23/12/2024 lúc 15:30 (GMT+7)
Breaking News

Thanh Hoá: Tập trung nguồn lực, tạo đột phá về đầu tư và xử lý những tồn đọng đối với các dự án

Thanh Hoá hiện đang có nhiều cơ hội thuận lợi cho các nhà đầu tư. Với các chủ trương, chính sách của Trung ương dành cho tỉnh, những đặc thù về kinh tế, Thanh Hoá đã quyết liệt, tận dụng thời cơ, huy động mọi tiềm lực, lợi thế thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt trong xử lý tồn đọng đầu tư dự án, nhằm đem lại môi trường thuận lợi, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, hội nhập và phát triển.

Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng, giao thông kết nối vùng.

Thanh Hóa có lãnh thổ rộng lớn với 11.129,48km2, là tỉnh có diện tích lớn thứ 5 của cả nước và nằm ở vị trí trung chuyển giữa các tỉnh phía Bắc và các tỉnh phía Nam Việt Nam. Thanh Hóa có 102km đường bờ biển, 3,64 triệu dân là tỉnh đông dân thứ 3 của Việt Nam. Trong nhiều năm qua, tỉnh Thanh Hoá đã có rất nhiều nỗ lực trong cải thiện và xây dựng mới hệ thống hạ tầng cơ sở, nhất là hạ tầng y tế, giáo dục, giao thông nông thôn, giao thông nội tỉnh... thông qua các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư của tỉnh và tập trung cao nguồn lực của tỉnh. Hệ thống giao thông kết nối lớn của tỉnh và kết nối với các tỉnh lân cận được tập trung đầu tư. Theo đó, tỉnh Thanh Hoá đã tập trung đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông kết nối; đã tham mưu với Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ, tranh thủ các nguồn vốn để hoàn thành một số công trình như: Đường Hồ Chí Minh; các tuyến Quốc lộ 1A, Quốc lộ 45, Quốc lộ 47, Quốc lộ 217, Quốc lộ 15A; đường từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn, đường Bãi Trành-Nghi Sơn (nối đường Hồ Chí Minh với Khu Kinh tế Nghi Sơn), đường nối các huyện ở miền núi phía Tây của tỉnh; đường sắt Bắc-Nam; tuyến đường bộ ven biển đoạn qua Thanh Hoá... Ngoài ra, hiện nay tỉnh đang tiếp tục triển khai đầu tư một số công trình trọng điểm quan trọng, có ý nghĩa lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và kết nối Thanh Hoá với các tỉnh lân cận, với nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Đồng thời, đầu tư hoàn chỉnh hệ thống cầu cảng, cảng biển Nghi Sơn với 62 cảng kể cả cảng container và cảng chuyên dụng. UBND tỉnh đã ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ việc vận chuyển qua cảng Nghi Sơn. Mỗi chuyến tàu cập cảng Nghi Sơn được hỗ trợ 200 triệu; DN vận chuyển mỗi con 20 fit trở lên được hỗ trợ từ 33 - 45 USD.

Khu kinh tế Nghi Sơn - 1 trong khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước.

Đặc biệt, dự án tuyến đường cao tốc Bắc – Nam đoạn qua Thanh Hoá, sau khi hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng, sẽ giúp tỉnh Thanh Hoá kết nối dễ dàng hơn với các sân bay, cảng biển và với trung tâm kinh tế của các tỉnh, thành phố lân cận, tạo ra động lực mới đưa nền kinh tế của tỉnh Thanh Hoá nói riêng và vùng Bắc Trung bộ nói chung phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới, đưa Thanh Hoá sớm trở thành cực tăng trưởng mới ở phía bắc tổ quốc, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.

Tạo đột phá trong thu hút đầu tư.

Không chỉ có tiềm năng khác biệt, nổi trội, lợi thế cạnh tranh, Thanh Hoá còn có nhiều cơ chế, chính sách thông thoáng, ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Nhà đầu tư đến với tỉnh Thanh Hoá luôn nhận được sự hỗ trợ và đồng hành tích cực. Việc các cơ quan hành chính Nhà nước của tỉnh coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ không chỉ tạo nên sức hút để các nhà đầu tư lựa chọn vào Thanh Hoá, mà còn truyền động lực để họ vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, triển khai các dự án đảm bảo và vượt tiến độ.

Flamingo Hải Tiến hứa hẹn là thiên đường giải trí về đêm của Thanh Hóa.

Từ đầu năm 2022 đến nay, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh; tập trung giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn, trọng điểm trên địa bàn. Cùng với những tiềm năng, lợi thế vốn có, trong những năm gần đây tỉnh Thanh Hóa cũng quan tâm hơn và có những cách làm mới trong hoạt động xúc tiến đầu tư. Sự cầu thị của Thanh Hóa đã tạo ra những cơ hội gặp gỡ tốt đẹp giữa các đại sứ quán, các tổ chức, doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư, các ngân hàng..cùng những khả năng hợp tác mạnh mẽ được mở ra. Về thu hút đầu tư, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã tiếp và làm việc với các Đoàn công tác của nhà đầu tư Ấn Độ đến khảo sát, tìm hiểu về dự án khu công nghiệp dược phẩm; Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) để trao đổi, đánh giá các dự án do ADB tài trợ; Ngân hàng Thế giới (WB) về các dự án đã và sẽ đầu tư trên địa bàn tỉnh; Đoàn chuyên gia Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để giới thiệu tiềm năng, lợi thế của tỉnh và thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng hợp tác đầu tư tại tỉnh; Tập đoàn WHA của Thái Lan, Công ty TNHH Vaude Việt Nam, Tập đoàn xăng dầu Ptrolimex, Tập đoàn Ramky của Ấn Độ, Tập đoàn Millennium, Công ty Cổ phần Lâm nghiệp Hòa Phát để nghiên cứu và tìm cơ hội đầu tư trên địa bàn tỉnh… Lãnh đạo tỉnh đã đi khảo sát một số địa điểm có tiềm năng phát triển du lịch tại xã Lũng Cao, huyện Bá Thước; tổ chức lễ công bố Biểu trưng du lịch Thanh Hóa; phát động Chương trình kích cầu du lịch năm 2022 và đón khách du lịch quốc tế đến Thanh Hóa; tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc. Đồng thời, đã chỉ đạo tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư; kiểm tra, đôn đốc tiến độ và giải quyết các khó khăn, vướng mắc về quy hoạch, giải phóng mặt bằng của các dự án…

Theo đó, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 45 dự án đầu tư trực tiếp (có 04 dự án FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký 10.732,6 tỷ đồng và 41 triệu USD; trong đó: Lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp 12 dự án (02 dự án FDI), tổng vốn đầu tư 538,7 tỷ đồng và 36 triệu USD, chiếm 11,7% tổng vốn đầu tư đăng ký; lĩnh vực thương mại dịch vụ 20 dự án (02 dự án FDI), tổng vốn đầu tư 490,6 tỷ đồng và 5 triệu USD, chiếm 5,2%; lĩnh vực nông nghiệp 07 dự án, tổng vốn đầu tư 479,4 tỷ đồng, chiếm 4,1%; lĩnh vực xây dựng (khu dân cư, nhà ở) 04 dự án, tổng vốn đầu tư 6.817,2 tỷ đồng, chiếm 58,3%; lĩnh vực kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp 01 dự án với tổng vốn đầu tư 2.400 tỷ đồng, chiếm 20,6%; lĩnh vực khai khoáng 01 dự án với tổng vốn đầu tư 6,7 tỷ đồng, chiếm 0,1%.

Dự án quảng trường biển và tổ hợp đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp biển Sầm Sơn do Tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư là một trong những "siêu dự án" đầu tư vào Thanh Hóa, tổng vốn lên đến gần 25.000 tỷ đồng.

Cùng với đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp thông qua triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có trên 140 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư hơn 14,6 tỷ USD, đứng thứ 8 cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nhiều dự án đầu tư lớn, như Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1, Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, Nhà máy Xi măng Nghi Sơn... khi đi vào hoạt động đã lan tỏa, tạo sức hút dòng vốn đầu tư FDI trong thời gian gần đây. Không chỉ các nhà đầu tư nước ngoài, những năm gần đây, tỉnh Thanh Hóa cũng tạo được sức hút đặc biệt với các tập đoàn lớn trong nước, với những tên tuổi như: Vingroup, Sun Group, FLC… Trong đó, Tập đoàn Vingroup đã tiên phong mang cả hệ sinh thái gồm các thương hiệu hàng đầu Vinhomes, Vinpearl, Vinschool và tương lai là VinFast về đầu tư tại địa phương; Tập đoàn Sun group đã đầu tư 30 tỉ đồng cho tổ hợp dự án quảng trường biển; đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp biển Sầm Sơn. Cùng với các dự án đang triển khai, hàng loạt dự án của các nhà đầu tư tầm cỡ trong nước cũng đã được khởi công xây dựng tại Thanh Hoá. Tiêu biểu là các dự án: Flamingo Hải Tiến tại xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa của Công ty Cổ phần Flamingo Holding Group với tổng mức đầu tư 3.350 tỉ đồng; Dự án Khu du lịch sinh thái Tân Dân của Tập đoàn T&T có tổng mức đầu tư 3.662 tỉ đồng; Nhà máy Xi măng Đại Dương 2 của Công ty cổ phần Xi măng Đại Dương với tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỉ đồng. Dự án Khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện - Thanh Hóa có tổng mức đầu tư 36.000 tỉ đồng, được khởi công xây dựng từ tháng 12/2020 tại huyện Ngọc Lặc, Dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng khoáng nóng tại xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương; Tổ hợp hóa chất Đức Giang - Nghi Sơn; Nhà máy Luyện cán thép Nghi Sơn số 2; Khu dân cư đô thị và trung tâm thương mại Sầm Sơn, thành phố Sầm Sơn; Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa…Điều đáng nói là các tập đoàn này đến với Thanh Hoá không chỉ thực hiện một dự án mà là tổ hợp các dự án theo từng giai đoạn, tạo nên sự liên hoàn cho phát triển của doanh nghiệp và cũng là cho sự phát triển của tỉnh Thanh Hoá. Đơn cử, chỉ sau một thời gian ngắn có mặt tại Thanh Hoá, Tập đoàn VAS Nghi Sơn đã có 6 dự án đi vào hoạt động và đang triển khai xây dựng. Trong đó, Cảng Tổng hợp Quốc tế Nghi Sơn là một trong những thành công của Tập đoàn.

Gỡ các nút thắt còn tồn đọng trong hoạt động đầu tư dự án.

Năm 2022, UBND tỉnh đã xác định 58 dự án lớn, trọng điểm trên địa bàn tỉnh cần tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện (phê duyệt tại Quyết định số 191/QĐ-UBND ngày 11/01/2022). Trong số 58 dự án đầu tư lớn, trọng điểm trên địa bàn tỉnh, có 30 dự án chưa phát sinh hoặc đã được giải quyết khó khăn, vướng mắc; còn lại 28 dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án. Đối với các dự án đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục chuẩn bị đầu tư: Vướng mắc chủ yếu liên quan đến việc lập, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu chức năng tại các địa phương còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành hồ sơ, thủ tục đầu tư dự án; các dự án trong ngành văn hóa thuộc phạm vi điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư, xây dựng, đấu thầu và di sản văn hóa, nên phải xin ý kiến thẩm định, thỏa thuận của các cơ quan Trung ương, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư; ngoài ra, một số dự án có sử dụng diện tích đất lúa lớn phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất mới có cơ sở hoàn thiện hồ sơ, thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án… Đối với các dự án đang triển khai thực hiện: Khó khăn, vướng mắc chủ yếu liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, như: việc xác định nguồn gốc đất còn phức tạp; việc đầu tư xây dựng một số khu tái định còn chậm; công tác phối hợp giải quyết hồ sơ bồi thường giải phóng mặt bằng có lúc chưa kịp thời; ngoài ra, các dự án sử dụng vốn nước ngoài có quy trình thực hiện trải qua nhiều bước, mất nhiều thời gian, phụ thuộc vào nhà tài trợ nước ngoài; một số dự án, phải thực hiện hồ sơ, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án đầu tư do tăng chi phí giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của dự án; trách nhiệm của một số chủ đầu tư chưa cao, năng lực tài chính còn hạn chế, thiếu quyết liệt trong công tác đôn đốc, chỉ đạo và chưa tập trung bố trí máy móc, thiết bị, nhân lực để triển khai thực hiện dự án…

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tăng sức hút kêu gọi dòng vốn đầu tư nước ngoài, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị bàn về một số giải pháp nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư trên địa bàn tỉnh; giải quyết các vướng mắc về quy hoạch tại các cụm công nghiệp; làm việc với các nhà đầu tư để giải quyết các khó khăn, vướng mắc của một số dự án tại Khu Kinh tế Nghi Sơn, tạo thuận lợi cho công tác triển khai dự án và lực hút cho hoạt động thu hút dòng vốn đầu tư FDI. Theo đó, Thanh Hóa đẩy mạnh việc cải thiện môi trường đầu tư, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng một số khu công nghiệp, đặc biệt là hạ tầng khu công nghiệp trong khu kinh tế Nghi Sơn. Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu cho UBND tỉnh, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư đặc biệt tỉnh lựa chọn các dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và có tính khả thi cao. Các đơn vị này cũng xây dựng kế hoạch tiếp cận, xúc tiến, giới thiệu với các tập đoàn lớn của châu Âu, nhất là những doanh nghiệp đã, đang hoạt động và có nhu cầu mở rộng sản xuất tại Việt Nam.

Khu liên hợp sản xuất chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện - Thanh Hóa.

Cùng với đó là việc, rà soát các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để chuẩn bị quỹ đất sạch, sẵn sàng đón làn sóng đầu tư nước ngoài; đẩy mạnh nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo ưu thế cạnh tranh thu hút đầu tư trong dài hạn. Việc quy hoạch, xây dựng các cụm công nghiệp thu hút thêm nhiều nhà đầu tư đã mang lại những lợi ích lớn lao về mặt kinh tế - xã hội đối với tỉnh Thanh Hóa. Để phát huy hiệu quả hơn nữa tại các cụm công nghiệp, Thanh Hóa đang tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp. Theo tổng hợp của Sở Công Thương Thanh Hóa, tính đến cuối tháng 10/2022, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 39 cụm công nghiệp được thành lập, với tổng diện tích gần 1.500 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký là trên 10.125,4 tỷ đồng. Trong số đó có 5 cụm cơ bản hoàn thành hạ tầng theo giai đoạn, đủ điều kiện cho nhà đầu tư thứ cấp thuê lại đất. Các cụm công nghiệp còn lại đang làm thủ tục đầu tư để triển khai xây dựng.

Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nêu quyết tâm: “Trong năm 2022, tỉnh Thanh Hóa dứt khoát giải ngân 100% vốn đầu tư công”, đồng thời nhấn mạnh: “Sau ngày 30-8, chúng tôi sẽ tổng rà soát các dự án, dự án nào chậm giải ngân thì sẽ điều chuyển vốn sang dự án khác. Nếu không tập trung giải quyết tốt vấn đề vốn đầu tư công là có lỗi với nhân dân”. Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tỉnh Thanh Hóa đã và đang rà soát, đánh giá chính xác những thuận lợi, khó khăn của các ngành, các lĩnh vực nhằm tìm ra “điểm nghẽn” trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó có các giải pháp kịp thời, linh hoạt. Theo đó, trong công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án, tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các đơn vị, địa phương phải tập trung nhanh và kịp thời hơn, để tạo điều kiện thuận lợi triển khai các dự án. Đối với công tác cải cách thủ tục hành chính, kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ, cơ quan, đơn vị gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình làm các thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục đầu tư các dự án (6 tháng đầu năm 2022, tại Thanh Hóa đã có hơn 40 cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật, hàng trăm cán bộ, viên chức phải kiểm điểm trong lĩnh vực này); tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; tập trung đẩy nhanh việc thu hồi vốn tạm ứng, xử lý tồn đọng dự án hoàn thành chưa quyết toán theo đúng quy định. Qua rà soát, dự án nào chậm giải ngân thì sẽ điều chuyển vốn sang dự án khác.

Bên cạnh đó, trong số 650 dự án triển khai từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực, đến nay đã phát hiện hơn 160 dự án chậm tiến độ quá 24 tháng, cá biệt có những dự án chậm hơn 10 năm. Đối với những dự án này, đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã quyết định thu hồi đất hơn 20 dự án vi phạm quy định pháp luật, tổ chức mời gọi nhà đầu tư có năng lực triển khai dự án bảo đảm các dự án phải phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Ngoài ra tỉnh cũng đang tiếp tục rà soát và sẽ cương quyết thu hồi những dự án không đáp ứng được yêu cầu về dầu tư trên địa bàn.

Kết quả thu hút đầu tư của tỉnh Thanh Hoá trong thời gian qua một lần nữa khẳng định, Thanh Hoá luôn có cách làm sáng tạo và hiệu quả trong thu hút đầu tư, xử lý những tồn đọng trong hoạt động đầu tư dự án, kể cả trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Đặc biệt công tác cải cách thủ tục hành chính và sự đồng hành của cấp uỷ, chính quyền cùng nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện các dự án đã tạo được ấn tượng tốt đẹp đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước về một Thanh Hoá an toàn và hấp dẫn./.

Bằng nhiều giải pháp kịp thời, linh hoạt và quyết liệt, tỉnh Thanh Hóa đã và đang chỉ đạo chủ đầu tư các huyện tập trung thực hiện tốt các dự án vốn đầu tư công, với quyết tâm sẽ giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2022. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của Thanh Hóa là trên 10.630 tỷ đồng, trong đó vốn trong cân đối ngân sách địa phương là trên 7.100 tỷ đồng, vốn Ngân sách Trung ương trên 3.500 tỷ đồng. UBND tỉnh đã giao 100% kế hoạch chi tiết vốn đầu tư công của năm. Tính đến 20/10/2022, giá trị giải ngân ước đạt 6.973 tỷ đồng, bằng 60% kế hoạch.

Đình Đông - Hải Nam - Hoàng Trang