Phát biểu tại Hội thảo “Xu hướng công nghệ vật liệu trong công trình xây dựng” được Báo Xây dựng phối hợp với Vụ Vật liệu xây dựng tổ chức ngày 28/9 tại Hà Nội, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng Nguyễn Quang Hiệp nhấn mạnh, sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng (VLXD) có vai trò quan trọng đóng góp vào sự phát triển chung của ngành xây dựng và của ngành công nghiệp nói chung, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Theo ông Hiệp, phát triển VLXD của Việt Nam đã bắt đầu hướng đến áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, sử dụng hiệu quả tài nguyên; hình thành các điều kiện cơ bản cho nền kinh tế xanh, ít chất thải, phát thải thấp.
Những năm gần đây, sự biến đổi của khí hậu đã làm cho môi trường sống của con người ngày càng bị đe dọa, tạo sức ép buộc các quốc gia phải chú trọng phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh. Phát triển các loại vật liệu xây dựng thông minh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, đây là xu thế tất yếu và mục tiêu hướng tới của ngành công nghiệp sản xuất VLXD Việt Nam.
Để đạt được mục tiêu này, các sản phẩm vật liệu phải đáp ứng được yêu cầu: Tiêu tốn ít năng lượng hơn cho việc sản xuất và giúp tiết kiệm được năng lượng tiêu thụ cho công trình xây dựng khi đưa vào sử dụng.
Bên cạnh đó, Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050, được xây dựng dựa trên 6 quan điểm nhất quán. Trong đó, phát triển ngành VLXD hiệu quả, bền vững, đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước, từng bước tăng cường xuất khẩu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội; tiếp cận và ứng dụng nhanh nhất các thành tựu khoa học, công nghệ, quản lý, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3; sử dụng hiệu quả tài nguyên, triệt để tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu; hạn chế tối đa ảnh hưởng tới môi trường trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản làm VLXD và sản xuất VLXD…
Mục tiêu của chiến lược là sản xuất VLXD đạt trình độ tiên tiến hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, tiết kiệm năng lượng, vật liệu có sức cạnh tranh cao, loại bỏ các công nghệ cũ, lạc hậu tiêu tốn nhiều tài nguyên…
Từ mục tiêu, quan điểm trên, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã và đang triển khai sản xuất VLXD hết sức tích cực, song song đó là biện pháp quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước như xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, quản lý VLXD được tăng cường.
Ông Hiệp cho biết thêm, cùng với sự phát triển chung của đất nước, ngành VLXD trong những năm qua không ngừng được đầu tư, đổi mới và phát triển. Trên tất cả các lĩnh vực sản xuất VLXD đều có sự chuyển biến tích cực.
Các dây chuyền sản xuất theo công nghệ lạc hậu, năng suất thấp, tiêu tốn nguyên liệu, nhiên liệu, hiệu quả thấp, gây ô nhiễm môi trường từng bước được loại bỏ. Các nhà máy mới được đầu tư áp dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, nhiều dây chuyền được trang bị mức độ cơ giới hóa, tự động hóa cao, trình độ công nghệ đạt ngang bằng với các nước tiên tiến trên thế giới.
Phát triển VLXD đã từng bước được chú trọng hơn theo hướng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Công suất thiết kế và sản lượng một số sản phẩm VLXD đã tăng gấp 2 đến 3 lần so với thời kỳ 10 - 15 năm trước. Mẫu mã sản phẩm đa dạng, phong phú, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của thị trường trong nước, từng bước thay thế hàng nhập khẩu và đã xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, ngành sản xuất VLXD cũng gặp phải nhiều thách thức đó là tài nguyên khoáng sản ngày càng cạn kiệt, cần phải có giải pháp, công nghệ để sử dụng nguyên liệu có chất lượng thấp, tận dụng phế thải từ các ngành khác; nhiên liệu hoá thạch ngày càng khan hiếm, chi phí cho nhiên liệu, năng lượng ngày một tăng cao; các yêu cầu về bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính tạo ra các thách thức không nhỏ khiến ngành sản xuất VLXD cần phải có thay đổi mạnh mẽ về công nghệ sản xuất.
Để phát triển VLXD xanh trong bối hiện nay, ông Hiệp cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần phải có giải pháp, công nghệ để sử dụng nguyên liệu có chất lượng thấp, tận dụng phế thải từ các ngành khác.
Ngoài ra, để đáp ứng các tiêu chí được định hướng trong Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam, theo ông Hiệp, việc lựa chọn công nghệ sản xuất đối với một số chủng loại sản phẩm VLXD cần theo hướng: Sản xuất xi măng cần các dây chuyền công suất lớn trên 5.000 tấn/ngày; có hệ thống calciner, sử dụng thiết bị nghiền đứng con lăn thay cho nghiền bi, có hệ thống tận dụng nhiệt thừa khí thải để phát điện; các chỉ tiêu tiêu thụ năng lượng và phát thải thấp.
Tương tự, sản xuất đá ốp lát tự nhiên cần ứng dụng công nghệ khoan, nêm tách, cắt dây kim cương và cưa đĩa, hạn chế tối đa khoan nổ mìn; gạch đất sét nung cần dây chuyền sản xuất có năng suất cao, có khả năng tận dụng nguyên liệu, nhiên liệu chất lượng thấp như đất đồi, phế thải từ các ngành khác; sản xuất vật liệu xây không nung cần công nghệ cho phép tận dụng tối đa tro, xỉ nhiệt điện và các chất thải rắn thông thường khác trong thành phần sản phẩm…
Có cùng quan điểm trên, TS. Lê Văn Tới - Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cũng cho rằng, Nhà nước cần có biện pháp hành chính cần thiết được quy định trong văn bản pháp luật, ít nhất là trong nghị định, để thúc đẩy sử dụng VLXD thân thiện, cần nhất quán, quyết liệt hơn; gắn trách nhiệm cho các địa phương, kiểm tra, khen thưởng địa phương làm tốt, phê bình địa phương thực hiện chưa tốt.
Về khung kỹ thuật, các cơ quan chức năng cần ban hành đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến sản phẩm, sử dụng VLXD thân thiện, đặc biệt công trình xanh cần đưa ra các tiêu chí và thông số đặc thù cụ thể. Cần bổ sung chính sách để khuyến khích sử dụng công nghệ thi công tiên tiến, tăng năng suất lao động, tăng thu nhập cho người lao động trong sử dụng VLXD thân thiện.