20/05/2024 lúc 06:48 (GMT+7)
Breaking News

Thanh Hóa: Người dân bức xúc vì trang trại lợn của CTCP TM Sao Khuê gây ô nhiễm môi trường

VNHN) - Theo nguồn tin phản ánh, từ nhiều tháng nay, người dân sinh sống tại thôn 1 xã Đông Hoàng (huyện Đông Sơn) và các thôn 7, 8, 9 của xã Thiệu Lý (huyện Thiệu Hóa) luôn phải sống trong bầu không khí với mùi hôi thối bốc lên từ trang trại lợn giống cao sản của Công ty Cổ phần Thương mại Sao Khuê. 

VNHN) - Theo nguồn tin phản ánh, từ nhiều tháng nay, người dân sinh sống tại thôn 1 xã Đông Hoàng (huyện Đông Sơn) và các thôn 7, 8, 9 của xã Thiệu Lý (huyện Thiệu Hóa) luôn phải sống trong bầu không khí với mùi hôi thối bốc lên từ trang trại lợn giống cao sản của Công ty Cổ phần Thương mại Sao Khuê. 

Trụ sở Công ty CP Thương mại Sao Khuê

Trang trại với quy mô trên 4.000m2, được đầu tư 25 tỷ đồng, có địa chỉ tại đội 1, xã Đông Hoàng (huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Hiện đang nuôi 300 con lợn nái sinh sản, hơn 100 con lợn thịt, chưa kể hàng nghìn con lợn giống được sinh ra mỗi năm và đã đi vào hoạt động được hơn một năm nay. 

Tuy nhiên theo phản ánh từ phía người dân, cũng kể từ khi trang trại đi vào hoạt động, họ luôn phải sống trong bầu không khí với mùi hôi thối thường xuyên bốc lên, làm ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống sinh hoạt hàng ngày. 

Cổng trước của trang trại

Trang trại nhìn từ phía sau

Đặc biệt là vào những ngày trời nắng nóng hoặc có mưa nặng hạt, không khí lại càng trở nên nặng mùi hơn. Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Hữu Mạnh một người dân hiện đang sinh sống tại thôn 8, xã Thiệu Lý cho biết, mùi hôi thối bốc lên từ trang trại đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của gia đình anh, đặc biệt là vào các buổi sáng hàng ngày và những lúc có gió Tây Nam thổi qua. 

Anh Lê Doãn Thuần, người dân đội 1, xã Đông Hoàng cũng chia sẻ, mùi hôi thối từ trang trại bốc lên là rất khủng khiếp, cảm tưởng như người dân trong xóm anh không thể chịu nổi. Anh Lê Văn Long công dân đội 7 xã Thiệu Lý tâm sự, vào những ngày trời nắng, mùi hôi từ trang trại rất khó chịu, những lúc gặp gió, vùng ảnh hưởng không chỉ riêng đội 7, đội 8 mà sang tận tới đội 6. 

Trả lời những câu hỏi của phóng viên, ông Lê Như Tuân, Chủ tịch UBND xã Đông Hoàng thừa nhận, những ý kiến phản ánh của người dân là có thật và sau khi người dân phản ánh, Ông đã cùng với đồng chí trưởng thôn 1 có đến trang trại kiểm tra, đồng thời đã có nhắc nhở những công nhân đang làm việc tại trang trại này. Ông Tuân cũng thừa nhận việc quản lý những doanh nghiệp như thế này là vô cùng phức tạp và mệt mỏi đối với chính quyền xã. Tuy nhiên, chủ trương và thẩm quyền cấp phép hoạt động lại thuộc cơ quan chức năng cấp trên. 

Ông Hồ Sỹ Khuê - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thương mại Sao Khuê cũng thừa nhận việc ô nhiễm không khí từ trang trại là có và hiện doanh nghiệp đã và đang tiến hành các giải pháp để khắc phục tình trạng nói trên.

Dòng nước đen ngòm từ trang trại kèm mùi hôi nồng nặc xả ra con mương ngay chân tường bao quanh khu trang trại

Cũng từ nguồn tin phản ánh của người dân, trang trại lợn giống cao sản này không chỉ gây ô nhiễm bầu không khí mà còn nhiều lần xả thải ra môi trường xung quanh làm cá, tôm, chết nổi trắng trên các con mương, nơi có dòng nước xả thải chảy qua. Gần đây nhất là vào ngày 13 và 14 tháng 9 năm 2018.

Nhận định về vấn đề này Chủ tịch UBND xã Đông Hoàng - ông Lê Như Tuân cho rằng nước có độc thì cá mới chết. Tuy nhiên, ông Đỗ Thế Anh - Giám đốc Công ty Cổ phần Sao Khuê cho rằng: Sở dĩ tôm, cá chết là do nước thải từ trong trang trại bị tràn ra ngoài chứ không phải do xả thải (?), Ông cũng cho biết hiện lượng chất thải từ chăn nuôi đã được trang trại xử lý qua bể Biogas và các bể lọc, lắng, sau đó dùng để nuôi cá, tôm tại các ao trong trang trại. Trước thắc mắc của PV về việc xuất hiện đường ống nằm dưới chân tường phía tây của trang trại đang xả dòng nước đen ngòm và có mùi hôi rất khó chịu ra con mương kề bên, ông Nguyễn Thế Anh khẳng định đây là ống xả tràn chứ không phải ống xả thải (?).

Công ty Cổ phần Thương mại Sao Khuê có địa chỉ tại đội 9, xã Đông Hoàng (huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực phân bón và thức ăn chăn nuôi. Năm 2014, công ty này từng bị UBND tỉnh Thanh Hóa xử phạt vi phạm hành chính 70 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 1,5 tháng vì đã sử dụng chất cấm Salbutamol, có khả năng gây ung thư trong sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Thiết nghĩ các cơ quan chức năng có thẩm quyền liên quan của tỉnh Thanh Hóa cần vào cuộc, thanh kiểm tra, làm rõ những ý kiến phản ánh và những bức xúc của người dân tại các địa bàn nói trên. Qua đó giúp doanh nghiệp và người dân kịp thời đưa ra các giải pháp khắc phục, sớm ổn định sản xuất kinh doanh và cuộc sống./.

Điều 4 Nghị định số 179/2013/NĐ-CP quy định về hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường như sau:

“1. Hình thức xử phạt chính, mức xử phạt:

Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:

a) Cảnh cáo;

b) Phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân và 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức.