Ngày 19/3/2021, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn 1797/VPCP-TCCV về việc báo cáo nội dung về các loại chứng chỉ bồi dưỡng đối với viên chức; truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc liên quan tới đề nghị của Bộ Nội vụ về hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến như sau:
Thời gian vừa qua, một số báo chí phản ánh về những vướng mắc, bất cập của quy định sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và các chứng chỉ bồi dưỡng khác đối với viên chức, nhất là đối với giáo viên cơ sở đào tạo công lập trong việc thi thăng hạng, bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý viên chức, trên cơ sở đó xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và quy định khác có liên quan, Thủ tướng giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành tổng hợp, báo cáo cụ thể về các loại chứng chỉ đối với đội ngũ viên chức. Trong đó nêu rõ những loại chứng chỉ là điều kiện để được bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; loại chứng chỉ thuộc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; phân loại chứng chỉ bắt buộc và không bắt buộc trong quản lý viên chức.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GD&ĐT báo cáo cụ thể về nội dung tương tự nêu trên đối với chức danh nghề nghiệp giáo viên cơ sở công lập các cấp; đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan cho phù hợp để giải quyết dứt điểm các vướng mắc, bất cập trong thời gian vừa qua về vấn đề này.
Các Bộ đề xuất phương án cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2021.
Trước đó, Bộ GD&ĐT ban hành các Thông tư số 01, 02, 03, 04 quy định các chứng chỉ, chức danh nghề nghiệp thăng hạng, nâng ngạch giáo viên khiến cho nhiều người lo lắng. Để được thăng hạng, nâng ngạch giáo viên phải tự đăng ký học các khóa để cấp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Đa số giáo viên, nhà quản lý cơ sở giáo dục đều cho rằng, nên bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên vì điều này gây phiền phức, lãng phí, không có ý nghĩa thực tế. Việc Bộ GD&ĐT yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp để thăng hạng vừa gây tốn kém, lãng phí thời gian cho giáo viên, viên chức nhưng lại không có ý nghĩa thực tế dẫn đến tâm lý đối phó, bổ sung chứng chỉ.