23/12/2024 lúc 22:22 (GMT+7)
Breaking News

Thái Bình: Điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư

VNHN - Tỉnh Thái Bình được biết đến là miền quê nghèo, nghề chính là nông nghiệp lúa nước. Thái Bình giờ đây như đã khoác bộ cánh mới. Những công trình, dự án, khu công nghiệp đã và đang được xây dựng. Cơ cấu ngành nghề đã chuyển dịch chủ yếu sang công nghiệp, dịch vụ, đời sống người dân đã được nâng cao. Để có được bước chuyển mình vươn lên, công lớn là nhờ hiệu quả từ thu hút đầu tư với những chính sách đổi mới của tỉnh Thái Bình.

VNHN - Trước đây  tỉnh Thái Bình được biết đến là miền quê nghèo, nghề chính là nông nghiệp lúa nước, nhưng giờ đây Thái Bình như đã khoác bộ cánh mới. Những công trình, dự án, khu công nghiệp đã và đang được xây dựng. Cơ cấu ngành nghề đã chuyển dịch chủ yếu sang công nghiệp, dịch vụ, đời sống người dân đã được nâng cao. Để có được bước chuyển mình vươn lên, công lớn là nhờ hiệu quả từ thu hút đầu tư với những chính sách đổi mới của tỉnh Thái Bình.

Tiềm năng sẵn có được khai phá

Là một tỉnh có 130 năm chiều dài lịch sử. Thái Bình vốn là nơi nuôi dưỡng những con người cần cù, chịu thương chịu khó, luôn nuôi những hi vọng hoài bão cho sự phát triển giàu mạnh. Cùng với tinh thần hăng hái, đầy sức sống và nhiệt huyết, sẵn sàng đón nhận những làn sóng đầu tư mới.

Thái Bình có lợi thế là một tỉnh 3 mặt giáp sông 1 mặt giáp biển, có hàng chục cây cầu mới, nhiều trục đường tỉnh lộ nối Thái Bình với các tỉnh lân cận thuận lợi cho người dân đi lại và giao lưu thương mại.

Nguồn lao động của Thái Bình dồi dào, người Thái Bình vốn cần cù, chịu khó, ham học hỏi do ảnh hưởng của nền văn hóa lúa nước để lại. Bên cạnh đó, Thái Bình có nguồn khí hóa tự nhiên, thuận lợi cho phát triển công nghiệp, hạ tầng từng bước được đầu tư đổi mới. Theo số liệu của Sở Kế hoạch Đầu tư Thái Bình, giai đoạn từ 2016-2018 tổng vốn đầu tư phát triển từ ngân sách của tỉnh là gần 9.000 tỷ đồng, hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, nhiều công trình quan trọng được hoàn thành như: Kiên cố hệ thống đê biển, đê sông, xây mới nhiều cây cầu lớn như Cầu Hiệp, Cầu Diêm Điền, Cầu Trà Giang, Cầu Trà Linh, Cầu Tịnh Xuyên… Tuyến đường bộ nối hai tỉnh Thái Bình – Hà Nam và đường cao tốc Cầu Giẽ Ninh Bình đã đáp ứng cơ bản nhu cầu đi lại, giao thương phát triển kinh tế giữa Thái Bình và các tỉnh lân cận. Cùng với đó, Thái Bình đã quy hoạch được 11 khu công nghiệp và 50 cụm công nghiệp.

Đặc biệt năm 2017, Thái Bình đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch Khu kinh tế, có diện tích hơn 30.000 ha thuộc địa bàn 31 xã, thị trấn ở khu vực ven biển của tỉnh. Đây là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, bao gồm các khu chức năng: Khu trung tâm điện lực; các khu, cụm công nghiệp; khu cảng và dịch vụ cảng; khu đô thị, dịch vụ; khu du lịch, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí. Đây là cơ hội lớn, giàu tiềm năng chào đón các nhà đầu tư, trong và ngoài nước.

Một nền tảng rất cơ bản nữa, hiện nay Thái Bình đã có một số khu chức năng đang hoạt động, với các công trình trọng điểm lớn như: Trung tâm Điện lực Thái Bình với 2 nhà máy nhiệt điện, công suất 1.800 MW, cung cấp khoảng 10,8 tỷ KWh/năm; Dự án dẫn khí từ biển vào, đang khai thác với sản lượng 200 triệu m3 khí/năm; Nhà máy Amonitrat, Nhà máy Amoniac, cảng Diêm Điền... Đây là nguồn cung cấp năng lượng điện, khí, vận tải cho các doanh nghiệp vào đầu tư.

Những trọng điểm hút đầu tư

Phân tích những tiềm năng thế mạnh, nắm bắt nhu cầu của thị trường đầu tư, Thái Bình trước mắt đề ra 5 mũi tiến công để hút nhà đầu tư về Thái Bình. 5 lĩnh vực mà Thái Bình lựa chọn là: Ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, tạo sản phẩm giá trị bền vững, ít ảnh hưởng môi trường, công nghiệp phục vụ nông nghiệp…

Một trong những dự án Trọng điểm của Thái Bình

Bên cạnh đó, Tỉnh cũng tranh thủ nguồn khí mỏ tự nhiên tại huyện Tiền Hải thu hút đầu tư phát triển khu công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, khu công nghiệp chuyên Viglacera, giảm bớt sản xuất gia công, chú trọng phát triển cơ khí công nghệ cao.

Đồng thời đầu tư phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao. Và thu hút đầu tư công nghiệp phục vụ nông nghiệp, công nghiệp chế biến. Tiếp đến là ưu tiên phát triển nguồn nhân lực phục vụ nông nghiệp. Mũi nhọn thứ năm tỉnh tập trung thu hút đầu tư du lịch đồng quê, du lịch  trải nghiệm.

Cùng với đó, tỉnh cũng chú trọng thu hút dịch vụ du lịch, liên kết với các Cty du lịch để đưa khách về, một mặt khôi phục di tích văn hóa lịch sử tâm linh, thay đổi cách quản lý điều hành chùa, đền, để thu hút khách thập phương; Thu hút đầu tư lĩnh vực dịch vụ: Tài chính, ngân hàng, vận tải logictic…

Thái Bình không quên lựa chọn các nhà đầu tư uy tín trong và ngoài nước. Đối với nước ngoài ưu tiên thu hút đầu tư từ các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore… Một số tập đoàn kinh tế lớn đã đến đàm phán với tỉnh như: Vingruop đầu tư trung tâm thương mại; FLC đang đầu tư bệnh viện đa khoa quốc tế 1.000 giường; Thaco Trường Hải đầu tư khu công nghiệp phục vụ nông nghiệp công nghệ cao…

Cải cách chính sách đã mang lại hiệu quả

Để biến khát vọng tiềm năng, lợi thế trở thành hiện thực, Thái Bình đã có nhiều cơ chế thông thoáng, ưu đãi dành cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, ưu tiên cho từng ngành nghề.

Trong việc thực hiện các khoản thu luôn có mức giao động, thì Thái Bình đang lựa chọn mức thu thấp nhất để tạo điều kiện lợi nhuận tối đa cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách hành chính công, đến nay 100% thủ tục hành chính của Sở, ngành đã được đưa ra thực hiện tại Trung tâm hành chính công cấp tỉnh. Tạo tư duy đổi mới làm việc từ lãnh đạo tới các Sở, ban, ngành nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức xác định phương châm phục vụ doanh nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Thành phố Thái Bình từ trên cao

Công khai quy trình và cán bộ có trách nhiệm xử lý hồ sơ, tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý các cán bộ vi phạm quy trình xử lý hồ sơ cố ý gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân. Tỉnh đã ban hành nhiều giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp như: Giãn thuế, ưu tiên giải quyết nợ đọng trong xây dựng cơ bản… Thực hiện chủ trương thoái mạnh vốn ngân sách Nhà nước ở những lĩnh vực dự án công trình nhà nước không cần thiết phải đầu tư. Tích cực vận động các nguồn vốn ODA và các nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư nâng cấp hạ tầng kinh tế xã hội, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và đời sống dân sinh đẩy mạnh chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Với những mục tiêu rõ ràng, hành động cụ thể về thu hút đầu tư, Thái Bình đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Năm 2016 đến nay có 350 dự án đầu tư mới hoặc điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn đăng ký trên 31.600 tỷ đồng; có 2.500 doanh nghiệp chi nhánh và văn phòng được thành lập mới, nâng tổng số đơn vị này lên gần 7.400 trên toàn tỉnh.

Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 44,3 triệu đồng, cao gấp 1,6 lần so với năm 2015; Thu ngân sách địa phương đạt gần 15.000 tỷ đồng, vượt 28% so với dự toán được giao.

Hiện tại, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Thái Bình, tỉnh Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn 2050. Tỉnh Thái Bình đang tiến hành các thủ tục lập quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Thái Bình làm căn cứ để triển khai các hoạt động thu hút đầu tư, phát triển khu kinh tế theo đúng kế hoạch đã đề ra.