Tỉnh TT-Huế được xem là một trong những địa phương của cả nước đi đầu trong chuyển đổi số, phát triển và vận hành hiệu quả hệ thống đô thị thông minh. Bên cạnh đó, kế hoạch cũng đặt ra các mục tiêu cụ thể đối với mô hình chuyển đổi số cấp tỉnh và mô hình chuyển đổi số cấp huyện, cấp xã. Với mô hình chuyển đổi số cấp tỉnh, TT-Huế phấn đấu 100% các cơ quan nhà nước trên địa bàn kết nối hạ tầng mạng băng thông rộng trên mạng chuyên dùng và tỉnh cũng phấn đấu trên 90% dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến, người dân chỉ phải nhập dữ liệu một lần. Qua đó, đáp ứng triển khai các dịch vụ số, đảm bảo an toàn thông tin.
Tỉnh TT-Huế - một trong những địa phương đi đầu trong chuyển đổi số
Với mô hình chuyển đổi số cấp huyện và cấp xã, tỉnh TT-Huế phấn đấu 100% lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc hoàn toàn trên môi trường điện tử; 100% các văn bản, hồ sơ công việc được tạo lập, xử lý, ký số trên môi trường điện tử; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 100% các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ có lợi thế của huyện, xã và sản phẩm OCOP được quảng bá qua môi trường mạng...
Đối với nội dung xã hội số, tỉnh phấn đấu tỷ lệ thôn, bản được phủ băng rộng di động, phủ băng rộng cố định đạt 100%; tỷ lệ người sử dụng Internet đạt 90%; tỷ lệ hộ gia đình có truy nhập Internet băng rộng cáp quang đạt 85%; tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh (smartphone) đạt 90%; tỷ lệ hộ gia đình có truy nhập Internet đạt 90%; tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt 80%...
Đối với nội dung kinh tế số, TT-Huế phấn đấu kinh tế số chiếm 15% GRDP; tối thiểu 20% sản phẩm hàng hóa và dịch vụ được chứng nhận thương hiệu có mặt trên các sàn thương mại điện tử. Tỉnh đặt mục tiêu hình thành 30 doanh nghiệp công nghệ số, 20% các doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện chuyển đổi số.
UBND tỉnh TT-Huế cho biết: “ Để triển khai mô hình tỉnh chuyển đổi số điển hình năm 2023, địa phương có nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp không ít khó khăn”.
Thời gian qua, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác chuyển đổi số toàn diện cho các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người dân trên toàn tỉnh. Hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách nhằm tạo thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số.
Xây dựng hạ tầng số đảm bảo triển khai chính quyền số trong giai đoạn tới; phát triển hạ tầng số phục vụ doanh nghiệp người dân thụ hưởng kết quả chuyển đổi số. Xây dựng, hoàn thiện và triển khai các nền tảng trong phục vụ chỉ đạo điều hành của chính quyền, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, nhân dân, du khách.
Xây dựng lộ trình để hoàn thiện dữ liệu số đầy đủ, chính xác, dữ liệu sống theo thời gian thực. Tăng cường công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng cho hoạt động chuyển đổi số. Đào tạo nhân lực đảm bảo triển khai chính quyền số, nâng cao nhận thức và kỹ năng số cho người dân.
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, hình thành khu CNTT tập trung nhằm phát triển kinh tế số. Triển khai các hoạt động thúc đẩy xã hội số toàn diện.
Tuy nhiên, tỉnh TT-Huế còn gặp nhiều thách thức, khó khăn trong việc kêu gọi các nhà đầu tư ngành CNTT về đầu tư tại địa phương; do điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn nên hạ tầng để phục vụ chuyển đổi số chưa được phát triển xứng tầm.