23/12/2024 lúc 11:23 (GMT+7)
Breaking News

Tết rừng - Luật tục bảo vệ rừng riêng của đồng bào Mông Nà Hẩu

Nà Hẩu là xã đặc biệt khó khăn của huyện Văn Yên (Yên Bái), nằm trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu và là nơi định cư lâu đời của các dòng họ người Mông. Dù cuộc sống còn nghèo khó nhưng hàng ngày người Mông Nà Hẩu vẫn luôn bảo vệ rừng xanh nguyên sinh như bảo vệ ngôi nhà của mình bằng cách riêng của mình. Cứ vào ngày cuối cùng của tháng Giêng âm lịch hàng năm, các bản, làng trong xã Nà Hẩu lại tụ họp về khu “rừng cấm, rừng thiêng” của thôn để cùng tổ chức “lễ cúng Thần rừng”.

Dù đời sống ngày càng hiện đại và có nhiều đổi thay nhưng nhiều năm nay, người Mông Nà Hẩu vẫn duy trì tục lệ tốt đẹp này bởi những ý nghĩa thiêng liêng của nó.

Rừng nguyên sinh Nà Hẩu.

Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu có diện tích quy hoạch 16.950 ha, trong đó, khu bảo vệ nghiêm ngặt 7.250 ha, phân khu phục hồi sinh thái 9.700 ha trải rộng trên địa bàn 4 xã Nà Hẩu, Đại Sơn, Mỏ Vàng, Phong Dụ Thượng của huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Không chỉ có hệ sinh thái đa dạng với nhiều loài động, thực vật quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam, Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu còn là một trong những khu rừng phòng hộ xung yếu cho thượng nguồn của sông Hồng.

Nằm trong vùng lõi của khu bảo tồn, xã Nà Hẩu có tổng diện tự nhiên là 5.640 ha, trong đó rừng tự nhiên đặc dụng trên 4.500 ha. Rừng Nà Hẩu như mái nhà chung của 502 hộ người Mông với 2535 nhân khẩu. Mái nhà chung ấy bao đời nay đã được đồng bào Mông đồng lòng gìn giữ bằng cách riêng, bằng những luật tục khắt khe truyền từ đời này sang đơi khác cho dù cuộc sống của họ vẫn còn nhiều khó khăn.

Đồng bào Mông Nà Hẩu vui xuân trên những triền đồi mận trắng

Đồng chí Vũ Xuân Bá - Bí thư Đảng bộ xã Nà Hẩu cho biết: “Gắn bó với rừng, sống cùng rừng, người Mông Nà Hẩu coi rừng như nguồn sống, là mái nhà che chở, là chỗ dựa tinh thần của cả cộng đồng. Trải qua hàng trăm năm chung sống hoà thuận với rừng, hiểu được luật rừng, dân tộc Mông đặt ra những quy định về việc bảo vệ rừng được cộng đồng tôn trọng như những luật tục. Bao đời nay, rừng còn là nơi để người Mông Nà Hẩu thực hành nghi lễ tín ngưỡng cúng rừng, cầu mong các vị thần che chở, bảo vệ và giúp họ có cuộc sống mạnh khỏe, hạnh phúc và bình yên; cho cây cối, gia súc, gia cầm phát triển, và cho sự trường tồn của các dòng họ.”

Đồng bào Mông rước lễ cúng rừng.

Cứ vào ngày cuối cùng của tháng Giêng âm lịch hàng năm, các bản, làng trong xã Nà Hẩu lại tụ họp về khu “rừng cấm, rừng thiêng” của thôn để cùng tổ chức “lễ cúng Thần rừng hay còn gọi là Tết rừng”. Dù đời sống ngày càng hiện đại và có nhiều đổi thay nhưng nhiều năm nay, người Mông Nà Hẩu vẫn duy trì tục lệ tốt đẹp này bởi những ý nghĩa thiêng liêng của nó. Lễ hội cúng rừng hay còn gọi là “Tết rừng” của đồng bào dân tộc Mông Nà Hẩu được mở đầu bằng phần rước lễ vật lên khu rừng cấm. Nghi thức độc đáo, trang nghiêm của buổi lễ được diễn ra ở cửa rừng, dưới gốc cây cổ thụ. Lễ vật để dâng cúng Thần rừng gồm một cặp gà trống - mái, một con lợn đen, rượu, hương, giấy bản. Đến giờ lành, Thày cúng của bản kính cẩn dâng hương, gõ mõ bốn phương, 8 hướng và khấn mời Thần rừng về hưởng lễ vật, phù hộ, che chở, ban lộc rừng cho người dân trong xã; cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu… Sau đó, thầy cúng sẽ thực hiện các nghi lễ khác lên gốc cây cổ thụ... Ông Giàng A Châu – Người có uy tín xã Nà Hẩu cho hay: “Tín ngưỡng thờ Thần rừng của đồng bào Mông đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Ở tất cả các thôn bản của xã Nà Hẩu đều có một khu rừng cấm - rừng thiêng nằm ở địa thế đẹp nhất của thôn, nơi hội tụ đầy đủ linh khí của trời đất để thờ cúng Thần rừng với những quy định “bất khả xâm phạm. Theo quan niệm của người Mông, những cánh rừng xanh, rừng cấm, rừng thiêng gần bản là nơi chở che dân bản tránh cái gió, tránh lũ ống, lũ quét, cho dân bản sản vật để ăn, nguồn nước để uống và tưới tiêu cho đồng ruộng. Giữ cánh rừng luôn tươi tốt cũng chính là giữ cho dân bản luôn bình an, no ấm. Vì vậy không một người dân nào tự ý vào rừng phá rừng trái phép”.

Lễ cúng rừng là nghi lễ truyền thống quan trọng bậc nhất của người Mông.

Lễ Cúng rừng là nghi lễ truyền thống quan trọng bậc nhất của người Mông, để cầu mong Thần rừng sẽ mang lại cuộc sống ấm no cho dân bản, đây cũng là dịp để nhân dân trong bản lên kế hoạch cho việc bảo vệ rừng cho cả năm. Sau lễ hội Tết rừng, theo tập tục của người Mông, các thôn bản của xã Nà Hẩu đều cấm rừng 3 ngày để tạ ơn thần Rừng. Cũng trong ba ngày này, mọi người tuyệt đối thực hiện các điều kiêng kỵ đã được quy định theo luật tục đó là không đi vào rừng chặt cây xanh, không đem lá xanh từ rừng về nhà, không đào củ, bẻ măng, không đào đất, không thả rông gia súc, không phơi quần áo ngoài trời, không xay ngô, giã gạo… Đây cũng là dịp để đồng bào Mông Nà Hẩu ăn tết Rừng, đi chơi nhà thăm hỏi lẫn nhau, thắt chặt tình đoàn kết, chuẩn bị tinh thần cho một năm lao động mới với niềm tin về những điều tốt đẹp sẽ đến với mọi người, mọi nhà. Sâu xa hơn, ý nghĩa của tục cấm rừng còn nói lên ý nghĩa cảm ơn thần rừng đã che chở, nuôi sống đồng bào bao đời nay nên để thể hiện lòng biết ơn đó, con người sẽ không phá rừng mà dành thời gian cho rừng hồi sinh, nghỉ ngơi. Thầy cúng Sùng A Sềnh nói: “Theo quy ước của bản, cúng rừng xong thì cấm rừng ba ngày. Trong ba ngày đó không ai được vào rừng chặt lá xanh, đào đất, bẻ măng, lấy củi… Quy ước, hương ước của từng bản cũng quy định trong năm các hộ dân phải bảo vệ rừng thật tốt, không được chặt cây xanh trên rừng để giữ nguồn nước. Luật tục người Mông quy định, bất cứ ai vi phạm rừng cấm cũng đều bị xử phạt bằng cách đem gà, đem lợn, mời thầy cúng đến cúng tạ lỗi với Thần rừng. Không quá phức tạp như các điều luật khác, luật tục của cộng đồng người Mông ở xã Nà Hẩu đơn giản nhưng rất hiệu lực, mang lại hiệu quả cao trong công tác bảo vệ rừng. Bởi vậy, đến Nà Hẩu đâu đâu cũng thấy màu xanh ngút ngàn của những cánh rừng nguyên sinh vốn đã tồn tại cả trăm năm.”

Các nghi lễ cúng rừng của người Mông.

Với người Mông ở Nà Hẩu, việc giữ rừng giống như giữ cái nhà của mình, nên người dân ở đây ai cũng tự bảo nhau không được phá rừng làm nương rẫy, không để người lạ vào rừng. Nếu ai xâm phạm vào khu vực rừng nhận khoán, người dân sẽ nhanh chóng thông báo chính quyền xã và cán bộ Kiểm lâm can thiệp, xử lý kịp thời. Bằng ý thức và những luật tục riêng có người dân ở đây tự nhắc nhở nhau bảo vệ diện tích rừng đã nhận khoán. Đồng thời, tự giác tăng cường các hoạt động tuần tra, kiểm soát và triển khai nhiều biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng; ngăn chặn kịp thời các hành vi chặt phá, đốt rừng làm nương rẫy, khai thác vận chuyển lâm sản trái phép. Nhờ vậy mà trong nhiều năm qua, diện tích rừng nguyên sinh đặc dụng trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu được các nhóm hộ nhận khoán bảo vệ không bị tán phá, không để xảy ra cháy rừng. Những cánh rừng bạt ngàn luôn một màu xanh tốt, ý thức bảo vệ rừng của người dân được nâng lên theo hướng thân thiện với rừng và môi trường sống, tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 90%.

Được biết, với phương châm bảo vệ rừng tận gốc và xã hội hoá công tác bảo vệ rừng, Hạt Kiểm lâm Văn Yên, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu đã phối hợp với UBND xã Nà Hẩu giao khoán quản lý bảo vệ trên 3.400 ha rừng tự nhiên đặc dụng cho cộng đồng 3 thôn trên địa bàn xã. UBND xã Nà Hẩu đã giao cho các thôn thành lập 6 tổ nhóm bảo vệ rừng với sự tham gia của 200 thành viên phân bố đều ở 3 thôn trên địa bàn. Thông qua đó nâng cao vai trò, quyền lợi gắn với trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Đây là chỗ dựa vững chắc của Hạt kiểm lâm Văn Yên trong công tác bảo vệ Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, ngăn chặn các hành vi xâm hại đến rừng tự nhiên như khai thác gỗ, săn bắt động vật, phát phá rừng trái phép, phòng cháy chữa cháy rừng. Cùng với đó, UBND xã phối hợp với cán bộ Hạt Kiểm lâm Văn Yên tăng cường xuống cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhân dân; tổ chức cho bà con ký kết các quy định bảo vệ rừng gắn với phòng cháy, chữa cháy rừng; xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Mặc dù cuộc sống của đồng bào Mông Nà Hẩu còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao nhất huyện Văn Yên, nhưng không vì thế mà việc giữ rừng bị sao nhãng. Các vụ tàng trữ, vận chuyển, mua bán lâm sản, phát phá rừng trái phép kịp thời được phát hiện xử lý theo quy định của pháp luật. Những cánh rừng thiêng, rừng nguyên sinh vẫn ngút ngàn xanh và trường tồn dài lâu như tập tục “ Cúng rừng” để giữ rừng của người Mông. Đó là một nét đẹp văn hoá hết sức đáng trân trọng của những người dân sống nơi đại ngàn xanh Nà Hẩu, góp phần thiết thực vào công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng cũng như bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn sự đa dạng sinh học trên địa bàn huyện Văn Yên nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung ./.

 

Đoàn Tuấn - Thu Nhài