22/11/2024 lúc 19:44 (GMT+7)
Breaking News

Thực trạng Đảng lãnh đạo huy động nguồn lực tài chính để thực hiện chính sách xã hội và vấn đề đặt ra

Trong những năm qua, tín dụng chính sách xã hội do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế, xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

I. Thực trạng Đảng lãnh đạo huy động nguồn lực tài chính để thực hiện chính sách xã hội

1.1. Ưu điểm

(1) Trong quá trình đổi mớiĐảng đã luôn quan tâm lãnh đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội, ban hành khá nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách xã hội nói chung, lãnh đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội nói riêng

Ngày 1-6-2012, ban hành Nghị quyết số 15-NQ/T.Ư của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XI: Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020.

Ngày 22 tháng 11 năm 2014, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số: 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư ban hành Kết luận số 06-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội

(2) Đảng đã kịp thời đề ra các chủ trương, phương hướng, nhiệm vụ trong lãnh đạo huy động nguồn lực tài chính để thực hiện chính sách xã hội

  Nghị quyết số 15-NQ/T.Ư của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XI: Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 đề ra chủ trương về phương hướng huy động nguồn lực tài chính cho thực hiện chính sách xã hội. Nghị quyết yêu cầu: Hệ thống an sinh xã hội phải đa dạng, toàn diện, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân, giữa các nhóm dân cư trong một thế hệ và giữa các thế hệ; bảo đảm bền vững, công bằng.

Nhà nước bảo đảm đủ nguồn lực để thực hiện chính sách người có công, đồng thời quan tâm bố trí ngân sách và đẩy mạnh xã hội hóa huy động nguồn lực cho việc thực hiện chính sách an sinh xã hội. Đổi mới việc phân bổ nguồn lực đáp ứng yêu cầu thực hiện mục tiêu của các chính sách an sinh xã hội.

Phân cấp mạnh cho các địa phương và đề cao trách nhiệm của địa phương trong việc quản lý, sử dụng, lồng ghép các nguồn lực để thực hiện. Hoàn thiện các quy định về việc quản lý và sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện của các tổ chức và cá nhân, bảo đảm minh bạch, hiệu quả, tạo điều kiện để người dân nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh. Tăng cường hợp tác quốc tế để có thêm nguồn lực, kinh nghiệm trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Đây là những quan điểm, chủ trương hết sức đúng đắn, kịp thời định hướng cho Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn xã hội  đổi mới việc huy động nguồn lực tài chính cho thực hiện chính sách xã hội

Đặc biệt, Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đã cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Nghị quyết 15 về tín dụng chính sách xã hội, quy định trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Về trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, Chỉ thị yêu cầu phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, trong đó cần chú ý:

Các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trong chương trình và kế hoạch, hoạt động thường xuyên của các cấp ủy, các ngành, địa phương và đơn vị. Tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.

Nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền trong việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội; công tác điều tra, xác định đối tượng được vay vốn; phối hợp giữa các hoạt động huấn luyện kỹ thuật, đào tạo nghề và chuyển giao công nghệ với hoạt động cho vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, giúp người vay sử dụng vốn có hiệu quả.

Về huy động nguồn lực tài chính để thực hiện chính sách xã hội, Chỉ thị 40 đã định hướng rõ bằng chủ trương:

Tập trung nguồn lực và hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội:

Tập trung các nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước vào một đầu mối là Ngân hàng Chính sách xã hội.

Ưu tiên cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện các chương trình, dự án tín dụng chính sách xã hội và bảo đảm hoạt động ổn định, bền vững của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp tiếp tục dành một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn cho vay các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn. Hỗ trợ cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Các tỉnh, thành phố ban hành chuẩn nghèo riêng cao hơn chuẩn nghèo quốc gia cần bố trí đủ nguồn lực để cho vay các đối tượng này.

Mặt trận Tổ quốc mở rộng cuộc vận động vì người nghèo để huy động sự đóng góp của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và các cá nhân bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội.

Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, xem xét ban hành chuẩn nghèo mới theo phương pháp tiếp cận đa chiều nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; hoàn thiện tiêu chí phân loại và quy trình xác định đối tượng, địa bàn nghèo làm căn cứ thực hiện tín dụng chính sách xã hội.

Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội:

Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng quản trị và ban đại diện hội đồng quản trị các cấp. Kiện toàn tổ chức đảng phù hợp với mô hình hoạt động. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội.

Nhà nước ưu tiên bảo đảm các nguồn vốn hoạt động cho Ngân hàng Chính sách xã hội; cấp bổ sung vốn điều lệ, cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý, vốn các chương trình tín dụng hằng năm, cho vay các nguồn vốn ưu đãi thời hạn dài, lãi suất thấp để cải thiện cơ cấu nguồn vốn theo hướng ổn định. Ngân hàng Chính sách xã hội chủ động thực hiện tốt việc huy động, quản lý và sử dụng vốn có hiệu quả.

Nâng cao hiệu quả phương thức ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội; tăng cường hoạt động tại các điểm giao dịch cấp xã; phát triển các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ đem lại tiện ích cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

(3) Cấp ủy, tổ chức đảng có trách nhiệm đã quan tâm lãnh đạo thực hiện chủ trương của Đảng về huy động nguồn lực tài chính cho thực hiện chính sách xã hội

(4) Kết quả huy động nguồn lực tài chính cho thực hiện chính sách xã hội tăng lên rõ rệt

Qua hơn 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đã đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ. Tính đến ngày 30/6/2020, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội đạt gần 220.000 tỷ đồng (tăng trên 90.000 tỷ đồng so với từ khi có Chỉ thị); tổng số tiền giải ngân đạt trên 336.000 tỷ đồng cho 12 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Từ nguồn vốn vay đã giúp hơn 2,1 triệu hộ thoát nghèo; thu hút, tạo việc làm mới cho hơn 1,3 triệu lao động; xây dựng gần 142.000 căn nhà cho hộ nghèo và hộ gia đình chính sách…

Trong những năm qua, tín dụng chính sách xã hội do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế, xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tín dụng chính sách xã hội đã đáp ứng nhu cầu vay vốn của đông đảo người nghèo và các đối tượng chính sách ở 100% xã, phường, thị trấn của cả nước, góp phần tạo việc làm, giảm nghèo bền vững, hỗ trợ các đối tượng chính sách xã hội, những người có hoàn cảnh khó khăn và xây dựng nông thôn mới. Mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội được hoàn thiện, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới; xây dựng được phương thức cho vay uỷ thác tín dụng chính sách xã hội hiệu quả, phát huy được vai trò và sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị trong công tác tín dụng chính sách xã hội, giúp đỡ, khuyến khích các đối tượng chính sách xã hội vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu chính đáng.

1.2. Hạn chế

Tuy nhiên, một số cấp uỷ đảng, chính quyền chưa quan tâm đúng mức tới hoạt động tín dụng chính sách xã hội, còn khoán trắng cho Ngân hàng Chính sách xã hội.

Việc cụ thể hóa các nội dung nêu trong Chỉ thị 40 về huy động nguồn lực tài chính để thực hiện chính sách xã hội thành cơ chế, chính sách, kế hoạch thực hiện còn chậm và chưa đầy đủ, kịp thời.

Do những hạn chế đó, nguồn vốn tín dụng chính sách chưa thực sự ổn định, cơ cấu chưa hợp lý, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế; việc cấp bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Chính sách xã hội còn chậm; một số chương trình tín dụng chính sách mới chưa được bố trí vốn kịp thời…

II. Vấn đề đặt ra

1. Lãnh đạo việc bố trí nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện chương trình tín dụng chính sách xã hội chưa kịp thời, chưa đáp ứng yêu cầu.

2. Chất lượng tín dụng tuy đã được nâng cao, nhưng chưa đồng đều giữa các vùng, địa phương; thiếu cơ chế cụ thể lồng ghép, phối hợp hiệu quả giữa các chương trình, dự án kinh tế - xã hội với tín dụng chính sách xã hội, đang đòi hỏi sự quan tâm lãnh đạo từ Trung ương đến cơ sở.

3. Năng lực, trách nhiệm của một số tổ chức nhận uỷ thác của Ngân hàng Chính sách xã hội tại cơ sở còn hạn chế, đòi hỏi phải tăng cường và đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm tín dụng chính sách xã hội 

4. Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện tín dụng chính sách xã hội có lúc, có nơi chưa thật chặt chẽ, hiệu quả, đang đòi hỏi sự lãnh đạo tập trung của cấp ủy, tổ chức đảng có trách nhiệm, thẩm quyền./.

PGS.TS Nguyễn Văn Giang*

* Thư ký khoa học Hội đồng Lý luận Trung ương.

...