18/11/2024 lúc 09:51 (GMT+7)
Breaking News

Tọa đàm “80 năm Đề cương văn hoá Việt Nam và sự phát triển VHNT Việt Nam, VHNT Đắk Lắk”

Sáng 31/10, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk tổ chức buổi Tọa đàm “80 năm Đề cương văn hoá Việt Nam và sự phát triển văn học nghệ thuật Việt Nam, văn học nghệ thuật Đắk Lắk”. Bản Đề cương đã vạch ra phương hướng phát triển cho nền văn hoá, văn học nghệ thuật – nền tảng tinh thần của quốc gia – dân tộc theo ba nguyên tắc: Dân tộc hoá, đại chúng hoá và khoa học hoá.

Tham dự có đồng chí: Huỳnh Chiến Thắng- Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đồng chí Niê Thanh Mai-Chủ tịch Hội VHNT tỉnh; lãnh đạo Sở, ngành, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, cùng đông đảo văn nghệ sĩ trong tỉnh tới tham dự.

Văn nghệ chào mừng buổi lễ.

Cách đây tròn 80 năm, Đảng ta ban hành bản Đề cương văn hoá Việt Nam (1943-2023). Đây là văn kiện lịch sử có tầm vóc và ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bởi bản Đề cương đã vạch ra phương hướng phát triển cho nền văn hoá, văn học nghệ thuật – nền tảng tinh thần của quốc gia – dân tộc theo ba nguyên tắc: Dân tộc hoá, đại chúng hoá và khoa học hoá.

Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 được ví như tuyên ngôn, cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta về văn hóa và cách mạng, có ý nghĩa khai sáng, mở đường cho cách mạng Việt Nam, nhất là lĩnh vực tư tưởng, văn hóa; định hình những quan điểm, nguyên tắc cơ bản cho thời kỳ đó và tiếp tục được bổ sung, phát triển trong nhiều năm tiếp theo. Đồng thời, Đề cương về Văn hoá Việt Nam năm 1943 đã phác thảo hoạt động của một đảng chính trị trong điều kiện hoạt động bí mật nên Văn bản là những định hướng lớn, những nguyên tắc nền tảng được tiếp tục phát triển phù hợp với yêu cầu thực tiễn mới và khả năng, tầm nhìn của Đảng ta; trong đó đặc biệt chú trọng sự phát triển các phương châm Dân tộc hóa, Khoa học hóa và Đại chúng hóa cho nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Đ/c  Niê Thanh Mai-Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Đắk Lắk và NSƯT, nhà nghiên cứu VHDG Vũ Lân, Phó chủ tịch Hội đồng nghệ thuật, nguyên PCT Hội VHNT Đắk Lắk đồng chủ trì buổi toạn đàm.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có những ý kiến chỉ đạo mang tính chiến lược về đường lối văn hóa, văn nghệ. Người từng nhấn mạnh và khẳng định: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”; “Văn hóa nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị”; “Chính trị, kinh tế, văn hóa đều phải coi là quan trọng ngang nhau”

Tọa đàm “80 năm Đề cương văn hoá Việt Nam và sự phát triển văn học nghệ thuật Việt Nam,văn học nghệ thuật Đắk Lắk” tập trung nghe nhiều tham luận của các nhà nghiên cứu văn hoá, quản lý văn hoá, văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh chia sẻ về vai trò của bản Đề cương về văn hoá Việt Nam 1943 đối với việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc Tây Nguyên trong văn hoá, văn học nghệ thuật hiện nay; Phương pháp luận tiếp cận Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943; Phát triển văn hoá tộc người ở tỉnh Đắk Lắk theo tinh thần của đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943; Việc thực hiện nghị quyết 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ chính trị khóa X về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới; Văn hóa là nền tảng tinh thần cho sự hình thành, phát triển của văn học, Nghệ thuật Đắk Lắk, Tây nguyên...

Toàn cảnh buổi Toạ đàm.

Tại buổi toạ đàm, đa số tham luận, ý kiến tại Toạ đàm tập trung đưa ra những đánh giá, làm rõ các vấn đề cơ bản như: Phân tích làm rõ quan điểm cơ bản về văn hoá, văn nghệ và giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc, lâu bền của Đề cương về văn hoá Việt Nam (1943); làm rõ quá trình kế thừa, vận dụng và phát triển những nội dung quan trọng của Đề cương trong việc xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật Việt Nam nói chung và văn học nghệ thuật Đắk Lắk nói riêng; đề xuất định hướng và những nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, phát triển để xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật thời kỳ đổi mới và hội nhập; Nguồn nhân lực của các DTTS ở Tây Nguyên, thực trạng và một số giải pháp; 80 năm vẫn còn chưa cũ… Đồng thời tôn vinh, lan tỏa và phát huy giá trị của một văn kiện mang tầm cương lĩnh của Đảng về văn hóa, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp phát triển toàn diện con người Việt Nam và chấn hưng, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong giai đoạn mới.

Đ/c  Niê Thanh Mai-Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Đắk Lắk phát biểu khai mạc.

Phát biểu khai mạc, đồng chí Niê Thanh Mai, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, năm 2023 là dịp  kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về văn hóa Việt Nam” (1943 – 2023). Toạ đàm do Hội VHNT Đắk Lắk chủ trì tổ chức với mong muốn tiếp tục nghiên cứu, khẳng định và tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa lịch sử giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc của Đề cương về Văn hoá Việt Nam. Đồng thời tổng kết, đánh giá quá trình kế thừa, vận dụng và phát triển những nội dung cốt lõi của văn kiện; tập trung làm rõ vai trò quan trọng của Đề cương đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển nền văn học, nghệ thuật Việt Nam nói chung, của Đắk Lắk nói riêng; từ đó có những gợi ý, đề xuất phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục vận dụng, bổ sung, phát triển những tư tưởng cốt lõi của Đề cương nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện của văn học nghệ thuật Đắk Lắk trong thời kỳ mới.

Đại diện Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk với bài tham luận "Giá trị của đề cương văn hoá Việt Nam trong việc gìn giữ văn hoá các dân tộc Đắk Lắk trong giai đoạn hiện nay".

Tiến sĩ Trần Long, Giảng viên cao cấp, Trưởng khoa Văn hoá học, Trường Đại học trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM với bài tham luận tại toạ đàm.

Nhà văn, Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu VHDG Linh Nga Niê Kdăm, nguyên chủ tịch Hội VHNT Đắk Lắk với bài tham luận "80 năm vẫn còn chưa cũ".

“Tỉnh Đắk Lắk ở vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, là nơi hội tụ của 49/54 dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Nền văn hóa của các dân tộc trên vùng đất này đa dạng, nhiều sắc màu. Ngoài những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc Ê-đê, M’nông, Ba Na, Xê Đăng, Gia Rai còn có sự hiện diện văn hóa của các dân tộc từ các tỉnh vùng Tây Bắc như Tày, Thái, Nùng, Mông, Dao, Hoa… Đắk Lắk cũng là vùng đất của lễ hội. Hàng trăm năm qua, lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số tại Đắk Lắk gắn liền với rừng núi và cộng đồng đã tạo nên sắc thái riêng biệt và hấp dẫn. Những lễ hội đồng thời là một hình thái sinh hoạt tinh thần mang bản sắc đậm đà của các dân tộc cùng sinh sống trên mảnh đất trù phú này thường được tổ chức sau những ngày lao động mệt nhọc. Nhiều lễ hội được tổ chức phong phú và đa dạng như lễ hội mùa, lễ tỉa hạt, lễ cúng bến nước, lễ đâm trâu, lễ hội cồng chiêng, lễ cúng sức khỏe, lễ cúng trưởng thành...”. Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Đắk Lắk cho biết thêm.

Đồng chí Huỳnh Chiến Thắng – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Lắk phát biểu. 

Phát biểu tại toạ đàm, đồng chí Huỳnh Chiến Thắng – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy khẳng định, đây là dịp cùng nhìn nhận lại sự phát triển của văn hoá, VHNT Đắk Lắk trong chặng đường đã qua, định hướng cho sự phát triển VHNT tỉnh nhà trong thời gian tới. Kỳ vọng các nhà nghiên cứu, các đại biểu, nhà khoa học, đội ngũ văn nghệ sĩ tiếp tục nghiên cứu và có những dự báo để văn hóa, văn nghệ tham gia và đóng góp sâu sắc hơn vào nhu cầu hưởng thụ văn hoá, văn nghệ của người dân; hình thành một hệ giá trị văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc; đáp ứng được với sự phát triển của đất nước, của tỉnh Đắk Lắk phù hợp với xu thế phát triển hiện nay.

Đại biểu tham dự toạ đàm cùng trao đổi về những tác phẩm văn học nghệ thuật.

Trên cơ sở kết quả của Toạ đàm và từ thực tiễn sáng tạo VHNT, đông đảo đội ngũ giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học, đặc biệt các văn nghệ sĩ là những người trực tiếp tham gia vào quá trình hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật cần nghiên cứu đề xuất những giải pháp khả thi, đưa đường lối của Đảng vào đời sống, quảng bá ngày càng sâu rộng văn hóa Việt Nam nói chung và văn hoá của vùng Tây Nguyên nói riêng, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ nền văn học nghệ thuật để chúng ta có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật thể hiện chân thực đời sống nhân dân, dân tộc, giàu giá trị nhân văn và giá trị thẩm mĩ, xứng đáng với tầm vóc của dân tộc và thời đại.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Với đặc thù là vùng đất lành hội tụ các dân tộc trong cả nước, Đắk Lắk đã hình thành ba dòng văn hóa giàu bản sắc. Đó là văn hóa các dân tộc bản địa Tây Nguyên – Trường Sơn, văn hóa của các DTTS phía Bắc và văn hóa dân tộc Kinh mang đủ sắc thái ba miền Bắc – Trung – Nam. Ba dòng văn hóa giao thoa và bồi đắp, trải qua năm tháng đã tạo nên nền văn hóa Đắk Lắk những nét đặc trưng riêng biệt với các vùng miền trong cả nước. Đó là trong văn hóa cộng đồng có sự hội tụ của văn hóa nhà dài của người Ê đê, M’Nông xen với văn hóa nhà rông của người Ba-Na, Gia-Rai lẫn với văn hóa nhà sàn của người DTTS phía Bắc như Thái, Mường, Nùng, Dao lẫn với văn hóa đình làng của người Việt.

Sự đa dạng trong văn hoá, bản sắc và cộng đồng các dân tộc là điều kiện để văn học nghệ thuật, đặc biệt là VHNT lấy chất liệu từ dân gian phát triển mạnh mẽ. Thông qua hoạt động sáng tạo, các văn nghệ sĩ góp phần tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chú trọng việc giữ gìn bản sắc văn hóa và các giá trị đạo đức tốt đẹp, quảng bá về hình ảnh và con người của vùng đất đến với công chúng yêu văn học nghệ thuật trong vùng và khắp cả nước cũng như giới thiệu tới bạn bè quốc tế.

Đình Tiến