11/01/2025 lúc 23:57 (GMT+7)
Breaking News

Thủ tướng tham dự chuỗi hoạt động đối ngoại đa phương chính thức quy mô nhất trong năm 2021

Diễn ra trong tuần này, chuỗi Hội nghị Cấp cao ASEAN 38 và 39, Hội nghị Cấp cao với các Đối tác lần này sẽ là sự kiện cấp cao và quan trọng nhất của ASEAN, đồng thời là hoạt động đối ngoại đa phương chính thức có quy mô nhất trong năm 2021 mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự sau khi Ban Lãnh đạo mới của Việt Nam được thành lập từ Đại hội XIII của Đảng.

Diễn ra trong tuần này, chuỗi Hội nghị Cấp cao ASEAN 38 và 39, Hội nghị Cấp cao với các Đối tác lần này sẽ là sự kiện cấp cao và quan trọng nhất của ASEAN, đồng thời là hoạt động đối ngoại đa phương chính thức có quy mô nhất trong năm 2021 mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự sau khi Ban Lãnh đạo mới của Việt Nam được thành lập từ Đại hội XIII của Đảng.

Nhận lời mời của Quốc vương Brunei Darussalam, Chủ tịch ASEAN năm 2021, từ ngày 26-28/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39, các hội nghị cấp cao liên quan giữa ASEAN với các đối tác (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Australia và Nga), Hội nghị cấp cao ASEAN+3 và Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) theo hình thức trực tuyến. Cũng trong dịp này, sẽ diễn ra một số hội nghị cấp cao của các nước tiểu vùng ASEAN.

Hội nghị Cấp cao lần này dự kiến sẽ công bố/thông qua/ghi nhận 101 văn kiện (công bố 10 văn kiện, thông qua 25 văn kiện, ghi nhận 66 văn kiện), bao gồm các tuyên bố, chiến lược, khung hợp tác, kế hoạch hành động, báo cáo, tài liệu tầm nhìn… trên nhiều lĩnh vực ở 3 trụ cột hợp tác của ASEAN.

Ảnh minh họa

Quyết định tất cả các vấn đề then chốt liên quan đến thực hiện các mục tiêu của ASEAN

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh năm 2021 tiếp tục là năm khó khăn đối với ASEAN. Tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh chóng và phức tạp, các điểm nóng an ninh truyền thống chưa có dấu hiệu hạ nhiệt cùng với các thách thức an ninh phi truyền thống không ngừng gia tăng, nhất là dịch bệnh COVID-19 bùng phát nghiêm trọng với tốc độ lây lan tăng cao.

Ở Đông Nam Á, tính đến đầu tháng 9/2021 đã có hơn 9,6 triệu trường hợp nhiễm COVID-19, với số ca mắc đã vượt qua 91.000 ca mỗi ngày và tỉ lệ tử vong 2,2%, vừa đe dọa nghiêm trọng thành quả chống dịch của các nước, vừa làm chậm tiến trình phục hồi của khu vực. Mặc dù thế giới đã sản xuất được vaccine ngừa COVID-19, nhưng tiếp cận, phân bổ công bằng vaccine vẫn đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt tại các nước đang phát triển, ảnh hưởng tới mục tiêu nâng cao khả năng miễn dịch cộng đồng trong khu vực.

Kinh tế ASEAN vẫn duy trì triển vọng phục hồi tích cực song bấp bênh và không đồng đều. Dự kiến, tăng trưởng của ASEAN đạt 4,0% trong năm nay và 5,2% vào năm 2022. Trong quý II/2021, có 06 nước ASEAN ghi nhận mức tăng trưởng tích cực, dao động từ 7,1 đến 16,1%. Tuy vậy, Việt Nam là thành viên ASEAN duy nhất vẫn duy trì mức tăng trưởng dương trong quý đầu tiên của năm 2019 đến quý đầu tiên của năm 2021.

Cọ xát chiến lược và cạnh tranh nước lớn ngày càng gia tăng và dưới nhiều hình thái mới như sự hình thành các nhóm quốc gia hay các thỏa thuận, dàn xếp về an ninh, các ý tưởng mới trong tập hợp lực lượng. Đây là nhân tố có thể tác động tới cân bằng chiến lược ở khu vực, phần nào thách thức vị trí trung tâm của ASEAN.

Tình hình Myanmar, Biển Đông… diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường an ninh chung của khu vực. Đặc biệt, chính biến tại Myanmar đặt ra những thách thức chưa từng có với ASEAN.

Trong bối cảnh như trên, đây sẽ là dịp đầu tiên trong năm 2021, Lãnh đạo các nước ASEAN trao đổi và chỉ đạo về chính sách, cũng như quyết định tất cả các vấn đề then chốt liên quan đến thực hiện các mục tiêu của ASEAN. Trước đó ASEAN đã tổ chức Hội nghị các nhà Lãnh đạo ASEAN vào ngày 24/4/2021 tại Jakarta, Indonesia. Tuy nhiên, Hội nghị Cấp cao đặc biệt này chủ yếu tập trung trao đổi và thảo luận về tình hình chính biến tại Myanmar.

Về xây dựng Cộng đồng ASEAN, với chủ đề năm ASEAN 2021 là “Chúng ta quan tâm, chúng ta chuẩn bị và chúng ta cùng phát triển thịnh vượng”, ASEAN tiếp tục tập trung thúc đẩy các nội dung ưu tiên về xây dựng Cộng đồng ASEAN, gồm các sáng kiến 2021 do nước Chủ tịch Brunei đề xuất như: Sáng kiến tăng cường sức mạnh tổng hợp của ASEAN ứng phó với thảm họa thiên tai (ASEAN SHIELD), Tuyên bố của Lãnh đạo ASEAN về Đề cao Chủ nghĩa Đa phương, Tuyên bố của Lãnh đạo ASEAN về Kinh tế biển xanh, Chiến lược hợp nhất về Cách mạng Công nghiệp 4.0 cho ASEAN…

Các nội dung về Xây dựng Cộng đồng năm 2020 trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Việt Nam cũng được duy trì và thúc đẩy, nổi bật là sáng kiến xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 và Đánh giá triển khai Hiến chương ASEAN.

 ASEAN đã thông qua Lộ trình xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 và Quy chế hoạt động của Nhóm đặc trách cao cấp (HLTF) xây dựng Tầm nhìn. Theo Lộ trình, các nước sẽ cử đại diện tham gia Nhóm HLTF trước ngày 15/12/2021 và sẽ bắt đầu hoạt động từ tháng 1/2022. Nguyên Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh được cử làm Trưởng đoàn Việt Nam tham gia Nhóm HLTF xây dựng Tầm nhìn.

ASEAN cũng sẽ tiến hành đánh giá việc triển khai Hiến chương ASEAN trên cơ sở Báo cáo phạm vi đã được thông qua nhằm rà soát hoạt động của bộ máy ASEAN, hướng tới nâng cao hiệu quả vận hành của ASEAN. Ngoài ra, hợp tác tiểu vùng (trong đó có Mekong) nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển, thúc đẩy kết nối, phát triển đồng đều và phục hồi bền vững là nội dung thu hút được sự quan tâm của các nước.

Ba thách thức lớn của ASEAN trong năm 2021

Bên cạnh đó, có ba nội dung lớn nổi lên tại chuỗi Hội nghị Cấp cao lần này, cũng là ba thách thức lớn đặt ra cho ASEAN trong năm 2021.

Thứ nhất, kiểm soát đại dịch COVID-19, song song thúc đẩy phục hồi bền vững tiếp tục là trọng tâm trong tiến trình Xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Về Hợp tác ứng phó COVID-19, ASEAN sẽ thống nhất và chia sẻ nhiều biện pháp kiểm soát dịch bệnh, cải thiện năng lực y tế công cộng, quản lý thảm hoạ y tế, thúc đẩy tiếp cận vaccine đầy đủ, kịp thời với các nguồn vaccine, đẩy nhanh tiêm chủng rộng rãi để nâng cao khả năng miễn dịch cộng đồng. Tỉ lệ tiêm chủng ở khu vực Đông Nam Á đang gia tăng.

ASEAN hướng tới hình thành chuỗi cung ứng và tự cường vaccine trong khu vực. Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 (AMM-54), các nước ASEAN đề nghị khẩn trương triển khai Kế hoạch hành động ASEAN về an ninh và tự cường vaccine. Thái Lan, Singapore và Việt Nam là 3 quốc gia của ASEAN đang tự chủ nghiên cứu, phát triển vaccine.

ASEAN cũng đẩy mạnh hợp tác với các Đối tác trong ứng phó COVID-19 và nhận được nhiều cam kết hỗ trợ về cung cấp vaccine, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine để nâng cao năng lực phòng chống dịch.

Về Thúc đẩy phục hồi, ASEAN chú trọng ổn định và duy trì chuỗi cung ứng, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất, chuyển đổi số thích ứng với điều kiện mới.

Khung thỏa thuận hành lang đi lại ASEAN (ATCAF) dự kiến sẽ được ghi nhận tại Cấp cao ASEAN 38 và 39. Đây là sáng kiến nhằm tạo thuận lợi cho đi lại vì mục đích công vụ và kinh doanh trong ASEAN, bảo đảm tuân thủ các quy định y tế của khu vực và từng quốc gia thành viên trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và hỗ trợ cho các nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 của ASEAN.

Khung phục hồi tổng thể ASEAN (ACRF) cũng đang được triển khai nhằm giảm thiểu tác động kinh tế-xã hội của đại dịch COVID-19 và thúc đẩy phục hồi toàn diện trong ASEAN. Hiện nay, ASEAN tập trung nâng cao năng lực y tế công cộng của khu vực, tối đa hóa các tiềm năng của thị trường nội khối và đẩy mạnh liên kết kinh tế, tận dụng đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số.

Thứ hai, củng cố và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong quan hệ với các Đối tác. ASEAN duy trì cân bằng quan hệ với các Đối tác trong bối cảnh nhiều đối tác bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác với ASEAN, khuyến khích các đối tác hỗ trợ ASEAN kiểm soát, ứng phó với dịch COVID-19 và hợp tác giải quyết các thách thức chung. Cụ thể, ASEAN đã họp Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao đặc biệt với Trung Quốc (Trùng Khánh, 07-08/6/2021), Nga (trực tuyến 06/7/2021) và Mỹ (trực tuyến, 15/7/2021). ASEAN cũng đã đạt đồng thuận về việc tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-G7 vào tháng 12/2021 tại London, Vương quốc Anh.

ASEAN đã công nhận Vương quốc Anh là Đối tác đối thoại thứ 11 của ASEAN, trao quy chế Đối tác theo lĩnh vực của ASEAN cho Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) và đang xem xét đề xuất của Trung Quốc và Australia về nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Một nội dung trọng tâm khác của Hội nghị là ứng xử của ASEAN trước các thách thức an ninh khu vực.

Trong đó, tình hình Myanmar tiếp tục diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng tới môi trường an ninh chung của khu vực, là quan tâm chung trong chương trình nghị sự của ASEAN và giữa ASEAN với các Đối tác. Trước đó, ASEAN đã có một số động thái nhanh chóng, kịp thời khi chính biến xảy ra ngày 1/2/2021: ra Tuyên bố Chủ tịch về những diễn biến tại Myanmar ngay trong ngày 1/2/2021; tổ chức Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN không chính thức thảo luận về tình hình Myanmar (ngày 2/3/2021); tổ chức Hội nghị các Nhà Lãnh đạo ASEAN (Indonesia, 24/4/2021) trực tiếp đầu tiên sau 18 tháng; thông qua và triển khai Đồng thuận 5 điểm về Myanmar. Ngày 18/8/2021, ASEAN tổ chức Hội nghị trực tuyến huy động hỗ trợ nhân đạo cho Myanmar.

Về vấn đề Biển Đông, Biển Đông tiếp tục là vấn đề được các nước ASEAN và các Đối tác quan tâm và trao đổi sâu rộng. Trong thời gian gần đây, Biển Đông không xảy ra các sự cố nghiêm trọng song vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro do các hành động cả trên thực địa và pháp lý. Nhìn chung, ASEAN duy trì quan điểm từ năm 2020, đề cao giá trị của luật pháp quốc tế bao gồm Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, coi đây là khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển và đại dương; nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; kêu gọi tự kiềm chế, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình; thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC), sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế.

Tiến trình thực hiện DOC và đàm phán COC có một số tiến triển so với năm 2020 bị đình trệ vì dịch COVID-19. ASEAN và Trung Quốc đã tổ chức 03 cuộc họp Tiểu nhóm công tác (SWG)  theo hình thức trực tuyến và 01 cuộc họp SOM ASEAN-Trung Quốc về thực hiện DOC (SOM-DOC) theo hình thức trực tiếp. Đặc biệt, trong Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN- Trung Quốc (Trùng Khánh, tháng 6/2021), Trung Quốc lần đầu tiên công khai đề cập xây dựng COC phù hợp luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, mong đạt được COC trong năm 2022 nhân kỷ niệm 20 năm DOC.

Đồng hành cùng ASEAN vượt qua khó khăn; giữ vững đoàn kết, thống nhất

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự 14/17 hoạt động trong chuỗi Hội nghị Cấp cao lần này. Tháp tùng Thủ tướng Chính phủ tham dự có đại diện Lãnh đạo nhiều bộ, ngành trong Chính phủ.

Đây là dịp để Việt Nam tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng. Phát huy kết quả tốt đẹp của nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam tiếp tục tham gia chủ động, tích cực, đóng góp trách nhiệm vào công việc chung của ASEAN, phối hợp với Chủ tịch Brunei thúc đẩy các ưu tiên của Việt Nam trong năm ASEAN 2020 gắn với các ưu tiên của năm 2021, đặc biệt về ứng phó COVID-19, đánh giá triển khai Hiến chương ASEAN, xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 và thúc đẩy vai trò của ASEAN trong hợp tác tiểu vùng.

Chủ trương tham gia các Hội nghị Cấp cao ASEAN lần này của Việt Nam là “đóng góp chủ động, ứng xử tích cực và sẻ chia trách nhiệm”, hướng tới vai trò nòng cốt, dẫn dắt trên các lĩnh vực, nội dung phù hợp, và hòa giải khi điều kiện thuận lợi. Chủ trương này phù hợp với tinh thần chung và mong muốn của Việt Nam: đồng hành cùng các nước ASEAN vượt qua khó khăn; giữ vững đoàn kết, thống nhất ASEAN; tiếp nối đà xây dựng Cộng đồng và đẩy mạnh liên kết khu vực; ứng phó hiệu quả các thách thức đang nổi lên; củng cố vai trò trung tâm và vị thế, tiếng nói quốc tế của ASEAN.