26/04/2024 lúc 20:38 (GMT+7)
Breaking News

Thị phần ngày càng thu hẹp, lối đi nào cho đường sắt Việt Nam

Sau hơn 140 năm hình thành và phát triển, ngành đường sắt Việt Nam đang đối mặt với những khó khăn kinh niên như hạ tầng yếu, công nghệ lạc hậu, chưa được đầu tư xứng đáng khiến ngành đường sắt đã khó nay lại càng khó. Có thể nói, đường sắt tụt hậu là một sự lãng phí nguồn lực của đất nước.

Cấp thiết cải thiện hạ tầng và chất lượng dịch vụ đường sắt

Đường sắt Việt Nam có một lịch sử khá lâu đời và rất đáng tự hào. Năm 1881, tuyến đường sắt đầu tiên tại Việt Nam và Đông Dương có chiều dài 71 km nối Sài Gòn với Mỹ Tho được khởi công xây dựng. 50 năm sau, đến năm 1936, chiều dài đường sắt đã tăng gấp gần 37 lần, với tổng chiều dài 2.600 km xuyên suốt ba miền đất nước.

Là hệ thống đường sắt sớm nhất khu vực Đông Nam Á với năng lực đồng bộ cả về vật chất – kỹ thuật và đội ngũ nhân lực, có những giai đoạn, đường sắt giữ vai trò rất quan trọng, chiếm đến 30% tổng thị phần của ngành giao thông, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh của đất nước.

Trong quá trình hình thành và phát triển, ngành đường sắt đã không ngừng phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn thách thức và đạt được những kết quả quan trọng như: tốc độ, tải trọng cầu đường được nâng lên; hệ thống thông tin tín hiệu từng bước được đầu tư mới hiện đại; nhiều nhà ga được cải tạo, xây dựng mới khang trang…

Đường sắt Việt Nam có một lịch sử khá lâu đời và rất đáng tự hào

Mặc dù ngành đường sắt đã có nhiều nỗ lực để cải thiện hình ảnh và từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ, song một thực trạng đáng buồn là ngành đường sắt vẫn không đủ sức cạnh tranh với các loại hình vận tải khác, đặc biệt trong công tác phục vụ hành khách du lịch.

Theo số liệu của Tổng cục du lịch thì trong năm 2018, tổng lượng khách du lịch của Việt Nam là 95.497 nghìn lượt khách, trong đó: khách du lịch nội địa là 80.000 nghìn lượt khách, khách du lịch quốc tế đến là: 15.490 nghìn lượt khách với tổng doanh thu ngành du lịch là 637.000 nghìn tỷ đồng (có bảng tổng hợp kèm theo).

Trong khi đó, tổng doanh thu về vận chuyển hành khách trong năm 2018 của Tổng công ty ĐSVN là: 8.687 nghìn lượt khách (tương đương với 9,1% lượng khách du lịch), tổng doanh thu là 2.814 tỷ đồng (tương đương với 0,44% tổng doanh thu khách du lịch).

Từ thực trạng trên có thể thấy rằng, việc hỗ trợ, phục vụ phát triển du lịch của Tổng công ty ĐSVN còn rất hạn chế và Tổng công ty ĐSVN vẫn còn nhiều công việc cần phải làm để phát triển, hỗ trợ hành khách lựa chọn đi du lịch bằng phương tiện đường sắt.

Thừa nhận tình trạng này, đại diện Tổng công ty ĐSVN cho biết, những năm gần đây ngành đường sắt đã phối hợp với nhiều doanh nghiệp du lịch, lữ hành để cung cấp các sản phẩm du lịch trọn gói từ thuê toa xe, dịch vụ ăn uống trên tàu, lưu trú khách sạn, toa xe cũng được đầu tư nâng cấp đẹp hơn. Tuy nhiên, thực tế khách du lịch có tăng nhưng không đáng kể, chỉ tập trung vào hơn 2 tháng hè và cũng chỉ vào dịp cuối tuần.

Xã hội hoá hạ tầng, bổ sung đầu máy chất lượng

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Việt Nam Hội nhập, đại diện Tổng công ty ĐSVN cho rằng, do đường sắt hiện tại là đường đơn, khổ hẹp, tốc độ thấp cũng như sự lạc hậu của các phương tiện vận tải nên phân khúc thị trường của đường sắt ngày càng bị thu hẹp. Chỉ có đầu tư cải tạo nâng cấp hạ tầng để cải thiện tốc độ chạy tàu, chất lượng dịch vụ mới thu hút được khách du lịch đến với đường sắt.

Bên cạnh đó, tiến hành nâng cấp, cải tạo hệ sống đường sắt hiện có; xây dựng mới đường sắt tốc độ cao; đánh giá đúng vai trò của đường sắt trong giao thông vận tải và phát triển kinh tế xã hội để có chiến lượng quy hoạch, phát triển đầu tư tương xứng.

Ngành đường sắt "tụt hơi" trong cuộc cạnh tranh với các loại hình vận tải khác, đặc biệt trong công tác phục vụ hành khách du lịch.

Bàn luận về việc xây dựng đường sắt cao tốc, các chuyên gia giao thông cho rằng sự phát triển đường sắt cao tốc ở nhiều quốc gia trên Thế giới được giải thích bằng nguyên nhân chính đó là: Vận tải đường sắt có nhiều ưu điểm hơn vì nó đảm bảo an toàn, không phụ thuộc nhiều vào thời tiết, tiện lợi, bảo vệ môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội...

Do vậy, việc quy hoạch, xây dựng và phát triển mạng lưới đường sắt cao tốc ở Việt Nam để góp phần giải quyết bài toán giao thông là cần thiết, tuy nhiên cần phải có chính sách và sự lựa chọn đúng đắn, nếu không muốn vướng mắc những sai lầm cũ.

Theo Bộ GTVT, thời gian tới kết cấu hạ tầng đường sắt hiện hữu chắc chắn sẽ được cải thiện hơn, nhất là tuyến đường sắt Bắc - Nam. Bởi hiện trên tuyến này đang triển khai các dự án cải tạo, nâng cấp vốn trung hạn. Cùng đó là các dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng các tuyến hiện có được triển khai giai đoạn đến năm 2030 theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Khi đó tốc độ chạy tàu được nâng cao hơn, xóc lắc giảm.

“Đề án sẽ tập trung hoàn thành cơ bản việc nâng cấp, cải tạo kết cấu hạ tầng đường sắt trên tuyến đường sắt Hà Nội – Tp. Hồ Chí Minh, tuyến đường sắt Yên Viên – Lào Cai, thực hiện việc mở rộng thêm các đường tránh vượt, kéo dài đường ga, đồng bộ tải trọng trên tuyến nhằm nâng cao năng lực thông qua, năng lực chuyên chở trên toàn tuyến. Trong đó tập trung ưu tiên vào việc triển khai dự án nối ray giữa ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc)”, đề án của Bộ GTVT nêu rõ.

Đồng thời, đường sắt triển khai các nhóm giải pháp đồng bộ về đầu tư nâng cấp nhà ga, phương tiện, đẩy mạnh áp dụng KHCN trong điều hành chạy tàu, nâng cao chất lượng dịch vụ như xây dựng các chương trình khuyến mại, kích cầu, giảm giá, tổ chức các đoàn tàu chuyên phục vụ khách du lịch và tăng cường việc liên danh liên kết với các công ty, đơn vị dịch vụ lữ hành...

Từ đó nâng cao thị phần hành khách đi du lịch bằng đường sắt trong thị phần vận chuyển chung của toàn ngành lên từ 300.000 – 450.000 lượt khách/năm tương đương với tỷ lệ từ 30% - 45% thị phần vận tải hành khách đường sắt.

Để làm được điều này, Nhà nước cần bổ sung kinh phí phục vụ cho công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia; Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư, nâng cấp, cải tạo kết cấu hạ tầng đường sắt đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt; có các kế hoạch bố trí nguồn vốn triển khai phù hợp cho từng giai đoạn.

Những năm gần đây, ngành đường sắt đã có nhiều nỗ lực để cải thiện hình ảnh và từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ

Đối với các ga có lợi thế về du lịch, thương mại, tăng cường việc liên danh, liên kết và kêu gọi các nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp để đầu tư nâng cấp, cải tạo nhà ga nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ hành khách trên tàu, dưới ga (trong đó có hành khách du lịch) thông qua các dịch vụ kinh doanh ngoài vận tải như: hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, dịch vụ bán hàng trên tàu,... nhằm đem lại sự thuận tiện tối đa cho hành khách và tăng doanh thu trong ngành (dự kiến cho đến năm 2025 thì các dịch vụ này sẽ đem lại khoảng 70 tỷ/năm, tăng 145% so với doanh thu từ dịch vụ này hiện nay).

Các doanh nghiệp cần đầu tư bổ sung các đầu máy, toa xe chất lượng cao để thay thế các toa xe đã hết niên hạn sử dụng, xuống cấp, lạc hậu đáp ứng yêu cầu của hành khách nói chúng và hành khách sử dụng phương tiện đường sắt để đi du lịch nói riêng.

Nguyễn Lâm