23/11/2024 lúc 16:21 (GMT+7)
Breaking News

Thanh Hóa: Gần 100 công sở cấp xã, phường, thị trấn sau khi sáp nhập chưa biết sẽ sử dụng vào việc gì

Thanh Hóa là tỉnh có diện tích rộng và đông dân cư. Trong lịch sử hình thành và phát triển, các đơn vị hành chính cấp huyện, xã đã nhiều lần tách ra và sáp nhập lại. Trong chủ trương tinh gọn đơn vị hành chính của Bộ chính trị hiện nay thì Thanh Hóa có số đơn vị sáp nhập nhiều nhất trong cả nước (chiếm 11,9%) so với tỉ lệ sáp nhập của các tỉnh thành khác

VNHN - Thanh Hóa là tỉnh có diện tích rộng và đông dân cư. Trong lịch sử hình thành và phát triển, các đơn vị hành chính cấp huyện, xã đã nhiều lần tách ra và sáp nhập lại. Trong chủ trương tinh gọn đơn vị hành chính của Bộ chính trị hiện nay thì Thanh Hóa có số đơn vị sáp nhập nhiều nhất trong cả nước (chiếm 11,9%) so với tỉ lệ sáp nhập của các tỉnh thành khác.

Thanh Hóa hiện có 27 đơn vị hành chính cấp huyện (24 huyện, 1 thị xã và 2 thành phố) được chia thành 635 đơn vị cấp xã (573 xã, 34 phường, 28 thị trấn), tuy nhiên chỉ có 2 huyện đạt các tiêu chí về diện tích tự nhiên và dân số và cũng chỉ có 23 đơn vị hành chính cấp xã đạt tiêu chí về diện tích và dân số.

Sau khi sáp nhập xã rất nhiều công sở được xây dựng quy mô hoành tráng như thế này sẽ bị bỏ không

Trong tổng số 635 đơn vị hành chính sẽ được tinh gọn xuống còn 559 đơn vị (trong đó có 496 xã, 34 phường, 29 thị trấn). Từ trong 635 đơn vị sẽ lấy 143 xã, phường, thị trấn không đủ các tiêu chí để sáp nhập xuống thành 67 xã, giảm 76 đơn vị. Cụ thể huyện Thọ Xuân sáp nhập 20 xã xuống còn 9 xã, dư 11 công sở. Hoằng Hóa sáp nhập 11 xã xuống còn 5 xã, dư 6 công sở. Hà Trung sáp nhập 10 xã xuống còn 5 xã, dư 5 công sở. Quảng Xương sáp nhập 7 xã xuống còn 3 xã, dư 4 công sở. Các huyện Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Yên Định, Thiệu Hóa, Tĩnh Gia, Như Thanh, Nông Cống, Quan Hóa, TP.Thanh Hóa đều có 6 đơn vị sáp nhập xuống còn từ 2 đến 3 đơn vị và các huyện này sẽ dư 27 công sở. Các huyện Ngọc Lặc, Nga Sơn, Cẩm Thủy, Bá Thước, Đông Sơn, Như Xuân, Thường Xuân, Lang Chánh, Quan Sơn, Mường Lát, Triệu Sơn, Bỉm Sơn có từ 5 đến 2 xã, thị trấn được sáp nhập và dôi dư 23 công sở, tổng cộng còn  dư 76 công sở.

Khi được hỏi về những công sở dư sau khi sáp nhập sẽ được dùng để làm gì thì hầu hết các lãnh đạo xã, thị trấn đều có chung câu trả lời là chúng tôi không biết mình có được tiếp tục công tác hay nghỉ, còn việc công sở  dư dùng vào việc gì thì cũng chưa có chỉ đạo hay thông tin gì.

Việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính cho tinh gọn là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Hiện tỉnh Thanh Hóa đang gấp rút chỉ đạo thực hiện hoàn tất thủ tục sáp nhập trước ngày 1/12/2019.

Như vậy, thời gian sáp nhập các xã, phường, thị trấn còn rất ngắn, khoảng hơn 1 tháng nữa là sẽ hoàn tất mọi công việc và đi vào hoạt động như bình thường, nhưng cho đến nay mọi thông tin về nhân sự đi hay ở và đặc biệt các công trình công sở dư được đầu tư xây dựng kiên cố chưa ai biết sẽ sử dụng vào việc gì./.