24/12/2024 lúc 19:24 (GMT+7)
Breaking News

Tăng trưởng kinh tế cần "bắt mạch, kê đơn"

VNHN - Nông nghiệp phụ thuộc vào thiên tai, dịch bệnh; dịch vụ chủ yếu thấp cấp “buôn thúng bán mẹt”, trong khi công nghiệp gia công, lắp ráp… đi kèm những tác động bất lợi từ xu hướng bảo hộ thương mại, suy giảm kinh tế toàn cầu sẽ là những nhân tố khiến tăng trưởng kinh tế Việt Nam đối mặt nhiều rủi ro.

VNHN - Nông nghiệp phụ thuộc vào thiên tai, dịch bệnh; dịch vụ chủ yếu thấp cấp “buôn thúng bán mẹt”, trong khi công nghiệp gia công, lắp ráp… đi kèm những tác động bất lợi từ xu hướng bảo hộ thương mại, suy giảm kinh tế toàn cầu sẽ là những nhân tố khiến tăng trưởng kinh tế Việt Nam đối mặt nhiều rủi ro.

Theo TS. Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), giải pháp hữu hiệu nhất đối phó với những rủi ro trên là phải “bắt đúng bệnh, kê đơn đúng thuốc”.

Tiềm ẩn nhiều thách thức

Tại buổi công bố Báo cáo tổng quan kinh tế giữa kỳ 2019 sáng 11/7, ông Đặng Đức Anh, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế – xã hội quốc gia (NCIF), đánh giá 6 tháng đầu năm nay, trong bối cảnh thương mại, đầu tư toàn cầu không khả quan như dự báo, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại với nhiều yếu tố rủi ro gia tăng, đáng chú ý là căng thẳng giữa các nền kinh tế lớn, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn đạt nhiều kết quả tích cực.

Tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt 6,76%, tuy thấp hơn cùng kỳ năm 2018 (7,05%) nhưng vẫn là mức cao so với cùng kỳ các năm từ 2011 đến 2017.

Lạm phát trong tầm kiểm soát, với CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2019 chỉ tăng 2,64%, mức thấp nhất trong 3 năm trở lại đây; lãi suất liên ngân hàng có xu hướng giảm ở hầu hết các kỳ hạn; tăng trưởng tín dụng thấp…

Tuy nhiên, đằng sau những kết quả đạt được là nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, ngành nông nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng, xuất khẩu (XK) nông sản chịu áp lực cạnh tranh lớn và sự gia tăng các rào cản thương mại, nhất là từ thị trường Trung Quốc, trong khi đây là mặt hàng khó dịch chuyển thị trường.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng chậm lại (ở mức 11,18%, thấp hơn so với 12,87% của cùng kỳ năm 2018) do sức cầu đối với mặt hàng điện tử, điện thoại giảm sút.

Giải ngân vốn đầu tư công, cổ phần hóa và thoái vốn ở các doanh nghiệp (DN) nhà nước tại nhiều địa phương còn chậm. Nguy cơ lạm phát vẫn hiện hữu do tác động xu hướng tăng giá dầu thô trên thị trường quốc tế và việc thực hiện lộ trình tăng giá đối với một số mặt hàng thiết yếu.

Cùng với đó, những tháng còn lại của năm 2019, một số yếu tố có thể tác động tích cực và tiêu cực đến kinh tế Việt Nam như việc phá giá đồng NDT của Trung Quốc – đối tác thương mại lớn của Việt Nam, diễn biến của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, sự căng thẳng giữa Mỹ và Iran trong vấn đề dầu mỏ.

Phân tích điểm nghẽn của tăng trưởng cần phải xử lý, Ts. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng cần làm rõ hơn vai trò DN FDI đối với tăng trưởng. Năm nay, mức độ ảnh hưởng của Samsung đối với tăng trưởng có giảm đi nhưng thay vào đó là Formosa.

Hay câu chuyện giải ngân vốn đầu tư công từ ngân sách trung ương chậm. “Ngày xưa lo chạy dự án không được, giờ có tiền lại không dám tiêu. Giải pháp thế nào để tiếp tục khơi thông dòng vốn này”, ông Sang nêu vấn đề.

Ngoài ra, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung có những diễn biến khó lường, đặc biệt nếu phía Mỹ áp trừng phạt thuế với Việt Nam do nghi ngờ “tiếp tay” cho hàng Trung Quốc sẽ tác động cực kỳ xấu tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Riêng về Hiệp định EVFTA, những yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm với hàng rào kỹ thuật sẽ ngày càng cao, để tăng được XK, Nhà nước phải hỗ trợ thông tin về thị trường, về rào cản kỹ thuật cho DN.

Trong khi đó, DN phải xác định vào một thị trường rộng lớn nhưng điều kiện rất khắt khe. Nếu DN không chuẩn bị điều này, cơ hội sẽ biến thành thách thức. DN cũng cần thay đổi cách quản trị, mở rộng liên doanh, liên kết. Quản trị theo hướng mô hình gia đình sẽ hạn chế luồng vốn đầu tư.

Tìm giải pháp đồng bộ

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế dịch vụ (Bộ KH&ĐT), cũng bày tỏ lo ngại chiến tranh thương mại Mỹ – Trung khiến Việt Nam có thể trở thành nơi trung chuyển hàng hóa, hàng hóa Trung Quốc đội lốt đi vào Việt Nam, nếu xử lý không tốt sẽ dẫn đến kiện tụng, ảnh hưởng xấu tới XK của Việt Nam.

Theo TS. Lê Xuân Bá, trong 6 tháng tới, vấn đề cần quan tâm là chất lượng tăng trưởng. Việt Nam hướng tới tăng trưởng nhanh và bền vững, đã theo mô hình này thì không nên tăng trưởng bằng mọi giá, mà cần có chiến lược và tầm nhìn dài hạn.

Hiện nay, nông nghiệp phụ thuộc vào thiên nhiên, dịch bệnh nên mất mùa thường xuyên. Dịch vụ chủ yếu thấp cấp “buôn thúng bán mẹt”, trong khi dịch vụ cao cấp chậm phát triển.

Đến nay, tăng trưởng luôn trông chờ công nghiệp nhưng điều đáng buồn là công nghiệp chế biến, chế tạo Việt Nam kém phát triển, chủ yếu gia công, lắp ráp. Việt Nam bán nguyên liệu thô, nhập sản phẩm tinh về.

Bên cạnh đó, theo ông Bá, cứ nói là tăng trưởng XK ở mức cao nhưng khu vực nào đang chi phối, DN Việt Nam được mấy đồng trong con số XK trên hay phần lớn giá trị gia tăng nằm ở khu vực DN FDI?

Nhìn rộng ra, một thời kỳ Việt Nam rộ lên tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng nhưng giờ có vẻ nguội đi. Không chỉ công nghiệp, nông nghiệp cũng là gia công (giống, thức ăn chăn nuôi phụ thuộc nhập khẩu), chủ yếu XK sản phẩm thô.

Điều này cho thấy nếu như không tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, kinh tế Việt Nam sẽ không thể bứt phá và phát triển bền vững.

Muốn làm được việc này, ông Bá cho rằng phải chấp nhận trả giá để tăng trưởng bền vững như cương quyết đóng cửa với những DN có công nghệ lạc hậu, dù trước mắt có thể sụt giảm nguồn thu về ngân sách.

Ngoài ra, Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng nhưng “vàng về số lượng mà không vàng về chất lượng”. Phần lớn lao động Việt Nam không có trình độ kỹ thuật, chưa qua đào tạo. Nếu chỉ dựa vào số lao động này, không biết nền kinh tế sẽ đi đến đâu. Do vậy, đào tạo nhân lực cần phải được đặt lên hàng đầu.

“Giải pháp là phải chỉ rõ nguyên nhân khiến nền kinh tế Việt Nam còn nhiều khiếm khuyết – bắt đúng bệnh, kê đơn đúng thuốc”, ông Bá nói.

NCIF dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2019 ở mức 6,86% vượt mục tiêu kế hoạch (6,6 – 6,8%). Để đạt được mục tiêu này, Nhà nước cần tăng cường biện pháp nhằm chống gian lận thương mại, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng nhằm duy trì ổn định tỷ giá, lãi suất, hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Đồng thời thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư nước ngoài và đầu tư tư nhân để bù đắp sự sụt giảm của khu vực chế biến, chế tạo.

Đặc biệt, việc Chính phủ tiếp tục tập trung tiến trình cải thiện môi trường đầu tư, cũng như tận dụng những cơ hội của hội nhập quốc tế (nhất là trong điều kiện Hiệp định CPTPP bắt đầu có hiệu lực thực thi với Việt Nam từ năm 2019 và Hiệp định EVFTA dự kiến chính thức có hiệu lực vào cuối năm 2019) sẽ là các yếu tố quan trọng quyết định cục diện kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm cũng như cả năm 2019.