23/01/2025 lúc 21:41 (GMT+7)
Breaking News

Thúc đẩy đầu tư hiệu quả để bứt phá

VNHN - Năm 2019 có ý nghĩa quan trọng trong việc “bứt phá” để hoàn thành các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 5 năm 2016-2020. Mốc 2020 cũng đã cận kề.

VNHN - Năm 2019 có ý nghĩa quan trọng trong việc “bứt phá” để hoàn thành các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 5 năm 2016-2020. Mốc 2020 cũng đã cận kề. Bởi thế, ngay tuần làm việc đầu tiên của kỳ họp này, dù đánh giá cao những kết quả đạt được thời gian qua, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cũng bày tỏ sự “sốt ruột”, thậm chí lo lắng bởi còn nhiều rào cản chưa được gỡ bỏ, nhất là trong tiến trình thúc đẩy đầu tư, phát triển KT - XH.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thị sát mô hình sản xuất nông nghiệp

công nghệ cao tại Lâm Đồng 

Thách thức trong tương lai gần

Có thể nói, trong suốt thời gian qua, công tác điều hành của Chính phủ luôn bám sát phương châm xây dựng một Chính phủ “hành động, liêm chính, kiến tạo phát triển” và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Ngay phiên khai mạc kỳ họp thứ bảy này, trong Báo cáo bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2018, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2019 của Chính phủ do Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình trình bày đã nhấn mạnh: Tại kỳ họp thứ sáu, Chính phủ đã báo cáo ước thực hiện cả năm 2018 (bốn chỉ tiêu đạt và tám chỉ tiêu vượt mục tiêu). Đến nay, đánh giá lại cơ bản đạt kết quả tốt hơn, đã hoàn thành 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao, tăng thêm một chỉ tiêu vượt kế hoạch, sáu chỉ tiêu thực hiện tốt hơn so với kết quả đã báo cáo Quốc hội.

Theo đó, tăng trưởng kinh tế quý I - 2019 đạt 6,79%, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát. Riêng lĩnh vực đầu tư, đã có hơn 43 nghìn doanh nghiệp (DN) thành lập mới và hơn 17 nghìn DN hoạt động trở lại; tổng vốn đăng ký mới và bổ sung đạt hơn 1,4 triệu tỷ đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước bốn tháng đầu năm 2019 tăng 13,9%, đạt 36,7% dự toán năm.

Tuy thế, các chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo trong tương lai gần chúng ta còn gặp không ít thách thức. Tình hình khu vực và thế giới tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, kinh tế thế giới được dự báo tăng trưởng chậm lại. Trong nước, ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục là trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành; các định hướng lớn về thực hiện ba đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng tiếp tục được triển khai. Vẫn còn tiềm ẩn rủi ro ảnh hưởng bất lợi đến ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế, như việc tăng giá điện, giá xăng dầu, giá dịch vụ y tế,… ảnh hưởng đến lạm phát, tăng trưởng chậm lại trong lĩnh vực sản xuất...

Đề cập hiệu quả đầu tư, trong Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày, bên cạnh ghi nhận thành tựu cũng chỉ rõ những hạn chế: Số lượng và quy mô vốn bình quân của DN thành lập mới đều tăng, tuy nhiên, số lượng DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh, hoạt động hoặc giải thể tăng cao, đặc biệt là nhóm DN vừa và lớn, DN ở các vùng có điều kiện KT-XH còn khó khăn; việc kết nối giữa các DN trong nước với các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chưa thật sự hiệu quả; tình trạng chuyển giá, lỗ giả lãi thật, trốn thuế, gây thất thu ngân sách của một số DN vẫn còn tồn tại; cần đánh giá toàn diện chính sách ưu đãi đầu tư với DN FDI từ đó hoàn thiện chính sách về FDI.

Thời gian qua, tuy các bộ, ngành có nhiều nỗ lực rà soát, loại bỏ thủ tục, điều kiện kinh doanh bất hợp lý, cải cách môi trường kinh doanh nhưng còn chậm, chưa thực chất. Việc thực hiện chính sách chuyển đổi hộ kinh doanh thành DN chưa đạt kết quả như mong đợi. Còn nhiều quan ngại của DN như: chi phí không chính thức giảm nhưng còn ở mức cao; việc gia nhập thị trường còn nhiều khó khăn; thủ tục hành chính về đất đai, thuế, quản lý thị trường, giao thông vận tải… còn phiền hà; các DN siêu nhỏ, vừa và nhỏ vẫn đang gặp khó khăn.

Gỡ vướng mắc, bảo đảm tính thực chất của các giải pháp

Tại các phiên thảo luận ở tổ hay trên hội trường tuần này, nhiều đại biểu bày tỏ trăn trở về thực tế hiệu quả đầu tư, cả khu vực công và khu vực tư nhân vẫn gặp phải những khó khăn, vướng mắc, nhất là liên quan thủ tục hành chính. Trong Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã nhận định: Tình hình đăng ký DN có dấu hiệu chậm lại, Chính phủ cần tăng cường kiểm tra các bộ, ngành để bảo đảm tính thực chất của việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính. Quá trình cơ cấu lại và cổ phần hóa DN nhà nước chậm được cải thiện và chưa đạt kết quả như yêu cầu; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN mới hoạt động, công tác phối hợp và phân công trách nhiệm với các bộ, ngành chưa rõ ràng, nhất là trong quản lý nguồn vốn đầu tư cho DN.

Mang theo hơi thở cuộc sống, những ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước đến nghị trường, từ thực tiễn hoạt động chuyên trách, nhiều ĐBQH mong muốn, thời gian tới Chính phủ cần sát sao hơn nữa để giảm bớt thủ tục hành chính một cách thực chất, mạnh mẽ hơn, xử lý nghiêm các sai phạm trong tất cả các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực đầu tư, xây dựng và giao thông. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, phối hợp giữa các bộ, ngành và các cơ quan quản lý. Khuyến khích sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân để đầu tư, xây dựng các dự án quan trọng quốc gia. Đồng bộ hóa các giải pháp thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, tạo động lực cho DN phát triển, chủ động thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0.

Bên cạnh đó, cần tập trung thực hiện các giải pháp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, tránh để xảy ra tình trạng thất thu; kiểm soát chuyển giá, trốn thuế đối với DN; có giải pháp quản lý thuế hiệu quả đối với hoạt động kinh doanh qua mạng. Quản lý tồn ngân Kho bạc Nhà nước và có cơ chế sử dụng số vốn nhàn rỗi này. Rà soát, sắp xếp lại các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Ưu tiên vốn ngân sách nhà nước cho chương trình giảm nghèo và thực hiện chính sách hỗ trợ đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Đẩy nhanh việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập.

Rút ngắn hơn so thường lệ, với tinh thần đổi mới, Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV khai mạc ngày 20-5, dự kiến bế mạc ngày 14-6 với 20 ngày làm việc, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận tình hình KT-XH, xây dựng pháp luật, chất vấn và trả lời chất vấn, quyết định nhiều vấn đề quan trọng khác.