08/11/2024 lúc 19:46 (GMT+7)
Breaking News

Lương duyên 'lệch pha' giữa doanh nghiệp nội và FDI

VNHN - Chưa tới 14% doanh nghiệp (DN) tư nhân trong nước đang cung cấp hàng hoá, dịch vụ cho khối DN có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI).

VNHN - Chưa tới 14% doanh nghiệp (DN) tư nhân trong nước đang cung cấp hàng hoá, dịch vụ cho khối DN có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI).

Bên trong nhà máy của Bao bì Goldsun tại Khu công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh. Ảnh: MS.

Cộng sinh yếu giữa khối DN trong nước và các DN FDI là vấn đề lớn khi làn sóng này gần đây liên tục tăng. Khối FDI cho rằng DN trong nước không đủ năng lực để tham gia vào chuỗi giá trị, còn DN trong nước thì lập luận, FDI chỉ chọn những DN cung cấp đến từ cùng quốc gia. Thế nhưng, thực tế của sự "lệch pha" này chủ yếu do hai bên còn quá khác nhau trong yêu cầu của việc hợp tác.

Báo cáo của Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, sau 30 năm khi Luật Đầu tư nước ngoài có hiệu lực, kết nối cộng sinh trong kinh doanh giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn còn mờ nhạt, hiệu ứng lan toả về công nghệ và năng suất lao động từ các đối tác đến các DN trong nước còn rất hạn chế.

Chỉ khoảng 20% DN FDI tại Việt Nam là DN liên doanh và chưa tới 14% DN tư nhân trong nước đang cung cấp các hàng hoá, dịch vụ cho khối DN này. Nếu nhìn từ phía các DN FDI, liên kết hàng dọc với các công ty trong nước cũng không mấy khả quan khi chỉ có chưa tới 30% đầu vào của nhóm DN FDI được mua tại Việt Nam, trong đó một tỷ lệ đáng kể là mua từ chính các DN FDI khác.

Việt Nam là một trong những thành công của khu vực về thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhờ lợi thế nhân công rẻ và sự mở cửa thị trường. Tuy nhiên, ông Phạm Cao Vinh, Chủ tịch của Công ty cổ phần In và Bao bì Goldsun, một trong những công ty Việt hiếm hoi trở thành đơn vị cung ứng (vendor) cấp 1 của Samsung, cho rằng, giá rẻ lại không phải là yếu tố quan trọng nhất.

"Giá cả với các DN FDI không phải vấn đề. Yêu cầu quan trọng nhất là chất lượng, cam kết về thời gian giao hàng cũng như những đòi hỏi cao trong tiêu chuẩn về môi trường, quyền con người...", ông Vinh nói.

Nằm trong khu công nghiệp Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, tổ hợp nhà máy 500 tỷ đồng của công ty này vừa được khánh thành cuối tuần trước với mục đích chính là sản xuất vỏ hộp cho các sản phẩm đồ điện tử của Samsung. 

Hơn một nửa số điện thoại tiêu thụ trên toàn cầu của Samsung được sản xuất tại Việt Nam, nhưng chỉ có ba DN Việt tham gia được vào chuỗi cung ứng vỏ hộp, sách hướng dẫn và phải cạnh tranh cùng ba đơn vị nước ngoài khác.

Với giá thành mỗi vỏ hộp chỉ khoảng 2 USD, chiếm chưa tới 1% giá trị của sản phẩm, song để giữ được vị trí vendor cho Samsung, các DN phải bỏ ra không ít công sức. Hai vấn đề quan trọng nhất là việc đầu tư bài bản và quy trình chuyên nghiệp.

Tổ hợp nhà máy 500 tỷ đồng mới khánh thành của Goldsun chỉ là một phần trong quy mô đầu tư gần 2.000 tỷ đồng mà công ty này đã thực hiện để sản xuất vỏ hộp cho các dòng điện thoại của Samsung. Ngoài ra, chi phí mỗi năm ước tính có thể tăng khoảng 40 tỷ đồng cho việc nâng cấp và hoàn thiện.

"Các DN nước ngoài yêu cầu rất cao về tiêu chuẩn, đòi hỏi cực kỳ khắt khe, buộc các nhà cung cấp phải đầu tư lớn, về công nghệ và chất lượng sản phẩm. Không ít DN của Việt Nam bị làm khó với những vấn đề này", ông Vinh nói và cho rằng áp lực thay đổi công nghệ liên tục là rất lớn, với những đơn vị không đáp ứng được công nghệ, điều này sẽ rất khó khăn để chen chân vào chuỗi cung ứng của những tập đoàn lớn.

Ngoài vấn đề đầu tư, sự chuyên nghiệp trong hoạt động cũng là một yêu cầu không dễ để đáp ứng. Khoảng 3 tháng trước khi mỗi dòng điện thoại mới của hãng sản xuất điện tử từ Hàn Quốc được ra mắt, toàn bộ khu văn phòng và nhà xưởng của Bao bì Goldsun bị phong tỏa. 

Nguyên nhân là toàn bộ thông số của điện thoại sẽ được in trên vỏ hộp, những thông tin được coi là tối mật với bất kỳ một hãng sản xuất nào trước khi sản phẩm được ra mắt.

Những nhân viên giám sát được cử đến từ Samsung cùng những lãnh đạo DN này cũng gần như phải túc trực 24/24 tại những phân xưởng để đảm bảo đúng tiến độ và không có thông tin nào về dòng sản phẩm mới bị lộ ra ngoài. Dù vậy, ở chiều ngược lại kết quả đạt được cũng được đánh giá là tương xứng. 

Với hơn chục dây chuyền sản xuất liên tục có công suất khoảng 10.000 sản phẩm mỗi ngày, việc cung cấp những vỏ hộp chưa tới 2 USD cho Samsung mang lại cho công ty này doanh thu khoảng 600 tỷ đồng trong năm 2018, chiếm một nửa tổng doanh thu của công ty.

Tuy nhiên, biết cách giải nhưng để tìm lời giải cho bài toán "lệch pha" vẫn là điều không dễ thực hiện. Vẫn còn quá ít những DN nội có thể tham gia vào các chuỗi giá trị của các DN lớn có vốn đầu tư nước ngoài, như Samsung. 

Theo số liệu từ chính tập đoàn này, đến năm 2014, Việt Nam mới có 4 DN trở thành vendor cấp 1 của Samsung, với tỷ lệ nội địa hóa khi đó cũng mới chỉ đạt 35%. Tính đến cuối năm 2017 với một tổ hợp nhà máy có quy mô doanh thu hàng triệu tỷ đồng thì số DN là vendor cấp 1 của Samsung cũng mới đạt 29 DN.

TS Lê Văn Hùng, Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng việc xây dựng chuỗi liên kết giữa DN nội và khối FDI là điều cần thiết bởi không có những ràng buộc chặt chẽ với Việt Nam, ví như các chuỗi liên kết với DN nội, có thể khiến các DN FDI dễ dàng dời đi khi tìm được những thị trường có nhiều ưu đãi hơn. 

"Họ mất một năm để mang nhà xưởng, máy móc đến Việt Nam thì họ cũng mất bằng đó thời gian để rời đi khi không có sự ràng buộc", TS Hùng nói và cho rằng khó có điều gì giữ chân các DN FDI khi điều kiện ưu đãi không còn hấp dẫn, họ có thể dễ dàng rời bỏ Việt Nam để tìm những điểm đến hấp dẫn hơn./.

Theo Vnexpress.net