VNHN – Trong những năm qua, thành phố Thái Bình đã có nhiều khởi sắc về kinh tế - xã hội, đặc biệt là lĩnh vực thu hút đầu tư. Đây được coi là nền tảng vững chắc, là động lực quan trọng tạo đà cho sự phát triển bền vững trong những năm tiếp theo, tiếp tục đóng vai trò là đầu tàu kinh tế đưa tỉnh Thái Bình trở thành vùng kinh tế quan trọng trong khu vực và cả nước.
Những dự án quan trọng đã và đang được triển khai tại TP. Thái Bình đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời góp phần lớn vào công cuộc thúc đẩy kinh tế đất nước.
Nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh
Nối tiếp thành công những năm gần đây, nền kinh tế nói chung cũng như lĩnh vực thu hút đầu tư năm 2019 của thành phố Thái Bình tiếp tục đạt những kết quả tích cực. Năm 2019, kinh tế của thành phố Thái Bình tăng trưởng khá cao, nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra. Tổng giá trị sản xuất tăng 16,2% so với năm 2018, cao nhất từ trước tới nay. Trong năm 2019, UBND Thành phố đã ban hành kế hoạch, chỉ đạo đẩy mạnh các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tổ chức gặp mặt, đối thoại tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển. Kết quả, có 168/186 dự án đầu tư đã đi vào hoạt động, đưa giá trị sản xuất ngành công nghiệp của Thành phố tăng 20,6% so với cùng kỳ.
Tổng mức đầu tư toàn xã hội 5 năm (2016 – 2020) ước đạt 57.035 tỷ đồng, gấp 2,06 lần giai đoạn 2011 – 2015. Lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xây dựng phát triển với tốc độ tăng trưởng cao. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 ước đạt 24.875 tỷ đồng, gấp 2,05 lần năm 2015, tăng bình quân 15,91%/năm. Hiện có 340 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đang hoạt động ổn định, tăng 13,3% so với năm 2015. Hạ tầng các khu, cụm công nghiệp được đầu tư khá đồng bộ, góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư và tăng tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp (KCN Nguyễn Đức Cảnh, Phúc Khánh, CCN Trần Lãm, Phong Phú đã cơ bản được lấp đầy, KCN Gia Lễ đạt 74%, Sông Trà đạt 42%). Có 188 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư 15.470 tỷ đồng, tăng 1,15 lần so với năm 2015. Trong đó 177 dự án đã đi vào hoạt động ổn định, đóng góp lớn cho tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp, giải quyết việc làm cho 52.426 lao động. Giá trị sản xuất ngành xây dựng năm 2020 ước đạt 6.872 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 14,36%/năm. Tổng vốn đầu tư xây dựng giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 57.035 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn ngân sách nhà nước ước đạt 2.349 tỷ đồng, vốn đầu tư các doanh nghiệp ước đạt 21.615 tỷ đồng.
Trên lĩnh vực thương mại dịch vụ, nhiều dự án lớn được triển khai và một số dự án đã được đưa vào hoạt động đáp ứng yêu cầu xã hội, tạo điểm nhấn trong kiến trúc đô thị văn minh như như: Trung tâm thương mại Vincom, MEDIAMARK, Trung tâm tài chính 61 Lê Lợi, Bệnh viện đa khoa chất lượng cao, Khách sạn Dream 2, các trung tâm kinh doanh ô tô, xe máy.... Giá trị sản xuất năm 2020 ước đạt 9.006 tỷ đồng, gấp 1,56 lần năm 2015, tăng bình quân 10,28%/năm. Số doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ phát triển nhanh về quy mô, số lượng và chất lượng. Hiện có 1.365 doanh nghiệp và 19.947 cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ, tăng gấp 1,8 lần năm 2015, thu hút trên 48.592 lao động.
Dự án khách sạn Dream II được đưa vào hoạt động từ năm 2019, tọa lạc tại trung tâm thành phố Thái Bình là một trong những dự án tiếp nối giá trị, tầm nhìn của Tập đoàn Geleximco trong kế hoạch phát triển đầu tư lĩnh vực thương mại và dịch vụ. Thái Bình Dream có tổng diện tích 6.384 m2, là một tổ hợp liên hoàn gồm hệ thống phòng ở, căn hộ cho thuê, phòng họp, khu Spa, nhà hàng và dịch vụ thể thao…được thiết kế theo phong cách kiến trúc hiện đại cùng toàn bộ khuôn viên cảnh quan đạt tiêu chuẩn quốc tế kết hợp với truyền thống văn hoá, nếp sống của người Việt.
Bên cạnh đó, Thành phố Thái Bình đang triển khai một số dự án đang đầu tư xây dựng tương đối lớn về các lĩnh vực như: Dự án xây dựng văn phòng làm việc và dịch vụ thương mại tổng hợp của công ty cổ phần tập đoàn Thái Bình Seed với mức đầu tư 203 tỷ đồng; Dự án đầu tư khách sạn thông minh và văn phòng của công ty cổ phần bất động sản Hano-Vid với mức đầu tư là 202 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng Wellblake2 của công ty cổ phần Lam Sơn với mức đầu tư 68 tỷ đồng; Dự án làm việc và kinh doanh của Công ty Giống cây trồng Thái Bình với mức đầu tư 205 tỷ đồng ; Dự án xây nhà xưởng của công ty Bông Thái Bình với mức đầu tư 137 tỷ đồng; Dự án xây nhà làm việc của công ty |Minh Long của công ty cổ phần đầu tư Thương mại quốc tê Minh Long với vốn đầu tư là 153 tỷ đồng và đặc biệt là dự án Bệnh viện Đa khoa Quốc tế chất lượng cao của Công ty cổ phần tập đoàn FLC với tổng mức đầu tư là 3.772 tỷ.
Dự án Bệnh viện Đa khoa Quốc tế chất lượng cao được xây dựng với mục tiêu trở thành một bệnh viện đa khoa hạng I với số lượng 1.000 giường bệnh và các chuyên khoa sâu tương đương bệnh viện tuyến trung ương. Đây là dự án bệnh viện đa khoa lớn nhất tại tỉnh Thái Bình cũng như các tỉnh lân cận.
Đó là kết quả từ sự chỉ đạo quyết liệt của các đồng chí lãnh đạo thành phố, đẩy mạnh hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục đầu tư. Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển; đẩy mạnh cải cách hành chính, giải quyết kịp thời các thủ tục đầu tư; công khai, minh bạch các thông tin về quy hoạch, đất đai, các chính sách, lĩnh vực khuyến khích, ưu tiên thu hút đầu tư. Giai đoạn 2015 - 2020 có 67 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư mới với tổng vốn đầu tư trên 14.350 tỷ đồng. Công tác quản lý, giám sát, đánh giá thực hiện các dự án đầu tư được thực hiện thường xuyên, kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm. Công tác quy hoạch xây dựng được chú trọng làm cơ sở để thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng đô thị. Hoàn thành quy hoạch xây dựng thành phố đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Công tác quản lý xây dựng theo quy hoạch được triển khai, thực hiện đồng bộ có định hướng đảm bảo quy định của Nhà nước; chất lượng các đồ án quy hoạch ngày càng được nâng cao.
Tiếp tục khẳng định vị thế đầu tàu của tỉnh về thu hút đầu tư
Ông Nguyễn Ngọc Ý, Chủ tịch UBND TP. Thái Bình cho biết: Năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt với TP. Thái Bình. Đây là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Các cấp, các ngành và nhân dân Thành phố tập trung tổng kết, đánh giá, hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2015 - 2020, xây dựng văn kiện tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, phấn đấu hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ của năm.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Ý, Chủ tịch UBND TP. Thái Bình
Cụ thể: Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành kinh tế, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi. Triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch chung xây dựng Thành phố, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp tái cơ cấu ngành công thương theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành chế biến, chế tạo trên cơ sở tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, cải tiến công nghệ; tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, tạo ra những sản phẩm có thương hiệu, chất lượng, có sức cạnh tranh trên thị trường.
Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút các dự án lớn, công nghệ cao lấp đầy các khu, cụm công nghiệp. Đẩy mạnh các giải pháp cải thiện rõ nét tạo môi trường đầu tư, kinh doanh; thường xuyên đối thoại để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Chủ động phối hợp, đôn đốc các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, đưa dự án vào hoạt động theo phương án đã được phê duyệt.
Tăng cường thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại, tạo điều kiện cho các tập đoàn lớn nghiên cứu, đầu tư xây dựng các khu thương mại dịch vụ chất lượng cao, chú trọng phát triển các khu dịch vụ thương mại ở những nơi có lợi thế. Phát triển mạng lưới chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, các loại hình vui chơi giải trí, du lịch sinh thái có quy mô lớn.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp, tạo thuận lợi thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, tạo lập các mô hình sản xuất mới theo chuỗi khép kín gắn với chế biến và thị trường để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa./.
Lê Ngọc Ánh - Tuyết Trần