VNHN - Ngành giáo dục cần tiếp tục khắc phục một số vấn đề tồn tại, hạn chế chậm được khắc phục như bệnh thành tích trong giáo dục, bạo lực học đường, thừa - thiếu giáo viên, đạo đức nhà giáo, lạm thu, dạy thêm - học thêm,...
Ông Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội
Ông Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - 'đặt hàng' như thế với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ.Theo ông Thắng, giáo dục là một quá trình đòi hỏi thời gian dài mới cho thấy kết quả rõ nét. Vì vậy, quãng thời gian 3 năm qua của người giữ vai trò "tư lệnh" ngành giáo dục là sự tiếp nối của những người tiền nhiệm, nhưng đồng thời cũng thể hiện nỗ lực, quyết tâm của Bộ trưởng.
Trong những thành tựu chung của giai đoạn vừa qua, có ba điểm nhấn quan trọng thể hiện vai trò của người đứng đầu ngành.
3 điểm nhấn
1. Việc tích cực xây dựng và hoàn thiện thể chế. Trong gần ba năm qua, Bộ GD-ĐT đã xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản quan trọng trong quản lý lĩnh vực, cơ bản khắc phục được tình trạng "nợ" văn bản quản lý.
Đặc biệt, Bộ đã chủ trì soạn thảo, trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học, dự thảo Luật giáo dục sửa đổi để Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7. Rất nhiều nút thắt trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã từng bước được gỡ thông qua việc hoàn thiện thể chế.
Một điểm đáng ghi nhận là Bộ đã dành sự quan tâm thích đáng cho chương trình nghiên cứu khoa học giáo dục, lấy nghiên cứu khoa học, đánh giá thực tiễn làm cơ sở để đổi mới chính sách.
2. Xây dựng và ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới. Quá trình xây dựng chương trình cho thấy sự thận trọng cần thiết. Việc Quốc hội cho lùi thời gian thực hiện chương trình sẽ tạo thuận lợi cho việc chuẩn bị điều kiện triển khai.
3. Dành sự quan tâm cho đội ngũ, tháo gỡ khó khăn, giảm áp lực cho giáo viên. Đã có nhiều giải pháp cụ thể được thực hiện hướng về giáo viên như việc giảm áp lực sổ sách hay việc hoàn thiện một số chính sách nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn của giáo viên... Bộ cũng đã và đang tích cực tham mưu cho Chính phủ các cơ chế chính sách nhằm nâng cao đời sống, thu nhập giáo viên.
Dù để thực hiện được chính sách tốt cho nhà giáo không chỉ có vai trò của ngành giáo dục, nhưng việc lựa chọn đúng đối tượng quyết định thành bại của quá trình đổi mới để tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc đã cho thấy việc lựa chọn khâu đột phá và bước đi đúng của lãnh đạo ngành.
3 "đặt hàng"
Có ba việc tôi muốn "đặt hàng" ngành giáo dục cũng như người đứng đầu ngành trong thời gian tới.
1. Chỉ đạo triển khai tốt Luật giáo dục (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học. Tập trung xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021-2030, trong đó mục tiêu giáo dục nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc và ý thức công dân toàn cầu.
2. Thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó chú ý vấn đề chỉ đạo biên soạn SGK có chất lượng, khắc phục được những bất cập hiện hành và hướng dẫn lựa chọn, sử dụng SGK trong các nhà trường theo nghị quyết số 88 của Quốc hội; chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới (đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất...).
3. Quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và đào tạo giáo viên trên cơ sở tiếp cận theo chuẩn chất lượng để đánh giá hiện trạng mạng lưới cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam; đổi mới chương trình, quy trình đào tạo đảm bảo cập nhật được các kiến thức, kỹ năng cần của nghề nghiệp tương lai cũng như sàng lọc trong quá trình đào tạo để có "sản phẩm" đáp ứng tốt với nhu cầu của thị trường lao động.
Ngành giáo dục cần tiếp tục khắc phục một số vấn đề tồn tại, hạn chế chậm được khắc phục như bệnh thành tích trong giáo dục, bạo lực học đường, thừa - thiếu giáo viên, đạo đức nhà giáo, lạm thu, dạy thêm - học thêm,...
Tôi cũng mong muốn hình ảnh Bộ trưởng đúng vai trò "tư lệnh" ngành hơn là giải quyết những vấn đề phát sinh mà thời gian qua dường như vẫn gắn với các sự việc cụ thể nhiều hơn là những chính sách, chiến lược dài hơi. Dư luận đang chờ đợi vào những quyết sách mang tính chiến lược của Bộ trưởng để tiếp tục sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo./.