17/11/2024 lúc 03:25 (GMT+7)
Breaking News

Thanh Hóa – Điện Biên Phủ: Bản hùng ca vang mãi với thời gian

VNHN - Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam, Thanh Hoá được biết đến là vùng đất có truyền thống đấu tranh anh dũng kiên cường, nơi phát tích của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam. Vùng đất đã gắn liền với quá trình tồn vong, hưng thịnh của quốc gia, dân tộc. Người xứ Thanh xưa và nay đã viết nên nhiều trang sử hào hùng của dân tộc, được lưu danh bởi các tên tuổi như: Triệu Thị Trinh, Lê Hoàn, Lê Lợi, Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền.., và các vương triều trong lịch sử dân tộc như vương tri

VNHN - Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam, Thanh Hoá được biết đến là vùng đất có truyền thống đấu tranh anh dũng kiên cường, nơi phát tích của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam. Vùng đất đã gắn liền với quá trình tồn vong, hưng thịnh của quốc gia, dân tộc. Người xứ Thanh xưa và nay đã viết nên nhiều trang sử hào hùng của dân tộc, được lưu danh bởi các tên tuổi như: Triệu Thị Trinh, Lê Hoàn, Lê Lợi, Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền.., và các vương triều trong lịch sử dân tộc như vương triều Lê (tiền Lê, hậu Lê), Hồ, Nguyễn.

Không những vậy vùng đất “địa linh” này còn sản sinh ra những dòng Chúa nổi danh. Chúa Trịnh với 249 năm có mặt trên chính trường Đại Việt đã song hành cùng vua Lê dựng đặt kỷ cương phép nước, chúa Nguyễn bắt đầu từ Nguyễn Hoàng đã có công mở cõi về phía Nam, ổn định địa bàn và giữ vững chủ quyền dân tộc suốt các thế kỷ XVII, XVIII, để rồi các vua Nguyễn tiếp nối, thống nhất đất nước.

                                           

Hình ảnh chim hạc biểu trưng thành phố Thanh Hóa mới, thể hiện niềm tự hào của nhân dân Thanh Hóa, và khát vọng vươn cao, vươn xa của TP Thanh Hóa

 Không chỉ là quê cha đất tổ của “Tam vương nhị chúa”, Xứ Thanh còn là vùng đất hiếu học. Trong dòng chảy của lịch sử khoa bảng nước nhà, vùng đất này đã có 1627 các nhà khoa bảng, trong đó có 240 tiến sĩ, với nhiều tên tuổi được lưu danh muôn thuở trên các lĩnh vực Văn hóa, sử học, quân sự, ngoại giao nổi tiếng như: Khương Công Phụ, Lê Văn Hưu, Đào Duy Từ...

 Một Thanh Hoá cổ kính với những công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu gắn liền với sự thịnh vượng và suy vong của các triều đại phong kiến Việt Nam. Một Thanh Hóa duyên dáng, tràn đầy sức sống với điệu hò sông Mã, hát múa Đông Anh, múa Xuân Phả, chèo chải.  Một Thanh Hoá tự tin, năng động, hoà nhịp cùng sự chuyển mình của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá với những nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất đang từng ngày “thay da đổi thịt”. Đó là những hình ảnh đa chiều, đa diện, những thanh âm, những nhịp sống sôi động của mảnh đất Thanh Hoá “địa linh nhân kiệt” - mảnh đất đang vươn lên hội lưu cùng thời đại bằng sự kết tinh, lắng đọng của quá khứ, sức sống mãnh liệt của hiện tại và  tương lai. 

Đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, người dân xứ Thanh đã không ngại gian khổ, đã làm tròn vai trò hậu phương lớn, cùng với cả nước làm nên trận Điện Biên Phủ chấn động địa cầu; một Hàm Rồng vang dội chiến công và đại thắng mùa xuân 1975.

Đoàn xe thồ Thanh Hóa phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Thanh Hóa là địa đầu, là hậu phương lớn trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu, chi viện sức người, sức của cho chiến trường Liên khu III, Bắc bộ và Tây Bắc. 

                                                  

 Chiếc xe đạp thồ vận chuyển lương thực, đạn dược cho chiến dịch Điện Biên Phủ của nhân  dân Thanh Hóa

 Ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng thông qua quyết tâm mở Chiến dịch Điện Biên Phủ và cũng bắt đầu huy động lực lượng dồn sức cho chiến dịch lịch sử này. Đáp ứng yêu cầu của chiến dịch, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Thanh Hóa đã bổ sung nhiều đơn vị ra chiến trường như Tiểu đoàn 275 bộ đội địa phương tỉnh cho Trung đoàn 53, các Đại đội 150, 160 cho Tiểu đoàn 541 phòng không, 2 trung đội trinh sát cho Đại đoàn 304. Cùng với đó, Thanh Hóa còn điều động hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ của Đại đội 128 bộ đội huyện Bá Thước, Đại đội 112 bộ đội huyện Tĩnh Gia, các đơn vị của Hoằng Hóa, Hà Trung, Quảng Xương, Thạch Thành cho các đơn vị tham gia chiến đấu tại Điện Biên Phủ.

Ngày 13-3-1954, bộ đội ta bắt đầu nổ súng tiêu diệt cứ điểm Him Lam và Độc Lập, mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ. Phối hợp với chiến trường chính Điện Biên Phủ, tại Nga Sơn, quân và dân Thanh Hóa ra sức đẩy mạnh tiến công quân sự để kìm chân tiêu diệt sinh lực địch. Các tổ dân vận, địch vận tăng cường tuyên truyền làm lung lay tinh thần và làm tan rã hàng ngũ địch.

Từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 5-1954, tại Nga Sơn, các đơn vị bộ đội địa phương huyện phối hợp cùng dân quân du kích các xã Điền Hộ, Liên Sơn (thuộc các xã Nga Điền, Nga Liên, Nga Thái ngày nay)... khống chế tiêu diệt nhiều sinh lực địch, không cho chúng di chuyển quân bổ sung cho chiến trường Điện Biên Phủ. Ngày 5-5-1954, Đại đội 109 bộ đội địa phương huyện Nga Sơn cùng dân quân du kích thôn Chính Đại, xã Điền Hộ đánh chặn 4 đại đội địch khi chúng đang hành quân, diệt 29 tên, làm bị thương 17 tên...

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa đã thể hiện rõ vai trò hậu phương chiến lược quan trọng, huy động 1 tiểu đoàn, 2 đại đội, 2 trung đội và hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia chiến đấu, đồng thời cung cấp đầy đủ, kịp thời mọi yêu cầu về sức người, sức của phục vụ chiến dịch. Mở đầu đợt vận chuyển, Trung ương giao Thanh Hóa huy động và vận chuyển 1.352 tấn gạo (giao tại Hồi Xuân), 100 tấn thực phẩm (giao tại Sơn La). Đợt 2, đầu tháng 3-1954 Trung ương giao Thanh Hóa huy động và vận chuyển 1.000 tấn gạo và 165 tấn thực phẩm giao tại Km số 22 đường 41, Thanh Hóa hoàn thành trước thời hạn 3 ngày.

                                      

 Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa dùng bè mảng chở lương thực và hàng hóa vượt sông Mã tiếp vận chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954)

Khi chiến dịch chuyển sang giai đoạn kết thúc, do yêu cầu khẩn cấp của chiến trường, Trung ương giao Thanh Hóa huy động đợt 3 với chỉ tiêu 2.000 tấn gạo và 282 tấn thực phẩm. Lúc này thóc dự trữ của tỉnh không còn, mùa cũng chưa đến kỳ thu hoạch, nhân dân đã “dốc bồ, thổ thúng” cung cấp cho tiền tuyến những hạt thóc cuối cùng, nhiều gia đình phải ăn ngô non, khoai sắn thay cơm để dành gạo cho tiền tuyến.

Thực hiện quyết tâm của Trung ương, để có đủ lương thực cho bộ đội “ăn no đánh thắng”, tỉnh chủ trương huy động nhân dân ra đồng cắt tỉa từng dé lúa, bông lúa đã chín; kết quả được 5.000 tấn thóc cung cấp kịp thời cho mặt trận. Vụ hè năm 1954, trên giao 28.000 tấn thóc thuế, Thanh Hóa đã huy động tới 34.927 tấn 44 kg, đồng thời huy động hàng vạn dân công và mọi phương tiện vận chuyển như xe đạp, ô tô, thuyền nan, thuyền ván, ngựa thồ vận chuyển lương thực cung cấp cho chiến trường. Những đoàn thuyền vượt hàng trăm thác ghềnh hiểm trở, tránh máy bay địch đánh phá, ngược dòng sông Mã, vận chuyển hàng lên Việt Bắc. Anh em lái xe ô tô đã đưa mức vận chuyển lên gấp đôi, gấp 3 và gấp 4 lần chuyến trong một tháng; trọng tải từ 2,5 tấn lên 3 tấn mỗi xe.

Những đoàn xe đạp thồ, dân công gánh bộ từ miền Tây Thanh Hóa qua suối Rút, Mộc Châu sang Cò Nòi đến Sơn La, vượt hơn 500 km xuyên rừng, lội suối, trèo đèo an toàn và bí mật đưa hàng tới đích. Chiến sĩ xe đạp thồ Cao Văn Tỵ (thị xã Thanh Hóa), đạt kỷ lục thồ từ 160 kg lên 195 kg rồi lên 250 kg và 300 kg, sau thường xuyên đạt 320 kg một chuyến. Đồng chí Đới Sỹ Trầu (Quảng Xương) liên tục gánh 60 kg hàng, dẫn đầu về gánh bộ... 17 giờ 30 phút ngày 7-5-1954 tin Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng lan nhanh đến với quân và dân Thanh Hóa. Lực lượng vũ trang tỉnh tích cực khuyếch trương chiến thắng, các tổ dân vận, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, kêu gọi binh lính địch đóng tại các đồn Điền Hộ, Mai An Tiêm hạ vũ khí đầu hàng. Với khí thế chiến thắng, các đơn vị bộ đội địa phương tổ chức các đợt tấn công truy quét. Ngày 29-6, thực dân Pháp phải rút khỏi Điền Hộ và Mai An Tiêm về Kim Sơn (Ninh Bình). Ngay đêm hôm đó, Đại đội 109 và Đại đội 57 cùng dân quân du kích nhanh chóng phối hợp với lực lượng vũ trang huyện Kim Sơn (Ninh Bình) truy quét địch đến bến Kim Đài, tiêu diệt và bắt sống 160 tên, thu 500 súng các loại và nhiều phương tiện chiến tranh khác.

                                 

Đoàn dân công Thanh Hóa tích cực cho chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954

Tại Thanh Hóa, các địa phương ven biển Nga Sơn, Quảng Xương, Tĩnh Gia, các đơn vị bộ đội địa phương đã phối hợp với dân quân du kích các xã Quảng Nham (Quảng Xương), Hải Thanh (Tĩnh Gia) đánh trả địch quyết liệt, làm thất bại cuộc hành quân “Con bồ nông” của địch vào vùng biển Thanh Hóa. Thất bại trên chiến trường chính Điện Biên Phủ, buộc địch phải rút khỏi các địa phương của Thanh Hóa. Ngày 7-8-1954 phải rút khỏi đảo Hòn Mê - điểm cuối cùng, chấm dứt sự có mặt của quân Pháp ở Thanh Hóa.

Kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Thanh Hóa có 5 đồng chí được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, tiêu biểu là Anh hùng liệt sĩ Tô Vĩnh Diện, đã lấy thân mình cứu pháo không để rơi xuống vực thẳm. Đối với nhiệm vụ phục vụ chiến dịch, Thanh Hóa đã cung cấp 4.361 tấn gạo (chiếm 30% số gạo cả nước phục vụ cho chiến dịch), vượt mức Trung ương giao 9 tấn; 1.300 con bò, 2.000 con lợn, 250.000 quả trứng, 150 tấn đậu các loại, 450 tấn cá khô, 20.000 lọ mắm kem cùng với hàng trăm tấn rau các loại. Huy động 102.254 dân công dài hạn và 76.670 dân công ngắn hạn. Tổng số dân công phục vụ chiến dịch là 1.061.593 lượt người với 27 triệu 227 ngày công, cùng với 11.000 xe đạp thồ, 1.300 thuyền ván và thuyền nan, 42 ngựa thồ, 31 ô tô và nhiều phương tiện vận chuyển khác.

                                           

 Đoàn dân công nữ Thanh Hóa hăng hái  phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ

Âm vang Điện Biên Phủ lan tỏa trong mạch sống của nhân dân Thanh Hóa, Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tạo nên nguồn lực tiếp sức cho lực lượng vũ trang Thanh Hóa cùng quân và dân cả nước chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN hôm nay. Thành tích mà quân và dân Thanh Hóa giành được mãi mãi xứng đáng với lời biểu dương khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi Người về thăm Thanh Hóa năm 1957 “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”. Nhân dịp kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa, kỷ niệm 65 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, ra sức phấn đấu học tập, lao động, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ tổ quốc./.