VNHNO - Cũng như nhiều bộ ngành khác, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Xây dựng trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt trong năm 2018 là thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN); trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa.
Ảnh minh hoạ
Trong quá trình tái cơ cấu, sắp xếp lại hoạt động, các doanh nghiệp trong ngành đã tập trung vào mũi nhọn và thế mạnh đặc thù. Do đó, lực lượng thi công cầu đường, công trình ngầm của các doanh nghiệp xây dựng đã có sự phát triển vượt bậc về trình độ công nghệ tiên tiến, hiện đại cũng như cải thiện năng suất lao động.
Đến nay, các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam đã làm chủ công nghệ thiết kế, thi công xây dựng những công trình cao tầng, công trình nhịp lớn, công trình ngầm, công trình trên nền địa chất phức tạp.
Các doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng hoặc nhận thầu xây dựng ở hầu hết các công trình trọng điểm nhà nước, các công trình xây dựng quan trọng của quốc gia, của các bộ, ngành và địa phương cũng như nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam hoặc của Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.
Đến nay, các doanh nghiệp trong ngành đã có đủ năng lực đảm nhiệm việc thiết kế, thi công nhiều công trình quy mô lớn, phức tạp ngang tầm khu vực; sản xuất được các loại vật liệu xây dựng chủ yếu có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xây dựng trong nước và xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới.
Có thể điểm lại dấu ấn của các doanh nghiệp ngành xây dựng ở hầu hết các công trình lớn, trọng điểm của đất nước như: Khu công nghiệp Dung Quất, Nhà máy Thuỷ điện Sơn La, Nhà máy Thủy điện Lai Châu, Khí điện đạm Cà Mau, Trung tâm Hội nghị quốc gia, công trình Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình (mới)... Năng lực quản lý, kể cả quản lý hợp đồng tổng thầu EPC, quản lý đầu tư theo hình thức BOT, BT, BOO các công trình xây dựng có tiến bộ vượt bậc.
Chặng đường hiện nay, tái cơ cấu doanh nghiệp và cổ phần hóa được xem như một đòi hỏi tất yếu. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, giai đoạn vừa qua, Bộ Xây dựng đã nghiêm túc, quyết liệt triển khai thực hiện sắp xếp, tái cơ cấu DNNN, doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu và đạt được những kết quả quan trọng. Thực tế cũng ghi nhận khi chuyển sang hoạt động theo mô hình mới, nhiều đơn vị đã phát huy được sức mạnh riêng của mình.
Đáng chú ý, thời gian qua, Bộ Xây dựng đã hoàn thành cổ phần hóa và chuyển 2 Tổng công ty Sông Đà và Idico sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Tổng số thu từ cổ phần hóa 2 đơn vị này là 4.601,60 tỷ đồng; trong đó đã nộp về ngân sách nhà nước 4.082,60 tỷ đồng.
Thành công của Idico khi thoái vốn được dẫn chứng như một điển hình bởi thời điểm năm 2010, doanh nghiệp này còn trong tình trạng thua lỗ; nguồn vốn đối chiếu chỉ khoảng 103 tỷ đồng và gần như mất hết. Thế nhưng, trong vòng 15 năm sau, Idico đã phát triển thành cả hệ thống sau khi thoái bớt phần đã thu lợi về cho nhà nước.
Chủ tịch HĐQT Idico Ninh Mạnh Hồng chia sẻ, chủ trương giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp này xuống còn 36% đã rất đúng hướng, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Theo lộ trình, Idico sẽ hoàn tất việc thoái toàn bộ vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong năm 2018.
Cùng lộ trình đó, Bộ Xây dựng cũng đã hoàn thành thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng - CTCP, nộp về ngân sách nhà nước 538,55 tỷ đồng. Cùng đó là hàng loạt Tổng công ty khác như: Viglacera - CTCP, VNCC (Tư vấn xây dựng Việt Nam), Xây dựng Hà Nội (Hancorp), Vật liệu xây dựng số 1 (FiCO), Lilama (Lắp máy Việt Nam), Xây dựng số 1 (CC1), Đầu tư Nước và Môi trường Việt Nam (Viwaseen), Coma (Cơ khí Xây dựng), Sông Hồng cũng đang thực hiện thoái vốn theo kế hoạch được phê duyệt.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà bày tỏ quan điểm, tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN phải nâng cao được năng lực quản lý, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; phát triển được những ngành nghề truyền thống, cốt lõi trong ngành theo hướng xây dựng các sản phẩm, dịch vụ mũi nhọn có tính chuyên môn hóa, chuyên biệt hóa cao.
Cùng đó, lợi ích nhà nước, lợi ích doanh nghiệp phải được tối đa hóa và đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động; bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững của doanh nghiệp, bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước trong và sau cổ phần hóa.
Thêm một yếu tố rất quan trọng khác là tái cơ cấu, cổ phần hóa phải bảo đảm thực hiện đúng quy định pháp luật; chống tham nhũng, thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp đặc biệt trong cổ phần hóa và thoái vốn - Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh.
Câu chuyện tái cơ cấu xi măng Hạ Long và Sông Thao tại Vicem được Bộ trưởng Phạm Hồng Hà dẫn chứng như một ví dụ điển hình với sự đánh giá cao của các bộ, ngành liên quan. Đặc biệt, Vicem không chỉ thực hiện tốt mà còn chứng tỏ bản lĩnh, khả năng, sức mạnh của mình khi nhận về và tái cơ cấu thành công hai nhà máy xi măng đang gặp quá nhiều khó khăn, mất khả năng tài chính.
Bởi vậy, thời gian tới, quá trình tái cơ cấu Vicem trước khi cổ phần hóa được Bộ Xây dựng yêu cầu phân biệt rõ giữa tái cơ cấu và cổ phần hóa. Tái cơ cấu mục tiêu là phát triển ổn định, lành mạnh bền vững, hiệu quả. Còn cổ phần hóa là một trong những biện pháp trong đổi mới, tái cơ cấu DNNN.
Vicem là doanh nghiệp có mức vốn, giá trị doanh nghiệp cao, theo tính toán có thể từ 1,5 đến 2 tỷ USD, thậm chí khi vốn hóa thị trường có thể đạt cao hơn nữa. Bởi vậy, khi tái cơ cấu là để nâng cao giá trị trên thị trường, thu hút được nhà đầu tư chiến lược và có điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Bộ Xây dựng chủ trương thực hiện thoái vốn một cách linh hoạt; khuyến khích các Tổng công ty thực hiện thoái vốn, không hạn chế tỷ lệ theo mức tối thiểu quy định tại Quyết định 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Xét chung về mục tiêu thoái vốn cho cả giai đoạn 2017 - 2020, Bộ Xây dựng sẽ đảm bảo hoàn thành mục tiêu Thủ tướng giao theo cả giai đoạn.
Do đó, năm 2018 sẽ là năm cao điểm, đẩy mạnh thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu. Quan điểm của Bộ Xây dựng khi thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp là thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN./.