26/12/2024 lúc 01:07 (GMT+7)
Breaking News

Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước trong bối cảnh toàn cầu hóa

VNHN - Nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình cải cách doanh nghiệp (DN) nhà nước, ngày 30/11, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức Diễn đàn quản trị sự thay đổi và tái cấu trúc DN nhà nước trong bối cảnh toàn cầu hóa.

VNHN - Nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình cải cách doanh nghiệp (DN) nhà nước, ngày 30/11, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức Diễn đàn quản trị sự thay đổi và tái cấu trúc DN nhà nước trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Phương Hằng.

Tại diễn đàn, các nhà quản lý, chuyên gia, đại diện DN nhà nước đã đối thoại, trao đổi về cơ chế, chính sách và thực trạng cơ cấu lại và đổi mới DN nhà nước; đề xuất giải pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa DN nhà nước; làm rõ sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với tiến trình cổ phần hóa.

Cổ phần hóa DN nhà nước là vấn đề cốt lõi trong tái cấu trúc nền kinh tế

Theo TS Nguyễn Đại Lai, chuyên gia tài chính, ngân hàng, hiện vẫn chưa thấy nền kinh tế thị trường hoàn hảo và một nền kinh tế năng động sáng tạo so với tiềm lực ở nước ta. Theo đó, bóng dáng của mô hình bao cấp, xin - cho vẫn đậm nét và kéo dài trong khu vực quốc doanh, đã như những hòn đá tảng kìm hãm các thành phần kinh tế khác. Nguyên nhân là do nhà nước cùng một lúc vừa quản lý, vừa quốc doanh. Vì vậy, khi nhà nước "làm trọng tài" thì không công bằng, còn khi kinh doanh thì vừa ỷ lại, vừa kém chuyên nghiệp; nhân tài ở mọi thành phần kinh tế không đủ môi trường để phát triển... 

Vì vậy, TS Nguyễn Đại Lai nhấn mạnh, cốt lõi của đổi mới kinh tế ở nước ta hiện nay phải là tái cấu trúc nền kinh tế theo cơ chế thị trường hoàn hảo, năng động, bằng công nghệ hiện đại và phát triển bền vững thông qua những "đầu tàu" là những ông chủ DN công, thương nghiệp, khoa học, nông nghiệp...; chứ không thể cứ duy trì mãi cấu trúc của một nền kinh tế thô, lắp ráp như hiện nay. Trong đó, cổ phần hóa DN nhà nước là vấn đề "phá băng" mở màn cốt lõi nhất, nặng nề nhất trong tiến trình đi tới tái cấu trúc nền kinh tế. 

Còn ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng, trước nay chúng ta quản lý DN nhà nước theo kiểu tăng cường thanh tra, kiểm tra… như thế vô tình, chúng ta khoác cho DN Nhà nước "cái áo chật chội" mà không nói đến cái gốc của tái cơ cấu, đổi mới DN nhà nước là quản trị tốt. "Đây mới là mấu chốt để góp phần cải thiện vấn đề tái cơ cấu, đổi mới DN nhà nước", ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.

Phân tích về sự ra đời của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh, sự chồng chéo, trùng lặp trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước và chức năng chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN đòi hỏi phải cải cách. Tuy nhiên, theo ông Hiếu, có hai thách thức lớn của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN. 

Đó là, Ủy ban này "khoác áo" cơ quan nhà nước nhưng tinh thần lại phải hoạt động như một nhà đầu tư có tính chuyên môn cao và chuyên nghiệp cao. Thứ hai, là cơ quan nhà nước nhưng với những đòi hỏi cao như vậy phải cơ chế nào khuyến khích Ủy ban có nhân sự tốt, chuyên gia tốt. Công việc của Ủy ban sẽ rất nhiều, rất nặng nề, vượt qua thách thức này trước mắt rất cần sự nỗ lực.

Tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn DN nhà nước diễn ra rất chậm

Phân tích về thực trạng quản trị DN nhà nước, TS Nguyễn Văn Khách, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đánh giá, tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn DN nhà nước diễn ra rất chậm. 

Cụ thể, trong giai đoạn 2011-2018, cả nước đã cổ phần hóa được hơn 600 DN nhà nước, tổng giá trị thu về cho ngân sách nhà nước từ bán vốn Nhà nước thông qua cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đạt khoảng 200.000 tỷ đồng. 

Các DN nhà nước có quy mô lớn, là lực lượng nòng cốt thực hiện những cân đối lớn trong nền kinh tế, song vẫn có nhiều tồn tại, trong đó vẫn chưa phân định rõ giữa chức năng chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước.

Theo đánh giá của TS Nguyễn Văn Khách, cùng một lúc có nhiều cơ quan, tổ chức thực hiện chức năng chủ sở hữu vốn nhà nước như Bộ, ngành chủ quản, địa phương, SCIC, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN. Trong khi đó, việc phối hợp, phân công nhiệm vụ giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước còn nhiều bất cập.

Cùng chung nhận định này, PGS, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, tiến độ cổ phần hóa DN nhà nước diễn ra chậm và vẫn còn tình trạng "bình mới, rượu cũ". Sau cổ phần hóa, DN đã có cơ cấu vốn mới nhưng đội ngũ lãnh đạo hầu như vẫn là những người cũ.

Còn TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế thì cho rằng, nhiều khi chúng ta chưa kịp mừng vì cổ phần hóa được DN nhà nước thì đã phải lo về quản trị nó hậu cổ phần hóa. Hiện nhiều DN, tỷ lệ vốn nắm giữ của nhà nước vẫn từ 50% đến hơn 60%, tức là nắm giữ và chi phối mọi mặt hoạt động, vẫn giữ bộ máy ấy, lãnh đạo ấy và con người ấy nhưng được gọi tên là cổ phần hóa. 

"Bản chất sở hữu DN trên thế giới chủ yếu tồn tại hai hình thức sở hữu nhà nước và sở hữu tư nhân. Chúng ta sở hữu DN hậu cổ phần là hỗn hợp nên không thể "copy" các kỹ năng của thế giới để áp dụng được. Chúng ta có cái "vỏ" là áp dụng kỹ năng quản trị, quản lý theo thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, chúng ta có cái "ruột" lại là Việt Nam, vẫn là lãnh đạo DN cũ", TS Vũ Đình Ánh phân tích.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của DN nhà nước

Về giải pháp, TS Nguyễn Văn Khách cho rằng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN đã được thành lập, thay mặt Chính phủ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu vốn nhà nước tại các tập đoàn kinh tế nhà nước, các tổng công ty và các DN nhà nước quy mô lớn quan trọng. 

"Siêu ủy ban quản lý vốn nhà nước tại DN mới thành lập cần phải công khai minh bạch về chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban này trong việc quản lý, giám sát và theo dõi việc sử dụng của bên sử dụng và việc thu của bên ngành thuế từ các nguồn vốn của nhà nước còn nằm tại các DN hậu cổ phần hóa. Đồng thời, là cơ quan chịu trách nhiệm trong việc thúc đẩy tốc độ, hiệu quả của quá trình thoái vốn nhà nước ra khỏi các DN đã cổ phần hóa.", ông Nguyễn Văn Khách nói.

Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống quản trị DN nhà nước tiệm cận thông lệ quốc tế, cụ thể là các nguyên tắc quản trị DN hiện đại của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), từng bước áp dụng cho các DN nhà nước đã cổ phần hóa, DN nhà nước hóa thông tin hằng năm về đầu tư vốn nhà nước tại các DN, danh sách và số lượng DN có vốn nhà nước; mức độ đầu tư, hiệu quả đầu tư; hiệu quả kinh doanh của các DN nhà nước… 

Đồng thời, thu hút các nhà đầu tư chiến lược đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư lớn trong nước, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư chiến lược tham gia sâu vào quá trình quản trị DN, tái cấu trúc DN; có chính sách tuyển dụng theo cơ chế thị trường, chính sách đãi ngộ phù hợp để có thể tuyển dụng và giữ được các nhân sự cấp cao, nhân sự có chuyên môn...

Cùng chung quan điểm, ông Hoàng Trường Giang, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, mối quan hệ giữa DN nhà nước với ngân hàng quốc doanh, tổ chức tài chính nhà nước và các DN nhà nước khác phải dựa trên cơ sở thương mại thuần túy. 

Chính phủ không bảo lãnh cho các DN nhà nước trong các khoản vay trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, đơn giản hóa và hợp lý hóa thông lệ hoạt động và khuôn khổ pháp lý cho DN nhà nước. 

Đồng thời, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về tái cơ cấu DN, đặc biệt là tái cơ cấu DN nhà nước ở những nước có hệ thống chính trị tương đồng với Việt Nam và kinh nghiệm quản trị DN nhà nước hiện đại theo thông lệ quốc tế; từ đó góp phần quan trọng trong việc hoạch định chủ trương chính sách về tái cơ cấu và áp dụng khung quản trị hiện đại cho DN nhà nước tại Việt Nam trong thời gian tới.../.

Theo Qdnd.vn