27/07/2024 lúc 17:14 (GMT+7)
Breaking News

Tác động của chuyển đổi số đối với việc xây dựng văn hóa công vụ ở nước ta trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng

Kinh tế tri thức bắt đầu được đề cập đến từ những năm 60 của thế kỷ XX, dựa vào tri thức mà chủ yếu là khoa học và công nghệ cao để phát triển. Hơn nửa thế kỷ sau, thuật ngữ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mới được thế giới đề cập đến. Xuất hiện từ 2011 trong một văn kiện của Chính phủ Đức nhưng mãi tới năm 2016, nội hàm của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mới được nhận diện một cách tương đối đầy đủ.

Đó là cuộc cách mạng với những đột phá mới mẻ như: trí tuệ nhân tạo, công nghệ nano, máy tính lượng tử, công nghệ sinh học, Internet kết nối vạn vật, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, in 3D, robot… Xét từ một góc độ nào đó, có thể nói cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư chính là cuộc cách mạng số. Đây là một trong những điểm rất cơ bản để phân biệt cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với 3 cuộc Cách mạng công nghiệp trước đây. Kể từ khi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện hữu trong đời sống, thế giới bắt đầu nói nhiều đến công nghệ số, chuyển đổi số và như một tất yếu, chuyển đổi số trở thành một làn sóng mạnh mẽ, lan truyền tới mọi quốc gia, kể cả các nước phát triển, đang phát triển, thậm chí là những nước còn nghèo, chậm phát triển.

So với tin học hóa, chuyển đổi số là một sự phát triển đột phá có tính lịch sử nhờ sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ số, trong đó có cơ sở dữ liệu lớn (Big Data), chuỗi khối (Blockchain), trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence), các công nghệ tài chính mới (Fin Tech), Internet kết nối vạn vật (Internet of Things), điện toán đám mây (Cloud computing) v.v...

Vậy chuyển đổi số là gì? Tuy cũng còn nhiều cách hiểu khác nhau, song tựu chung có thể hiểu chuyển đổi số là một quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện về phương thức quản lý xã hội, phương thức sinh hoạt, phương thức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của con người, của xã hội dựa trên các công nghệ số. Do vậy, có thể coi quá trình chuyển đổi số là bước phát triển vượt bậc có tính đột phá của tin học hóa, đưa lại những hiệu quả về kinh tế - xã hội, hiệu quả trong quản lý nhà nước chưa từng có. Ở mỗi một lĩnh vực của cuộc sống, chuyển đổi số có thể mang lại những giá trị, hiệu quả khác nhau và chúng ta có thể lượng hóa được bằng những con số. Để phát triển nhanh và bền vững, chuyển đổi số cần phải trở thành một điều kiện mang tính tất yếu.

Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Theo đó, chương trình chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra không chỉ trong khu vực mà còn tự tin, bình đẳng đi ra toàn cầu để hội nhập quốc tế ở bất cứ lĩnh vực nào. Theo Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2020 đến 2025, chương trình chuyển đổi số quốc gia tập trung vào ba nội dung: 1- Phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động; 2- Phát triển kinh tế số; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; 3- Phát triển hạ tầng số, thu hẹp khoảng cách số. Chương trình cũng nêu ra các chỉ tiêu cụ thể: 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, gồm cả thiết bị di động. 90% hồ sơ công việc tại cấp bộ, cấp tỉnh; 80% công việc tại cấp huyện và 60% công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. 100% cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử. Việt Nam thuộc nhóm 70 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI). Kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP. Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh, thuộc nhóm 35 nước dẫn đầu về đổi mới sáng tạo (GII). Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình. 100% xã phổ cập dịch vụ mạng di động 4G, 5G và điện thoại di động thông minh; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%.

Trước những thời cơ và thách thức của bối cảnh mới, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, tháng 1/2021, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặt ra yêu cầu "Phát triển mạnh khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Thực hiện chuyển đổi số trong quản trị quốc gia, quản lý nhà nước, sản xuất, kinh doanh tổ chức xã hội... Ứng dụng và phát triển công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, in 3D, Internet kết nối vạn vật, an ninh mạng, năng lượng sạch, công nghệ môi trường để chuyển đổi, nâng cao năng suất, hiệu quả của nền kinh tế"[1]. Ngày 24/11/2021, phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ để chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là "Xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư"[2].

Thời gian qua, quá trình chuyển đổi số đã tác động trực tiếp, tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong việc xây dựng văn hóa công vụ ở Việt Nam. Nội dung của văn hóa công vụ đã được quy định khá đầy đủ, chi tiết tại khoản 4, Điều 1, Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ. Đó là những quy định có tính chuẩn mực về tinh thần, thái độ làm việc, chuẩn mực giao tiếp, ứng xử đạo đức, lối sống, trang phục của cán bộ, công chức, viên chức. Bằng việc chuyển đổi số, chúng ta thấy quá trình thực hiện nhiệm vụ công vụ của đa số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nhanh hơn, chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn một cách rõ nét. Cùng với việc thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030, các thủ tục hành chính đã được cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chuyển hóa từ nhận thức tới hành động, giảm đáng kể thời gian mà người dân và doanh nghiệp phải chờ đợi, giảm đáng kể sự phiền hà, nhũng nhiễu theo kiểu "hành là chính" vốn là một căn bệnh trầm trọng của một bộ phận những người thực thi công vụ. Với việc nhận văn bản điện tử, xử lý hồ sơ trên môi trường điện tử, hồ sơ số, chữ ký số... các tổ chức, cá nhân nhiều khi không cần phải trực tiếp đến các cơ quan công quyền “ ăn chực nằm chờ” mà mục đích vẫn đạt được, kết quả lại có nhanh, hạn chế hiện tượng xin - cho, gây khó dễ, hiện tượng cái gì cũng phải bôi trơn bằng "phong bì" và tham nhũng vặt. Thực hiện chuyển đổi số giúp cho cán bộ, công chức, viên chức - với vị trí, vai trò là trung tâm của chuyển đổi số - chịu khó học tin học, ngoại ngữ để nâng cao trình độ, làm việc chuyên nghiệp hơn, năng động, sáng tạo hơn. Lấy một ví dụ rất cụ thể, hệ thống camera trên các tuyến giao thông quan trọng giúp cho việc xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về giao thông chính xác, giảm bớt khá nhiều tiêu cực trong lực lượng chức năng thực thi công vụ.

 Tuy nhiên, với thời gian triển khai chuyển đổi số chưa lâu nên ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều cơ quan, tổ chức vẫn còn nhiều vấn đề bất cập trong việc thúc đẩy sự phát triển của văn hóa công vụ. Rõ nhất là do hạ tầng số của nhiều cơ quan, đơn vị còn hạn chế nên không phải lúc nào và ở đâu các công việc của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cũng được xử lý trên môi trường mạng. Hồ sơ, giấy tờ kiểu cũ cùng với thói quen làm việc nửa hiện đại nửa thủ công vẫn tồn tại khá phổ biến khiến cho trong tổ chức bộ máy của nhiều cơ quan, tổ chức, nhân sự thiếu vẫn thiếu, thừa vẫn thừa. Thiếu người giỏi thực sự nhưng lại thừa không ít người làng nhàng. Cơ chế một cửa và một cửa liên thông được quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ nhiều khi còn chậm dẫn đến hiện tượng thiếu minh bạch, thiếu chuyên nghiệp. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người lao động năng lực chuyên môn nghiệp vụ hạn chế, chưa theo kịp quá trình chuyển đổi số...

Chúng ta đều biết, văn hóa công cụ là văn hóa của tổ chức, của cơ quan công quyền dựa trên các giá trị, các chuẩn mực chung, tạo nên bản sắc của một nền công vụ. Giá trị cao nhất của văn hoá công vụ Việt Nam là phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội. Chuyển đổi số cũng nhằm đến xây dựng giá trị này. Vì vậy, để đạt được mục tiêu nêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 20230 theo Quyết định số 749/QGG-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hơn bao giờ hết, chuyển đổi số và xây dựng, phát triển văn hóa công vụ phải gắn bó hữu cơ với nhau. Thời gian tới chúng tôi đề nghị thực hiện tốt một số giải pháp sau đây:

Một là, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với quản trị quốc gia, đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của mỗi địa phương nói chung, đối với xây dựng và phát triển văn hóa công vụ nói riêng. Đây là công việc không dễ dàng một sớm một chiều có thể thành công ngay, bởi phải làm chuyển biến nhận thức và thói quen đã ăn sâu vào tư duy của không ít người,  nên cán bộ, công chức, viên chức phải có niềm tin, có tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc được giao, kiên trì, bền bỉ tự học, tự rèn luyện, nâng cao trình độ về tin học, ngoại ngữ để làm chủ được công nghệ thông tin. Nếu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm chủ được công nghệ thông tin và có tinh thần thái độ làm việc tận tụy, hết mình vì việc chung, "Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân ta phải hết sức tránh" (Hồ Chí Minh) thì chúng ta sẽ tháo gỡ được điểm nghẽn trong chuyển đổi số, đồng thời tạo ra tiền đề để xây dựng và hoàn thiện đạo đức công vụ nói riêng, văn hoá công vụ nói chung.

Hai là, tập trung xây dựng văn hóa số trong thực thi công vụ. Trong môi trường số, những quy tắc, chuẩn mực đạo đức, phương thức ứng xử... cũng có nét riêng, hướng đến sự công khai, minh bạch, trong lành về thông tin, hạn chế được hiện tượng “đi đêm”, móc ngoặc, xin - cho tiêu cực giữa người thực thi công vụ và người dân, doanh nghiệp. Môi trường văn hóa thông thường hay môi trường số cũng cần phải lành mạnh, không có sự chi phối bởi cái phi văn hóa, phản văn hóa, để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc thuận lợi, đổi mới và sáng tạo; đồng thời có thể ngăn chặn tình trạng tham nhũng quyền lực, tha hoá, biến chất của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức lợi dụng, làm dụng quyền lực được Nhà nước giao cho.

Ba là, xây dựng hạ tầng số (hạ tầng viễn thông băng rộng, hạ tầng điện toán đám mây...) để tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin giữa Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương với các địa phương (tỉnh, huyện, xã...), đến với mọi người dân và doanh nghiệp. Trong điều kiện hiện nay, trước mắt cần đầu tư có trọng điểm cho các thành phố có nhiều khu công nghiệp lớn, các vùng kinh tế trọng điểm, các địa phương là đầu mối giao thương quốc tế và những địa bàn vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội.

Bốn là, phát triển giáo dục và đào tạo để giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, sinh viên được tiếp xúc, học tập công nghệ thông tin một cách bài bản từ sớm, hình thành những lớp công dân số ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, nhất là trong các trường đại học, cao đẳng, các trường dạy nghề.

Năm là, tiếp tục đẩy nhanh việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Muốn vậy, từ Cổng dịch vụ công quốc gia đến Cổng dịch vụ công của các bộ, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương cần được hiện đại hoá, chuẩn hoá, liên tục cập nhật, đổi mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn, kết nối thuận lợi để đảm bảo mọi giao dịch có thể thực hiện được một cách nhanh chóng, an toàn, hiệu quả tối đa. Theo đó, các quy trình như gửi văn bản, nhận văn bản, xử lý hồ sơ, chữ ký số... sẽ cắt giảm được rất nhiều thủ tục hành chính rườm rà, vừa đảm bảo được an ninh mạng, vừa góp phần giảm nhanh các hiện tượng tiêu cực trong xây dựng văn hóa công vụ ở nước ta hiện nay.

TS. Nguyễn Văn Thắng

Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh



[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.1, tr. 227.

[2]. Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2022, tr. 172.

...