VNHN-Thể chế kinh tế có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế và ổn định chính trị của mỗi nước. Thực tiễn Việt Nam cho thấy, chuyển từ thể chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp sang thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN đã đưa Việt Nam lớn mạnh về mọi mặt, đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, tiềm lực về kinh tế đã lớn lên vượt bậc, đời sống của nhân dân được nâng cao, thế và lực của Việt Nam trên trường quốc tế đã lớn mạnh không ngừng.
Thực tế lịch sử phát triển của nhân loại cho thấy, trên thế giới luôn tồn tại sự chênh lệch giàu nghèo giữa các quốc gia; thậm chí là đối cực nhau, nơi thì thịnh cường, nơi thì suy thoái. Thực tế đó đã đặt cho nhiều nhà kinh tế và nhà lãnh đạo đi tìm lời giải. Có rất nhiều minh chứng từ thực tiễn cho thấy điều đó phụ thuộc nhiều vào thể chế kinh tế và thể chế chính trị. Sự áp dụng mô hình thể chế khác nhau của mỗi nước là một yếu tố của thành công hoặc không thành công trong phát triển kinh tế. Thông thường, sự không thành công trong phát triển kinh tế sẽ đưa đến sự bất ổn về chính trị. Thực tế, các nhà cầm quyền đều phải quan tâm vấn đề thể chế kinh tế như là một yếu tố căn cốt nhất để bảo đảm cho sự phát triển ổn định của chế độ chính trị và sự giàu mạnh của một đất nước. Tuy nhiên, những thể chế chính trị khác nhau đã tạo ra các thể chế kinh tế khác nhau và đưa đến sự phát triển kinh tế cũng khác nhau.
Ảnh minh họa
Vậy thể chế kinh tế là gì?
Thể chế kinh tế là toàn thể các luật chơi chính thức và phi chính thức điều tiết và chi phối các quan hệ, hoạt động mang tính kinh tế của con người trong xã hội. Nói cụ thể hơn thể chế kinh tế là: các bộ quy tắc, các luật, các lệ điều chỉnh, chế định các hành vi, các hoạt động, các quan hệ kinh tế; là bộ công cụ để điều chỉnh các chủ thể tham gia hành vi kinh tế. Vị trí, vai trò, chức năng, năng lực, các mối quan hệ và phương thức tổ chức vận hành của các chủ thể tham gia các hoạt động kinh tế (nhà nước, doanh nghiệp, người dân, các hiệp hội...); Cơ chế, cách thức, các luật lệ nhằm đạt được mục tiêu mà các chủ thể khi tham gia hành vi kinh tế mong muốn.
Nội hàm của thể chế kinh tế bao gồm những luật lệ quy định về các mối quan hệ và hoạt động kinh tế hiện hành và cả những tập tục, lề thói đã có từ ngàn đời, bao gồm các luật, lệ, quy tắc thành văn và cả những luật lệ, quy tắc bất thành văn trong các quan hệ và hoạt động kinh tế.
Thực tế cho thấy thể chế kinh tế là những bộ quy tắc do con người lập nên, quy định và ràng buộc các hành vi, cách ứng xử kinh tế tùy ý trong hoạt động tương tác của con người trong xã hội. Trong một xã hội nhất định, con người không thể làm những gì người ta thích, mà phải luôn luôn tuân theo một trật tự được thiết lập để điều chỉnh hành vi cá nhân của con người và các chủ thể trong kinh tế. Có những bộ quy tắc, luật lệ, trật tự (thể chế) do con người làm nên khơi dậy sức sáng tạo và giải phóng sức lao động của mọi con người đã làm cho xã hội phát triển, nhưng bên cạnh đó cũng có những quy tắc, luật lệ và trật tự do con người tạo ra đã trói buộc con người lại làm cho họ không thể chủ động, sáng tạo và phát triển mà phải sống trong sự chậm phát triển, đói nghèo và khó khăn. Nhiều luật, lệ bất thành văn có từ ngàn xưa cũng có thể khuyến khích con người vươn lên sáng tạo và phát triển, nhưng cũng có trường hợp ngược lại kìm hãm, triệt tiêu mọi sự cố gắng, mọi sức sáng tạo, vươn lên của con người. Thể chế kinh tế cũng thuộc vào các trường hợp như vậy.
Mặc dù các lý thuyết kinh tế qua các thời kỳ đã phát triển không ngừng và đã đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế của các nước nhưng cũng bị sức mạnh vô hình là thể chế kinh tế thúc đẩy hoặc trói buộc, kìm hãm sự phát triển đó. Chính vì lẽ đó, các nhà kinh tế trong quá trình nghiên cứu của mình từng bước nhận thức về bản chất của thể chế kinh tế và từ đó có những giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế để hướng tới một xã hội phát triển.
Thể chế kinh tế không tự thân nó hình thành nên mà được tạo ra do con người, cụ thể là do hệ thống chính trị tạo ra. Khi con người biết làm kinh tế thì thể chế kinh tế bắt đầu hình thành những nét sơ khai để điều tiết mọi hành vi và hoạt động kinh tế. Suốt chiều dài lịch sử của nhân loại, thể chế kinh tế phần lớn vận hành theo cơ chế thị trường: Cùng với quá trình phát triển của xã hội loài người, thể chế này được phức tạp hóa và phân nhánh ra theo các thể chế chính trị khác nhau. Cho đến nay, thể chế kinh tế của các nước trên thế giới rất đa dạng, tùy theo sự nhìn nhận và lựa chọn của các chế độ chính trị của mỗi nước khác nhau; Sự vận hành thể chế kinh tế ở mỗi nước cũng không giống nhau. Bản chất của vấn đề là, mỗi nước có tập tục, lề thói khác nhau, có nền văn hóa khác nhau, và đặc biệt là bản chất của nhà cầm quyền, mục tiêu của thể chế chính trị khác nhau. Thể chế chính trị cường quyền, lấy lợi ích phục vụ nhà cầm quyền, phục vụ một nhóm người cai trị thì sẽ xây dựng nên một thể chế kinh tế áp đặt nhằm bắt buộc đại đa số nhân dân phục vụ tốt nhất cho bộ máy cai trị đó mà không đặt mục tiêu vì sự thịnh vượng của xã hội. Thể chế chính trị vì con người, vì đại đa số nhân dân thì sẽ xây dựng nên thể chế kinh tế vì mọi người, và vì sự thịnh vượng chung của đất nước. Như vậy, thể chế kinh tế (các luật chơi về kinh tế) ở các quốc gia khác nhau vì mục đích của các chế độ chính trị khác nhau quy định nên.
Thế chế kinh tế không phải là một thể chế biệt lập, tách bạch mà nằm trong một tổng thể hệ thống các thể chế (thể thế chính trị, văn hóa...) và có mối ràng buộc, tác động qua lại giữa các thể chế. Thể chế kinh tế là một trong các trụ cột quan trọng bảo đảm cho hệ thống chính trị ổn định và phát triển. Có thể nói, thể chế kinh tế là nền tảng bảo đảm cho các thể chế khác cùng tồn tại và phát triển cũng như là nền tảng bảo đảm cho hệ thống chính trị ổn định bởi nó là đối tượng tạo ra vật chất, quyết định sự tồn tại của các đối tượng khác.
Thể chế kinh tế có thể hiểu là một trong ba chân kiềng quan trọng bậc nhất để hệ thống chính trị tồn tại trên đó. Mối quan hệ giữa thể chế kinh tế với hệ thống chính trị là mối quan hệ sống còn, phụ thuộc nhau. Hệ thống chính trị định hình ra thể chế kinh tế và ngược lại, thể chế kinh tế chống đỡ vững chắc cho hệ thống chính trị tồn tại.
Trong cuốn “Tại sao các quốc gia thất bại” Daron Acemoglu và James A. Robinson khái quát là các thể chế kinh tế khác nhau, như “thể chế kinh tế chiếm đoạt” là thể chế kinh tế không khuyến khích sự tham gia tích cực của mọi người vào hoạt động kinh tế, mà là sự ép buộc, cưỡng chế; sở hữu tư nhân của người dân không được bảo đảm, thị trường không phát triển đầy đủ, các quy luật thị trường không được tôn trọng và bị bóp méo, không có sự tự do sáng tạo, tự do làm ăn, không có động cơ đầu tư và động cơ tăng năng suất lao động và cuối cùng là thiếu động cơ, động lực cho phát triển kinh tế. Thành quả đạt được trong quá trình hoạt động kinh tế của người dân ở “thể chế kinh tế chiếm đoạt” cũng bị tước đoạt và phục vụ cho một số ít người trong xã hội; động lực cho phát triển kinh tế bị triệt tiêu. Chính vì lẽ đó ở các quốc gia có “thể chế kinh tế chiếm đoạt” kinh tế đều phát triển kém và nghèo đói. Đi liền với thể chế kinh tế chiếm đoạt là một thể chế chính trị cai trị hà khắc; có hai chủ thể trong xã hội là tầng lớp cai trị và tầng lớp bị cai trị. Ở tầng lớp cai trị thì nghĩ ra ngày một nhiều hơn phương pháp và cách thức cai trị hà khắc hơn và vơ vét nhiều hơn, còn tầng lớp bị cai trị thì phải làm việc ngày một khổ sở hơn, đóng góp ngày một nhiều hơn và trở nên đói nghèo hơn. Với thể chế chính trị và thể chế kinh tế này có thể trước mắt bảo đảm được ổn định hệ thống chính trị nhưng không bền vững. Vì ở xã hội này lòng dân luôn ẩn chứa sự phản kháng “Đói nghèo sinh đạo tặc”, “Bất công sinh phản kháng”. Những mong muốn phá bỏ hệ thống chính trị này vẫn luôn thường trực trong lòng dân chúng. Sự mục ruỗng, tham nhũng, tha hóa ở tầng lớp cai trị và sự oán hận thấu xương của tầng lớp bị cai trị đã kết tinh thành sức công phá ngầm làm sụp đổ hệ thống chính trị đó khi thời cơ xuất hiện. Chính vì lẽ đó, nguy cơ sụp đổ của hệ thống chính trị này là rất cao và thực tế cũng đã minh chứng trong lịch sử là nhiều hệ thống chính trị như trên đã sụp đổ mà gần đây nhất là sau sự kiện “mùa xuân Arập” một số hệ thống chính trị ở một số nước ở Trung Cận Đông đã sụp đổ.
“Thể chế kinh tế dung hợp” là các thể chế kinh tế “cho phép và khuyến khích sự tham gia của đại đa số dân chúng vào các hoạt động kinh tế, sử dụng tốt nhất tài năng và trình độ của họ và giúp các cá nhân thực hiện những lựa chọn họ muốn”(1). Trong thể chế kinh tế dung hợp, sở hữu tư nhân được công nhận (trong đó có cả quyền sở hữu tư nhân về ruộng đất), quyền tự do cá nhân được đề cao, có hệ thống pháp luật nghiêm minh, bình đẳng đối với mọi người dân, mọi đối tượng, các dịch vụ công được cung cấp đầy đủ và một sân chơi bình đẳng, khuyến khích mọi người trao đổi, ký kết hợp đồng, thành lập doanh nghiệp và tự do kinh doanh làm giàu cho mình và cho đất nước. Như vậy, ở thể chế kinh tế dung hợp quyền con người được bảo đảm, quyền tư do kinh doanh, làm giàu của mọi người được khuyến khích, lợi ích của mọi cá nhân được tôn trọng nên đã tạo nên một động cơ tự bên trong mỗi cá nhân trong xã hội là họ phải vươn lên làm kinh tế giỏi, tức là giỏi trong sản xuất, trong dịch vụ, trong kinh doanh, trong quản lý và ở mọi chỗ, mọi nơi, mọi lúc có thể để làm cho mình có cuộc sống ngày một tốt hơn, giàu hơn và cả xã hội cũng sẽ tốt hơn, giàu hơn. Chính vì điều này, thể chế kinh tế dung hợp đã tạo động lực cho sự phát triển của nền kinh tế; năng suất lao động được nâng cao, nhiều sáng tạo xuất hiện trong các hoạt động kinh tế, của cải cũng tăng lên, xã hội thịnh vượng hơn.
Đi liền với thể chế kinh tế dung hợp là thể chế chính trị dung hợp. Thể chế chính trị tôn trọng quyền con người, tự do cá nhân, sở hữu tư nhân, lợi ích cá nhân, không áp đặt; là thể chế chính trị hiệu quả, kiến tạo và liêm chính. Thể chế chính trị này đặt dưới sự giám sát của người dân, mọi ý nguyện của người dân được trân trọng. Như vậy, dưới thể chế chính trị dung hợp sự hài lòng của người dân là rất cao, sự bất mãn xã hội ít, sức phản kháng, chống đối không lớn. Chính vì lẽ đó, dưới thể chế kinh tế dụng hợp hệ thống chính trị sẽ được tồn tại ổn định và phát triển bền vững.
Như trên đã trình bày, có thể hình dung thể chế chính trị định hình nên hệ thống chính trị và từ hệ thống chính trị quy định thể chế kinh tế. Thể chế chính trị nào thì sản sinh ra thể chế kinh tế đó. Tuy nhiên, khi thể chế kinh tế ra đời và đi vào cuộc sống đến lượt nó tác động trở lại làm cho thể chế chính trị và hệ thống chính trị chuyển mình theo. Sự phát triển và hoàn thiện của thể chế kinh tế sẽ kéo theo sự phát triển của thể chế chính trị.
Một số yếu tố kinh tế tác động đến sự ổn định và phát triển của hệ thống chính trị là:
Quyền tự do về kinh tế: Nhìn từ góc độ thể chế kinh tế, thì một yếu tố có tính quyết định đến sự ổn định và phát triển của hệ thống chính trị chính là quyền tự do về kinh tế của con người có được bảo đảm hay không. Quyền tự do về kinh tế của người dân bao gồm nhiều nội dung nhưng trước tiên là quyền sở hữu tư nhân, quyền tự do hoạt động kinh tế, quyền tự do làm giàu và phát triển kinh tế... bảo đảm lợi ích chính đáng của mỗi cá nhân trong xã hội. Khi lợi ích của mọi người được bảo đảm mới có thể giải phóng mọi nguồn lực, mọi sức sáng tạo và huy động được hết sức mạnh vật chất và sức mạnh tinh thần của người dân vào phát triển kinh tế và dựng xây đất nước. Quyền này được bảo đảm, con người có động cơ và động lực để sáng tạo trong hoạt động kinh tế. Khi con người được khuyến khích và phát huy tối đa trên lĩnh vực hoạt động kinh tế thì xung đột chính trị sẽ giảm xuống, bảo đảm hệ thống chính trị ổn định và phát triển.
Khi thể chế kinh tế không cho phép con người tự do hoạt động kinh tế, không cho phép tự do sáng tạo trong lĩnh vực kinh tế: ở đó con người bị áp bức, bóc lột, đói nghèo và bần cùng thì sự phản kháng, chống đối của người dân đối với hệ thống chính trị luôn cao và đây là nguyên nhân tạo ra bất ổn của hệ thống chính trị.
Đời sống vật chất của xã hội: Con người luôn tìm tòi và đấu tranh để mưu sinh. Nhu cầu vật chất để sống là rất lớn và ngày một tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Đây là nhu cầu chính đáng và hợp quy luật phát triển của xã hội. Chính vì lẽ đó, mọi thể chế kinh tế cũng như hệ thống chính trị phải chăm lo nhu cầu chính đáng này của con người. Trong một xã hội thịnh vượng, cuộc sống của con người không ngừng được nâng cao về vật chất, phúc lợi xã hội được nâng cao, đời sống con người được xã hội quan tâm. Điều kiện vật chất tốt hơn thì con người cũng có điều kiện để thể hiện sự nhân ái, tính thiện của mình và như vậy xã hội sẽ bình an; sự phản ứng, chống đối cũng giảm. Ngược lại, các thể chế kinh tế không chăm lo đến đời sống vật chất chính đáng của con người sẽ dẫn đến bần cùng, đối với các cá nhân và cả xã hội, sự phản kháng của người dân đối với hệ thống chính trị sẽ tăng cao.
Đời sống tinh thần: Trước yêu cầu để tồn tại thì cần nhất là vật chất, nhưng khi vật chất đã có và được đáp ứng tương đối đủ thì yếu tố tinh thần sẽ được quan tâm hơn. Điều này chỉ có thể đạt được ở thể chế kinh tế biết chăm lo đến công ăn, việc làm cho người dân, có chế độ an sinh xã hội hợp lý, có biện pháp khơi dậy tinh thần xả thân, tinh thần sáng tạo, tinh thần làm việc ngày một năng suất, chất lượng, hiệu quả hơn của con người trong hoạt động kinh tế. Thể chế này giúp cho con người và xã hội phát triển mạnh mẽ về kinh tế và từ thành quả kinh tế đó mà đời sống tinh thần không ngừng được cải thiện: công bằng hơn, dân chủ, văn minh hơn, hiện đại hơn...
Đời sống tinh thần là yếu tố quan trọng, giúp tạo ra sức mạnh vô cùng to lớn. Xuất phát từ yếu tố tinh thần có thể nảy sinh những phản kháng hay ủng hộ đối với hệ thống chính trị. Một thể chế kinh tế hướng tới thịnh vượng không thể không quan tâm đến yếu tố bình đẳng, công bằng xã hội, dân chủ, văn minh và hiện đại.
Trong một xã hội coi trọng tiến bộ và công bằng xã hội thì mới có điều kiện để phát triển kinh tế mạnh mẽ và bền vững. Xã hội dân chủ, văn minh là mục tiêu mà mọi người phấn đấu xây dựng và mong muốn được sống trong đó. Khi xã hội dân chủ và văn minh thì con người sẽ tự họ bảo vệ và giữ gìn hệ thống chính trị xây dựng nên xã hội đó. Những cuộc biểu tình với tính chất cách mạng, lật đổ chế độ như các cuộc “cách mạng da cam”, “cách mạng màu”, “mùa xuân Arập” đều xuất phát từ những đất nước có các chế độ chính trị, thể chế kinh tế không quan tâm đúng mức đến việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Những xã hội này đã đẩy làn sóng bất bình của người dân thành mâu thuẫn đối kháng với các chế độ chính trị và kết quả là người dân đứng lên lật đổ các chế độ chính trị này.
Môi trường sống. Thể chế kinh tế phát triển không chỉ quan tâm đến vấn đề nâng cao vật chất và tinh thần đối với con người mà còn phải quan tâm đến xây dựng một môi trường sống tốt, lành mạnh và xanh - sạch - đẹp đối với mọi người. Thể chế kinh tế phù hợp là phải bảo vệ và xây dựng môi trường sống toàn diện ngày càng tốt đẹp về mọi mặt, từ môi trường tự nhiên, văn hóa, chính trị, xã hội... Môi trường bị ô nhiễm, tài nguyên thiên nhiên bị tàn phá, lương thực, thực phẩm không an toàn, tội phạm và cướp bóc tràn lan, văn hóa đồi trụy... sẽ là các yếu tố hủy hoại con người, phá vỡ sự ổn định của hệ thống chính trị. Chỉ có thể chế kinh tế bao hàm đầy đủ mọi mặt đời sống của con người mới có thể bảo đảm cho hệ thống chính trị ổn định và phát triển.
Kể từ Cách mạng Tháng Tám thành công đến nay đã hơn 70 năm. Từ một thuộc địa nghèo đói lầm than, nô lệ với cảnh hơn 2 triệu người chết đói năm 1945, Việt Nam đã trở thành một nước Việt Nam độc lập và đang trên con đường xây dựng CNXH, đời sống nhân dân ngày một ấm no và tươi đẹp hơn. Từ một đất nước nghèo khó, không đủ lương thực, bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã trở thành một quốc gia phát triển trung bình, thế và lực kinh tế, chính trị, quốc phòng - an ninh đã mạnh lên rõ rệt...
Thực tế Việt Nam cho thấy, thay đổi thể chế kinh tế đã làm cho cuộc sống xã hội đổi thay. Thể chế kinh tế kế hoạch hóa, tập trung quan liêu bao cấp có vai trò lịch sử trong thời chiến tranh, đã giúp huy động của cải vật chất và sức dân phục vụ cho cuộc kháng chiến vĩ đại. Tuy nhiên, thể chế kinh tế này được kéo dài đã không giải phóng được sức lao động và khơi dậy mọi tiềm năng sáng tạo của mọi người để phát triển kinh tế trong thời bình, đã trở thành vật cản của sự phát triển của nền kinh tế. Nhìn lại hơn 30 năm đổi mới cho thấy, đổi mới tư duy, trong đó trước hết là đổi mới tư duy kinh tế của Đảng là vô cùng sáng tạo và hoàn toàn đúng đắn. Thể chế kinh tế mới, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã tạo nên một nét đậm trong lịch sử đi lên của đất nước.
Nhờ đổi mới tư duy kinh tế và sự lựa chọn thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN đã biến Việt Nam từ một nền kinh tế hầu như không có tăng trưởng thành một nước có tốc độ tăng trưởng cao thứ hai ở châu Á. Quy mô của nền kinh tế sau 30 năm đã lớn lên không ngừng, từ 6,5 tỷ USD GDP năm 1990 lên 204 tỷ USD GDP năm 2015 (gấp 31,4 lần). Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng cao, từ 98 USD/người năm 1990 lên hơn 2.170 USD/người năm 2015.
Thể chế kinh tế mới đã phát huy khá tốt vai trò của mình tuy nhiên, sau 30 năm đến nay thể chế kinh tế này đang cần đổi mới mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa để tạo ra động cơ và động lực mới cho phát triển. Những khuyết tật, yếu kém của thể chế kinh tế mới đang bộc lộ. Nền kinh tế Việt Nam đang tụt hậu so với nhiều nước, như Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã thẳng thắn chỉ rõ.
Thực tiễn đang đòi hỏi phải có một thể chế kinh tế mới phù hợp hơn, năng động và hiệu quả hơn, có khả năng khơi dậy động lực cho phát triển kinh tế, khuyến khích mọi người trong xã hội hăng say làm kinh tế, khuyến khích con người sáng tạo, cống hiến, làm giàu cho mình và cho xã hội. Đó là phải xây dựng một thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại vì mục tiêu thịnh vượng cho xã hội và cho mỗi người; hòa đồng và bắt kịp các thể chế kinh tế hiện đại của các nước phát triển. Trong xu thế hội nhập hiện nay, thể chế kinh tế của Việt Nam phải là thể chế tiến bộ, tôn trọng tự do cá nhân, sở hữu tư nhân và chăm lo lợi ích chính đáng của mỗi người. Một thể chế kinh tế của mọi người dân (của dân, do dân và vì dân); hội tụ xung lực mới thúc đẩy phát triển, trong đó kinh tế tư nhân là động lực phát triển của nền kinh tế; khơi dậy được khát vọng vươn lên, khát vọng làm giàu của mọi người Việt Nam; mọi nguồn lực cho phát triển được huy động, mọi sức sáng tạo cho phát triển được khơi dậy, từ đó tạo nên động lực, sức mạnh vươn lên, đưa Việt Nam trở thành một đất nước giàu mạnh, phồn vinh.
_________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2016
(1) Daron Acemoglu và James A. Robinson : Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng, và nghèo đói, Tại sao các quốc gia thất bại, Nxb Trẻ, 2013.
PGS,TS Lê Quốc Lý
Phó Giám đốc
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh