19/12/2024 lúc 10:39 (GMT+7)
Breaking News

Thanh Hóa: Nhiều kết quả tích cực trong hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư

Những tháng đầu năm 2024, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển và đạt được những kết quả tích cực; hoạt động đối ngoại, nhất là mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị, kêu gọi thu hút đầu tư của tỉnh thu được nhiều kết quả tích cực.
Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp ngài Sandeep Arya, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam.

Từ đầu năm đến nay, các hoạt động đối ngoại, xúc tiến thương mại và hợp tác đầu tư, hợp tác hữu nghị với các địa phương và đối tác nước ngoài tiếp tục được các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh tập trung triển khai thực hiện và đạt được kết quả tích cực. Riêng trong tháng 7/2024 lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã tiếp và làm việc với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam; tổ chức Đoàn công tác đi xúc tiến đầu tư tại Đài Loan; chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc của một số dự án quy mô lớn để sớm khởi công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án như: Khu đô thị mới tại xã Hoằng Quang và phường Long Anh (thành phố Thanh Hóa), Nhà máy hóa chất Đức Giang, Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp WHA Smart Technology - Thanh Hóa, các dự án đầu tư của Tập đoàn Xuân Thiện…

Trong tháng, đã thu hút được 09 dự án đầu tư trực tiếp (có 01 dự án FDI) với tổng vốn đăng ký 323,5 tỉ đồng và 03 triệu USD; lũy kế 7 tháng năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 80 dự án (có 16 dự án FDI) với tổng vốn đăng ký khoảng 11.938 tỉ đồng và 187,4 triệu USD, gấp 1,95 lần về số dự án và tăng 15,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2023.

Trong 7 tháng năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã khởi công một số dự án lớn, như: Cụm công nghiệp phía Đông Bắc thành phố Thanh Hóa, Cụm công nghiệp Ngọc Vũ (huyện Thiệu Hóa), Nhà máy dệt may Nam Ích Thái Thắng tại CCN Thái Thắng (huyện Hoằng Hóa)… Đã hoàn thành đưa vào hoạt động một số dự án, như: Nhà máy Công nghiệp SAB Việt Nam (KCN Bỉm Sơn), Nhà máy sản xuất thực phẩm đóng hộp từ thủy sản Lê Gia (huyện Hoằng Hóa), Nhà máy sản xuất, gia công giày dép xuất khẩu Alivia (huyện Thiệu Hóa), Flamingo Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa), Công viên nước Sầm Sơn (thành phố Sầm Sơn)…, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

Để đạt được những kết quả tích cực trên cho thấy tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính; rà soát, bổ sung các quy hoạch có chất lượng, tầm nhìn; huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng tại Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp; hạ tầng du lịch. Nâng cao chất lượng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định, ban hành các cơ chế, chính sách, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, tạo đột phá trong thu hút đầu tư vào tỉnh.

Mặt khác, Thanh Hóa là tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ, cách thủ đô Hà Nội 150 km về phía Nam, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh. Với nhiều đặc điểm riêng biệt mà không phải địa phương nào ở Việt Nam cũng có, Thanh Hóa có thể ví như một “Việt Nam thu nhỏ” với đầy đủ các loại địa hình, các hệ sinh thái, là những giá trị khác biệt, tạo nên lợi thế của tỉnh so với cả nước về giao thông, đất đai, nguồn lao động, tài nguyên, văn hóa, lịch sử... để hợp tác đầu tư và phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội.

Có thể thấy công tác đối ngoại, xúc tiến đầu tư của tỉnh Thanh Hóa trong thời gian qua đã đạt được kết quả khá toàn diện, nhờ có sự kết hợp đồng bộ, nhuần nhuyễn giữa các yếu tố ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa. Nhiều nội dung, sự kiện quan trọng tổ chức ở trong và ngoài tỉnh đã bắt đầu phát huy hiệu quả và mang lại kết quả tích cực; hình ảnh, kể cả các sản phẩm hàng hóa tiêu biểu của tỉnh được tuyên truyền, giới thiệu đến nhiều quốc gia; số lượng các đoàn khách ngoại giao, khách quốc tế và nhà đầu tư nước ngoài đến tỉnh ngày càng đông; Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp khác trên địa bàn tỉnh được đông đảo các nhà đầu tư trong và ngoài nước biết đến… Trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tập trung bám sát chỉ đạo của Trung ương; tranh thủ sự giúp đỡ kịp thời của các Bộ, ngành Trung ương, nhất là Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại và xúc tiến đầu tư của tỉnh trong tình hình mới, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, linh hoạt và hiệu quả theo quy định. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh; đồng thời, quảng bá, giới thiệu hình ảnh, văn hóa và tiềm năng, thế mạnh của tỉnh đến các đối tác nước ngoài./.

Hải Nam