22/11/2024 lúc 15:02 (GMT+7)
Breaking News

Thanh Hóa: Đẩy mạnh chuyển đổi số tạo động lực để phát triển toàn diện

Chuyển đổi số được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong giai đoạn hiện nay của tỉnh Thanh Hóa. Với tinh thần thực hiện chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, là động lực của chuyển đổi số đã mang lại nhiều kết quả quan trọng, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, phát triển toàn diện.
Bộ phận “một cửa” UBND TP Thanh Hóa đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính.

Chuyển đổi số hiện là xu hướng tất yếu, khách quan, là vấn đề sống còn đối với mỗi quốc gia, địa phương, đơn vị. Không nằm ngoài xu thế đó, Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định: “Chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược, xuyên suốt, vừa cấp bách, vừa lâu dài; cần phải có lộ trình, bước đi phù hợp, vững chắc, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh, của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi người dân; đồng thời, phải tận dụng tối đa cơ hội, điều kiện thuận lợi để đi nhanh, đi trước, không để bị tụt hậu”.

Tỉnh Thanh Hóa xác định chuyển đổi số trên 3 trụ cột chính: chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, việc xây dựng chính quyền điện tử hướng tới xây dựng chính phủ số đã có bước đột phá quan trọng. Báo cáo xếp hạng đánh giá mức độ chuyển đổi số DTI năm 2022 do Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố cuối tháng 7/2023, tỉnh Thanh Hóa xếp thứ 15/63 tỉnh, thành về chuyển đổi số. Cụ thể, Thanh Hóa xếp thứ 16 về mức độ xây dựng chính quyền số, xếp thứ 14 về kinh tế số và thứ 13 cả nước về các hoạt động xã hội số. Mục tiêu đến năm 2025 tỉnh sẽ thuộc tốp 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Đó vừa là quyết tâm của chính quyền, người dân, doanh nghiệp, vừa cho thấy tiềm năng to lớn của chuyển đổi số ở Thanh Hóa.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và Bộ TT&TT thăm quan các gian hàng tại sự kiện khai mạc Triển lãm các sản phẩm, giải pháp, mô hình chuyển đổi số, phát triển công nghiệp công nghệ thông tin tổ chức tại Thanh Hóa tháng 10/2023.

Thanh Hóa là một trong những địa phương đầu tiên thực hiện việc kết nối, chia sẻ, trao đổi văn bản điện tử giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp. Đến nay, lãnh đạo, cán bộ các cấp từ tỉnh đến địa phương đã thay đổi nhận thức, thói quen làm việc từ hành chính, giấy tờ sang chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc hoàn toàn trên môi trường điện tử. Cổng dịch vụ công và Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh đã cung cấp 842 dịch vụ công trực tuyến một phần và 868 dịch vụ công trực tuyến toàn trình; tích hợp lên Cổng dịch vụ công Quốc gia 1.710 dịch vụ công trực tuyến. Tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến giải quyết đúng và trước hạn hàng năm trung bình đạt khoảng 98%. Qua đó, giúp các cơ quan nhà nước công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính; đồng thời phục vụ người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính mọi lúc, mọi nơi, tiết kiệm thời gian, chi phí.

Đơn cử như chuyển đổi số ở thành phố Thanh Hóa, đến nay đã đạt được những kết quả tích cực: 100% các cơ quan nhà nước trên địa bàn thành phố Thanh Hóa được kết nối, sử dụng hệ thống TD-Office phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành; tiếp nhận, luân chuyển, xử lý văn bản đi, đến trên phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc. Tính từ ngày 01/01/2024 đến ngày 30/8/2024, tổng số lượt văn bản trao đổi, xử lý trên môi trường điện tử tại thành phố Thanh Hóa là 128.441 văn bản, tại các phường, xã là 141.448 văn bản, tỉ lệ được xử lý, ký số đạt 100% giúp cho hoạt động đơn vị được công khai minh bạch, nhanh chóng và tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo điều hành trong cơ quan nhà nước. Chị Trần Thuỳ Linh công chức UBND phường Quảng Cát (TP.Thanh Hoá) cho biết: “Từ khi chuyển sang môi trường điện tử thì công việc được xử lý nhanh hơn rất nhiều, lãnh đạo có thể ký bất kể thời gian nào. Sau khi lãnh đạo ký có thể chuyển văn phòng hoặc các công chức chuyên môn để chuyển trả cho công dân cũng như hệ thống phần mềm UBND thành phố và các cấp rất có hiệu quả”. Chị Nguyễn Thị Tám, P. Quảng Tâm (TP.Thanh Hoá) chia sẻ: Việc ứng dụng CNTT vào quá trình giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) bây giờ thuận lợi hơn rất nhiều. Khi muốn làm thủ tục gì, chúng tôi thường vào Trang thông tin điện tử của phường kết nối liên thông với Cổng dịch vụ công của tỉnh để tra cứu các bước, thủ tục cần làm để chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ đầy đủ, thuận lợi hơn trong quá trình giao dịch. Vì thế TTHC được thực hiện nhanh gọn hơn nhiều.

Đoàn viên thanh niên huyện Đông Sơn hướng dẫn người dân cài đặt định danh điện tử.

Cũng tại huyện Đông Sơn, năm 2024, huyện Đông Sơn có 5 đơn vị đăng ký về đích chuyển đổi số gồm: xã Đông Thanh, Đông Nam, Đông Hòa, Đông Yên và Đông Hoàng. Căn cứ kết quả đánh giá hiện trạng thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số, huyện Đông Sơn đã tích cực chỉ đạo các đơn vị bám sát kế hoạch, tích cực thực hiện. Đồng thời, yêu cầu UBND các xã, thị trấn chủ động phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn huyện để tập huấn, hướng dẫn người dân sử dụng các nền tảng số. Đồng thời, tập trung khắc phục khó khăn về cơ sở hạ tầng, an toàn, an ninh mạng, khai thác có hiệu quả cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu chuyên ngành để hoàn thành nhiệm vụ chuyển đổi số cấp xã. Chị Nguyễn Thị Hoa, xã Đông Thanh huyện Đông Sơn chia sẻ: “Hôm nay tôi lên UBND xã để làm giấy khai sinh cho con, tôi thấy dịch vụ được làm trực tuyến rất tiện lợi, các thông tin đều được cập nhật hết ở trên mạng không phải sử dụng nhiều giấy tờ”.

Hay điển hình như, công trình thanh niên “Chuyển đổi số trong quảng bá di tích lịch sử - văn hóa - du lịch” TP Sầm Sơn được thực hiện số hóa trên nền tảng Website VR, cung cấp thông tin về 8 điểm di tích lịch sử cấp quốc gia và tổng quan du lịch của TP Sầm Sơn. Việc số hóa, tích hợp thông tin, hình ảnh về các điểm di tích trên nền tảng VR mang đến trải nghiệm thực tế ảo 360 độ, cho phép người sử dụng nhanh chóng tiếp cận thông tin về các địa điểm, đồng thời xem toàn cảnh của địa điểm một cách trực quan, sinh động nhất, đã góp phần vào đưa vẻ đẹp của đất và người quê hương xứ Thanh nói chung và Sầm Sơn đến với bạn bè trong và ngoài nước cũng như phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đoàn viên thanh niên quét mã QR, trải nghiệm các tiện ích của công trình trong việc cung cấp thông tin, hình ảnh về các di tích lịch sử, văn hóa, du lịch trên địa bàn thành phố Sầm Sơn.

Cùng với nhiệm vụ xây dựng chính quyền số, các địa phương trong tỉnh đã đang tập trung thực hiện tiêu chí kinh tế số, xã hội số. Trong đó, Kinh tế số đã bước đầu đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh, tỷ trọng đóng góp kinh tế số của tỉnh trong tổng quy mô nền kinh tế đạt 8,86%. Việc phát triển kinh tế số đã thay đổi hoàn toàn nhận thức, cách làm truyền thống của doanh nghiệp, người dân, hộ gia đình về tiêu thụ sản phẩm trên không gian số, sàn thương mại điện tử, mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm từ bó hẹp trong địa bàn, trong huyện, trong tỉnh ra ngoài tỉnh. Tính đến tháng 6/2024, trên địa bàn tỉnh có trên 20.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm 90% tổng số doanh nghiệp; tỷ lệ doanh nghiệp chuyển đổi số trên tổng số doanh nghiệp có phát sinh thuế đạt 29,65%, tăng 3,85% so với cùng kỳ năm 2023. Toàn tỉnh hiện có 5.550 doanh nghiệp được tham gia khảo sát, đánh giá mức độ hoàn thành chuyển đổi số, 337 doanh nghiệp công nghệ số theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông. Có nhiều doanh nghiệp đã áp dụng thành công mô hình chuyển đổi số, nền tảng số qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh và tỷ trọng đóng góp vào tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh.

UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành các kế hoạch, nhiệm vụ, cơ chế, chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển về vốn, nguồn nhân lực, đặc biệt là Kế hoạch số 77/KH-UBND ngày 28/3/2023 về phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 làm cơ sở hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh; trong đó xác định đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 100 doanh nghiệp số; đến năm 2030, có ít nhất 150 doanh nghiệp số và xác định rõ lộ trình, nhiệm vụ cần phải thực hiện để đạt được mục tiêu đề ra.

Theo anh Nguyễn Văn Quyết, chủ cơ sở sản xuất nem chua Hiền Quyết, thôn 3, xã Quảng Hoà, huyện Quảng Xương cho biết “Sản phẩm nem chua của gia đình được chứng nhận đạt OCOP 3 sao năm 2023. Sau khi được công nhận, cơ sở của Anh đã tham gia các lớp tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng thực hiện các bước giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm trên các nền tảng số do các ngành chức năng của tỉnh, huyện tổ chức. Từ khi tham gia các lớp tập huấn này, sản phẩm nem chua của cơ sở có điều kiện được quảng bá, giới thiệu trên các nền tảng số, giúp đông đảo khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến. Nếu như trước đây, mỗi ngày cơ sở chỉ sản xuất dưới 1 vạn nem, nay đã tăng lên, thậm chí hơn nữa, nhất là vào thời gian cao điểm như tết hay dịp hè. Hiện sản phẩm nem chua của gia đình đã được bán đi nhiều tỉnh thành trong cả nước, nhiều nhất là ở thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng...

Công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng được duy trì vận hành, trực đảm bảo hệ thống Trung tâm An ninh mạng và An toàn dữ liệu tỉnh Thanh Hóa hoạt động tốt 24/7.

Trong xây dựng xã hội số, thời gian qua các cấp ủy, chính quyền đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển xã hội số và hình thành công dân số, cụ thể như: Thực hiện tuyên truyền và hướng dẫn người dân cài đặt phần mềm VNeID trên thiết bị di động thông minh để thuận tiện trong các giao dịch cơ bản như: Thẻ BHYT, BHXH, dịch vụ công, dịch vụ y tế số, giáo dục số, sử dụng các mạng xã hội, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử và khai thác tiện ích, tài nguyên số trên Internet… đồng thời hướng dẫn người dân về các kỹ năng an toàn, bảo mật thông tin cơ bản để có thể tự bảo vệ tài khoản, dữ liệu của mình trên không gian số. Khuyến khích người dân thực hiện thương mại điện tử trong nông nghiệp, tập trung vào các sản phẩm OCOP chủ lực của tỉnh, sản phẩm nông nghiệp đặc sản, những sản phẩm đã ứng dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP của tỉnh giúp tăng tỷ trọng của nông nghiệp số. Tiếp tục duy trì, triển khai có hiệu quả Đề án xây dựng mô hình: “Camera Nhân dân với an ninh, trật tự” để thực hiện việc quản lý an ninh, trật tự; duy trì hiệu quả kênh giao tiếp với người dân thông qua hệ thống Zalo OA để trao đổi giữa các cơ quan chính quyền với người dân để tháo gỡ khó khăn và trao đổi thông tin một cách thuận lợi và nhanh chóng. 100% nhà văn hoá thôn, khu phố, các điểm du lịch được lắp đặt Wifi miễn phí. Đoàn Thanh niên đã hỗ trợ xây dựng mã QR Code tại các điểm du lịch (Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Đền Sòng Sơn, đền Chín Giếng, Chùa Khánh Quang, Khu di tích Lam Kinh, Khu du lịch Pù Luông; đền Trần, đền cô Bơ...) phục vụ du khách tra cứu, tìm hiểu thông tin về các điểm du lịch, du lịch tâm linh trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố. Đẩy mạnh thực hiện việc chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội; 100% đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội (đã đăng ký tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tài khoản Mobile money...). Để thúc đẩy phát triển xã hội số, Thanh Hóa đã thành lập gần 4.400 tổ công nghệ số cộng đồng tại tất cả các thôn, bản, khu phố với gần 14.700 thành viên tham gia. 

Theo chị Nguyễn Thị Hương, chủ một cửa hàng kinh doanh dịch vụ và thương mại trên địa bàn xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Lộc chia sẻ: “Qua tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương, sự hướng dẫn tận tình của nhân viên ngân hàng, hiện nay tôi đã thành thạo việc thực hiện các giao dịch thanh toán và hướng dẫn cho các khách hàng cùng sử dụng để thuận tiện hơn trong thanh toán tiền hàng an toàn, nhanh chóng. Việc kinh doanh nhận được rất nhiều thuận lợi; không mất thời gian tính toán, thanh toán; chủ động kiểm soát hàng hóa; Khách hàng không bị quên ví, thiếu tiền. Sắp tới tôi sẽ áp dụng chính sách Vnpay để tạo mã giảm giá cho khách hàng, ví dụ như đơn hàng 300 nghìn thì có thể tạo mã giảm giá cho khách hàng từ 15 đến 30 nghìn”.

Cũng theo ông Trần Đức Ngọc, Chủ tịch UBND xã Hoằng Tân (huyện Hoằng Hoá), cho biết: Với ứng dụng zalo, xã Hoằng Tân đã nhận được thông tin chính thống từ chính quyền xã, thôn mọi lúc, mọi nơi; nhà văn hóa các thôn đã được lắp đặt internet tích hợp mạng wifi, hệ thống truyền hình trực tuyến 5 cấp, 2 chiều. Các ý kiến phản ánh của người dân được bộ phận chuyên môn UBND xã tiếp nhận, chuyển lãnh đạo UBND xã xử lý kịp thời; các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử bằng hình thức quét mã QR; người dân trong độ tuổi lao động của thôn có tài khoản thanh toán điện tử để thực hiện việc chuyển, rút tiền từ tài khoản, nộp tiền học phí, thanh toán tiền điện, nước sinh hoạt, mua bán hàng trực tuyến, thanh toán lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến, từ đó mang lại cuộc sống tiện ích, tốt đẹp hơn cho người dân, doanh nghiệp,... Năm 2022, xã được công nhận hoàn thành tiêu chí chuyển đổi số.

Các trường học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động dạy học.

Bên cạnh đó, công tác chuyển đổi số ở các địa phương trong tỉnh vẫn còn gặp một số khó khăn về cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi số chưa đồng bộ, việc đảm bảo an toàn, an ninh mạng còn hạn chế và nhận thức, tư duy của người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, về nguồn nhân lực số, Thanh Hóa hiện có 558 xã, phường, thị trấn, tuy nhiên, chức danh chuyên trách về chuyển đổi số chưa được các bộ, ngành quy định cụ thể nên địa phương chưa thể tuyển dụng cán bộ cho vị trí này. Đối với chức danh chuyên trách về an toàn thông tin mạng đòi hỏi cán bộ phải có trình độ chuyên sâu, nhưng thực tế việc phân công thực hiện nhiệm vụ này tại tuyến xã cũng gặp rất nhiều khó khăn. Theo ông Trần Quốc Huy, Chủ tịch UBND xã Tuy Lộc (huyện Hậu Lộc) cho biết: “Vướng mắc nhất trong chuyển đổi số ở cấp xã là chưa có nguồn nhân lực chuyên môn về công nghệ thông tin, chủ yếu các cán bộ công chức chuyên môn kiêm nhiệm. Bên cạnh đó là trình độ dân chí của một bộ phận người dân tuổi cao nên tiếp xúc với công nghệ, điện thoại thông minh còn hạn chế. Trong thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền và triển khai phối hợp với các ban, ngành đoàn thể, cán bộ tại bộ phận một cửa trực tiếp hướng dẫn người dân”.

Với quyết tâm chính trị coi chuyển đổi số là nhiệm vụ tất yếu, vừa cấp bách, vừa lâu dài; phải được tiến hành khẩn trương, kiên trì, liên tục với những bước đi chắc chắn, có trọng tâm, trọng điểm, kế thừa những thành tựu phát triển khoa học công nghệ và phù hợp với thực tiễn của địa phương; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển các nền tảng công nghệ số, nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số nhất định trong năm 2024 và những năm tiếp theo công tác chuyển đổi số ở Thanh Hóa sẽ có nhiều chuyển biến mới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra. Góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh bền vững./.

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa khẳng định, chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong giai đoạn hiện nay. Tỉnh Thanh Hóa đang thực hiện chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, trong đó, ưu tiên lĩnh vực quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công, trước hết là trong lĩnh vực liên quan tới người dân, doanh nghiệp. Nội dung của chuyển đổi số lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, đây là chủ thể và cũng là mục tiêu, động lực của chuyển đổi số.

Hải Nam - Hoàng Trang