10/01/2025 lúc 05:39 (GMT+7)
Breaking News

Thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023

Ngày 3/2 tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023 do Bộ Công Thương tổ chức.

Cùng dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Trước đó, vào sáng 1/2, Thủ tướng đã làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về một số nội dung, trong đó có vấn đề tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân lao động. Trong năm 2021, Thủ tướng cũng đã có các cuộc làm việc với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao và hệ thống các cơ quan đại diện, thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để thúc đẩy đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng cho hàng hóa Việt Nam.

Báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và các ý kiến tại hội nghị đánh giá thời gian qua, ngành công thương đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Theo đó, sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực; chuỗi cung ứng được nối lại. Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng khá, đóng góp 86,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước năm 2022; tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội.

An ninh năng lượng được bảo đảm, cung cấp đủ diện, xăng dầu cho sản xuất và tiêu dùng. Năm 2022 ngành dầu khí về đích trước kế hoạch 2 tháng 18 ngày, nộp ngân sách 170,6 nghìn tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch cả năm trước 6 tháng, đóng góp khoảng 9,6% tổng thu ngân sách Nhà nước.

Thị trường trong nước hồi phục mạnh mẽ, tăng trưởng cao, vượt 2,7 lần so với kế hoạch của ngành, đáp ứng cơ bản hàng hóa thiết yếu cho người dân. Các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão khá đa dạng, phong phú, nguồn cung dồi dào (tăng hơn 20% so với ngày thường), đáp ứng tốt nhu cầu của người dân; sức mua không lớn (tăng từ 8-10%) nên giá phần lớn các mặt hàng trước và sau tết chỉ tăng nhẹ (trong khoảng 2-10%). Thị trường không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá, nguồn cung được bảo đảm.

Xuất nhập khẩu lập kỷ lục mới, duy trì xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp, đưa Việt Nam vào nhóm các nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Cán cân thương mại tháng 1/2023 vẫn duy trì xuất siêu 3,6 tỷ USD (cùng kỳ 2022 xuất siêu 1,6 tỷ USD).

Thương mại điện tử xếp thứ 5 thế giới về tốc độ tăng trưởng, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường xuất khẩu được quan tâm. Hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài thời gian qua đã làm tốt nhiệm vụ cung cấp thông tin về chính sách, nhu cầu thị trường, xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong nước.

Ngành công thương đã tổ chức hàng trăm hội nghị kết nối giao thương trực tuyến giúp tìm đầu ra cho hàng xuất khẩu của Việt Nam; thực hiện hàng trăm sự kiện xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh sản phẩm Việt Nam tại nước ngoài; tìm nguồn nguyên liệu từ Ấn Độ, Hàn Quốc cho ngành dệt may, da giày sản xuất, xuất khẩu khi chuỗi cung ứng nguyên liệu bị gián đoạn; tìm nguồn than đá từ Australia, Nam Phi, Lào cho nhu cầu sản xuất điện; hỗ trợ thu hồi hơn 100 container điều của doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Italy...

Về tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu tháng 1/2023, do có hai kỳ nghỉ Tết nên thời gian làm việc trong tháng 1/2023 chỉ bằng 1/3 so với các tháng trước; đơn hàng bên ngoài giảm, các doanh nghiệp chủ yếu tập trung sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước dịp Tết, vì vậy chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu trong tháng đều giảm so với tháng trước và cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, cán cân thương mại hàng hóa tháng 1/2023 vẫn duy trì xuất siêu 3,6 tỷ USD (cùng kỳ xuất siêu 1,6 tỷ USD); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 20% (cùng kỳ tăng 1,3%).

Về một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, Bộ Công Thương sẽ tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình hành động của ngành thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi, phát triển nền kinh tế, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bám sát tiến độ; tháo gỡ khó khăn để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo, khoáng sản... nhằm gia tăng năng lực sản xuất mới, đẩy mạnh tiêu dùng các sản phẩm công nghiệp và chủ động tạo nguồn cung nguyên, nhiên vật liệu phục vụ phát triển sản xuất bền vững.

Cùng với đó, chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng thể chế. Tích cực phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Luật Phát triển công nghiệp và cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, quan trọng, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền cho thực hiện thí điểm những chính sách có tính đột phá để khơi thông và giải phóng các nguồn lực, nhất là nguồn xã hội hóa cho đầu tư phát triển công nghiệp.

Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại ngành công thương dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chú trọng giải pháp khơi thông các rào cản về vốn, tín dụng, thủ tục hành chính… để nâng cao giá trị gia tăng các ngành chế biến, chế tạo; thúc đẩy triển khai các dự án sản xuất và khai khoáng mới, nhất là các dự án trọng điểm, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.

Mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất nhập khẩu; đẩy mạnh sức mua trong nước. Tăng cường công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực và những kết quả quan trọng mà ngành công thương đạt được trong năm 2022 và tháng 1/2023, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của đất nước.

Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực và những kết quả quan trọng mà ngành công thương đạt được trong năm 2022 và tháng 1/2023, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của đất nước.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của Bộ Công Thương quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, Thủ tướng nhấn mạnh bên cạnh những kết quả cơ bản đã đạt được, ngành công thương còn có nhiều khó khăn, thách thức, băn khoăn, trăn trở, lo âu.

Nền kinh tế đang gặp khó khăn cả về tổng cung và tổng cầu. Sản xuất và xuất khẩu đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Thị trường xuất khẩu bị thu hẹp. Xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI; đa dạng hoá thị trường ở một số sản phẩm và việc chuyển từ hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch còn chậm. Sức mua trong nước hồi phục chậm. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá, vi phạm cạnh tranh… còn diễn biến phức tạp. Việc bảo đảm năng lượng có nhiều thách thức, như biến động lớn của thị trường dầu mỏ, các vướng mắc của ngành điện.

Các ý kiến tại Hội nghị cho thấy ngành công thương đã tự nhìn nhận một cách thẳng thắn các vấn đề này để có các giải pháp nhằm khắc phục kịp thời, tạo sự chuyển biến thực chất và mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Thủ tướng nêu rõ năm 2023, năm bản lề thực hiện thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi, công việc thường xuyên ngày càng nặng nề, trong khi phải xử lý nhiều vấn đề phát sinh và bất cập, tồn đọng tích tụ kéo dài. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm hơn nữa, đoàn kết, chung sức, đồng lòng, phát huy kết quả đạt được, tranh thủ cơ hội và thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra.

Cơ bản thống nhất với các phương hướng và nhiệm vụ Bộ Công Thương đã xác định, Thủ tướng yêu cầu trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, Bộ Công Thương cần quán triệt một số quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, điều hành.

Đó là tinh thần "biến nguy thành cơ", càng áp lực càng phải nỗ lực; lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng và đột phá, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của toàn xã hội; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả" theo chủ đề điều hành năm 2023 đã được Chính phủ xác định.

Thủ tướng đề nghị ngành công thương trên tinh thần vì lợi ích quốc gia, dân tộc, tập trung cho 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực) và 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng, ứng phó biến đổi khí hậu; xây dựng nền kinh tế tự cường, tự chủ trong lĩnh vực công nghiệp.

Thủ tướng nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành, mà trước hết là tập trung cho 4 quy hoạch ngành được giao chủ trì gồm: Quy hoạch Điện lực quốc gia; Quy hoạch Tổng thể về Năng lượng quốc gia; Quy hoạch Hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia; Quy hoạch Thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản.

Đây đều là các quy hoạch ngành rất quan trọng và rất khó, nhất là Quy hoạch Điện lực quốc gia và Quy hoạch Tổng thể về Năng lượng quốc gia. Cho đến nay, các quy hoạch này đã được hoàn thành và đang trong giai đoạn thẩm định để phê duyệt theo quy định.

Theo Thủ tướng, quy hoạch vừa phải bảo đảm tiến độ, vừa phải bảo đảm chất lượng, góp phần thúc đẩy phát triển đúng hướng, mang lại lợi ích cho người dân và đất nước. "Chính phủ rất trăn trở việc này. Tiến độ rất cần nhưng cần hơn nữa là chất lượng quy hoạch, nhất là Quy hoạch Điện VIII. Ở điểm này chúng ta bình tĩnh, không nóng vội", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thứ hai, thực hiện đồng bộ các giải pháp để phục hồi và phát triển sản xuất với trọng tâm là tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy cả phía cung và phía cầu, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, tạo động lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Chú trọng phát triển công nghiệp nền tảng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với các chính sách, giải pháp hỗ trợ thiết thực, hiệu quả để thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu… nhằm tham gia sâu và có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Thực hiện chuyển dịch cơ cấu năng lượng, giảm thiểu phát thải carbon gắn với phát triển năng lượng sạch, tái tạo. Bảo đảm an ninh năng lượng về cung cấp điện và xăng dầu. Tiếp thu, hoàn thiện Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia. Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp. Trong mọi điều kiện phải bảo đảm cung cấp điện an toàn cho sản xuất.

Thủ tướng nhấn mạnh và dành nhiều thời gian phân tích 5 vấn đề liên quan tới điện gồm nguồn điện, tải điện, phân phối điện, sử dụng điện và giá điện. Trong đó, nguồn điện phải sử dụng tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước, trong đó có tiềm năng điện gió, điện mặt trời; tải điện phải tránh tình trạng xây dựng nguồn ồ ạt nhưng không có tải; phân phối điện phù hợp với điều kiện đất nước và từng khu vực; sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm; giá điện phù hợp với nền kinh tế và thu nhập người dân.

Giá điện của nước ta không thể giống nước phát triển, giá quá cao thì người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế không chịu được. Cần lợi ích hài hoà, khó khăn và rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân; cân bằng, hài hòa, hợp lý giữa lạm phát và tăng trưởng.

Cùng với đó, bảo đảm đủ nguồn cung xăng dầu (sản xuất trong nước và nhập khẩu), bảo đảm không bị thiếu hụt xăng dầu trong mọi tình huống. Sớm nghiên cứu đề xuất sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP của Chính phủ với tinh thần bớt khâu trung gian, giảm thủ tục trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, tăng cường kiểm tra, giám sát.

Phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm ngành điện, dầu khí, than,… Phát huy kinh nghiệm xử lý hiệu quả đối với những khó khăn, vướng mắc kéo dài đối với dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Sông Hậu 1 và đã đưa các dự án này vào vận hành, Bộ Công Thương cần tiếp tục nghiên cứu xử lý các vướng mắc đối với dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1, dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2….

Thứ ba, thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, các hợp tác song phương, đa phương để duy trì, mở rộng và tìm kiếm thị trường, khai thác tối đa dư địa xuất khẩu của các ngành, lĩnh vực có lợi thế và thế giới có nhu cầu.

Tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết. Thúc đẩy đa dạng hóa thị trường để bù đắp khó khăn tại các thị trường truyền thống như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN; mở rộng thị trường sang khu vực Đông Âu, Trung Đông, Nam Mỹ, Nam Á, châu Phi, đồng thời tăng cường đa dạng hóa các chuỗi cung ứng. Khẩn trương đàm phán, ký kết FTA với Israel. Tận dụng tốt cơ hội Trung Quốc mở cửa sau khi kiểm soát được dịch bệnh.

Thứ tư, đẩy mạnh sức mua trong nước, thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, đẩy mạnh phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa, phát triển thương hiệu hàng Việt Nam; chú trọng đầu tư hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi để đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn; kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với hiện đại, khai thác hiệu quả thị trường 100 triệu dân trong nước còn nhiều tiềm năng.

Thứ năm, tăng cường hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác quản lý thị trường; đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận xuất xứ....

Làm tốt hơn nữa công tác thị trường, bao gồm cả dự báo, cân đối cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu, theo dõi sát diễn biến để điều hành phù hợp, hiệu quả, không để đứt gãy, bảo đảm nguồn cung. Tạo thuận lợi hóa thương mại, phối hợp với các bộ, ngành giảm chi phí dịch vụ logistics để nâng cao năng lực cạnh tranh thương mại.

Thứ sáu, phải coi doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo, là trọng tâm của sự phát triển ngành công thương, tiếp tục tạo ra thay đổi, nâng cao sức cạnh tranh bằng việc tạo ra môi trường thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh.

Rà soát các quy định pháp luật của ngành; tăng cường đối thoại, tham vấn, tiếp thu ý kiến của các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp về quy định không còn phù hợp, là rào cản, gây khó khăn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh để kịp thời sửa đổi hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân.

Thứ bảy, có giải pháp cụ thể để huy động và phát huy tối đa các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa với các hình thức đầu tư phù hợp cho mục tiêu phát triển; tập trung phát triển hạ tầng công nghiệp và thương mại, hạ tầng năng lượng, thương mại điện tử. Xác định nguồn lực bên trong là quyết định, chiến lược, cơ bản lâu dài; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của toàn xã hội.

Cùng với đó, phát huy nguồn lực con người, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả với các bộ, ngành liên quan.

Cho ý kiến về các kiến nghị tại Hội nghị, Thủ tướng cơ bản đồng tình, giao các cơ quan khẩn trương nghiên cứu, giải quyết theo thẩm quyền dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, tinh thần vì lợi ích quốc gia dân tộc, vì mục tiêu phát triển ngành công thương và mục tiêu chung của đất nước./.

Mạnh Hiếu 

...