27/04/2024 lúc 14:41 (GMT+7)
Breaking News

Thanh Hóa: Khai hội truyền thống Làng Đông Môn trên miền đất di sản Thành Nhà Hồ

Cùng với các địa phương trong cả nước, những ngày đầu Xuân Giáp Thìn năm 2024, tại Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc tỉnh Thanh Hóa), diễn ra khá nhiều các hoạt động và lễ hội được tổ chức trong dịp đầu Xuân, đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa lịch sử, nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân và thu hút du khách.
Di sản văn hoá thế giới Thành Nhà Hồ - Điểm du lịch văn hoá hấp dẫn, niềm tự hào của miền đất xứ Thanh.

Thông tin từ Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ cho biết, Xuân Giáp Thìn năm 2024, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ, UBND xã Vĩnh Long, chính quyền và Nhân dân làng Đông Môn (xã Vĩnh Long huyện Vĩnh Lộc) tổ chức Lễ hội truyền thống Làng Đông Môn với chủ đề: “Đông Môn - Làng cổ Thành xưa”.

Đình cổ làng Đông Môn nơi tổ chức nhiều hoạt động cộng đồng.

Lễ hội chính thức khai mạc vào ngày 22/2/2024 và diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 22,23,24 tháng 2 (tức 13,14,15 tháng Giêng năm Giáp Thìn 2024). Địa điểm tại Làng Đông Môn xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Tại lễ hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động thể thao sôi nổi, đặc sắc như, bóng chuyền hơi, bịt mắt bắt vịt, bịt mắt đập niêu, kéo co, đánh cờ người, đẩy xe, văn nghệ, trò diễn dân gian… gắn với văn hóa truyền thống địa phương trong khu vực Di sản thế giới Thành Nhà Hồ. Ngoài các chương trình thể thao, văn nghệ, trò chơi dân gian, lễ hội còn tổ chức lễ dâng hương tại đền nàng Bình Khương, lễ dâng hương Thành Hoàng Làng, múa lân… vào ngày 24 tháng 2 (tức 15 tháng Giêng năm Giáp Thìn 2024). Ngoài ra đến với lễ hội làng năm nay Nhân dân và du khách thập phương sẽ được thưởng thức các món ẩm thực hương vị quê hương: Trà rau má, bánh lá răng bừa, chè lam, kẹo lạc...

Đền thờ nàng Bình Khương - Di tích gắn liền quá trình xây dựng thành nhà Hồ

Làng Đông Môn xã Vĩnh Long là một trong những làng cổ tiêu biểu của huyện Vĩnh Lộc, nằm ngay cửa Đông Di sản Thành Nhà Hồ với nhiều di tích lịch sử, gắn với quá trình xây dựng và hình thành của kinh thành Tây Đô như: Đình Đông Môn, đền thờ nàng Bình Khương, Hào Thành...Hàng năm cứ vào rằm tháng Giêng, thôn Đông Môn tổ chức lễ hội làng. Đây là một lễ hội truyền thống từ xa xưa đã được Nhân dân giữ gìn và phát triển.

Để phục vụ du khách đến tham quan, Trung tâm bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ đã bố trí không gian trưng bày ngoài trời với nhiều hiện vật quý có từ xa xưa.

Lễ hội truyền thống Làng Đông Môn tháng Giêng hàng năm nhằm tưởng nhớ công lao của những bậc tiền nhân đã có công khai ấp lập làng, mang lại cuộc sống ấm no cho Nhân dân. Qua đó, nhằm bảo tồn, phục hồi và phát huy những giá trị văn hóa tinh thần của Nhân dân trong khu vực di sản thế giới Thành Nhà Hồ, góp phần phát triển kinh tế du lịch địa phương, nâng cao đời sống cho Nhân dân trong vùng Di sản; Giáo dục truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc đối với thế hệ trẻ. Từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức của Nhân dân trong công tác bảo vệ, gìn giữ, phát huy giá trị di sản Thành Nhà Hồ nói riêng và tinh hoa văn hóa dân tộc nói chung. Đồng thời, thực hiện cam kết chiến lược bảo tồn, quản lý di sản Thành Nhà Hồ của UBND tỉnh Thanh Hóa với Ủy ban Di sản Thế giới (WHC) về việc thực hiện công tác nghiên cứu tổng thể, bổ sung tư liệu để đưa các làng truyền thống Đông Môn, Xuân Giai và Tây Giai vào khu vực đề cử./.

Năm 2010, đại diện tổ chức ICOMOS, Giáo sư Akira Ono (Nhật Bản) đã có chuyến công tác thực tế tại Di sản để thẩm tra hồ sơ di sản Thành Nhà Hồ. Qua khảo sát Giáo sư nhận định đình Đông Môn là một di tích quan trọng trong hệ thống các di tích phụ cận của di sản Thành Nhà Hồ, có ý nghĩa lớn trong việc gắn kết cộng đồng làng xã. Đình Đông Môn cũng chính là nơi diễn ra cuộc gặp gỡ, tiếp xúc của Nhân dân, chính quyền địa phương và chuyên gia quốc tế trong việc bảo tồn và gìn giữ Di sản văn hoá thế giới Thành Nhà Hồ.

Hải Nam