những năm qua Đảng bộ và nhân dân xã KDang luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tổ chức triển khai thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”. Với điều kiện tự nhiên khí hậu thuận lợi để trồng cây công nghiệp lâu năm, kinh tế của nhân dân chủ yếu là cây công nghiệp dài ngày như: cao su, cà phê và một số loại hoa màu, lúa nước. Tổng số hộ nghèo đến cuối năm 2024 là 19 hộ, chiếm tỷ lệ 0,67% dân số toàn xã.

Trong năm 2023, 2024: Uỷ ban nhân dân xã KDang triển khai mở được 04 lớp đào tạo nghề với tổng số hơn 130 học viên, các nghề đào tạo như: hàn, trồng cà phê, Nề,…

Hiện nay chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn và các chính sách thuộc các chương trình Mục tiêu quốc gia đang được triển khai, đáp ứng được nhu cầu học nghề cho người dân trên địa bàn xã, đặc biệt là thanh niên, dần mang lại nhiều chuyển biến tích cực cho cuộc sống của người dân trong xã. Số người trong độ tuổi lao động trên địa bàn xã hiện nay là 6480 người, trong đó số người có việc làm thường xuyên là 5849 người, chiếm tỷ lệ 90,27%. Tỉ lệ qua đào tạo đạt 72,2%, tỉ lệ đào tạo có bằng cấp chứng chỉ là 28,07%. Trong năm 2023, 2024: Uỷ ban nhân dân xã KDang triển khai mở được 04 lớp đào tạo nghề với tổng số hơn 130 học viên, các nghề đào tạo như: hàn, trồng cà phê, Nề,…Đa phần các học viên là người đồng bào DTTS, hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo. Sau khi học nghề đều đã áp dụng được những kĩ năng, kiến thức vào thực tế để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho gia đình. Có một số học viên lớp hàn đã mở được những cơ sở tại nhà, cùng các học viên rèn luyện nâng cao tay nghề thường xuyên và tạo ra sản phẩm cho khách hàng tại địa phương.

Ngoài ra UBND xã thường xuyên giới thiệu, phổ biến thông tin tuyển dụng của các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức tuyên truyền đến người lao động, đặc biệt là người lao động là người DTTS nhằm tạo việc làm phù hợp, ổn định, góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong người đồng bào DTTS. Đặc biệt UBND xã thường xuyên phối hợp với các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn như nông trường cao su KDang thuộc công ty cao su Mang Yang tuyển dụng lao động.

Hiện nay trên địa bàn xã có trên 200 người lao động là công nhân cao su, trong đó, hơn 100 người lao động là đồng bào DTTS tham gia kí kết hợp đồng lâu dài và có việc làm ổn định. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang có gần 2000 lực lượng lao động trẻ, có trình độ, tri thức và năng lực cũng tham gia vào thị trường lao động trực tiếp đem lại nguồn nhân lực chất lượng cao đóng góp giá trị cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Điều quan trọng nhất đối với nhân dân, với đồng bào là họ được ổn định cuộc sống nhờ có việc làm. Rất nhiều đồng bào trước đây không có việc làm ổn định, gia đình lại không có đất sản xuất nên đã phải đi làm công nhân cho một số công ty tại tỉnh Bình Dương, Bình Phước. Nhưng sau khi trở về địa phương và được tham gia lớp học nghề cạo mủ cao su, đồng bào đã trở thành công nhân của Nông trường Cao su Kdang; Nông trường Cao su Đoàn Kết (Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang). Ngoài việc làm công nhân cao su, người dân cũng tham gia vào các doanh nghiệp ở các địa bàn lân cận như: Công ty nông nghiệp CN Cao Hương Sơn, Công ty CP nông nghiệp Đoàn Kết Gia Lai, Trang trại bò sữa Nuti Milk, Công ty CP thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao Doveco - Gia Lai. Ngoài ra gần 200 người lao động (đồng bào DTTS chiếm hơn 90%) được cấp chứng chỉ hoàn thành chương trình FFS về sản xuất và tái canh cà phê bền vững liên kết với Công ty NKG .

Tặng quà gia đình khó khăn trong Lễ ra quân của Chi đoàn Nông trường Cao su Kdang (Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang)

Họ đã vui mừng chia sẻ: “Cuộc sống của gia đình tôi dần ổn định kể từ khi được học nghề và vào làm công nhân cạo mủ cao su. Nguồn thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng giúp chúng tôi có thể trang trải cuộc sống. Điều tôi phấn khởi nhất là có công việc ổn định ngay tại quê hương mình, không phải đi làm xa nhà nữa”.

Đó cũng là mục tiêu chính trong 3 Chương trình mục tiêu quốc gia lớn: Giảm nghèo bền vững; Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bảo DTTS và Xây dựng nông thôn mới... đã và đang triển khai trên khắp các miền quê Việt Nam, trong đó có xã Kdang, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai.

Nguyễn Minh Phong

...