Cơ cấu lại nền kinh tế để đáp ứng nhu cầu phát triển, phù hợp với bối cảnh tình hình mới là điều cần thiết. Đặc biệt với “cú sốc” đại dịch Covid-19 hai năm nay, yêu cầu cơ cấu lại nền kinh tế gắn với cơ cấu lại lao động càng trở nên cấp thiết và cần được đẩy nhanh.
1. Tình hình cơ cấu lao động Việt Nam hiện nay
Theo Tổng cục Thống kê về tình hình lao động, việc làm Việt Nam, lực lượng lao động năm 2021 đạt 50,5 triệu người, giảm 791,6 nghìn người so với năm 2020. Lao động có việc làm là 49 triệu người, giảm 1 triệu người. Trong đó, giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn và ở nam giới. Năm 2021, tình hình đại dịch Covid-19 kéo dài và phức tạp hơn đã khiến cho hàng triệu người mất việc, lao động trong các ngành tiếp tục giảm, đặc biệt là khu vực dịch vụ. Lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng là 16,3 triệu người (chiếm 33,2%), giảm 254,2 nghìn người; khu vực dịch vụ là 18,6 triệu người (chiếm 37,9%), giảm 800,8 nghìn người; khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản là 14,2 triệu người (chiếm 28,9%), tăng 37,3 nghìn người. Số lao động có việc làm chính thức và phi chính thức đều giảm, cụ thể, lao động có việc làm chính thức là 15,4 triệu người, giảm 469,8 nghìn người so với năm 2020; lao động có việc làm phi chính thức là 19,8 triệu người, giảm 628 nghìn người(1).
Số người thiếu việc làm năm 2021 là hơn 1,4 triệu người, tăng 370,8 nghìn người so với năm 2020. Tỷ lệ thiếu việc làm là 3,10%, tăng 0,71 điểm phần trăm. Tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn. Điều này trái với xu hướng thị trường lao động thường được quan sát ở nước ta với tình trạng thiếu việc làm ở khu vực nông thôn cao hơn thành thị. Số người thất nghiệp năm 2021 là hơn 1,4 triệu người, tăng 203,7 nghìn người so với năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị là 4,42%, cao hơn 1,94 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (15-24 tuổi) là 8,48%, tăng 0,52 điểm phần trăm so với năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 11,91%, tăng 1,33 điểm phần trăm so với năm trước...(2).
Theo báo cáo của Chính phủ tháng 11-2021, hiệu suất về sử dụng lao động giai đoạn vừa qua có cải thiện; năng suất lao động có tốc độ tăng đạt kế hoạch nhưng giá trị tuyệt đối không cao. Thị trường lao động nhìn chung vẫn là một thị trường dư thừa nhân lực; chất lượng việc làm chưa cao; phát triển không đồng đều, mất cân đối nghiêm trọng về cung - cầu lao động giữa các vùng, khu vực, ngành nghề kinh tế. Các định chế trung gian, chính sách an sinh và bảo hiểm của thị trường lao động còn yếu, độ bao phủ thấp, chưa đạt hiệu quả cao. Cơ cấu lao động đã qua đào tạo vừa thấp, vừa chưa phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 67%, nhưng tỷ lệ đào tạo sơ cấp chiếm tỷ trọng cao; chỉ 26,1% có bằng cấp, chứng chỉ(3). Bên cạnh đó, lao động phi chính thức, lao động phổ thông vẫn chiếm chủ yếu, đây là khu vực được đánh giá yếu nhất về kỹ năng nghề.
Phân bổ lao động theo khu vực địa lý không đồng đều, còn bất hợp lý giữa các vùng. Lực lượng lao động tập trung đông nhất ở khu vực đồng bằng sông Hồng, thứ hai là Bắc Trung Bộ, thứ ba là duyên hải miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long. Trong khi đó, theo CIEM, vùng đất rộng có tỷ trọng lao động thấp là trung du miền núi phía Bắc chiếm 13,87% lực lượng lao động và Tây Nguyên chiếm 6,25% lực lượng lao động. Vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ lại thiếu hụt lớn, thường thiếu 10% - 20% lao động so với nhu cầu tuyển dụng thực tế(4).
Xem xét theo hai khu vực thành thị và nông thôn, cơ cấu lao động cũng có sự chênh lệch lớn, khi gần 70% lực lượng lao động vẫn tập trung chủ yếu ở nông thôn. Con số này có xu hướng giảm qua các năm nhưng vẫn ở mức cao.
Tình hình chuyển dịch cơ cấu lao động trên thị trường còn chậm, không theo kịp chuyển dịch cơ cấu kinh tế và vẫn còn tình trạng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ giữa các vùng, các khu vực, ngành nghề kinh tế.
Theo Phòng Thương mại Việt Nam (VCCI), kết quả điều tra về dân số và lao động từ năm 2015 đến 2019, tỷ lệ lao động giản đơn chiếm vị trí cao nhất. Năm 2019, có 35% lao động đang làm việc trong khu vực “nghề đơn giản”, giảm 4% so với năm 2015; lao động nhóm ngành dịch vụ là 18%, tăng 1% so với năm 2015; nhóm thợ thủ công và thợ khác tăng từ 12% năm 2015 lên 14% năm 2019; thợ lắp ráp máy móc, thiết bị tăng từ 9% năm 2015 lên 12% năm 2019. Nhóm nghề truyền thống nông, lâm nghiệp chỉ còn chiếm 1/5 tỷ trọng cơ cấu lao động Việt Nam và giảm 3% từ năm 2015 đến 2019. Trong khi đó, nhóm lao động thuộc khu vực chuyên môn kỹ thuật bậc cao chiếm 8%, cao hơn 1% so với khu vực nông, lâm, thủy sản năm 2019. Các ngành chuyên môn kỹ thuật bậc trung, nhân viên và nhà lãnh đạo lần lượt chiếm 3%, 2% và 1% trong cơ cấu lao động(5).
Số liệu về lao động từ năm 2015 đến 2019 phản ánh xu hướng chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp trong trạng thái bình thường ở Việt Nam, theo 2 xu hướng: thứ nhất, sự chuyển đổi từ nhóm nghề giản đơn sang nghề nghiệp đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật. Thứ hai, tỷ trọng lao động làm việc trong những khu vực ngành nghề truyền thống như nông, lâm, ngư nghiệp giảm, nhường chỗ cho các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Cụ thể: lao động làm nông, lâm, ngư nghiệp giảm mạnh 26%, từ 5,3 triệu lao động năm 2015 xuống 4 triệu lao động năm 2019. Thay vào đó, nhóm lao động chuyên môn kỹ thuật có sự tăng mạnh. Năm 2019, lao động thuộc nghề đòi hỏi “chuyên môn kỹ thuật cao” và “thợ thủ công và các thợ khác có liên quan” tăng hơn 1/5 so với năm 2015; riêng “thợ lắp ráp và vận hành máy móc thiết bị” tăng hơn 2/5 ở mức 43%, từ 4,6 triệu lao động năm 2015 lên 6,6 triệu lao động(6).
Như vậy, xét cả yếu tố về cơ cấu lao động và yếu tố bối cảnh dịch bệnh, thị trường lao động Việt Nam đang có rất nhiều bất lợi, khó có thể đáp ứng mục tiêu CNH, HĐH đất nước trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay.
2. Phương hướng tái cơ cấu thị trường lao động
Ngày 5-02-2021, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 176/QĐ-TTg về việc ban hành “Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030” nhằm tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng và phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường lao động, góp phần huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, bảo đảm kết nối thị trường lao động trong nước với thị trường lao động của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Chương trình đặt ra mục tiêu duy trì tỷ lệ thất nghiệp chung ở mức thấp, dưới 3%(7). Nhà nước sẽ giữ vai trò kiến tạo và hỗ trợ phát triển thị trường lao động thông qua việc hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cơ chế, chính sách, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phát triển thị trường lao động, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để hạn chế những rủi ro liên quan đến quyền lợi của người lao động trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đồng thời, chủ động hội nhập quốc tế, đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động trong nước gắn với thị trường lao động quốc tế.
Cùng với đó, Nhà nước hỗ trợ phát triển thị trường lao động, bao gồm: hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật đồng bộ, thống nhất để thị trường lao động phát triển theo hướng hiện đại; hỗ trợ phát triển cung - cầu lao động; hỗ trợ phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động; hỗ trợ phát triển lưới an sinh và bảo hiểm; hỗ trợ kết nối thị trường lao động trong và ngoài nước, phát triển các thị trường lao động đặc thù; nâng cao hiệu quả tổ chức, vận hành thị trường lao động. Trong đó, việc phát triển lưới an sinh và bảo hiểm được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Chương trình.
Việc cơ cấu lại thị trường lao động, cần thực hiện đồng bộ nhiều chính sách và giải pháp. Ba phương hướng chính là:
Thứ nhất, phân bổ lại lực lượng lao động theo khu vực địa lý, giữa các vùng miền; giữa các vùng kinh tế trọng điểm với các tỉnh thành khác, tránh dồn quá đông lực lượng lao động vào một số khu vực. Điều này sẽ góp phần giảm tải hạ tầng, nhà ở, không gian sinh hoạt, thiết chế sinh hoạt văn hóa cho công nhân; an ninh trật tự, vấn đề môi trường; điều kiện chăm sóc y tế, giáo dục con cái người lao động... Đặc biệt, tránh được hiện tượng di cư, nhập cư, tản cư ồ ạt, khó kiểm soát, như đợt dịch Covid-19 lần thứ tư vừa qua. Với hơn 1,3 triệu người di chuyển về quê, quan hệ cung - cầu lao động bị mất cân đối cục bộ. Các tỉnh, thành trọng điểm như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An thiết hụt lao động trầm trọng, trong khi một số tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh lại dôi dư lao động đột biến, thị trường việc làm không thể hấp thụ, dẫn đến tình trạng thất nghiệp.
Thứ hai, cơ cấu lại lĩnh vực đầu tư, phát triển. Về bản chất, đây là việc đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng cơ cấu lại các ngành sản xuất, dịch vụ phù hợp với các vùng; thúc đẩy cơ cấu lại và điều chỉnh chiến lược phát triển doanh nghiệp; tăng nhanh giá trị nội địa, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp.
Điều này xuất phát từ thực tế trong thời gian qua, một số tỉnh thành xác định phương hướng đầu tư phát triển dựa nhiều vào những ưu thế, lợi thế do điều kiện tự nhiên hoặc dựa vào các đặc điểm, thói quen, ngành nghề truyền thống sở tại, nhưng không có chiến lược cân đối, phòng ngừa rủi ro. Khi có biến động thị trường, hàng hóa bị đình trệ, sức tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ chậm, dẫn đến dư thừa, mất cân đối cung - cầu, đóng băng thị trường, có nguy cơ dẫn đến khủng hoảng. Đặc biệt, khi dịch bệnh bùng phát và kéo dài như 2 năm qua, nhiều ngành kinh tế lâm vào bế tắc, như lĩnh vực du lịch - lữ hành, giao thông vận tải, dịch vụ bán lẻ, dịch vụ ăn uống...
Do đó, cần có chiến lược đầu tư phát triển cân đối theo hướng có trọng điểm, nhưng khuyến khích phát triển đa ngành nghề, đa lĩnh vực, để vừa tranh thủ thu hút thêm vốn đầu tư, vừa phân bổ được lực lượng lao động, vừa có sự đón đầu xu hướng chuyển dịch sản xuất, khoa học công nghệ, vừa phòng tránh rủi ro...
Thứ ba, cơ cấu đào tạo theo ngành nghề bằng cách phân bổ cân đối giữa các cấp, các loại hình. Cần khắc phục tình trạng đào tạo không theo nhu cầu của thị trường, hay tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”. Trong thời gian qua, tình hình lao động các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ giảm mạnh, ngược lại, lao động ngành nông nghiệp lại có xu hướng tăng. Cơ cấu việc làm bị thay đổi đột ngột, dẫn đến dư thừa lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản và giảm việc làm trong khu vực công nghiệp và dịch vụ. Cụ thể, số lượng lao động có việc làm quý III năm 2021 là 47,2 triệu người, giảm gần 2,6 triệu người so với quý trước, trong đó, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 14,5 triệu người, tăng 673.100 người; ngành công nghiệp và xây dựng là 15,7 triệu người, giảm 952.500 người; ngành dịch vụ là 17,1 triệu người, giảm 2,3 triệu người. Ngoài ra, số lao động khu vực chính thức giảm, lan rộng sang cả khu vực phi chính thức.
Xét theo ngành, thiếu hụt lao động diễn ra theo hai nhóm. Thứ nhất, nhóm công nghệ kỹ thuật cao như điện tử (thiếu 55,6%), sản xuất thiết bị điện (thiếu 44,5%). Thứ hai, nhóm ngành thâm dụng lao động nhưng chủ yếu là lao động thủ công, như da giày (thiếu 51,7%), may (thiếu 49,2%), dệt (thiếu 39,5%)(8)... Do vậy, việc xây dựng chiến lược đào tạo và đào tạo nghề cần được gắn chặt với nhu cầu thị trường.
3. Giải pháp và trách nhiệm của các bên liên quan
Một là, cần xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường lao động
Sự linh hoạt, năng động và hiệu quả của thị trường lao động không chỉ dựa trên số lượng lao động cơ học đơn thuần. Trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, giá trị của thị trường lao động còn được thúc đẩy dựa trên sự liên kết, việc khai thác mạng lưới liên kết phục vụ cho việc kết nối cung - cầu, hình thành trị trường số về lao động - việc làm, hoặc hướng đến việc nghiên cứu, nắm bắt thói quen, nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng... Dữ liệu lớn (Big Data), cùng với kết nối vạn vật (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI) chính là ba trụ cột cơ bản của kỷ nguyên kinh tế số mà Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Cần phải có một hệ thống cơ sở dữ liệu bao quát, tin cậy và cập nhật về lao động, việc làm để kết nối, chia sẻ và khai thác. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở dữ liệu này còn có giá trị chủ động trong dự báo và xây dựng các kịch bản ứng phó trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn cho thị trường lao động. Do đó, cần đẩy nhanh tiến độ kết nối liên thông thị trường lao động, thậm chí cần sớm hơn Quyết định 176/QĐ-TTg về Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030. Bởi theo Quyết định này, việc kết nối liên thông cơ sở dữ liệu chỉ có thể thực hiện từ năm 2026 trở đi. Điều này là khá chậm so với sự vận hành, chuyển dịch của thị trường lao động.
Hai là, thiết lập cơ chế phối hợp
Sự phối hợp trách nhiệm, nhịp nhàng và tin cậy giữa các cơ quan nhà nước trong việc thiết kế, phân bổ, vận hành và điều tiết thị trường lao động. Thí dụ, việc xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường lao động cần được triển khai nhanh chóng, đồng bộ và nhịp nhàng giữa các ban, bộ, ngành, theo cả bốn cấp hành chính từ Trung ương xuống địa phương. Đặc biệt, cần đặt dưới sự chỉ huy, điều tiết của một ban cố vấn hoặc ban chuyên môn, do Thủ tướng, hoặc Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì.
Ba là, triển khai thực hiện chính sách, pháp luật đồng bộ, thống nhất để thị trường lao động phát triển theo hướng hiện đại
Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 5-2-2021 đã quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, cần có chính sách hỗ trợ cũng như định hướng tốt cho việc phát triển thị trường lao động đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Cụ thể là cần rà soát, đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về cung - cầu lao động, kết nối cung - cầu lao động để phù hợp với quy luật của thị trường và với lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch của Trung ương, của tỉnh hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động cho các nhóm lao động đặc thù (người khuyết tật; người lao động dân tộc thiểu số; lao động khu vực nông thôn; học sinh, sinh viên mới tốt nghiệp các trường đại học và hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp).
Bốn là, hỗ trợ phát triển cung - cầu lao động
Cần xây dựng và cung cấp các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề trước khi đi làm cho sinh viên mới tốt nghiệp; các chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng lao động trong quá trình làm việc phù hợp với tính chất đặc thù của từng đối tượng lao động. Khuyến khích người sử dụng lao động tham gia vào quá trình giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp; nâng cao năng lực, hiệu quả các công cụ giám sát, đánh giá, công nhận kỹ năng nghề theo tiêu chuẩn quốc gia để người lao động được đánh giá và công nhận, phản ánh đúng năng lực làm việc thực tế. Xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng lao động dựa trên các tiêu chuẩn kỹ năng nghề, ứng dụng khoa học công nghệ số; xây dựng chính sách hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho các nhóm lao động đặc thù. Khuyến khích tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số ngắn hạn theo hình thức thường xuyên, linh hoạt cho người lao động. Rà soát, đơn giản hóa thủ tục và tạo điều kiện thuận lợi để chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp; có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong thu, nộp và hoàn thuế để nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ cho các doanh nghiệp được chuyển đổi từ hộ kinh doanh.
Năm là, khuyến khích doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động tham gia vào quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp
Trong đó, nội dung đào tạo gắn liền với thực tiễn, đào tạo theo vị trí việc làm, theo nhu cầu thị trường lao động, đồng thời doanh nghiệp sẽ tham gia vào chương trình đào tạo và giám sát quá trình đào tạo.
Sáu là, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ bảo trợ cho người lao động
Cụ thể là tiếp cận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp nhằm bảo đảm đời sống cho người lao động. Đặc biệt, cần tăng cường vai trò và hoạt động của Công đoàn Việt Nam cũng như các hội nghề nghiệp, để phát triển thành viên, kết nối, chia sẻ trao đổi thông tin giữa người lao động trong cùng lĩnh vực, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi cho lao động. Đồng thời, các cơ quan liên quan cần xây dựng cơ chế cung cấp thông tin và dịch vụ tư vấn pháp lý cho người lao động tham vấn khi cần thiết; đa dạng hóa các gói dịch vụ an sinh xã hội, cung cấp cho người lao động về hình thức, phương thức, mức đóng góp và mức được hưởng; đơn giản hóa thủ tục hành chính và xây dựng cơ chế cung cấp các hỗ trợ hành chính và pháp lý cần thiết cho người lao động tham gia các chương trình an sinh tự nguyện. Đây cũng chính là yêu cầu nhiệm vụ mà “Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030” của Chính phủ đã đặt ra.
_________________
(1), (2) Tổng cục Thống kê: Thông cáo báo chí Tình hình lao động việc làm quý IV và cả năm 2021, www.gso.gov.vn, 29-12-2021.
(3) Quốc hội: Nghị quyết số 31/2021/QH15 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, https://quochoi.vn/, 12-11-2021.
(4) Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM): Hội thảo Phát triển thị trường lao động nhằm thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế ở Việt Nam, Hà Nội, 26-4-2021.
(5), (6) Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh: Những chuyển dịch trong cơ cấu lao động (trích kết quả Điều tra về dân số và lao động năm 2015 - 2019 của Tổng cục Thống kê), https://vcci-hcm.org.vn/, 6-12-2020.
(7) Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 176/QĐ-TTg ban hành “Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030”, Hà Nội, 5-02-2021.
(8) Tổng cục Thống kê: Thông cáo báo chí Tình hình lao động việc làm quý III và 9 tháng năm 2021, https://www.gso.gov.vn.
ThS NGỌ DUY HIỂU
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
TS NHẠC PHAN LINH
Viện Công nhân và Công đoàn