16/01/2025 lúc 11:57 (GMT+7)
Breaking News

Thái Nguyên: Khẳng định vị thế thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước

Góp phần tạo đà cho phục hồi và phát triển kinh tế thời kỳ hậu đại dịch COVID-19, ngày 17/6/2022, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và Công ty CP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (SAIGONTEL) - một trong những doanh nghiệp tiên phong đầu tư và phát triển các dự án phát triển hạ tầng và đổi mới sáng tạo - phối hợp tổ chức buổi tọa đàm “chiến lược đầu tư trong bối cảnh bình thường mới và thúc đẩy đổi mới sáng tạo”.

Tham dự Hội nghị có đồng chí Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Lim HanKyu, Phó Chủ tịch Cơ quan hợp tác cơ sở hạ tầng và phát triển đô thị Hàn Quốc tại nước ngoài (KIND); ông Shon Young IL, Chủ tịch Hiệp hội thương mại và công nghiệp Hàn Quốc (KOCHAM); lãnh đạo 6 tỉnh (Thái Nguyên, Quảng Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, TP. Hồ Chí Minh) và đại diện các tập đoàn lớn của Hàn Quốc (SK EcoPlant; Lotte E&C; Hyosung; CJ; Asam Security; Hana; KepCo…). Đoàn công tác của tỉnh Thái Nguyên tham dự Hội nghị do đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Đoàn. Tham gia Đoàn tỉnh Thái Nguyên có đồng chí Bùi Văn Lương, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Phổ Yên; lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh.

Bất chấp những diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới nửa đầu năm 2022, với ưu thế riêng có, nền kinh tế thích ứng, linh hoạt của Việt Nam đang từng bước lấy lại đà tăng trưởng với những kết quả rất đáng khích lệ. Một trong số những giải pháp quy mô lớn được Chính phủ đưa ra là gói hỗ trợ kinh tế 350.000 tỷ đồng sẽ được trích 1/3 để tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, phấn đấu sớm hoàn thành các tuyến giao thông huyết mạch như cao tốc Bắc - Nam phía đông; các tuyến kết nối vùng miền núi phía Bắc; các tuyến cao tốc vùng Đông Nam Bộ; vùng ĐBSCL... góp phần tháo gỡ những nút thắt về vận chuyển hàng hoá; tạo thuận lợi cho việc đầu tư phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Diễn đàn này cũng là cơ hội để nhận diện những thách thức của quá trình hồi phục kinh tế và thực tiễn áp dụng sáng tạo vào giải quyết các thách thức đó trong giai đoạn hiện nay; đặc biệt là trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông - lĩnh vực đóng vai trò chủ chốt, dẫn dắt sự tăng trưởng nguồn vốn đầu tư xã hội và có tác động lan toả lớn cho sự phục hồi kinh tế.

Lễ ký kết giữa Liên minh số SAIGONTEL - NGS với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) về hợp tác xây dựng không gian số và kết nối doanh nghiệp

Cùng với lãnh đạo một số tỉnh, thành phố khác, đồng chí Trịnh Việt Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã phát biểu tham luận giới thiệu về tiềm năng, lợi thế và những chính sách thu hút đầu tư của tỉnh Thái Nguyên đang triển khai đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo đó, mặc dù trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, song năm 2021, Thái Nguyên vẫn đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6,51%; giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 35 tỷ USD, giá trị xuất khẩu đạt 28,85 tỷ USD… Tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh ước đạt 7,08%; giá trị xuất khẩu ước đạt 17,2 tỷ USD, tăng 32,3% so với cùng kỳ năm trước; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 9.528,3 tỷ đồng, tăng 29,3% so với cùng kỳ...

Khảo sát chỉ số PCI cho thấy, Chỉ số “tính năng động của chính quyền” tỉnh Thái Nguyên tăng liên tục từ năm 2016 đến nay, trong khi nhóm các chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp khởi sự kinh doanh thuộc Top đầu cả nước. Trên Bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, Thái Nguyên đứng ở Top khá toàn quốc. Chỉ số cải cách hành chính PAR index năm 2021, Thái Nguyên ở vị trí thứ 6/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Bên cạnh đó, theo Bảng xếp hạng Vietnam ICT Index mới nhất, Thái Nguyên đứng thứ 4 cả nước về Chỉ số công nghiệp công nghệ thông tin… Hiện nay, Thái Nguyên đã quy hoạch 12 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.245 ha, trong đó có 1 khu công nghệ thông tin tập trung; quy hoạch 41 cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.067 ha. Thái Nguyên hiện có trên 170 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng số vốn đầu tư trên 10 tỷ USD; cùng với đó là 846 dự án DDI với tổng số vốn trên 145.000 tỷ đồng.

Chiến lược thu hút đầu tư của Thái Nguyên trong giai đoạn bình thường mới sau đại dịch COVID-19 là tập trung phát triển cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; phát triển khu vực phía Nam của tỉnh (hạ tầng du lịch, thể thao, giải trí, nghỉ dưỡng ở phía Đông dãy núi Tam Đảo, hồ Núi Cốc; phát triển các khu đô thị bám theo đường liên kết vùng Bắc Giang - Vĩnh Phúc và đường Vành đai 5 Hà Nội); chú trọng thu hút các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, hình thành và phát triển chuỗi sản xuất, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh, tiếp cận các thông tin về thị trường, đầu tư và doanh nghiệp…

Cũng tại Hội nghị, trên tinh thần thẳng thắn, minh bạch và cầu thị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã giải đáp trực tiếp nhiều câu hỏi từ phía các nhà đầu tư Hàn Quốc, tập trung vào các vấn đề như: Chính sách và chiến lược đặc biệt nào được tỉnh quan tâm thực hiện để giải quyết tình trạng thiếu nhân lực của các nhà đầu tư hiện tại, đặc biệt là các nhà đầu tư mới gặp phải. Sự hỗ trợ của tỉnh khi nhà đầu tư lựa chọn đầu tư tại một khu vực không nằm trong khu công nghiệp. Những lợi ích ưu đãi đặc biệt trong lĩnh vực mà tỉnh Thái Nguyên mong muốn thu hút đầu tư là gì. Tỉnh Thái Nguyên có chiến lược thu hút đầu tư đặc biệt được cải thiện so với thời điểm trước dịch COVID-19 không…

Các câu hỏi đều được đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên trả lời, giải đáp một cách rõ ràng, thấu đáo và được các nhà đầu tư đánh giá rất cao. Đồng chí cũng khẳng định 6 cam kết của tỉnh Thái Nguyên đối với các nhà đầu tư, trong đó nhấn mạnh: Chính quyền tỉnh Thái Nguyên cam kết luôn sẵn sàng hỗ trợ các nhà đầu tư bất kể mới hay cũ, đầu tư trong hay ngoài khu công nghiệp đều sẽ nhận được sự hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành trong quá trình thực hiện các dự án. Những cam kết này đã tạo ấn tượng và sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư có mặt tại Hội nghị, trong đó có các nhà đầu tư uy tín đến từ Hàn Quốc. Đây cũng là minh chứng sinh động, khẳng định vị thế và chỗ đứng vững chắc của Thái Nguyên trong bản đồ thu hút đầu tư của cả nước.

Đặc biệt, buổi tọa đàm có sự tham gia của KIND (Cơ quan trực thuộc Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông của Hàn Quốc có vai trò hỗ trợ các nhà đầu tư Hàn Quốc phát triển các dự án hạ tầng và đô thị tại thị trường nước ngoài).

Đây cũng là sự kiện nhằm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc (1992-2022), đúng với định hướng chung giữa hai nước là nâng tầm khuôn khổ quan hệ lên "Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện" mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã cùng thống nhất.

Cơ quan miền núi phía Bắc