11/01/2025 lúc 00:11 (GMT+7)
Breaking News

Bộ Tài chính đối thoại với gần 500 doanh nghiệp

VNHN - Bộ Tài chính và VCCI vừa tổ chức Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2018 với sự tham gia của các đơn vị chuyên môn và sự tham dự của gần 500 doanh nghiệp (DN) tại khu vực phía Bắc.

VNHN - Bộ Tài chính và VCCI vừa tổ chức Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2018 với sự tham gia của các đơn vị chuyên môn và sự tham dự của gần 500 doanh nghiệp (DN) tại khu vực phía Bắc.

Đại diện doanh một doanh nghiệp nêu vướng mắc.Ảnh:VGP/Huy Thắng.

Đã thuận lợi nhưng còn nhiều vướng mắc

Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp và Bộ Tài chính đã trao đổi thẳng thắn những vấn đề khúc mắc. 

Đại diện Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ông  Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI thẳng thắn đánh giá, hiện không ít DN phản ánh có nhiều Nghị định, Thông tư về thuế vừa ra đã chỉnh sửa bổ sung, văn bản ra lúc nào DN cũng không biết. Thủ tục dành cho các DN nợ thuế, phạt chậm nợ thuế còn phức tạp, khiến doanh nghiệp đôi khi gặp khó.  
 
Còn trong lĩnh vực hải quan, ông Hoàng Quang Phòng cho biết, DN phản ánh, công văn trả lời cho các vấn đề vướng mắc của DN còn chung chung, chủ yếu đưa ra các Thông tư, Nghị định mà không có câu trả lời rõ ràng và các hướng dẫn cụ thể cho DN.

Đã 16 doanh nghiệp với 29 nội dung câu hỏi liên quan đến lĩnh vực thuế, hải quan đã được Thứ trưởng Vũ Thị Mai và đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tài chính giải đáp trực tiếp, rõ ràng và cụ thể.  

Ví dụ như, có một số doanh nghiệp cũng băn khoăn về quy định trần lãi vay 20%/năm đối với giao dịch kiên kết được quy định tại Nghị định 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Cụ thể, đại diện DN cho rằng mục tiêu Nghị định 20/2017/ NĐ–CP chống thất thu thuế do tác động chuyển giá giữa các quốc gia, nhưng thực tế lại ảnh hưởng nhiều doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình mẹ-con. 

Còn đại diện Tập đoàn Vingroup cho rằng, khi đầu tư vào các lĩnh vực cần nhiều vốn như nông nghiệp công nghệ cao, giáo dục, sản xuất công nghiệp nặng và trong giai đoạn đầu không thể phát sinh lợi nhuận nên chi phí lãi vay sẽ không được trừ trong tính thuế thu nhập doanh nghiệp.  

Trong thời gian đầu các dự án không thể vay vốn ngân hàng được mà phải thông qua công ty mẹ. Khống chế lãi vay ở mức 20% gây ảnh hưởng lớn cho doanh nghiệp vì nhiều chi phí lãi vay sẽ không được trừ cho mục đích thuế. 

Do đó, doanh nghiệp kiến nghị được tiếp tục thực hiện tính toán chi phí không được trừ theo Luật hiện hành, tạm thời chưa áp dụng Nghị định 20. Đồng thời, đại diện doanh nghiệp cũng đề nghị khi khống chế lãi vay cần cân nhắc nhiều yếu tố như doanh nghiệp cần thời gian tái cơ cấu vốn, lãi vay sau khi trừ thu nhập từ hoạt động tài chính và phù hợp với cộng đồng doanh nghiệp Việt.

Giải đáp và tiếp thu các ý kiến doanh nghiệp 

Giải đáp thắc mắc doanh nghiệp, ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế nói cho rằng, từ năm 2007, khi Việt Nam ra nhập WTO phải thực hiện các cam kết quốc tế trong việc bỏ ưu đãi đối với xuất khẩu và bình đẳng đối với các doanh nghiệp Việt Nam và các nước, trong đó có các khoản ưu đãi thì Chính phủ đã đưa ra lộ trình. 

Tính đến thời điểm này nền kinh tế đã hội nhập rất sâu, đến năm 2020 thực hiện trên cơ sở kiến nghị của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và các nước G20 yêu cầu các nước tập trung chống chuyển giá và chống xói mòn nguồn thu. 

Đại diện Bộ Tài chính đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp. Ảnh:VGP/Huy Thắng. 

"Chúng ta phải hội nhập toàn cầu thì phải thực hiện theo đúng quy định chứ không thể có những chính sách riêng" – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn trao đổi với DN.

Tuy vậy, ông Cao Anh Tuấn cũng cho biết với các kiến nghị của DN sẽ được tiếp thu, lắng nghe và giao cho các vụ liên quan, tập đoàn lớn trong nước để xem các DN đã tính đúng chưa, mức độ ảnh hưởng như thế nào, mô hình hoạt động như thế nào để xem xét.

Chia sẻ với khó khăn của DN, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cũng cũng khẳng định, mặc dù đã có nhiều cải thiện trong việc cắt giảm các thủ tục hành chính và chính sách về thuế và hải quan, tạo điều kiện thuận lợi cho công đồng DN, song vẫn còn một số bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của cộng đồng DN. Bộ Tài chính sẽ lắng nghe, tiếp thu những phản ánh của DN để hoàn thiện hơn chính sách về thuế và hải quan trong thời gian tới.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cam kết sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát để những cải cách thủ tục hành chính đi vào thực tế, tạo thuận lợi cho DN, người nộp thuế. 

Tiếp tục tăng cường đối thoại với DN; ngành Tài chính cũng sẽ tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ và tư vấn pháp luật về thuế để nâng cao nhận thức và tính tuân thủ pháp luật về thuế trong cộng đồng.

Kết thúc Hội nghị, Thứ trưởng Vũ Thị Mai đề nghị, vấn đề chưa rõ doanh nghiệp có thể trực tiếp hoặc thông qua VCCI hoặc từ các Hiệp hội doanh nghiệp tập hợp và gửi đến Bộ Tài chính cùng Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan để được giải đáp kịp thời. 

Thứ trưởng cũng khẳng định, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, trong đó có thủ tục về thuế, hải quan, chú trọng hiện đại hóa công tác quản lý thu thuế, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, tạo thuận lợi trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước.

"Cùng với các giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, Bộ Tài chính mong muốn DN Việt Nam chủ động tận dụng hơn nữa các cơ hội để đổi mới, nâng cao sức cạnh tranh và phát triển, đồng thời tuân thủ đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về thuế, hải quan, đóng góp vào mục tiêu chung về phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng và đầy thách thức như hiện nay", Thứ trưởng Vũ Thị Mai bày tỏ./.

Theo Chinhphu.vn