19/01/2025 lúc 07:12 (GMT+7)
Breaking News

Thanh Hoá: Giải phóng mặt bằng đạt kết quả cao nhờ lòng dân đồng thuận

Cùng với nhiều giải pháp thúc đẩy hoạt động thu hút đầu tư trên địa bàn, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), tạo quỹ đất sạch luôn được tỉnh Thanh Hoá xác định là một trong những yếu tố quan trọng, then chốt. Với sự vào cuộc quyết liệt, cách làm sáng tạo, đột phá, công tác GPMB trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực, hiệu quả rõ rệt, góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Thanh Hóa đã GPMB các dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh đạt 94,07% kế hoạch năm 2023.

Để công tác GPMB đạt hiệu quả, tránh tình trạng khiếu kiện, tỉnh Thanh Hoá đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố chuẩn bị đầy đủ quỹ đất tái định cư để bồi thường bằng đất ở đối với trường hợp đủ điều kiện theo đúng quy định trước khi tổ chức thu hồi đất, cùng đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đến từng hộ dân có đất nằm trong dự án phải thu hồi đất đồng thuận với chủ trương, cơ chế, chính sách của nhà nước. Đối với các dự án còn tồn đọng chưa GPMB xong, có kế hoạch, biện pháp cụ thể thực hiện theo thẩm quyền. Đặc biệt, bố trí cán bộ làm nhiệm vụ này có năng lực, kinh nghiệm thực tiễn, có phẩm chất đạo đức tốt, đồng thời có biện pháp kiểm tra, giám sát thường xuyên để có chế độ khen thưởng, biểu dương, xử lý kịp thời.

Với sự quyết liệt chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, các đơn vị, địa phương trên địa bàn, công tác GPMB đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhiều dự án trọng điểm với phạm vi, diện tích thu hồi lớn, ảnh hưởng đến hàng nghìn hộ dân, thu hồi cả đất ở và đất sản xuất nhưng vẫn tạo được sự đồng thuận cao trong Nhân dân và đảm bảo tiến độ đề ra, để lại những kinh nghiệm hay, bài học quý trong công tác bồi thường, GPMB.

Theo đó, thời gian qua, các đơn vị, địa phương trong tỉnh tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) để thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch số 15/KH-UBND ngày 31/01/2023 của UBND tỉnh. Toàn tỉnh cần giải phóng mặt bằng (GPMB) 730 dự án, với với diện tích phải GPMB là 2.322,43 ha (trong đó 584 dự án đầu tư công, với diện tích cần GPMB là 1.370,57 ha và 146 dự án đầu tư của doanh nghiệp, với diện tích cần GPMB là 951,86 ha). Đến ngày 10/10/2023, các huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện chi trả tiền bồi thường và hoàn thành GPMB 1.791,90 ha, bằng 77,16% kế hoạch, cao hơn tỷ lệ cùng kỳ năm 2022 1,56 lần (cùng kỳ năm 2022 tỷ lệ GPMB chỉ đạt 49,33% kế hoạch, tương đương với 1.962,27/3.977,55 ha). Cụ thể, có 06 đơn vị đạt trên 90% kế hoạch, gồm, huyện Thọ Xuân đạt 130,03%; huyện Yên Định đạt 98,09%; thành phố Sầm Sơn đạt 95,53%; huyện Thường Xuân đạt 93,52%; huyện Đông Sơn đạt 93,05%; huyện Nga Sơn đạt  90,32%. Có 18 đơn vị đạt trên 60% kế hoạch, gồm, Như Xuân đạt 89,20%, Ngọc Lặc 88,27%, Hoằng Hoá 87,96%, Thiệu Hoá 85,73%, Triệu Sơn 85,34%, Bá Thước 84,36%, thành phố Thanh Hóa 82,92%, Hà Trung 81,72%, Vĩnh Lộc 81,29%, Hậu Lộc 80,91%, Quan Sơn 80,14%, Như Thanh 76,08%, thị xã Bỉm Sơn 75,59%, Nông Cống 75,47%; Cẩm Thủy 72,23%, Lang Chánh 71,76%, Quảng Xương 66,04%, thị xã Nghi Sơn 60,30%. Còn 03 đơn vị đạt thấp hơn 60% kế hoạch gồm, huyện Quan Hóa đạt 46,78%, huyện Mường Lát đạt 31,56%, huyện Thạch Thành đạt 30,19%.

Dự án đường Vạn Thiện đi Bến En sau khi hoàn thành sẽ góp phần chia sẻ lưu lượng giao thông của Quốc lộ 45 và mở rộng không gian phát triển cho tỉnh Thanh Hóa về phía Tây Nam. Đặc biệt, giúp cho các địa phương như huyện Nông Cống và Như Thanh thuận lợi hơn trong việc phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, nhiều dự án trọng điểm của tỉnh được triển khai thực hiện. Trong đó phải kể đến như dự án đường Vạn Thiện đi Bến En có chiều dài 12,1 km, tổng mức đầu tư 1.181 tỷ đồng, Ban quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa làm chủ đầu tư phần xây lắp, UBND các huyện Nông Cống, Như Thanh làm chủ đầu tư phần giải phóng mặt bằng. Trong đó, công tác giải phóng mặt bằng, đã bàn giao mặt bằng được 10,6/12,1 km, cụ thể: Huyện Nông Cống đã bàn giao mặt bằng 5,0/5,5 km; còn lại 0,5 km chưa bàn giao, trong đó có 0,38 km đã chi trả tiền bồi thường, đang thực hiện các thủ tục để di dời và 0,12 km đang tiếp tục chi trả tiền bồi thường (dự kiến bàn giao trong tháng 11/2023); đã hoàn thành các thủ tục bảo đảm điều kiện giao đất tại 03/03 khu tái định cư, đã bàn giao đất ở tái định cư cho 33 hộ. Cùng đó, huyện Như Thanh đã bàn giao mặt bằng 5,6/6,6 km; còn lại 01 km chưa bàn giao, trong đó đã hoàn thành 100% công tác kiểm kê, đo đạc, xác định nguồn gốc đất đai, công khai dự toán, thẩm định, phê duyệt phương án GPMB cho 28 hộ; đang thi công xây dựng 02/02 khu tái định cư (01 khu đã thực hiện đạt 85% và 01 khu đã thực hiện đạt 65%, dự kiến hoàn thành ngày 31/12/2023).

Điển hình như, dự án đường từ trung tâm TP Thanh Hóa nối với đường giao thông từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn có chiều dài 11,2 km, trong đó đoạn đi qua địa phận thành phố dài 1,435 km. Xác định dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và TP Thanh Hóa nói riêng, TP Thanh Hóa đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ GPMB. Theo đó, thành phố đã bàn giao cơ bản mặt bằng cho nhà thầu thi công dự án và bố chí quỹ đất ở cho 62 hộ dân phải di dời tái định cư. Hay dự án đường bộ ven biển đi qua các huyện: Nga Sơn, Hậu Lộc và Hoằng Hóa có chiều dài 23,72 km. Đến nay, 2 địa phương Nga Sơn, Hoằng Hóa đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, huyện Hậu Lộc còn gần 2 km chưa thực hiện bàn giao mặt bằng. Huyện Hậu Lộc đang tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để các hộ sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Từ thực tế cho thấy, giải phóng mặt bằng là một trong những khâu quan trọng quyết định đến tiến độ triển khai toàn bộ dự án, đồng thời đây cũng là khâu gặp nhiều khó khăn nhất trong triển khai thực hiện. Các điểm nghẽn trong công tác giải phóng mặt bằng chủ yếu liên quan đến vấn đề xác định nguồn gốc đất, đơn giá đền bù và các chính sách hỗ trợ khác. Bên cạnh đó, cũng có một số trường hợp người dân hiểu không đầy đủ các quy định của pháp luật, hoặc vì lợi ích của gia đình mà cố tình không chấp thuận phương án đền bù giải phóng mặt bằng, gây cản trở đến việc triển khai thi công. Do vậy, đây là một trong những công tác quan trọng nhưng phức tạp, khó thực hiện, dễ phát sinh những khiếu nại, khiếu kiện, tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm, nỗ lực, tìm giải pháp để thực hiện tốt công tác này.

Đơn cử như, dự án “Thành phố giáo dục quốc tế Thanh Hóa tại TP Thanh Hóa” có tổng diện tích là 83,3 ha, thuộc địa giới hành chính phường Quảng Phú và Quảng Tâm, TP Thanh Hóa. Gồm các hạng mục, loại hình và mô hình trường, như: Mầm non, tiểu học, THCS, THPT, trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại học; ký túc xá, trung tâm thể thao, trung tâm giáo dục, giải trí, quảng trường, vườn bách thảo và khu hoạt động ngoài trời… Để thực hiện hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng, thành phố Thanh Hoá đã chỉ đạo các phường Quảng Phú và Quảng Tâm phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của thành phố và chủ đầu tư tổ chức lấy ý kiến người dân có đất bị thu hồi, xây dựng phương án bồi thường, tuyên truyền các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; đồng thời niêm yết công khai tại trụ sở UBND phường và nhà văn hóa khu phố có đất bị thu hồi. Trong quá trình triển khai, ban đầu gặp không ít khó khăn, vướng mắc, nhất là trong xác định nguồn gốc đất, đơn giá đền bù. Tuy nhiên do tập trung quyết liệt, với sự vào cuộc của các cấp, các ngành và đoàn thể, các khó khăn vướng mắc này từng bước được tháo gỡ đến nay về cơ bản công tác giải phóng mặt bằng đã hoàn tất. Đại diện lãnh đạo UBND phường Quảng Tâm cho biết “Đến thời điểm hiện tại công tác thu hồi đất, bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng của dự án trên địa bàn phường đã hoàn thành; còn lại là việc của nhà đầu tư dự án hoàn thành các thủ tục theo quy định của nhà nước là triển khai thi công dự án”.

Phối cảnh dự án Thành phố giáo dục quốc tế Thanh Hoá tại TP Thanh Hoá.

Ví như dự án mở rộng đài hóa thân hoàn vũ – Phúc lạc viên của chủ đầu tư là Công ty cổ phần Hợp Lực, theo đại diện lãnh đạo UBND phường Quảng Thành cho biết: “Tổng diện tích giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án là gần 145 nghìn m2, ảnh hưởng đến hơn 100 hộ dân thuộc phường Quảng Thành và phường Quảng Đông. Trong số 95 hộ dân nằm trong vùng dự án ở phường Quảng Thành, cơ bản các hộ dân đã đồng ý nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng, còn một số hộ dân không chấp hành kiểm kê mặc dù đã được tuyên truyền, giải thích nhiều lần, UBND thành phố ban hành các quyết định về việc thực hiện cưỡng chế theo quy định của pháp luật. Hiện tại trên địa bàn phường Quảng Thành còn 1 hộ dân làm trang trại trên khu đất công ích của phường đã đấu thầu và được thành phố Thanh Hoá cấp giấy chứng nhận cho phép hoạt động trang trại nuôi lợn, nuôi cá, hộ gia đình đã tạo dựng công trình trên đất rất lớn có từ lâu, thành phố đang xin ý kiến để thẩm định, phê duyệt nữa là xong”.

Cũng tại thị xã Bỉm Sơn, công tác GPMB còn gặp khó khăn như việc thu hồi đất để thực hiện các dự án trong Khu công nghiệp Bỉm Sơn còn nhiều vướng mắc do việc quản lý sử dụng đất trước đây của Nông trường Hà Trung chưa chặt chẽ nên một số hộ dân đang sử dụng đất nhưng không có sổ giao khoán, không có hợp đồng giao khoán,… khi Nhà nước thu hồi đất không được hưởng chế độ, chính sách hỗ trợ về đất, nên không chấp hành GPMB, làm chậm tiến độ thực hiện dự án. UBND tỉnh đã ủy quyền cho Chủ tịch UBND thị xã phê duyệt quyết toán chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trong thực hiện dự án đầu tư thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh.

Đặc biệt, trong thời gian qua các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã đi kiểm tra và tổ chức các hội nghị để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong GPMB, đẩy nhanh tiến độ thu hút đầu tư, thực hiện các dự án, nhất là các dự án lớn, trọng điểm, như: Dự án Cảng container Long Sơn, dự án Nhà máy hóa chất Đức Giang, dự án Điện khí LNG (Khu kinh tế Nghi Sơn), dự án Trung tâm Thương mại Quảng Thành (thành phố Thanh Hóa), dự án Nhà máy giày Bá Thước.

Có thể khẳng định, công tác giải phóng mặt bằng không chỉ là khâu cốt yếu quyết định tiến độ triển khai các Dự án đầu tư, mà nếu làm tốt sẽ còn giúp chủ đầu tư giảm chi phí cơ hội, giảm lãng phí nguồn lực, giảm bức xúc trong xã hội, tăng hiệu quả khi triển khai các dự án, công trình. Với sự quyết tâm cao và nỗ lực lớn, cùng với những cách làm phù hợp, tin rằng các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sẽ đạt được nhiều kết quả tích cực hơn nữa trong công tác giải phóng mặt bằng, thúc đẩy triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn, góp phần làm thay đổi diện mạo của địa phương, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra, phấn đấu sớm đưa Thanh Hoá trở thành một trong những động lực tăng trưởng quan trọng, một cực tăng trưởng mới ở khu vực phía Bắc và cả nước./.

Được biết, về thu hút đầu tư, tính chung 10 tháng năm 2023, toàn tỉnh Thanh Hoá đã thu hút được 73 dự án đầu tư trực tiếp (gồm 43 dự án đầu tư trong nước, 16 dự án có sử dụng đất lựa chọn nhà đầu tư và 14 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài), với tổng vốn đầu tư đăng ký 26.799 tỷ đồng và 195,4 triệu USD.

Hải Nam - Hoàng Trang