23/01/2025 lúc 02:53 (GMT+7)
Breaking News

Thực trạng phát triển mô hình kinh tế chia sẻ ngành Du lịch Việt Nam

Sự phát triển không ngừng của ngành Du lịch đã đóng góp 584.884 tỷ đồng vào GDP Việt Nam, con số này bao gồm cả đóng góp trực tiếp, gián tiếp và đầu tư công (tương đương 13,9% GDP). Trong đó, đóng góp trực tiếp là 279.287 tỷ đồng (tương đương 6,6% GDP). Ngoài ra, ngành Du lịch còn góp phần tạo ra 6,035 triệu việc làm trên toàn quốc (bao gồm cả việc làm gián tiếp), chiếm 11,2% tổng số việc làm. Trong đó, số việc làm trực tiếp do ngành Du lịch tạo ra là 2,783 triệu.

Tóm tắt:

Du lịch phát triển đã góp phần tăng tỷ trọng GDP của ngành Du lịch trong khối dịch vụ và tổng thu nhập quốc dân. Một số địa điểm nổi bật như Quy Nhơn, Phú Yên, Đà Nẵng, Sapa, Hạ Long, Phong Nha Kẻ Bàng, Ninh Thuận, Sầm Sơn, Huế, Hội An, Nha Trang, Bà Rịa - Vũng Tàu,… là những nơi có ngành Du lịch phát triển nhất nước ta. Ngành Du lịch ở những địa điểm này phát triển đã kéo theo sự phát triển các ngành nghề khác, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Thời gian qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của ngành Du lịch. Bài viết trình bày về thực trạng phát triển kinh tế chia sẻ ngành Du lịch Việt Nam nói chung, những cơ hội cũng như thách thức mà ngành Du lịch cần đối mặt trong tương lai, từ đó rút ra được rằng sự tham gia của kinh tế chia sẻ vào ngành Du lịch sẽ đem lại những chuyển biến gì? Trên cơ sở phân tích mặt mạnh và yếu, bài viết sẽ đưa ra một số giải pháp nhằm phát triển du lịch nước nhà theo hướng bền vững.

Từ khóa: du lịch, kinh tế chia sẻ.

Ảnh minh họa - TL

1. Đặt vấn đề

Những năm qua, hàng chục tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài và hơn 350.000 tỷ đồng đầu tư trong nước đã được đầu tư cho hạ tầng du lịch quốc gia, hình thành hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch hiện đại tại nhiều địa phương và hình thành rõ hơn các vùng động lực phát triển du lịch Việt Nam.

Hệ thống vận tải du lịch, nhất là hàng không và đường bộ, đang được xã hội hóa mạnh và ngày càng kết nối rộng rãi với các điểm đến trong và ngoài nước, cả tầm ngắn, tầm trung và tầm dài. Việt Nam hiện có 55 hãng hàng không quốc tế đến từ 28 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 59 đường bay quốc tế, 52 đường bay nội địa kết nối. Việt Nam đã tham gia hàng loạt văn kiện pháp lý và dự án hợp tác quốc tế về du lịch. Du khách 25 quốc gia đã được miễn visa đến Việt Nam.

Sự phát triển không ngừng của ngành Du lịch đã đóng góp 584.884 tỷ đồng vào GDP Việt Nam, con số này bao gồm cả đóng góp trực tiếp, gián tiếp và đầu tư công (tương đương 13,9% GDP). Trong đó, đóng góp trực tiếp là 279.287 tỷ đồng (tương đương 6,6% GDP). Ngoài ra, ngành Du lịch còn góp phần tạo ra 6,035 triệu việc làm trên toàn quốc (bao gồm cả việc làm gián tiếp), chiếm 11,2% tổng số việc làm. Trong đó, số việc làm trực tiếp do ngành Du lịch tạo ra là 2,783 triệu, tương đương với 5,2% tổng số việc làm. Đồng thời, xét về cơ cấu doanh thu ngoại tệ trong xuất khẩu dịch vụ, doanh thu của ngành Du lịch chiếm trên 50% tổng xuất khẩu dịch vụ của cả nước, đứng đầu về doanh thu ngoại tệ trong các loại hoạt động dịch vụ “xuất khẩu”, vượt trên cả các ngành Vận tải, Bưu chính viễn thông và Dịch vụ tài chính. So sánh với xuất khẩu hàng hóa, doanh thu ngoại tệ từ xuất khẩu dịch vụ du lịch chỉ đứng sau 4 ngành xuất khẩu hàng hóa là xuất khẩu dầu thô, dệt may, giầy dép và thủy sản. Ngoài ra, với tư cách là hoạt động “xuất khẩu tại chỗ”, du lịch đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn và tạo ra nhiều việc làm có thu nhập cho xã hội mà hiện nay chưa tính toán hết được.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, du lịch Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn, một số nội dung tiêu chí là ngành kinh tế mũi nhọn chưa đạt hoặc đạt nhưng chưa bền vững, cụ thể: Chiến lược phát triển thị trường khách chưa rõ ràng, thiếu tính khoa học và không nhạy bén với sự biến động của kinh tế và chính trị nên khi có diễn biến xảy ra đã không chủ động và không lường hết tác động đến thị trường khách; chiến lược kinh doanh của các công ty du lịch thiếu bền vững và lâu dài về thị trường khách du lịch quốc tế, đang còn bị động phụ thuộc vào một vài thị trường khách lớn; kích cầu du lịch nội địa chưa hiệu quả, năng lực cạnh tranh còn thấp,... Nguyên nhân của tình trạng trên là do: hệ thống chính sách, vai trò quản lý, năng lực đội ngũ chưa đáp ứng được yêu cầu,... Bên cạnh đó, sự phối hợp liên ngành chưa hiệu quả; vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương chưa được phát huy đầy đủ; nhận thức về phát triển du lịch chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; đầu tư du lịch còn hạn chế và chưa mang lại hiệu quả như mong muốn; một số chính sách có liên quan đến du lịch còn bất cập, chưa kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch để nâng cao khả năng cạnh tranh và thu hút khách du lịch; vấn đề an ninh an toàn cho khách du lịch còn chưa được đảm bảo,…

2. Thực trạng mô hình kinh tế chia sẻ áp dụng vào ngành Du lịch Việt Nam

2.1. Thực trạng phát triển mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam

Tại Việt Nam, trong vài năm trở lại đây, mô hình kinh tế chia sẻ bắt đầu được đề cập nhiều hơn. Khái niệm “kinh tế chia sẻ” xuất hiện và trở nên phổ biến hơn từ khi Công ty Uber và Grab bắt đầu cung ứng dịch vụ taxi công nghệ. Sự tham gia góp mặt của các công ty như, Airbnb, Triip.me, Travelmob, tiếp đó là sự xuất hiện của hàng loạt start-up trong nước như: Ahamove.com, jupviec.vn, dobody,… đã minh chứng cho những lợi ích mà mô hình này đem lại.

Kinh tế chia sẻ giúp đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hướng tới xây dựng đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hòa nhập với xu hướng phát triển cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời, góp phần đẩy mạnh kinh tế vùng địa phương và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế đất nước,...

Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật về hoạt động kinh doanh của Việt Nam như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Giao dịch điện tử,… và các quy định về thuế hiện nay hầu như còn bỏ ngỏ đối với mô hình kinh tế chia sẻ. Hiện chưa có khung khổ pháp luật chặt chẽ để quản lý các mô hình hoạt động của kinh tế chia sẻ.

Ngoài ra, mô hình kinh tế chia sẻ còn tồn tại một số hạn chế khác như nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp truyền thống, do doanh nghiệp tham gia nền kinh tế chia sẻ không đảm bảo dịch vụ của họ đạt chuẩn theo quy định của pháp luật.

Mô hình này cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các nhà quản lý chính sách tại Việt Nam, bao gồm môi trường kinh doanh thuận lợi, đảm bảo hài hòa lợi ích đối với các mô hình kinh doanh dịch vụ truyền thống; Kiểm soát việc minh bạch về thông tin; Quản lý giao dịch điện tử, thanh toán quốc tế về thương mại bằng thẻ; Quản lý chất lượng dịch vụ, sản phẩm; Chống thất thoát thuế và một số vấn đề xã hội khác nảy sinh như lao động, việc làm và an sinh xã hội...

2.2. Các mô hình kinh tế chia sẻ chính đang ứng dụng trong ngành Du lịch Việt Nam

- Mô hình đi chung xe: Mô hình đi chung xe, như tên gọi của nó, cung cấp dịch vụ chia sẻ chỗ trống trên xe cho những người không quen biết nhau, nhưng có chung mục đích di chuyển đến những địa điểm đã đặt trước. Bằng cách tận dụng toàn bộ chỗ trống trên xe, người tham gia mô hình này có thể giảm thiểu chi phí đi lại của mình, đồng thời cũng giúp hạn chế lượng khí CO2 thải ra môi trường. Trong các dịch vụ đi chung xe được cung cấp tại Việt Nam, đầu tiên phải kể đến Grab và Uber, hai ông lớn trong việc sử dụng ứng dụng định vị tự động để đặt và điều phối xe trên điện thoại thông minh. GrabTaxi hướng tới mục tiêu cải tiến thị trường taxi địa phương bằng khởi đầu đơn giản, chi phí hiệu quả cho cả hai bên cung và cầu. Với công nghệ này, GrabTaxi tối ưu hóa quá trình kết hợp giữa công ty taxi và hành khách. Hiện nay, GrabTaxi và Uber là hai ứng dụng đặt xe được sử dụng phổ biến tại Việt Nam. Sau bước đi tiên phong của GrabTaxi và Uber, hàng loạt ứng dụng đặt xe dựa trên nền tảng tương tự đã ra đời, như Be, GoViet, Đi chung, …tạo nên một môi trường cạnh tranh sôi động cho thị trường này ở Việt Nam. Điều này, có thể nói đã tạo nên một tác động tích cực với ngành Du lịch Việt Nam.

- Mô hình thuê chung căn hộ: Mô hình thuê chung căn hộ là mô hình hoạt động dựa trên việc chia sẻ không gian trong nhà/căn hộ. Người chủ nhà/căn hộ tận dụng sự dư thừa rảnh rỗi của các tài sản này và cho khách du lịch hoặc những người có nhu cầu ở nhưng không sở hữu bất động sản tại địa phương thuê lại. Có thể nói, mô hình thuê chung căn hộ đang phát triển khá rộng rãi tại Việt Nam. Một trong những doanh nghiệp điển hình hoạt động dựa trên mô hình này là AirBnb. Du nhập vào Việt Nam từ năm 2014, dữ liệu từ AirDNA (website theo dõi hiệu quả hoạt động của Airbnb) cho thấy tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 21.994 đăng ký cho thuê trên Airbnb. Con số này sẽ là một con số ấn tượng khi đem ra so sánh với 17.426 phòng của các khách sạn 4-5 sao hiện hữu trên địa bàn. Tuy nhiên, giá cho thuê trung bình của Airbnb tại Việt Nam vẫn đang thấp hơn đáng kể so với giá cho thuê của khách sạn 4-5 sao (36 USD với 106 USD tại Hà Nội, 44 USD với 108 USD tại Thành phố Hồ Chí Minh). Nhằm gây dựng uy tín cũng như tạo sự yên tâm cho người thuê nhà, ứng dụng Airbnb yêu cầu những bước kiểm tra xác nhận danh tính chủ nhà thông qua mạng xã hội Facebook, số điện thoại, hộ chiếu, chứng minh nhân dân và đặc biệt là thông qua sự phản hồi của những người đã thuê nhà trước đó. Ngoài Airbnb, chúng ta còn cần phải kể tới Luxstay.com - một nền tảng công nghệ về du lịch trực tuyến hoạt động trong lĩnh vực bất động sản đang được các nhà đầu tư chú ý,...

- Mô hình hướng dẫn viên du lịch nghiệp dư: Mặc dù không được đào tạo bài bản về các kĩ năng hay kiến thức chuyên môn, không ai có thể phủ nhận tầm hiểu biết của một người dân bản địa về địa điểm mà họ đang sinh sống. Mô hình này đã biến những người địa phương bình thường thành một hướng dẫn viên du lịch nghiệp dư, tận dụng thời gian rảnh rỗi cũng như sự hiểu biết của người dân địa phương thành một nguồn lực, một tài sản có thể đem ra chia sẻ. Trang web Triip.me là một ví dụ điển hình cho mô hình này. Trang web này cho phép bất kỳ ai cũng có thể tạo một gói sản phẩm du lịch, đưa lên và bán cho khách du lịch trên trang web hoặc ứng dụng trên iPhone. Triip.me được hình thành và xây dựng từ một nhóm người trẻ và đam mê du lịch, họ đến từ nhiều quốc gia với những nền văn hóa khác biệt nhau. Điểm chung lớn nhất của Triip.me là nơi kết nối mọi người, chia sẻ kinh nghiệm về du lịch qua đó góp phần bảo tồn văn hóa tại các địa phương,…

Rõ ràng, có thể thấy, Việt Nam nói chung và thị trường du lịch nói riêng là một sân chơi hấp dẫn đối với các công ty khởi nghiệp dựa trên mô hình kinh tế chia sẻ. Theo báo cáo Điểm chính Đầu tư Khởi nghiệp Việt Nam của Topica Founder Institute cho thấy 92 mô hình khởi nghiệp được rót vốn trong năm 2017, trong đó có tới 5 mô hình về du lịch trực tuyến. Đặc điểm chung của những doanh nghiệp khởi nghiệp trong ngành này là khả năng nắm bắt cơ hội thị trường, tận dụng tốt những tiềm năng của cơ sở hạ tầng và những trải nghiệm du lịch địa phương phong phú của khu vực Đông Nam Á.

3. Đề xuất giải pháp phát triển mô hình kinh tế chia sẻ trong ngành Du lịch tại Việt Nam

3.1. Hoàn thiện hệ thống Luật điều chỉnh và quản lý đối với kinh tế chia sẻ trong đó có kinh tế chia sẻ ngành Du lịch tại Việt Nam

Để phát huy được lợi ích của mô hình kinh tế chia sẻ, Nhà nước cần có các chính sách thúc đẩy mô hình này theo hướng nới lỏng các điều kiện kinh doanh truyền thống (áp dụng chung cho cả khu vực truyền thống và khu vực kinh tế chia sẻ), đồng thời nâng cao kiểm soát quản lý đối với mô hình kinh tế chia sẻ ngành Du lịch trong việc cung ứng dịch vụ để tịnh tiến dần sự công bằng giữa truyền thống và công nghệ, gia tăng tính cạnh tranh.

Nghiên cứu các kinh nghiệm quốc tế và đặc thù tại Việt Nam nhằm đưa ra các giải pháp quản lý nguồn thuế hiệu quả, tránh thất thoát nguồn thu ngân sách nhà nước cũng như tạo sự công bằng cho các đối tượng nộp thuế. Thực tế trên thế giới và câu chuyện Uber ở Việt Nam cho thấy, việc quản lý thuế đối với mô hình “kinh tế chia sẻ” gặp rất nhiều khó khăn.

3.2. Đối với các chủ thể muốn khởi nghiệp với mô hình kinh tế chia sẻ ngành Du lịch, cần có những bước chuẩn bị về nguồn cung, đào tạo nhân lực và xây dựng niềm tin để tạo dựng thương hiệu

Việc đào tạo nhân lực đóng vai trò quan trọng, có thể quyết định tới sự thành - bại của doanh nghiệp. Ngay từ khâu đầu tiên là kiểm tra hồ sơ cá nhân phải được thực hiện chặt chẽ. Các công ty trong nền kinh tế chia sẻ có thể xây dựng các khóa đào tạo trực tuyến và kiểm tra bằng bài thi. Cá nhân được chấp thuận sẽ được trang bị tài liệu cầm tay hướng dẫn quy trình cung cấp dịch vụ. Một nguồn nhân lực cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp chính là cách để doanh nghiệp xây dựng được niềm tin với khách hàng và tạo dựng được thương hiệu cho mình.

3.3. Đầu tư phát triển mạng lưới internet, nâng cấp đảm bảo tính bảo mật tài khoản thanh toán trực tuyến, cả về số lượng và chất lượng

Đặc thù cơ bản của kinh doanh chia sẻ chính là các giao dịch thông qua mạng lưới trực tuyến. Khi chưa có sự phát triển mạnh mẽ của internet tại Việt Nam sẽ không thể có một nền tảng tốt cho sự phát triển và thành công của kinh doanh chia sẻ.

Nền tảng quan trọng của kinh tế chia sẻ nói chung, kinh tế chia sẻ ngành Du lịch nói riêng chính là internet và công nghệ. Hiện nay, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh về người sử dụng internet cũng như công nghệ. Tuy nhiên, vấn đề an ninh mạng và câu chuyện thông tin cá nhân sử dụng Facebook bị lợi dụng gần đây cũng đặt ra nhiều vấn đề an toàn thông tin cho người sử dụng. Đây là một trong những thách thức lớn cần coi trọng nếu muốn đẩy mạnh phát triển kinh tế chia sẻ.

3.4. Xây dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các hoạt động kinh tế chia sẻ ngành Du lịch và truyền thống

Cần phải khẳng định tận dụng tối đa tài nguyên nhưng phải đảm bảo các tiêu chuẩn phù hợp với từng lĩnh vực ngành nghề kinh doanh cụ thể và người cung cấp dịch vụ phải có trách nhiệm đảm bảo tiêu chuẩn được đề ra.

Do đó, để phát huy được lợi ích của mô hình kinh tế chia sẻ, Nhà nước cần có các chính sách thúc đẩy mô hình này theo hướng nới lỏng các điều kiện kinh doanh truyền thống (áp dụng chung cho cả khu vực truyền thống và khu vực kinh tế chia sẻ), đồng thời nâng cao kiểm soát quản lý đối với mô hình kinh tế chia sẻ ngành Du lịch trong việc cung ứng dịch vụ để tịnh tiến dần sự công bằng giữa truyền thống và công nghệ, gia tăng tính cạnh tranh.

4. Kết luận

Trước xu thế toàn cầu hóa, Việt Nam đang trên tiến trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế. Bộ mặt toàn xã hội Việt Nam được thay đổi từng ngày và đất nước đạt được nhiều thành tựu to lớn nhất là thành tựu về kinh tế, xã hội. Trong quá trình hội nhập ấy, ngành dịch vụ du lịch đang dần trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp đáng kể cho GDP Việt Nam. Hội nhập kinh tế quốc tế mở ra nhiều cơ hội mới cho ngành Dịch vụ du lịch, làm cho ngành này càng ngày càng phát triển.

Một số mô hình kinh tế chia sẻ trong ngành Du lịch như: Mô hình Airbnb: Mô hình Airbnb chia sẻ nhà ở cho người đi du lịch, tận dụng nguồn tài nguyên đang lãng phí là những căn phòng không dùng đến; Mô hình Grap: Nền tảng Grap tận dụng nguồn tài nguyên ô tô, xe gắn máy ít được đưa vào lưu thông và người lao động không kiếm được việc làm trong cộng đồng,… Những mô hình kinh tế chia sẻ này nhanh chóng gia nhập vào Việt Nam và đã thể hiện được tính ưu việt nhất định và có sự thành công lớn. Tuy nhiên, cũng giống như các nước khác trên thế giới, Việt Nam cũng đối mặt với những tồn tại bất cập mà mô hình kinh tế chia sẻ của các nước gặp phải. Tuy nhiên, việc đón nhận mô hình kinh tế chia sẻ là tất yếu và cần nâng cao quản lý nó để mô hình kinh tế chia sẻ trong ngành Du lịch nói riêng và trong tất cả các ngành nói chung vừa phát huy hiệu quả ưu việt của mô hình này mang lại, vừa hạn chế được các mặt còn tồn tại.

Nguyễn Tiến Hưng 

Đại học Mỏ - Địa chất

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Như Bình (2017). Dịch vụ 'chia sẻ phòng' Airbnb lấy khách của khách sạn. Truy cập tại: https://tuoitre.vn/dich-vu-chia-se-phong-airbnb-lay-khach-cua-khach-san-1358899.htm
  2. Nguyễn Thị Loan (2018). Kinh tế chia sẻ - Tiềm năng và thách thức đối với Việt Nam. Truy cập tại: http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuutrao-doi/kinh-te-chia-se-tiem-nang-va-thach-thuc-doi-voi-viet-nam-301322.html
  3. Lê Thanh Thủy (2018). Các mô hình kinh tế chia sẻ nổi bật trên thế giới và vấn đề đặt ra với Việt Nam Truy cập tại: https://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/cac-mo-hinh-kinh-te-chia-se-noi-bat-tren-the-gioi-va-van-de-dat-ra-voi-viet-nam-301338.html
  4. OECD (2018). OECD Tourism Trends and Policies 2018. OECD Publishing, Paris. http://dx.doi.org/10.1787/tour-2018-en
  5. Ross, B. (2017). Information Age. Retrieved from https://www.information-age.com/5-ways-technology-affecting-sharingeconomy-123467701/
  6. Rouse, M. (2018). Teachtarget. Retrieved from https://searchcio.techtarget.com/definition/sharing-economy
  7. Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12, tháng 5 năm 2022
...