28/12/2024 lúc 18:44 (GMT+7)
Breaking News

Thanh Hóa thuộc nhóm 5 tỉnh, thành phố huy động vốn đầu tư cao nhất cả nước

Thời gian qua, mặc dù tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, trong khi hoạt động sản xuất, kinh doanh còn khó khăn, doanh nghiệp phục hồi chậm sau đại dịch Covid-19, thị trường bất động sản trầm lắng… Tuy nhiên tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh Thanh Hóa đạt được nhiều kết quả khởi sắc.

Tổ hợp Flamingo Hải Tiến có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Hoằng Hoá cũng như của tỉnh Thanh Hóa.

Vốn đầu tư toàn xã hội là chỉ tiêu quan trọng, đóng vai trò quyết định trong việc phát triển và tăng trưởng kinh tế. Vì thế, tỉnh Thanh Hóa đã luôn quan tâm đến việc huy động và sử dụng nguồn vốn đầu tư một cách có hiệu quả. Đánh giá qua từng giai đoạn phát triển, nhìn chung vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh tăng liên tục với tốc độ tương đối cao. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay ước đạt 475.219 tỉ đồng, bằng 63,4% mục tiêu Nghị quyết Đại hội, thuộc nhóm 5 tỉnh, thành phố huy động vốn đầu tư cao nhất cả nước. Toàn tỉnh đã thu hút được 327 dự án đầu tư trực tiếp (trong đó có 53 dự án FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký 57.662 tỉ đồng và 648 triệu USD; lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 171 dự án FDI của các nhà đầu tư đến từ 20 quốc gia trên thế giới, với tổng vốn đầu tư đăng ký 14,78 tỉ USD đang còn hiệu lực, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và đứng thứ 8 cả nước.

Từ kết quả huy động vốn đầu tư, có nhiều dự án quan trọng, quy mô lớn đã hoàn thành, đi vào hoạt động, như: Đường giao thông nối thành phố Sầm Sơn với KKT Nghi Sơn; Đại lộ Đông - Tây thành phố Thanh Hóa đoạn từ thị trấn Rừng Thông đến Quốc lộ 1A; đường cao tốc Bắc - Nam nhánh Đông; Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2; Nhà máy xi măng Đại Dương 1; Dây chuyền 3 nhà máy Xi măng Long Sơn; Trạm nghiền xi măng Long Sơn; Nhà máy sản xuất bao bì của Công ty Miza; Nhà máy sản xuất dây cáp điện THN Autoparts (huyện Hà Trung); Quảng trường biển và trục cảnh quan lễ hội thành phố Sầm Sơn; Flamingo Hải Tiến; Công viên nước Sầm Sơn; Dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao quy mô công nghiệp (TH True Milk)… Bên cạnh đó, đã khởi công một số dự án như: Dây chuyền 4 nhà máy Xi măng Long Sơn; Nhà máy xi măng Đại Dương 2; Nhà máy sản xuất lốp ô tô Radial; Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn số 2; Khu công nghiệp số 3 Khu kinh tế Nghi Sơn; Khu du lịch sinh thái Tân Dân; Khu đô thị nghỉ dưỡng khoáng nóng tại xã Quảng Yên (huyện Quảng Xương)...

Có thể thấy, từ kết quả đạt được đầu tư công, đầu tư tư nhân, đã tạo cho Thanh Hóa cơ hội trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh. Những kết quả trên cũng phản ánh môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh tiếp tục được cải thiện; các giải pháp tháo gỡ, khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư đã phát huy hiệu quả; tiếp tục huy động được các nguồn lực cho đầu tư phát triển ngoài khu vực nhà nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Tuy nhiên, so với một số tỉnh, thành trong cả nước nguồn vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh còn hạn chế do việc huy động nội lực, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, đào tạo nghề còn bất cập nên mặc dù số dự án đăng ký nhiều nhưng số dự án đầu tư vốn lớn và hiệu quả, tạo được sự đột phá trong sản xuất kinh doanh vẫn còn khiêm tốn. Mặc dù còn một số hạn chế, nhưng từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, Thanh Hóa đã tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ từ nguồn vốn đầu tư toàn xã hội. Đó cũng là nền tảng cơ bản để thu hút đầu tư và tạo sự phát triển cho chặng đường tiếp theo, góp phần sớm đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc./.

Hải Nam