17/11/2024 lúc 05:48 (GMT+7)
Breaking News

Thế giới phẳng và toàn cầu hóa

Thế giới phẳng (The world is flat) là tác phẩm của Thomas Friedman, một nhà kinh tế học, một biên tập viên chuyên mục ngoại giao và kinh tế của tạp chí New York Times, có những tác phẩm nghiên cứu về vấn đề toàn cầu hóa rất thành công.

VNHN - Thế giới phẳng (The world is flat) là tác phẩm của Thomas Friedman, một nhà kinh tế học, một biên tập viên chuyên mục ngoại giao và kinh tế của tạp chí New York Times, có những tác phẩm nghiên cứu về vấn đề toàn cầu hóa rất thành công.

 

Từ ngày tác phẩm này ra đời (2005), đã lập tức nổi tiếng và được dịch ngay ra nhiều thứ tiếng. Các dịch giả Việt Nam gồm Nguyễn Quang A, Nguyễn Hồng Quang, Vũ Duy Thành, Lã Việt Hà, Lê Hồng Văn và Hà Thị Thanh Huyền đã dịch sang tiếng Việt. NXB Trẻ xuất bản tháng 8-2008. Sách dày 820 trang.

Hình minh họa

Hiện nay “Thế giới phẳng” đã trở thành thuật ngữ quen thuộc chỉ sự phát triển của giai đoạn cuối quá trình toàn cầu hóa từ những năm đầu của thế kỷ XXI khi mười nhân tố kinh tế và khoa học kỹ thuật trên thế giới cùng tác động, khiến cho các mô hình xã hội bị thay đổi, sự tiếp xúc giữa các cá nhân, các dân tộc trở nên dễ dàng và chặt chẽ hơn, làm cho thế giới trở nên “phẳng” hơn.

Thế giới, do kết quả của quá trình toàn cầu hóa, tạo ra ngày càng nhiều chuẩn mực chung và những đòi hỏi chung. Quá trình này đặt ra cho mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp, mỗi cá nhân phải lựa chọn cách ứng xử cho hợp với trào lưu, với qui luật để tồn tại và phát triển. Không ai có thể một mình một chợ, càng không thể “Trúc xinh trúc mọc một mình vẫn xinh” được nữa. Đương nhiên, trong cái chợ chung này, lợi thế luôn thuộc về kẻ khôn ngoan, linh hoạt. Những kẻ có tầm nhìn toàn cầu, biết nắm bắt và vận dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, có năng lực quản trị tốt và biết khai thác nguồn lực của mình (Quốc gia, doanh nghiệp hay cá nhân) theo chiều sâu sẽ là những kẻ kiếm lợi nhiều hơn.

Thế giới phẳng có nghĩa là mọi “mấp mô” thuộc các phạm trù như biên giới, lãnh thổ, chế độ chính trị - xã hội, bảo tồn bản sắc văn hóa, sự khác biệt về tôn giáo, chủng tộc, lịch sử, địa lý, tất cả phải được duy trì, được bảo vệ, được xử lý theo những qui luật mới, hình thức mới, phương pháp mới... vừa bảo vệ được mình, vừa góp phần tạo cho thế giới ngày một phẳng hơn.

Khi nói đến cái chợ chung là nói sự bình đẳng giữa người mua với người bán, giữa những người bán với nhau và giữa những người mua với nhau. Do kết quả của toàn cầu hóa, không một quốc gia, vùng lãnh thổ hay doanh nghiệp, cá nhân nào có thể đứng ngoài cái chợ này mà tồn tại được. Luật chơi rất công bằng, bản lĩnh đến đâu, trình độ văn minh đến đâu, tổ chức xã hội tiên tiến, thích ứng đến đâu thì hưởng lợi từ cái chợ này đến đó.

Văn minh nhân loại đang tạo ra những thuận lợi chưa từng có giúp cho các nước đi sau tranh thủ thu hẹp được khoảng cách phát triển, chỉ với điều kiện cả đất nước ấy, cả dân tộc ấy có ý chí hay không, có phát huy hết sức mạnh, sáng kiến tiềm tàng của từng cá nhân trong đất nước, trong dân tộc ấy hay không.

Hy vọng rằng trong sân chơi chung này, trong cái chợ chung này, dân tộc Việt Nam dám chơi ngang hàng, bình đẳng, mở mày mở mặt với các dân tộc anh em khác.

Toàn cầu hóa là khái niệm dùng để miêu tả các quá trình thay đổi chủ yếu về mặt kinh tế có tính chất toàn cầu. Đó là quá trình đan xen, phụ thuộc lẫn nhau, thúc đẩy lẫn nhau giữa các quốc gia, các nền kinh tế trên phạm vi toàn thế giới.

Trong quá trình này, một số tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia trong hầu hết các lĩnh vực được hình thành. Chính những tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia này đã thâm nhập vào hầu hết các đất nước, các quốc gia, khu vực. Nó làm cho những quốc gia bảo thủ nhất cũng không thể cưỡng lại. Nó làm mờ nhạt dần đường “biên giới cứng”, đường biên giới truyền thông giữa các quốc gia, mở ra một thời kỳ của nền kinh tế mang tính toàn cầu.

Toàn cầu hóa, theo nghĩa cổ điển mà Mác và Ănghen đã nhắc tới trong “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản” năm 1848. Toàn cầu hóa lần này bắt đầu từ khoảng thế kỷ XVI nhờ có những cuộc thám hiểm hàng hải qui mô lớn. Cuộc thám hiểm đầu tiên vòng quanh thế giới của F.Magellan thực hiện vào năm 1522 đã mở ra một chân trời mới cho việc xuất hiện các trục đường trao đổi thương mại giữa các châu lục, đặc biệt là giữa châu Âu và châu Mỹ. Ngoài những trao đổi về hàng hóa, một số giống cây cũng được di thực từ vùng này sang vùng khác, từ châu lục này sang châu lục khác như khoai tây, cà chua, thuốc lá. Ở nước ta, từ thế kỷ XIX, các giống hoa, giống rau cũng được đem từ Pháp sang. Đặc biệt, cây cao su châu Mỹ đã được người Pháp đưa sang trồng đại trà tại Việt Nam.

Thời kỳ đầu của toàn cầu hóa rơi vào suy thoái khi cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ.

Sau cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, thương mại quốc tế đã tăng trưởng đột ngột do tác động của các tổ chức kinh tế quốc tế và các chương trình tái thiết sau chiến tranh của các quốc gia. Nhằm thúc đẩy tự do thương mại toàn cầu, vòng đàm phán Uruguay đã đề ra hiệp ước thành lập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) giải quyết các tranh chấp thuơng mại, đồng thời tác động để giảm bớt các rào cản thuế quan, tạo điều kiện thông thoáng cho nền tự do thương mại toàn cầu.

Ngày nay, nhờ các phương tiện giao thông vận tải tiên tiến, vừa nhanh chóng, vừa có sức vận tải lớn đã làm cho quá trình toàn cầu hóa được đẩy lên một nhịp độ ngày càng cao. Tin học ra đời đã làm nên một cuộc cách mạng vĩ đại chưa từng có giúp cho quá trình toàn cầu hóa tăng lên với nhịp độ chóng mặt.

Chúng ta đã vào WTO, vào khối ASEAN và đang đàm phán để vào TPP là chúng ta đã mạnh dạn chủ động hội nhập quốc tế, cũng tức là chúng ta đang góp phần đẩy nhanh quá trình toàn cầu hóa của cả thế giới. Nhưng sân chơi chung này không phải là những mâm cỗ được dọn sẵn. Muốn có phần một cách xứng đáng, c húng ta phải nỗ lực gấp nhiều lần khi còn đứng một mình, làm ăn được chăng hay chớ. Nhưng chúng ta cũng không sợ những kẻ to xác bắt chẹt. Một nhà kinh tế phương Tây đã chỉ ra rằng cái thời cá lớn nuốt cá bé đã qua rồi, bây giờ là thời của những con cá cần lanh lợi chứ không cần to xác. Mà những kẻ to xác thì đâu có mấy, những người như ta, hoặc nhỏ hơn ta đông đảo hơn nhiều. Nếu chúng ta biết đoàn kết những người cùng hoàn cảnh như ta thì ta không sợ kẻ nào bắt chẹt nữa.

Có thể tiên đoán, trong thế kỷ XXI này sẽ kết thúc quá trình toàn cầu hóa. Khi ấy nền kinh tế sẽ chỉ còn là nền kinh tế toàn cầu.