Sự kiện này nằm trong chuỗi các hoạt động đào tạo hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các địa phương trong tháng 7 năm 2023 thuộc khuôn khổ dự án Trung tâm Chuyển đổi số Việt Nam (DTC-VN) do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) hỗ trợ.
Mục tiêu của chương trình đào tạo là nâng cao năng lực chuyển đối số của doanh nghiệp, đưa ra các chỉ dẫn tham khảo cho DNNVV áp dụng các giải pháp công nghệ trong sản xuất, từ đó khuyến nghị lộ trình phù hợp với mục tiêu sản xuất, kinh doanh và nguồn lực hiện có của doanh nghiệp. Chương trình tập huấn hướng đến đối tượng DNNVV trong các lĩnh vực là thế mạnh của địa phương, qua đó góp phần rút ngắn khoảng cách việc thực hiện chuyển đổi số giữa các tỉnh thành để tạo cơ hội, bình đẳng theo phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong tiến trình chuyển đổi số. Chương trình đào tạo đã thu hút sự tham dự của gần 100 lãnh đạo doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động tại tỉnh Đồng Tháp.
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu: câu hỏi không còn là cần thiết hay không mà cách làm như thế nào. Các doanh nghiệp của Việt Nam cũng không thể đứng ngoài xu thế đó. Chính phủ Đức rất tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam trong việc tiếp cận các công nghệ đòn bảy cho công nghiệp 4.0 để hội nhập với thế giới và bắt kịp xu thế thời đại này.
Chương trình tập huấn đã trình diễn một loạt các bài giảng và thảo luận với các chủ đề đa dạng liên quan đến chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs).
Tham dự và phát biểu tại buổi tập huấn, Ông Nguyễn Hồng Phong - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp cho biết cho biết: “Cùng với xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan, đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng và hằng ngày. Đặc biệt, thời gian gần đây, chuyển đổi số đã trở thành một từ khóa được quan tâm hàng đầu trong cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và các tổ chức kinh tế nói chung. Theo đó, nhu cầu chuyển đổi số đã trở nên cấp thiết để các doanh nghiệp đổi mới mô hình, chuyển dần các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên các nền tảng số, tìm kiếm thêm thị trường, cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động, khả năng cạnh tranh, thích ứng với bối cảnh mới - thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
Ông Tarek Hassan – Trưởng dự án Trung tâm Chuyển đổi số Việt Nam – Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ nhận định: “Chuyển đổi số không chỉ là kết hợp công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh; mà đó là sự thay đổi toàn diện của doanh nghiệp. Điều này liên quan đến việc hình dung lại các mô hình kinh doanh, hợp lý hóa các quy trình, nâng cao trải nghiệm của khách hàng và thúc đẩy văn hóa đổi mới. Chuyển đổi số đòi hỏi sự khác biệt trong tư duy, sẵn sàng đón nhận sự thay đổi và cam kết học hỏi không ngừng.”
Mở đầu chương trình, Ông Lê Minh Chiến, đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đã trình bày tổng quan về Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ông nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc xây dựng lộ trình chuyển đổi số đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và nền kinh tế nước ta.
TS. Trần Anh Quân, Viện Công nghệ Châu Á (AIT) tại Việt Nam, trình bày về phát triển nông nghiệp trong thời đại số. Ông nhấn mạnh về nông nghiệp 4.0 và các công nghệ cốt lõi trong công nghiệp 4.0, cũng như khả năng ứng dụng vào chuỗi giá trị nông sản. Bài giảng của ông đã giúp học viên hiểu rõ hơn về sự tương quan giữa công nghệ và nông nghiệp hiện đại.
Tiếp nối phần hướng dẫn triển khai chuyển đổi số trong nông nghiệp phía trước, ông Phạm Văn Quân, đại diện Công ty Công nghệ Checkee đã trình bày về tầm quan trọng của truy xuất nguồn gốc trong nông nghiệp và hướng dẫn thực hành đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Ông Tô Đình Hiếu, đại diện Công ty DINNOX, đã chia sẻ kinh nghiệm xây dựng lộ trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp, theo Chương trình Hỗ trợ Doanh nghiệp Chuyển đổi Số giai đoạn 2021-2025 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ông đã đề cập đến những thách thức và cơ hội mà doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể gặp phải trong quá trình chuyển đổi số.
TS. Trần Quý, Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam, đã trình bày về vị trí của nông nghiệp số trong nền kinh tế số. Ông đã giới thiệu về bức tranh tổng thể về nền kinh tế số và các định hướng kinh tế số tại Việt Nam, cũng như vai trò quan trọng của nông nghiệp số trong ngành kinh tế số.
Chuyển đổi số hướng tới hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp – do TS. Phùng Văn Đông - Giám đốc Viện Công Nghệ Châu Á (AIT) tại Việt Nam và TS. Trần Anh Quân trình bày với các định hướng về: chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị, tận dụng hiệu ứng mạng lưới đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), các giải pháp nhằm gia tăng giá trị trong sản xuất kinh doanh. Cũng trong chương trình này, TS. Đông đã chia sẽ các giải pháp về “Nâng cao sức chống chịu của doanh nghiệp trong thời đại số”, giúp doanh nghiệp nhận thức được các bước vận hành để doanh nghiệp phát triển bền vững.
“Đưa nông sản Việt Nam lên sàn thương mại điện tử” là chủ đề mà Bà Trần Hà Uyên Thi - trường Đại học Kinh tế Huế, và “Chuyển đổi xanh và nông nghiệp bền vững” đến từ Ông Vũ Tuấn Anh – Dr. SME là những phương pháp hỗ trợ việc đưa nông sản ra thị trường hiệu quả
Chương trình tập huấn đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa hiểu rõ hơn về quy trình chuyển đổi số và tầm quan trọng của nó trong thời đại Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Đồng thời, các chuyên gia đã chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm giúp các doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội và đối mặt với thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp hiện đại.
Văn Lịch- Phúc Hậu- Minh Nhựt