15/11/2024 lúc 08:56 (GMT+7)
Breaking News

Tích cực thúc đẩy các hoạt động hướng tới mục tiêu Trường học xanh

Ngày 04/7, tại Hà Nội, bà Armida Salsiah Alisjahbana - Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc kiêm Thư ký điều hành Ủy ban kinh tế xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên Hợp Quốc (ESCAP) đã nghe báo cáo về các hoạt động hướng tới mục tiêu Trường học xanh.

CLB Trường học xanh Việt Nam (Green School Việt Nam) được thành lập nhằm tuyên truyền, phổ biến, giúp học sinh Việt Nam tiếp cận với chuẩn mực Giáo dục Công dân Toàn cầu (GCED) của UNESCO. Tại đây, học sinh được trao quyền trở thành ‘công dân toàn cầu’, có khả năng đảm nhận các vai trò tích cực, ở cả địa phương và toàn cầu, đối mặt và giải quyết các thách thức toàn cầu, đồng thời đóng góp tích cực vào một thế giới công bằng, hòa bình, khoan dung, hòa nhập, an toàn và bền vững.

Bà Armida Salsiah Alisjahbana chụp hình lưu niệm
Bà Armida Salsiah Alisjahbana chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu.

Giáo dục bền vững đóng một vai trò thiết yếu để giải quyết ba cuộc khủng hoảng toàn cầu liên quan tới biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và tổn thất đa dạng sinh học thông qua giáo dục nâng cao nhận thức, đào sâu kiến thức và xây dựng năng lực hướng tới cuộc sống bền vững ở cấp độ địa phương, quốc gia, khu vực và trên phạm vi toàn cầu. Ngày càng có nhiều chính phủ xây dựng và thực hiện các chính sách thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn, hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững thông qua các chương trình giáo dục môi trường, nâng cao nhận thức nhằm thay đổi hành vi, thực hiện lối sống bền vững. Tại Việt Nam, Luật Bảo vệ Môi trường đã cụ thể hóa nội dung về Giáo dục, đào tạo và bồi dưỡng kiến thức về bảo vệ môi trường tại Điều 153, và Truyền thông, phổ biến kiến thức, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường tại Điều 154. Nhiều sáng kiến đã được xây dựng nhằm thu hút giáo viên, học sinh, sinh viên, cộng đồng và toàn xã hội nghiên cứu, tìm hiểu sâu hơn và thực hành lối sống bền vững, coi đây là một phần cốt lõi của cuộc sống hàng ngày, thay đổi nhận thức và hành vi của cộng đồng và toàn xã hội.

Trong khi việc thực thi các khuôn khổ pháp luật hoặc chiến lược nhằm thay đổi nhận thức và hành vi, lối sống theo hướng bền vững và bao trùm vẫn còn là một thách thức, các cuộc thảo luận theo Mô hình Liên hợp quốc và phát triển năng lực mang đến cơ hội tiếp thêm sinh lực để thu hút tập thể sư phạm tại các trường phổ thông, đại học và toàn thể cộng đồng xã hội hướng tới việc xanh hóa môi trường giáo dục và học tập.

Với dân số trẻ và đang gia tăng, Việt Nam cần đảm bảo rằng học sinh, sinh viên và toàn thể cộng đồng, xã hội hiểu và thực hiện lối sống bền vững. Mặc dù Việt Nam đã đưa giáo dục môi trường vào chương trình giảng dạy ở trường học, nhưng chìa khóa để nâng cao nhận thức hơn nữa về cốt lõi của phát triển bền vững là đưa học sinh, sinh viên tham gia vào các hoạt động thực tiễn, sử dụng sự sáng tạo của họ trong thay đổi lối sống, thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn, trong khi thay đổi hành vi của bản thân, gia đình, nhà trường, cộng đồng và toàn xã hội. Hoạt động của Green School Việt Nam là một phần của chiến dịch nâng cao nhận thức, được phát triển và thực hiện, để khuyến khích nhiều học sinh và cộng đồng tham gia vào các hoạt động hướng tới Trường học Xanh nhằm đưa lối sống bền vững vào cuộc sống hàng ngày của các em.

Em Nguyễn Khánh Linh, Phó chủ tịch CLB Trường học xanh Việt Nam (Green School Vietnam), học sinh xuất sắc, tiêu biểu của Trường Tiểu học, THCS & THPT Nguyễn Siêu, đoạt giải thưởng Học sinh Xuất sắc Cambridge (Outstanding Cambridge Learners Awards) với thành tích đạt điểm cao nhất Việt Nam trong kỳ thi Tốt nghiệp phổ thông quốc tế Cambridge IGCSE năm 2022, đã vinh dự tặng hoa bà Armida Salsiah Alisjahbana, Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc kiêm Thư ký điều hành Ủy ban kinh tế xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên Hợp Quốc (ESCAP).

Trong khuôn khổ tài trợ của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), với vai trò Phó chủ tịch CLB Trường học xanh Việt Nam (Green School Vietnam) cùng hơn 600 thành viên, Nguyễn Khánh Linh đã tích cực đồng hành, thúc đẩy các hoạt động hướng tới mục tiêu Trường học xanh, nhằm ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, phục hồi hệ sinh thái trong học sinh, sinh viên và cộng đồng, phát động các hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững theo Chương trình Nghị sự 2030 của Liên Hiệp Quốc như: Hội nghị theo mô hình Liên Hợp quốc về thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực rác thải điện, điện tử; Chiến dịch truyền thông 'Chung tay giảm chất thải nhựa', 'Túi xanh đi chợ, nội chợ thông minh', 'Suy nghĩ lại về nhựa - giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển';  Ủng hộ đồng bào dân tộc, miền núi gặp khó khăn trong dịch Covid-19 tại huyện Lương Sơn (Hòa Bình); Chương trình đông ấm vùng cao cho học sinh trường Tiểu học Suối Tọ 2 (xã Suối Tọ, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) là trường thuộc vùng 3 của tỉnh Sơn La; Chương trình Tiếng Anh vì người nghèo.

Huy Thủy